Chiến lược của TrungQuốc tại Tiểu vùng sông Mê Công

Một phần của tài liệu trung quốc tham gia hợp tác tiểu vùng sông mê công mở rộng 2002 2012 (Trang 38 - 42)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.1. Chiến lược của TrungQuốc tại Tiểu vùng sông Mê Công

Hiện nay, Trung Quốc đã thực sự cất cánh trở thành một siêu cường của thế giới. Vào năm 1978, GDP của Mỹ gấp 4,34 lần GDP của Trung Quốc nhưng đến năm 1995 chỉ còn gấp 1,92 lần. GDP của Trung Quốc từ 1978 – 2001 tăng bình quân là 9,3% mỗi năm, GDP bình quân theo đầu người là 8,1%. Các tổ chức quốc tế đã dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới của Trung Quốc đến năm 2020 GDP sẽ tăng từ 2.65 lần – 4lần. Và thực

37

tế trong hai năm 2011 – 2012, tỉ lệ tăng trưởng GDP hàng năm bình quân là 6,3 - 7,3 %, GDP bình quân theo đầu người là 5,8 – 6,8 % [5, tr.28 - 30].

Bước vào thế kỉ XXI, toàn cầu hóa kinh tế chẳng những đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa kinh tế mà còn gia tăng tính cạnh tranh giữa các quốc gia về tài nguyên chiến lược và sức mạnh tổng hợp. Để có thể đối chọi lại với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc đang có những bước đi nhanh chóng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nhiều khu vực khác trên thế giới. Để đứng vững được ở khu vực này Trung Quốc đang có những suy tính chiến lược đối ngoại, nhất là đối với khu vực Đông Nam Á và Tiểu vùng sông Mê Công – hàng rào che chắn và thông ra biển của miền Tây Nam Trung Quốc. Đối với Đông Nam Á, Trung Quốc coi khu vực này là lực lượng trung gian, là cái máy cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, tránh để họ ngã theo Mỹ về mặt chiến lược, đồng thời bảo vệ hòa bình và ổn định ở xung quanh Trung Quốc.

Năm 1985, tạp chí “Beijing Review” của nhà nước Trung Quốc đăng tải một ý kiến chuyên gia đề cập tới vấn đề Trung Quốc cần thực hiện giải pháp nào để phát triển các tỉnh phía Tây bao quanh bởi đất liền, trong đó có tỉnh Vân Nam nơi sông Mê Công chảy qua trước khi đổ vào Đông Nam Á. Ý tưởng đó được đưa ra là một kế hoạch kép: đổ nguồn lực nội địa vào khu vực để thực hiện chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh và tạo ra những mối liên hệ xuyên biên giới với các nước bao quanh Vân Nam, đầu tiên là Mianma – quốc gia duy nhất ở thời điểm đó Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp và ổn định. Mục tiêu mở ra mặt trận phát triển tại phía Tây độc lập với các tỉnh duyên hải phía Đông [75,tr.4].

Vào những năm của thập niên 80, Trung Quốc đã thay đổi chính sách đối ngoại của mình đối với các nước Đông Nam Á, khởi động là “chính sách láng giềng tốt”. Bắc Kinh cho rằng thế giới đã trở nên ít thù địch hơn và bắt đầu tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế trong chính sách đối ngoại của mình. Với bối cảnh quốc tế thuận lợi, cùng mối quan hệ hòa bình với các nước láng giềng phía Nam làm cho sự quan tâm và tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực sông Mê Công nổi lên. Cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ (nhiệm kì 1998 - 2003) đặc biệt chủ động trong các mối quan hệ với các nước hạ nguồn sông Mê Công. Người kế nhiệm ông là Ôn Gia Bảo cùng chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tiếp tục con đường này.

