Hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam trước năm 19

Một phần của tài liệu Ngoại giao đa phương của việt nam thời kỳ đổi mới (1986 2006) (Trang 28 - 36)

6. Bố cục khóa luận

1.2.2. Hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam trước năm 19

Ngoại giao đa phương là một trong những phương thức phổ biến của nền ngoại giao hiện đại. Nó khẳng định vị trí cũng như tầm ảnh hưởng quan trọng của mình trong quan hệ quốc tế với tư cách là một công cụ hữu ích của các chủ thể để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Nghiên cứu về ngoại giao đa phương có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, nhưng dù cách đặt vấn đề như thế nào thì ngoại giao đa phương vẫn luôn là một hình thức hoạt động ngoại giao trong đó có sự tham gia của ba chủ thể quan hệ quốc tế (chủ yếu là quốc gia – dân tộc) trở lên vào quá trình đàm phán, thương lượng, ra quyết sách trong cùng một thời điểm và đáp ứng nhiều đòi hỏi khác nhau trước một vấn đề cụ thể.

Cũng như lịch sử ngoại giao thế giới, ở Việt Nam hoạt động ngoại giao đa phương ra đời muộn hơn ngoại giao song phương. Lần đầu tiên Việt Nam cử đoàn đại biểu tham dự hội nghị quốc tế là Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Từ sau năm 1954 đến năm 2006, hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam

có thể chia làm 3 thời kỳ chính: Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1954 – 1975); thời kỳ hậu chiến (1975 – 1985) và thời kỳ đổi mới (1986 – 2006).

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

Do điều kiện chiến tranh nên chưa có nhiều hoạt động ngoại giao đa phương. Sự kiện đánh dấu Việt Nam tham gia hoạt động đa phương quốc tế là dự Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Đông Dương với 9 bên tham dự (Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia). Hội nghị Giơnevơ bắt đầu từ ngày 8 – 5, kết thúc ngày 21 – 7 – 1954, trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp. Đoàn đại biểu VNDCCH tham dự hội nghị do Phó Thủ tướng, quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Cuộc đàm phán đa phương diễn ra gay gắt vì lập trường các bên đối lập nhau, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận quyền độc lập của 3 nước Đông Dương. Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Hiệp định là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đàm phán quốc tế đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tạo nên một cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh sau này, đặc biệt là trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Tiếp đó, trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam tham dự cuộc đàm phán đa phương thứ hai - Hội nghị Paris. Hội nghị Paris về Việt Nam gồm hai cuộc hội nghị kế tiếp nhau. Hội nghị hai bên giữa VNDCCH và Mỹ, từ 13 – 5 – 1968 đến 1 – 11 – 1968. Hội nghị 4 bên giữa VNDCCH, Mỹ, Đoàn Mặt trận và Việt Nam Cộng hòa (tức chính quyền Sài Gòn) từ 25 – 1 – 1969 đến 27 – 1 – 1973. Hội nghị kết thúc bằng việc ta buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris. Hiệp định đã được Hội nghị quốc tế gồm Bộ trưởng Ngoại giao 12 nước Ký định ước vào

ngày 2 – 3 – 1973 thừa nhận. 12 nước bao gồm 4 Bộ trưởng ký Hiệp định Paris, 5 nước Hội đồng bảo an LHQ, 4 nước trong Ủy ban quốc tế Kiểm soát và giám sát (có 1 nước trùng là Mỹ), với sự hiện diện của Tổng thư ký LHQ.

Thời kỳ 1975 - 1985

Trong thời kỳ hậu chiến, hoạt động ngoại giao đa phương sôi động nhất là việc chúng ta tham gia các hội nghị của 3 nước Đông Dương về vấn đề Campuchia và các hoạt động tại LHQ, Phong trào không liên kết…Bên cạnh đó hoạt động ngoại giao đa phương của chúng ta còn được thực hiện tại các tổ chức của cộng đồng XHCN, chủ yếu tại Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Cùng với hoạt động ngoại giao đa phương chính thức, chúng ta đã triển khai rất nhiều các hoạt động ngoại giao đa phương tại các diễn đàn nhân dân như các tổ chức hòa bình hữu nghị, các tổ chức đoàn kết Á – Phi – Mỹ Latinh… nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ đối với cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do thống nhất và xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, ở thời kỳ trước đổi mới, Việt Nam chưa có nhiều hoạt động ngoại giao đa phương và chưa đi vào chiều sâu. Hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam thời kỳ này gặp nhiều hạn chế do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bao vây, cấm vận và hạn chế của điều kiện khu vực và quốc tế, Việt Nam có ít cơ hội để tham gia vào các diễn đàn, tổ chức đa phương trong khu vực và trên thế giới. Nhưng hoạt động ngoại giao đa phương thời kỳ trước đổi mới là tiền đề quan trọng cho việc đề ra chính sách và thúc đẩy hoạt động ngoại giao đa phương phù hợp với hoàn cảnh mới của thế giới và trong nước.

1.2.3. Chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986 – 2006)

Chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy đối ngoại, đường lối đối ngoại để phục vụ tốt nhất các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12 – 1986 đã chỉ ra “nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực đối ngoại là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này thì điều đầu tiên Việt Nam cần làm là thiết lập mạng lưới quan hệ sâu và rộng, đa dạng. Có như thế Việt Nam mới có thể khai thác được tốt nhất, nhiều nhất “sức mạnh thời đại” để có thể kết hợp với “sức mạnh dân tộc”, nâng cao sức mạnh dân tộc phục vụ mục tiêu của cách mạng. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (5 – 1988) là bước ngoặt trong đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam. Nghị quyết đã đề ra biện pháp cụ thể để xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho Việt Nam là “thêm bạn, bớt thù”. Mục tiêu của khẩu hiệu này là bình thường hóa quan hệ của Việt Nam với tất cả các nước đã từng có quan hệ không tốt với Việt Nam, mà trước hết là các nước láng giềng trong khu vực.

