6. Kết cấu của luận văn
3.1.1. Cốt truyện đơn giản, chi tiết chọn lọc hấp dẫn
3.1.1.1. Cốt truyện đơn giản
Cốt truyện là cách tổ chức hệ thống sự kiện trong tác phẩm tự sự hoặc kịch nhằm thể hiện chủ đề của tác phẩm, tư tưởng, tình cảm của tác giả. Đỗ Chu quan niệm “cốt truyện không thành vấn đề lắm” [46, tr.73], nên truyện ngắn của ông thường có cốt truyện đơn giản, ít sự kiện. Nhà văn dường như đóng vai trò quan sát kể lại cho độc giả những mẫu chuyện trong cuộc sống hàng ngày, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Truyện ngắn Phù sa là câu chuyện về chuyến thăm quê của cô sinh viên Hạnh Nguyễn nhân dịp nghỉ hè. Đường qua nhà chỉ là chuyện hành quân, tranh thủ ghé nhà thăm mẹ của một người lính. Mùa cá bột kể chuyện đón bột, nuôi bột, vớt bột ở một hợp tác xã.
Một số truyện hướng đến cuộc sống, tâm tư của những con người ở hậu phương (Gia
đình những người đi xa, Tâm sự người ở lại), kể lại những trò chơi, những tranh cãi, giận
hờn vu vơ cùng lối suy nghĩ đơn giản, hồn nhiên của trẻ nhỏ (Thung lũng cò, Bồng chanh đỏ), những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của những cô cậu học sinh phổ thông (Hương
cỏ mật, Trung du), hoặc là những kỉ niệm của những người lính, những cô gái thanh niên
xung phong trong chặng đường hành quân và chiến đấu (Chiến sĩ quân bưu, Chân trời, Đất
bãi, Thành phố bên kia cầu, Ráng đỏ, Chuyện mùa hạ, Nhành quế, Gió qua thung lũng,
Trong tầm súng), hay là những chuyến đi tìm muối, tìm nước (Tháng hai), khai thác quặng
(Người và quặng) của những cán bộ địa chất.
Các truyện Một người lính trở về, Mưa tạnh, Mê lộ, Mảnh vườn xưa hoang vắng
hướng vào khai thác tâm tư, cuộc sống của người lính khi trở về từ cuộc chiến. Lão Mai,
Họa mi hót, Người của muôn năm trước, Chuyến đi cuối năm, Quanh một bàn tiệc,
Cánh đồng không có chân trời, Ngày đang trôi, Một loài chim trên sóng phản ánh cuộc
sống, suy nghĩ, tâm tư con người trong bối cảnh mới của đất nước.
Một trong những đặc trưng của truyện ngắn trữ tình là tập trung thể hiện cảm xúc, tác giả không chú ý nhiều đến sự kiện, mà chú trọng vào tâm lí nên cốt truyện thường đơn giản. Thử thách với người viết là làm sao từ sự đơn giản đó đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề, lưu
81
lại ấn tượng sâu sắc nơi độc giả. Trong dòng văn xuôi lãng mạn, chúng ta từng bắt gặp những truyện có cốt truyện đơn giản đến mức như không có cốt truyện của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Nguyễn Thành Long... Ấn tượng đọng lại ở dòng cảm xúc của nhân vật, của tác giả, ở những chi tiết, hình ảnh giàu sức gợi. Có thể thấy rằng, Đỗ Chu đã tiếp nối dòng mạch trữ tình ấy bằng những câu chuyện rất bình dị của đời sống.
3.1.1.2. Chi tiết chọn lọc, hấp dẫn
Chi tiết nghệ thuật là một trong những yếu tố góp phần khắc họa đối tượng được miêu tả, thể hiện nội dung của tác phẩm. Trong lao động nghệ thuật của nhà văn, việc chọn lọc chi tiết rất quan trọng. Một chi tiết hay góp phần đem đến sức sống lâu bền cho tác phẩm. Bởi thế, Pautôpxki cho rằng “chi tiết xác thực đứng ngang hàng một hình tượng thành công” [25, tr.357].
Sức hấp dẫn của truyện ngắn Đỗ Chu nằm ở những chi tiết nghệ thuật được tác giả chọn lọc. Những chi tiết ấy không những khơi gợi cảm xúc, mà còn giàu tính biểu tượng, mở ra một trường liên tưởng thú vị.
Nói đến những chi tiết chân thực, gợi nhiều xúc động, có thể kể đến những chi tiết thể hiện những tình cảm cao quý của con người (tình cảm gia đình, tình quân dân, tình yêu quê hương đất nước...), tạo được sự đồng vọng trong cảm nhận của người đọc.
