6. Bố cục khóa luận
2.2.1. Tiến trình Việt Nam gia nhập ASEAN
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á được thành lập ngày 8 – 8 – 1967 bởi Tuyên bố Băng-cốc, Thái Lan, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực.
Những năm 1960 khi cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đang ở cao trào và có sự tham gia (trực tiếp hay gián tiếp) của một số nước ASEAN, hai bên hầu như không có quan hệ với nhau (trừ mối quan hệ giữa VNDCCH và Indonesia).
Vào những năm 1970, quan hệ Việt Nam - ASEAN đã dần được thiết lập và phát triển cùng với thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Có thểnói trong thời gian 1976 -1978 là bước khởi đầu tốt đẹp của quan hệ giữa ta và các nước ASEAN. Chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với khu vực Đông Nam Á lần đầu tiên được thể hiện trong chính sách 4 điểm được đưa ra năm 1976, trong đó nêu lên những nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á. Trong các năm 1977, 1978 quan hệ song phương của Việt Nam với từng nước ASEAN đã phát triển, đặc biệt qua chuyến thăm các nước ASEAN của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng. Có thể nói trong thời kỳ này quan hệ Việt Nam với các nước ASEAN phát triển tốt đẹp hơn so với thời kỳ trước.
Bước sang giai đoạn 1979 – 1988, các sự kiện tiếp theo liên quan đến Campuchia đã làm quan hệ hai bên trở nên xấu đi, thậm chí đối đầu, quan
hệ song phương của Việt Nam với từng nước ASEAN giảm xuống mức thấp nhất.
Giai đoạn 1988 – 1991, quan hệ Việt Nam – ASEAN có những chuyển biến tích cực. Với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, trở ngại trong quan hệ hai bên dần được dỡ bỏ. Các nước ASEAN bắt đầu phát triển quan hệ song phương với Việt Nam và hoan nghênh việc Việt Nam tham gia vào hợp tác khu vực.
Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 đã khẳng định chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, trong đó nhấn mạnh việc “phát triển quan hệ hữu nghị với các nước Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, phấn đấu cho một Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị và hợp tác” [2].
Thực hiện chủ trương trên, cuối năm 1991 đến giữa năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lần lượt đi thăm tất cả các nước ASEAN để thúc đẩy quan hệ song phương (Indonexia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Brunei). Kể từ đó, quan hệ Việt Nam với từng nước ASEAN đã phát triển nhanh chóng. Chỉ trong 2 năm Việt Nam đã ký với các nước này gần 40 hiệp định các loại làm cơ sở pháp lý cho các mối quan hệ hợp tác đang ngày càng rộng mở. Các quan hệ kinh tế và thương mại cũng phát triển nhanh chóng.
Để tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự tham gia của Việt Nam vào quá trình hợp tác khu vực, nhất là vào ASEAN, từ tháng 2 – 1993, Việt Nam đã tuyên bố “sẵn sàng tham gia ASEAN vào thời điểm thích hợp”. Điều này đã được các nước ASEAN, dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao. Đáp lại, các nước ASEAN tuyên bố “muốn Việt Nam sớm gia nhập ASEAN”. Với những phát triển ngày càng tích cực và thuận lợi trong quan hệ Việt Nam và ASEAN, cả về song phương và đa phương. Tháng 4 – 1994 trong chuyến đi thăm chính thức Indonexia, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã tuyên bố: “Cùng
với sự hỗ trợ tích cực của ASEAN, Việt Nam đang xúc tiến các công việc chuẩn bị thiết thực sớm trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN”. Tuyên bố này thể hiện thái độ tích cực và chân thành của Việt Nam trong việc gia nhập ASEAN.
Như vậy, sau một quá trình từng bước tăng cường quan hệ song phương với từng nước cũng như với cả tổ chức ASEAN, đến tháng 7 – 1994 việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã đạt được sự nhất trí từ hai phía.
Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28 – 7 – 1995 tại Brunei. Với việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, quan hệ Việt Nam – ASEAN giờ đây đã bước sang một chương mới: quan hệ giữa các nước thành viên của tổ chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Việt Nam gia nhập ASEAN là một sự phát triển quan trọng ở khu vực, chấm dứt hơn nửa thế kỷ Đông Nam Á bị chia ra làm hai trận tuyến đối địch nhau, mở ra một thời kỳ mới trong khu vực, thời kỳ các bên tăng cường hợp tác phát triển, vì lợi ích của mỗi bên và vì lợi ích chung của toàn khu vực.