Năm 1991, cuộc xung đột tại Campuchia chấm dứt, đồng thời chiến tranh lạnh ở Đông Nam Á cũng kết thúc. Cũng trong năm này, Ngân hàng ADB khởi động các cuộc đàm phán với các quốc gia dọc sông Mê Công – Trung Quốc, Lào, Mianma, Thái Lan, Campuchia và

38

Việt Nam. Năm 1992, Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng(GMS) được thành lập. Việc thành lập GMS được Trung Quốc nhiệt liệt chào đón bởi Trung Quốc đang thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo các tỉnh Miền Tây. Năm 1999, Trung Quốc phát triển thành “Chiến lược phát triển phía Tây Trung Quốc” (Khai phá miền Tây). Khu vực phía Tây Trung Quốc kém phát triển về kinh tế vì có ít hoạt động công nghiệp, việc không tiếp cận được với biển khiến khu vực này khó có thể phát triển đột phá. Vì thế, Trung Quốc đã thực hiện việc đổ tiền đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển mối quan hệ chính trị hữu hảo với các quốc gia láng giềng phía Nam nhằm có đường thông ra biển ngắn nhất, tìm lối thoát cho miền Tây. Khi Trung Quốc trở thành nước tài trợ, thì nhân tố thứ 3 được đưa vào chiến lược này. Đó là giúp đỡ phát triển các quốc gia ven hạ nguồn để tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh phía Tây và lôi kéo các đồng minh chính trị tại Liên Hợp Quốc. Như thế, Trung Quốc đã sử dụng cơ chế đa phương để gia tăng ảnh hưởng của mình nhằm giải quyết những hậu quả không mong muốn khi chiến tranh lạnh kết thúc, khi đó Mỹ đã nổi lên là một siêu cường duy nhất.

Thực tế, Trung Quốc đã âm thầm sử dụng các tổ chức đa phương để tạo cho mình đòn bẩy trên trường quốc tế. Các tổ chức khu vực như ASEAN đang giúp Trung Quốc duy trì lợi ích chiến lược của mình và dùng tổ chức này để tách ly khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Chính sách phát triển hòa bình và hài hòa lợi ích các bên lại được Trung Quốc đưa ra sau chiến tranh lạnh nhằm thuyết phục lãnh đạo và người dân các nước Đông Nam Á và thế giới tin rằng: Trung Quốc nổi lên một cách hòa bình, có lợi cho tất cả và không đe dọa ai. Trung Quốc đã cố gắng tiếp cận Đông Nam Á bắng các khái niệm chính sách. Trong đó nổi bật là khái niệm “an ninh mới” năm 1997 với chính sách “láng giềng hài hòa” một biến thể của chính sách “ xã hội hài hòa” của Trung Quốc. Trung Quốc thực hiện phương châm coi trọng quan hệ với các nước láng giềng. Lấy các nước láng giềng làm chổ dựa về chính trị, thị trường về kinh tế và bình phong về an ninh. Trung Quốc tiến xuống phía Nam nhằm thực hiện chính sách ngoại giao “thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng, giàu có với láng giềng”.

Trung Quốc hết sức coi trọng Tiểu vùng sông Mê Công. Điều này được làm rõ khi

Sách Trắng của Trung Quốc năm 2002, lần đầu tiên đề cập khu vực Mê Công có vai trò

chiến lược đối với an ninh của Trung Quốc, đặc biệt khi đề cập đến các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và đa quốc gia như sự xuống cấp của môi trường, buôn lậu ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN không chính thức lần thứ 4 ở Xingapo năm 2000 đã tuyên bố: “Trung Quốc sẽ gia

39

tăng nguồn tài chính của mình để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, đặc biệt nâng cấp tuyến đường Côn Minh – Băng Cốc và việc lưu thông tàu bè tại sông Mê Công. Tuyến đường này là nhân tố không thể thiếu của khu vực tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN và Hành lang kinh tế Bắc Nam của của Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và được coi là cầu nối quan trọng giữa các tỉnh miền Tây Trung Quốc với các nước Đông Nam Á” [80,tr.6].