Trong Phù sa, người bà khi gặp lại Hạnh Nguyễn đã “sờ nắn đôi vai tròn lẳn” của cháu, rồi “ứa nước mắt” biểu hiện một tình thương vô bờ. Tình thương ấy đã đánh thức trong ta những tình cảm thiêng liêng cao quý. Đến với Hương cỏ mật, ta như sống trong sự ấm áp của tình cha con, tìm lại cảm giác được yêu thương thời thơ bé khi quan sát cảnh bố con Huy gặp lại nhau sau mười mấy năm ca cách. Huy “nhếch mép cười mà lại như muốn khóc, ôm lấy Tuân rồi không nói gì nữa”
[7, tr.65], anh “ôm riết con vào lòng, xoa xoa mái tóc của nó” [7, tr.68]. Còn Tuân
“tưởng như được lăn vào lòng người mẹ dịu hiền, cúi đầu xuống, chờ đợi một bàn tay vuốt vuốt trứng chấy trên tóc, và khi nghe một tiếng thở dài ấm cả gáy, không chờ phải đẩy ngồi dậy, cậu bé đã nhổm hẳn lên, chờ mẹ lấy tay nhẹ nhàng phủi bụi khắp vạt áo, đũng quần cho mình” [7, tr.68].
Người đọc thật sự ấn tượng ở sự quan tâm chu đáo của một cán bộ chỉ huy với cấp dưới trong Gia đình những người đi xa khi “vừa chậm rãi nói với Khương vừa lấy ngón
82
tay nhẹ nhàng búng những hạt mưa vương trên ống tay áo” [7, tr.44], và của Quang trong
Mận trắng, khi phải rút về phía sau, anh “ôm từng người ở lại” và “khóc” [11, tr.84], khi gặp lại Thuyên, anh “nhìn như muốn nuốt lấy” người đồng chí của mình.
Đọc Phù sa, ta không những cảm động trước tình nghĩa của con người làng Hà mà còn
yêu mến, cảm phục Nham khi biết rằng chiếc áo bộ đội tuy đã sờn vai nhưng vẫn luôn được anh cất kỹ. Trước khi lên đường tái ngũ, anh đem chiếc áo ra ngắm nghía. “Chiếc áo bạc phếch mang theo một miếng vá trên bả vai, và những vết đất từ lâu chưa giặt sạch” [7, tr.20] được anh mặc trong buổi lên đường tuy đơn sơ nhưng toát lên vẻ đẹp cao quý, thể hiện sự mộc mạc và một tình yêu sâu nặng Nham dành cho đất nước. Chiếc áo như gói ghém những năm tháng quá khứ hào hùng, những ân tình sâu nặng cùng những vất vả của bà con làng Hà, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp anh đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ở Thung lũng cò, nhìn cậu bé “Tịch híp đứng dậy, chú ý sửa hai bàn chân xòe ra cho
đúng hình chữ bát, rồi nó hét to: tất ráo cả các đồng chí ơi ! Giả cách từ cây chám cò hương đến cây chám cò lửa kia là bên quân địch đấy, xung phong”, đến khi nghe bố hướng dẫn cách chỉ huy cho dõng dạc, Tịch híp “há hốc miệng nhìn bố, khoái chí cúi xuống nhặt chiếc vỏ lựu đạn rồi theo cha về nhà. Cu cậu không quên nhẩm đi nhẩm lại mấy tiếng rất tuyệt của bố: “chiến hào một của địch...”[7, tr.62], người đọc cảm thấy thú vị. Chi tiết tuy đơn giản nhưng thể hiện được lòng yêu nước, sớm tỏ rõ dũng khí của những đứa trẻ trong thời chiến.
Các anh lính Hà Nội (Thành phố bên kia cầu) vui mừng trước gói quà “mứt sen” của người em gái từ Hà Nội gửi ra, Bính “dốc hộp tăm của mình ra góc tờ giấy, cầm một chiếc tăm nhẹ nhàng xăm lấy một hạt, ngắm nghía hồi lâu” [7, tr.109]. Thái độ ấy gợi nỗi xúc động về tình yêu quê hương sâu nặng của những người lính chiến đấu xa quê. Một chút quà quê bình dị cũng đủ làm ấm lòng người chiến sĩ.
Trong truyện ngắn Đỗ Chu có những chi tiết đem đến niềm cảm phục trước vẻ đẹp tính cách của con người. Trong Mùa cá bột, anh Đá, một tiểu đội trưởng, dùng lựu đạn cùng chết với giặc; vợ chồng Khang - Tiềm vừa cưới là “vác súng ra đê gác ngay”, chấp nhận cảnh mỗi người mỗi nơi theo anh em đi chiến đấu, để những khi được gặp nhau “ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi”. Hành động của họ khiến ta thêm cảm mến tinh thần dũng cảm, luôn đặt lợi ích chung lên trên hạnh phúc cá nhân của con người thời chiến.
