b) Trình tự xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý
2.4.3. Các biện pháp dân sự
Với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp lan tràn mạnh mẽ hiện nay, việc áp dụng những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm đặc biệt là biện pháp dân sự là một trong những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay. Điều này xuất phát từ tính chất mềm dẻo và thiết thực của các biện pháp này. Sở dĩ nói như vậy vì trong các vụ tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp, mức độ tổn thất là rất lớn và việc thực hiện các yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất quan trọng. Các biện pháp dân sự mà Toà án có thể áp dụng để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm bao gồm:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; - Buộc xin lỗi cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật; - Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, những quy định trên của Luật SHTT 2005 là phù hợp với các quy định của pháp luật thế giới. Chẳng hạn như: Tại điều 10ter Công ước Paris nói về công cụ bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đó là quyền yêu cầu Tòa án xét xử. Các nước có trách nhiệm đưa ra các biện pháp cho phép các liên đoàn, hiệp hội đại diện cho quyền lợi của các nhà công nghiệp, các nhà sản xuất hoặc các thương gia, với điều kiện sự tồn tại của của các liên đoàn, hiệp hội đó là không trái với quy định của pháp luật nước họ, được kiện ra tòa án hoặc trước các cơ quan hành chính nhằm mục đích ngăn chặn các hành động vi phạm.
Theo Hiệp định TRIPs, các quy định về thủ tục và chế tài dân sự trong Hiệp định bao gồm các điều khoản về bằng chứng, lệnh của Tòa án, bồi thường thiệt hại và các chế tài khác, trong đó có thẩm quyền của cơ quan xét xử được ra lệnh loại bỏ hoặc tiêu hủy hàng hóa vi phạm quyền SHTT (Mục 2, từ Điều 42-46).
Điều này cũng được ghi nhận tại Điều 11 Chương 2 của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: "Theo quy định cụ thể tại điều này và các điều từ 12 đến 15 của Chương này, mỗi bên quy định trong Luật quốc gia của mình những thủ tục cho phép hành động một cách có hiệu quả chống lại việc xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chương này. Các thủ tục đó bao gồm các biện pháp kịp thời để ngăn chặn xâm phạm và các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa xâm phạm. Mỗi bên áp dụng các thủ tục thực thi quyền theo cách thức không gây cản trở đối với hoạt động thương mại chính đáng và có các biện pháp bảo vệ hiệu quả chống sự lạm dụng".
Việc lựa chọn việc giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp nói chung và tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhóm đối tượng là các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ nói riêng sẽ trở thành một trong những biện pháp hữu hiệu nhất đối với chúng ta. Kinh nghiệm của nhiều nước đặc biệt là những nước theo hệ thống luật Anh - Mỹ cho thấy, phần lớn những người yêu cầu thi hành quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu công nghiệp đều sử dụng các thủ tục tố tụng dân sự, một phần bởi tính linh hoạt và mềm dẻo cũng như kỹ thuật và bầu không khí của tố tụng này phù hợp với việc bảo vệ các quyền tài sản cá nhân trong giới kinh doanh. Và quan trọng hơn hết là việc thực hiện quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại vốn là quyền dân sự, việc thực hiện chúng bằng các thủ tục tố tụng dân sự sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn cho những chủ thể có quyền. Thêm vào đó, nếu sử dụng biện pháp khác, chẳng hạn như biện pháp hình sự, yêu cầu về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự là rất cao, trong khi đó việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự thường không đáp ứng được đúng mong muốn của đương sự. Với Việt Nam, khi chúng ta đã tham gia sân chơi rộng lớn là WTO, việc cạnh tranh gay gắt là không tránh khỏi, những tranh chấp liên quan đến SHCN đặc biệt là nhóm các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng cao, do vậy, nhu cầu sử dụng các biện pháp dân sự để thi hành quyền SHCN là biện pháp tích cực và phù hợp hơn cả.