Miền Tây của Trung Quốc bao gồm các tỉnh Cam Túc, Quý Châu, Thanh Hải, Thiểm Tây, Tứ Xuyên và Vân Nam; các vùng tự trị Quảng Tây, Nội Mông, Ninh Hạ, Tây Tạng, Tân Cương và đô thị tự trị Trùng Khánh. Năm 1994, chính phủ Trung Quốc xác định có 592 huyện nghèo tại 21 tỉnh, thành phố và các khu tự trị. Đây là những khu vực đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt bởi vấn đề nghèo đói. Việc hội nhập kinh tế xuyên biên giới có thể coi là sự mở rộng tự nhiên của chiến lược Đại Tây Nam. Theo đó hợp tác quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho chương trình phát triển quốc gia. Cùng với chiến lược Đại Tây Nam là chiến lược vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây. Hai chiến lược này nằm trong chiến lược chung “phát triển ba ven” (ven biên, ven sông, ven biển), đồng thời lại nằm trong chiến lược “một trục hai cánh” của Trung Quốc được đưa ra với mô hình M.

Chiến lược “một trục hai cánh” đã được “Bí thư khu ủy Quảng Tây Lưu Kỳ Bảo nêu lên tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ diễn ra tại Nam Ninh ngày 20 - 7 - 2006. Trong đó, “một trục” là hành hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo, còn “hai cánh” là hình thành hai mảng hợp tác kinh tế khu vực là Hợp tác xuyên Vịnh Bắc Bộ và Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công. Xây dựng một trục hai cánh hình chữ “M”: gồm các nội dung hợp tác kinh tế trên biển (Marine economic co -operation), hợp tác kinh tế trên bộ (Mainlaind economic co - operation), hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công (Mekong sub - region co - operation)” [32, tr.312]. Hiện nay, Quốc vụ viện của Trung Quốc đang giao cho Quảng Tây tích cực triển khai công tác chuẩn bị nhằm hiện thực hóa ý tưởng này. Quảng Tây đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển của Trung Quốc. Từ hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Trung Quốc sẽ tiến xuống biển Đông, tiến về phía Đông đến Thái Bình Dương và tiến về phía Tây đến Ấn Độ Dương. Nếu chiến lược này thành công, trong tương lai Trung Quốc sẽ là một cường quốc biển mạnh nhất.

Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm gần đây. Quốc gia này đang được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”. Nguồn tài nguyên cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của họ là vô cùng lớn, nhất là về năng

40

lượng. Trung Quốc đã nhìn thấy và đang khai thác nguồn “vàng đen” ở biển Đông và nguồn năng lượng ở các nước láng giềng phía Nam.

Tóm lại, tham gia hợp tác tại lưu vực sông Mê Công đã giúp Trung Quốc hoàn thành mục đích trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh truyền thống đến phi truyền thống. Các nước trong lưu vực sông Mê Công là nguồn cung cấp nguyên liệu thô và nguồn thủy điện quan trọng cho Trung Quốc. Đồng thời, đem lại cho Trung Quốc một vùng ảnh hưởng được coi là vùng đệm trung tâm chống lại ảnh hưởng từ Mỹ và các cường quốc khác. Sự nổi lên của Trung Quốc gắn liền với các liên minh bên ngoài và trong lòng các tổ chức đa phương thông qua đó để bảo vệ lợi ích của mình. Khu vực này còn mang lại cho Trung Quốc một thị trường lớn và dễ tính với hàng hóa từ các tỉnh phía Tây Nam của nước này. Ngày nay, tất cả các nguồn tài nguyên đều trở nên quý giá và đều có thể dẫn đến xung đột giữa các quốc gia khi họ có cùng lợi ích chung về tài nguyên như tài nguyên sông Mê Công. Khi nguồn nước trở nên quý giá thì Trung Quốc càng thấy vai trò to lớn của các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Công. Vì thế, Trung Quốc vừa tăng cường mối quan hệ song phương với từng nước vừa củng cố hơn quan hê đa phương tốt đẹp để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Một phần của tài liệu trung quốc tham gia hợp tác tiểu vùng sông mê công mở rộng 2002 2012 (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)