Tiến trình Việt Nam gia nhập APEC

Một phần của tài liệu Ngoại giao đa phương của việt nam thời kỳ đổi mới (1986 2006) (Trang 56 - 60)

6. Bố cục khóa luận

2.4.1. Tiến trình Việt Nam gia nhập APEC

Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những điểm mới trong nhận định về tình hình và xu thế phát triển trong khu vực: “Châu Á –Thái Bình Dương là một trung tâm đấu tranh gay gắt giữa cách mạng và phản cách mạng, đồng thời ở khu vực này, quan hệ giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau cũng ở trong xu thế chung là đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình” [3, Tr.37]. Sự phát triển của Việt Nam phụ thuộc một phần quan trọng vào việc mở rộng hợp tác với bên ngoài, đặc biệt là hợp tác với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Từ sau Đại hội VII, cùng với việc xác định quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương là định hướng đối ngoại quan trọng của Việt Nam, Đảng đã đề ra chủ trương gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó nhấn mạnh vấn đề gia nhập các tổ chức ở châu Á – Thái Bình Dương. Việc gia nhập ASEAN là bước đầu, là cầu nối để Việt Nam hội nhập với khu vực này. Mặt khác, việc triển khai hoạt động đối ngoại song phương trong những năm đầu của thập kỷ 1990 nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước lớn trong khu vực, đã cho thấy Việt

Nam thực sự mong muốn hội nhập với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bước đầu là bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc năm 1991, nối lại quan hệ với Mỹ 1991, khai thông và mở rộng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đánh dấu bằng chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Taro Nakayama vào tháng 5 – 1991. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ trương mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong khu vực như Niu-di-lân, Canada, Úc, hàn Quốc…,hội nhập của Việt Nam vào ASEAN.

Đến năm 1995, quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên APEC đã được xác lập và đến lúc này phần lớn các nước đều bày tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam gia nhập APEC. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam tham gia APEC.

Bước sang đầu năm 1996, sau quá trình tìm hiểu về tổ chức APEC, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế được nâng cao, đồng thời chúng ta có những hiểu biết và học hỏi được kinh nghiệm của một số nước trong vấn đề hội nhập. Mặt khác, các điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muổi cho việc Việt Nam gia nhập APEC. Ngày 15 – 4 – 1996, Ban Cán sự Đảng bộ Thương mại trình Bộ Chính trị văn bản số 64/BCS về việc nước ta gia nhập APEC. Ngày 14 – 6 – 1996, Bộ Chính trị trả lời đồng ý với đề nghị của Ban Cán sự Đảng bộ Thương mại.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại phối hợp nghiên cứu khả năng tham gia APEC của Việt Nam.

Ngày 15 – 6 – 1996, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gửi đơn xin gia nhập APEC tới Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Phi-líp-pin(nước đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm 1996). Tháng 8 – 1996, theo yêu cầu của APEC, Việt Nam gửi đến tổ chức này “Bản ghi nhớ về hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam” (Aide Memoire). Trong thời gian chờ

quyết định chính thức kết nạp Việt Nam, ta cũng đã xin tham gia 3 Nhóm Công tác để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức. Ngày 25 – 4 – 1997, Việt Nam gửi đơn xin tham gia với tư cách khách mời vào Nhóm Công tác về Xúc tiến Thương mại; Nhóm Công tác về Khoa học và Công nghệ Công nghiệp; và Nhóm Chuyên gia về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp của APEC. Đây là những Nhóm mà ta có khả năng đóng góp, đồng thời có thể đem lại những lợi ích cụ thể cho ta.

Để chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập APEC nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VIII (29 – 12 – 1997) đã đề ra những chủ trương và giải pháp lớn thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và điều chỉnh cơ cấu đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về các đối tác quan hệ cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán Hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO [7, Tr.60].Như vậy, Nghị quyết đã đề ra các chủ trương và hệ thống giải pháp đồng bộ nhăm xây dựng phát huy nội lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hội nhập.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục tăng cường, mở rộng quan hệ với các thành viên APEC trên các lĩnh vực, đồng thời vận động các nước này tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập APEC.

Về phía APEC, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế của APEC họp tại Manila (Phi-líp-pin) vào tháng 11 – 1996, đề nghị của Thủ tướng Malaysia về việc kết nạp Việt Nam và Cộng hòa Pêru vào APEC đã được chấp nhận.

Tháng 11 – 1997, Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ năm họp ở Vancouver (Canada) đã quyết định kết nạp Việt Nam, Liên Bang Nga và Cộng hòa Pêru làm thành viên chính thức của APEC vào tháng 11 – 1998.

Việt Nam đã tích cực xúc tiến công tác chuẩn bị cho hội nhập. Ngày 10 – 2 – 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định thành lập Ủy ban quốc gia

về Hợp tác kinh tế Quốc tế do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm làm Chủ tịch, nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế thế giới nói chung và quá trình gia nhập APEC của Việt Nam nói riêng.

Tháng 10 – 1998, ta đã hoàn thành Chương trình hành động quốc gia (IAP) và nộp cho APEC, sau đó hàng năm chúng ta tiếp tục nâng cấp và cụ thể hóa hơn các cam kết đưa ra trong IAP. Cam kết và thực hiện IAP của Việt Nam được đánh giá là nghiêm túc nhất trong số các thành viên mới gia nhập.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng APEC ngày 14 và 15 – 11 – 1998 (Kuala Lampur, Malaysia), Việt Nam được kết nạp làm thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 17, 18 – 11 – 1998, đoàn đại biểu nước ta do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ sáu với tư cách nước thành viên chính thức của APEC.

Việc trở thành thành viên chính thức của APEC là một bước đi sâu hơn vào con đường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện điện hoá đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. APEC đã đóng vai trò quan trọng duy trì quá trình tự do hoá và tạo thuận lợi hoá cho dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực. Thị trường APEC cũng đang tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI và gia tăng khối lượng thương mại với các đối tác trong APEC. APEC cũng chính là điều kiện để Việt Nam khẳng định quá trình hội nhập kinh tế đầy đủ của mình. Việt Nam có nhiều đối tác lớn trong APEC như các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga. Thị trường APEC có tiềm năng rất lớn đối với Việt Nam, chiếm khoảng 80% kim ngạch buôn bán, 75% vốn đầu tư nước ngoài và trên 50% nguồn viện trợ phát triển (ODA).

Quán triệt chủ trương “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo

đảm độc lập, tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường” [8, Tr.120], ngay sau khi gia nhập APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều chương trình, dự án hợp tác của APEC, tranh thủ được sự hỗ trợ và giúp đỡ to lớn về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Một phần của tài liệu Ngoại giao đa phương của việt nam thời kỳ đổi mới (1986 2006) (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)