Khả năng vận dụng lý thuyết Markowitz trên TTCK Việt Nam

Một phần của tài liệu Vận dụng lý thuyết markowitz để xây dựng danh mục đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 56 - 57)

7. Những đóng góp của đề tài

2.3. Khả năng vận dụng lý thuyết Markowitz trên TTCK Việt Nam

Mô hình Markowitz được phát triển dựa trên các khái niệm như lợi nhuận kỳ vọng, phương sai kỳ vọng... Điều đó có nghĩa là chúng ta phải dự kiến được các kịch bản có thể xảy ra đối với lợi nhuận của các chứng khoán trong tương lai và xác định xác suất xảy ra các kịch bản này. Tuy nhiên ngay cả tại các TTCK phát triển, việc dự kiến các kịch bản xảy ra cũng như dự kiến xác suất xảy ra là một việc làm khó khăn, đồng thời có mức độ tin cậy không cao. Chính vì vậy, sử dụng dữ liệu quá khứ vẫn là phương pháp thường được sử dụng nhất. Khi đó các thông số như lợi nhuận trung bình, phương sai, hiệp phương sai... được ước lượng từ dữ liệu quá khứ và người ta coi các dữ liệu quá khứ này như lợi nhuận kỳ vọng, phương sai kỳ vọng, hiệp phương sai kỳ vọng... Như vậy điều kiện quan trọng nhất để áp dụng mô hình này là phải có đủ dữ liệu quá khứ, dữ liệu được thu thập trong thời gian càng dài mô hình càng đáng tin cậy.

Số lượng chứng khoán hiệu quả

Đề có một danh mục chứng khoán tối ưu, đạt được lợi ích của việc đa dạng hóa, một số nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra kết luận sau:

-Nghiên cứu của John L. Evans và Stephen H. Archer với tựa đề là “Diversification And The Reduction Of Dispersion: An Empirical Analysis”, hai ông rút ra kết luận là với một danh mục xấp xỉ khoảng 10 cổ phiếu là đạt được lợi ích biên của việc đa dạng hóa.

-Nghiên cứu của Henry A. Latané và William E. Young về những tiêu chuẩn của việc xây dựng một DMĐT “Test Of Porfolio Of Building Rules”, có kết

luận rằng 85 – 95% lợi ích khả dĩ từ việc đa dạng hóa có thể được với một danh mục từ 8 đến 16 loại cổ phiếu khác nhau.

-Nghiên cứu của W. H. Wagner và S. C. Lau “The Effect Of diversification On Risk”, đã đi đến kết luận là với một danh mục có từ 15 đến 20 loại cổ phiếu khác nhau thì có thể làm giảm độ lệch chuẩn của danh mục từ 42 – 44% so với danh mục chỉ có một loại cổ phiếu.

Như vậy, chúng ta có thể rút ra một nhận định và đồng thời cũng là một giả thuyết cần cho nghiên cứu này. Đó là “Trong DMĐT chỉ cần có 10 đến 20 loại cổ phiếu là đủ để đạt được mục đích của việc đa dạng hóa, mang lại hiệu quả tối ưu”.

Khả năng và phương pháp thu thập dữ liệu

TTCK Việt Nam ra đời được hơn 10 năm, đến nay đã có dữ liệu về giá của 310 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết tại HOSE, 377 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết tại HNX cùng với chỉ số VN-Index (có dữ liệu từ 28/07/2000). Căn cứ vào thời hạn đầu tư, có thể tổ chức dữ liệu theo các thời kỳ khác nhau như 1 năm, 6 tháng, 1 quý, 1 tháng hoặc thậm chí là theo tuần. Để mô hình đáng tin cậy phải quan sát ít nhất dữ liệu của 15 – 20 thời kỳ trong quá khứ. Như vậy, nếu tổ chức dữ liệu theo quý các cổ phiếu phải có dữ liệu ít nhất trong vòng 3 – 4 năm, nếu tổ chức dữ liệu theo tháng các cổ phiếu phải có dữ liệu ít nhất trong vòng 2 năm. Đồng thời, để việc ước lượng được chính xác, loại bỏ ảnh hưởng của các giai đoạn tăng giảm cá biệt, các cổ phiếu này phải cùng trải qua các giai đoạn tăng giảm biến động của thị trường trong thời gian gần đây nhất. Do vậy, phù hợp nhất là lựa chọn thời hạn đầu tư theo tháng và tổ chức dữ liệu theo tháng trong thời gian 4 năm gần đây nhất: từ 01/01/2011 đến 31/12/2014, các dữ liệu sẽ được cập nhật từ trang web cophieu68.vn. Với cách tổ chức dữ liệu như trên, ta hoàn toàn có đủ nguồn dữ liệu để có thể ứng dụng mô hình Markowitz và các lý thuyết đầu tư hiện đại tại TTCK Việt Nam.

Một phần của tài liệu Vận dụng lý thuyết markowitz để xây dựng danh mục đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 56 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)