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, tình hình thế giới có những biến chuyển lớn với xu thế chủ đạo là hòa bình, hợp tác và phát triển. Các nước vừa và nhỏ điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng độc lập, đa dạng hóa, đa phương hóa và ngày càng phát huy vai trò của mình trong các vấn đề khu vực. Tháng 6 – 1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã đề ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng”. Cương lĩnh đã đưa ra chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” [5, Tr.88]. Đại hội VII đã nâng phương châm “thêm bạn, bớt thù” lên một mức cao hơn với tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” [5, Tr.147].

Sau Đại hội VII, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến vô cùng nhanh và phức tạp. hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, so sánh lực lượng trên thế giới ngả theo hướng có lợi cho lực lượng tư bản chủ nghĩa,

Việt Nam hoạt động đối ngoại theo nguyên tắc “giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và CNXH; đồng thời phải sáng tạo, năng động, linh hoạt phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng ta có quan hệ” [12, Tr.13]. Trong tình hình đó, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (tháng 6 – 1992) đã xác định bốn phương châm xử lý trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam:

Đảm bảo lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân;

Giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại;

Nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế;

Tích cực tham gia hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt các nước lớn, các trung tâm kinh tế lớn. [11, Tr.13]

Những phương châm xử lý này cho thấy Việt Nam đã chú trọng đến ngoại giao đa phương và có những định hướng cụ thể trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế khi mở rộng quan hệ theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa.

Trên cơ sở những chủ trương đã đề ra cùng với những thành tựu đạt được, Đại hội Đảng lần thứ VIII (tháng 6 – 1996) đã chính thức nâng chính sách thành đường lối đối ngoại nhất quán là “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” [6, Tr.120]. Đại hội khẳng định rõ hơn quan điểm đối ngoại đối với các đối tác cụ thể với nhiều hình thức hợp tác, trong đó tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN, không ngừng củng cố mối quan hệ bạn bè truyền thống, coi trọng quan hệ với các nước phát triển và các trung tâm kinh tế - chính trị trên thế

giới, đồng thời luôn nâng cao tinh thần đoàn kết với các nước đang phát triển ở châu Á, Mỹ Latinh, Phong trào không liên kết… Tham gia tích cực và đóng góp cho hoạt động của LHQ, các tổ chức và diễn đàn quốc tế cũng như phát triển quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cầm quyền và các đảng khác, các lực lượng cách mạng, độc lập dân tộc và tiến bộ; mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân…

Đặc biệt Đại hội VIII lần đầu tiên nhấn mạnh: Tăng cường quan hệ với các tổ chức của LHQ và các tổ chức quốc tế khác. Tích cực hoạt động ở các diễn đàn quốc tế, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu” [6, Tr.42].

Như vậy, trước những thay đổi của tình hình Việt Nam cũng như trên thế giới, Việt Nam đã có những chuyển biến trong nhận thức và triển khai những phương pháp thực hiện lợi ích quốc gia. Việt Nam chú trọng cả ngoại giao song phương và đa phương, tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế. Cho tới Đại hội IX của Đảng (tháng 4 – 2001), Đảng ta vẫn khẳng định “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” [8, Tr.42].

Sau 20 năm thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới, từ nhận thức đúng đắn về xu thế đa phương hóa, đa dạng hóa, mở của hội nhập khu vực và quốc tế, Đảng ta đã xác định rõ chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế trên tinh thần chủ động và tích cực. Đặc biệt, Đại hội X của Đảng (tháng 4 – 2006) không chỉ khẳng định “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” mà còn phân tích và chỉ rõ những cơ hội và thách thức; quan điểm đa phương, đa dạng các mối quan hệ, hội nhập khu vực và quốc tế trên tinh thần chủ động và tích cực; cũng như đề ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

Đường lối này hoàn toàn phù hợp với những xu thế phát triển trong quan hệ quốc tế hiện nay, nhất là khi xu thế đa phương, đa dạng các mối quan hệ, hội nhập khu vực và quốc tế đang trở thành một xu thế nổi trội trong các mối quan hệ quốc tế. Trên cơ sở đường lối chỉ đạo của Đảng về ngoại giao đa phương, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới đối ngoại đến 2006, Việt Nam đã thực hiện chính sách ngoại giao đa phương một cách hợp lý và có những kết quả nhất định.

Tiểu kết chương 1

Ngoại giao đa phương Việt Nam thời kỳ đổi mới chịu tác động mạnh mẽ của yếu tố trong nước và quốc tế. Tình hình đó đã đặt ra cho Việt Nam hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu: Giải tỏa tình trạng đối đầu, thù địch, phá thế bị bao vây, cấm vận, tiến tới bình thường hóa và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung xây dựng kinh tế là nhu cầu cần thiết và cấp bách đối với nước ta; Chống tụt hậu về kinh tế, phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới toàn diện cả về đối nội và đối ngoại. Cùng với đó hoạt động ngoại giao đa phương trước đổi mới là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra chính sách ngoại giao đa phương vào nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Chính sách đó cùng với nỗ lực của Việt Nam đã đưa ngoại giao đa phương Việt Nam đổi mới gặt hái được nhiều thành công, tạo ra thế và lực cho đất nước, đồng thời tạo ra những triển vọng mới đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chương 2

HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO ĐA PHƯƠNG CỦA VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1986 – 2006)

Một phần của tài liệu Ngoại giao đa phương của việt nam thời kỳ đổi mới (1986 2006) (Trang 28 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)