Xây dựng ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn đỗ chu (Trang 108 - 110)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.1. Xây dựng ngoại hình nhân vật

Miêu tả ngoại hình là một trong những thủ pháp quen thuộc để khắc họa nhân vật. Ngoại hình không những giúp người đọc hình dung vẻ ngoài của nhân vật, mà còn đem đến những cảm nhận ban đầu về hoàn cảnh, tính cách nhân vật. Đỗ Chu không chăm chút kỹ lưỡng cho ngoại hình nhân vật mà chỉ phác họa vài nét bên ngoài.

Thông thường, Đỗ Chu miêu tả ngoại hình để thể hiện cá tính nhân vật. Trong Mận trắng, Quang được khắc họa với dáng vóc “mạnh khỏe, cao lớn, mái tóc dày đen nhánh, nước da bóng như màu gỗ mun, râu hùm hàm én”, “đôi mắt long lanh như có lửa và một nụ cười trầm tĩnh” [11, tr.96-97]. Mọi chi tiết đều toát lên vẻ rắn rỏi, cương nghị, điềm tĩnh, gan góc của một tiểu đoàn trưởng có thực tài. Còn Tri, cán bộ chính ủy của trung đoàn,

“mái đầu đã bạc phơ, nếp nhăn in nhằng khắp mặt, tấm áo bộ đội đã sờn rách, hai bả vai trùm hai miếng vá rõ lớn, đường chỉ khâu qua quýt. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn vui, vẫn nhanh. Lạ thế, ngoài sáu mươi rồi mà mắt vẫn là mắt của người còn trai trẻ” [11, tr.71] thể hiện sự từng trải, giản dị, cởi mở, sâu sắc, khiến người khác phải tin cậy, nể trọng.

Nham (Phù sa) vốn mồ côi cha mẹ, đi ở từ bé. Lớn lên, anh nhập ngũ. Khi tái ngũ, anh về sống với bà con làng Hà. Anh xuất hiện với “tiếng cười hồ hởi”, “hai bàn tay chai sần”, “đôi mắt hiền lành và đáng tin cậy”, “giọng nói dịu dàng” [7, tr.7] thể hiện sự xốc vác, gần gũi, thân thiện, dễ mến.

Gia đình những người đi xa, ngoại hình của Thường được miêu tả bằng hai chi tiết

ít ỏi là “đôi mắt quắc thước”, và “những vết sẹo na-pan chạy chằng chịt khắp mặt”. Dù vậy, ta vẫn hình dung được anh là một cán bộ nghiêm khắc, giàu kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu.

Để khắc họa nét trẻ con, tinh nghịch, lém lỉnh của Miên - một chú lính nghĩa vụ chưa đầy một tuổi quân, tuổi đời chưa đến mười tám - nhà văn đã miêu tả khá cặn kẽ “Miên tuy to béo nhưng nét mặt vẫn non choẹt, đôi mắt lúc nào cũng mở to ngơ ngác như chú bê non bị lạc, đôi môi đỏ chót cười chúm chím như con gái; nói luôn mồm, chưa thấy người đã thấy tiếng” [7, tr.37].

Sự nghiêm khắc của San (Người và Quặng) hiện rõ ở “khuôn mặt tưởng chừng hồn nhiên mới thoạt nhìn, nhưng thực ra là rất đăm chiêu, tưởng như dễ dãi thế nào cũng xong, mà hóa ra lại đầy những nguyên tắc, một người thích đòi hỏi ở mình cũng như đòi hỏi ở mọi người xung quanh, đôi khi tỏ ra khó tính tới mức độc đoán nữa là đằng khác” [10, tr.38].

107

Phong thái ung dung, tự tại, luôn điềm tĩnh, vững vàng trước mọi tác động của thời cuộc của ông già viết sớ (Ngày đang trôi) được khắc họa qua “mái tóc bạc phơ”, “đôi mắt bình thản”, “cái cằm vênh ra đầy bướng bỉnh, kiêu ngạo” [16, tr.1012].

Những chi tiết sơ nét về ngoại hình có khi chỉ là một thủ pháp tạo sự chú ý đến nhân vật. Từ ấn tượng ban đầu ấy, độc giả sẽ dần khám phá đầy đủ hơn về nhân vật. Cô giáo Nhâm (Hương cỏ mật) chỉ là một cô giáo có vẻ ngoài bình thường “Cô giáo không đẹp lắm, người to lớn, mặt đầy tàn hương” [7, tr.69]. Nhưng cô lại là người mà bố Tuân lựa chọn để gắn kết cuộc đời. Điều đó khiến người đọc chú ý đến nhân vật, và sẽ nhận ra sự bình thường của vẻ ngoài kia tôn lên vẻ đẹp của tấm lòng “đôn hậu, dịu dàng”, “có nhiều tình cảm”, của thái độ cư xử “trìu mến”, “ngọt ngào”. Chính sự ân cần, chu đáo ấy đã dần chinh phục bố con Tuân.

Trong Chân trời, Chi được miêu tả rất sơ sài “mặt bầu bầu trắng trẻo, đôi mắt mở to, phía đuôi mắt trái có một vết sẹo” [7, tr113]. Vết sẹo ấy gây chú ý nơi người đọc. Để khi nghe xong câu chuyện Lâm kể về Chi, biết được nguyên nhân của vết sẹo ấy, vẻ đẹp của tinh thần trách nhiệm, sự gan góc, tháo vát, dũng cảm nơi Chi đã lưu lại sâu sắc.

Có một số nhân vật được Đỗ Chu khắc họa mang màu sắc kỳ bí gắn với dụng ý tô đậm vẻ đẹp lạ thường của họ. Giữa lúc con người khó giữ được mình trước những cám dỗ của vật chất, ông thầy thuốc (Lão Mai) vẫn giữ được cốt cách, phong thái của mình, nên dù đã tuổi cao nhưng trông ông vẫn tràn đầy sức sống “ông cười móm mém mà sao nom tươi sáng quá, hóm hỉnh quá. Cả khuôn mặt ông cũng rạng rỡ. Như có một phép nhiệm màu nào khiến khuôn mặt vốn già nua, nhàu nát vì thời gian bỗng phút chốc trẻ hẳn lại” [16, tr.666]. Ông

Vồ (Người cuả muôn năm trước) có ngoại hình khá kỳ dị “giọng ông nồng nồng, khê khê,

cái miệng rộng ngoác, quai hàm bạnh ra, cái trán như đẽo từ một tảng đá, hai gò má đầy, ở ông nom cái gì cũng quá khổ. Chân tay càng khỏi phải nói, vừa dài lại vừa khuỳnh khoàng xương xẩu, vụng về như ngày xửa ngày xưa” [16, tr.700]. Cái lạ thường của vẻ ngoài này hướng đến thể hiện những phẩm chất hơn người của ông. Đó là ý thức coi trọng bản sắc văn hóa truyền thống, biết giữ gìn nhân phẩm, là tấm lòng thơm thảo, giúp người khác một cách nhiệt tình, không tư lợi. Có lẽ, Đỗ Chu đã gửi gắm những chuẩn mực vào những nhân vật này nhằm giúp mọi người khi soi vào sẽ tự điều chỉnh mình để ngày càng hoàn thiện hơn.

Từ vài nét phác họa ngoại hình, nhà văn tập trung xây dựng ngôn ngữ, hành động của nhân vật.

108

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn đỗ chu (Trang 108 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)