83
Ở Ráng đỏ, theo dõi cảnh Chuyên đốt mìn phá đá để thông suối ở khe Cạn, người đọc
vừa hồi hộp vừa cảm phục sự dũng cảm của cô. Trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh,
hướng đến ngày độc lập, con người có ý chí, sức mạnh phi thường, họ sẵn sàng san bằng mọi trở ngại. Bởi thế, con suối bị tắc, cản trở con đường hành quân, Chuyên đã không màng nguy hiểm nhận nhiệm vụ đốt mìn. Nhìn cô “đang dang tay nắm chặt sợi dây thừng, người xoay tròn trong không gian và hai chân đạp mạnh mỗi khi bị văng vào vách đá. Hai tiếng nổ gần như cùng bùng lên một lúc, làm trái núi rùng mình. Một đám khói đen tỏa ra lấp kín lòng khe, bụi đất và nước bắn lên tung tóe” [8, tr.42], ta mới hiểu được chỉ có lòng yêu nước mới khiến người con gái nhỏ bé ấy trở nên mạnh mẽ, gan góc đến vậy. Từ đó, ta hiểu được một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi to lớn của dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù lắm gian nan là sự anh dũng của con người.
Tình yêu vốn là một tình cảm quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho con người. Dù đang trong bão lửa của chiến tranh, những nhân vật của Đỗ Chu vẫn yêu nhau, nghĩ về nhau, động viên nhau chiến đấu. Trong cái khoảnh khắc tình cờ gặp lại Tâm trên đường hành quân, Trọng (Tâm sự người ở lại) chỉ kịp “đứng lại trên bậc cửa, bất ngờ nắm lấy bàn tay Tâm trong giây lát”, rồi lại “rảo bước đuổi theo đồng đội” [11, tr.59]. Một chi tiết thật đơn giản nhưng gợi được những rung động nhẹ nhàng, thể hiện vẻ đẹp tinh tế trong tâm hồn và tinh thần vì đất nước, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân của người lính.
Đến với truyện ngắn Đỗ Chu, ta còn bắt gặp những chi tiết miêu tả cảnh thiên nhiên
rất độc đáo. Bằng tâm hồn nhạy cảm và bút pháp miêu tả sống động, Đỗ Chu như mở ra cho người đọc một thế giới bình yên, thơ mộng, đem đến cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng. Không thể không cảm thấy thú vị khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của họ nhà cò trong Thung
lũng cò “Cò về đẻ trứng gần một tháng là bắt đầu ấp, từ trong mỗi quả trứng xanh lơ ấy sẽ
có một chú cò con mổ vỏ chui ra kêu đói. Cò mẹ cò cha thay nhau tỏa đi các cánh đồng xa gần bắt mồi mang về mớm cho con. Những chú cò hương cần mẫn ra đi từ sớm tinh mơ, hai chân duỗi thẳng ra sau, nghiêm túc; những cô cò lửa duyên dáng nghiêng mình hát cho các con nghe lúc chiều tối, đôi cánh mỏng như được dát vàng trong ánh hoàng hôn”
[7, tr.56].
Khó có thể thản nhiên trước nét đẹp bình dị mà hấp dẫn của trái núi Voi ở vùng quê Kinh Bắc với những bãi cỏ mật xanh um, với mùi hương đặc biệt quyện mãi trong ký ức của Tuân (Hương cỏ mật) “sau làng em có trái núi Voi, núi Voi đối với tụi nhỏ chúng em như
84
người bạn lớn tuổi hiền từ. Voi cho chúng em bao nhiêu thứ: những cụm cỏ mật khô thơm ngào ngạt, những viên đá cuội trắng nõn, tối tối mang đập vào nhau, lửa tóe ra một thứ lửa có mùi thơm như mùi mật ong cháy. “Vòi Voi” là một bãi cỏ tươi tốt quanh năm, đất ở đấy mềm như đất ruộng màu, ngày mưa có chỗ chân trâu ngập móng. Chúng em thường lên đó chăn trâu” [7, tr.72].
Càng không thể không ngây ngất trước vẻ đẹp thơ mộng của một đầm sen xanh rì với
“hương thơm thoang thoảng”, “trăm nghìn bông hoa khoe sắc rực rỡ”, trước vẻ quyến rũ của loài bồng chanh có bộ lông đỏ rực rỡ như một đốm lửa, của “nền trời xanh vời vợi”, của những cánh đồng với “nắng chiều vàng dịu và thơm hơi đất”, “hương lúa đang ngậm đòng”, của “làn nước trong veo”, của những lũy tre làng, những mái đình cong cong, những rặng xoan non cao quá đầu người, những thảm lúa chiêm... trong Bồng chanh đỏ.
Nói đến những chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng, chúng tôi muốn đề cập đến những chi tiết không chỉ góp phần khắc họa nhân vật, tả cảnh thiên nhiên, mà khái quát được những ý nghĩa sâu sắc, gợi nhiều liên tưởng cho độc giả trong các truyện Thành phố bên
kia cầu, Ráng đỏ, Ngọn lửa, Chân trời, Gió qua thung lũng, Khoảng xanh, Nhành quế,
Mận trắng, Lão Mai, Họa mi hót, Cánh đồng không có chân trời, Mê lộ, Một loài chim
trên sóng.
Hình ảnh thành phố bên kia chiếc cầu theo hướng nhìn của những anh lính pháo trong
Thành phố bên kia cầu là hình ảnh của quê hương, cuả những gì gần gũi đã trở nên rất
quen thuộc, là khung trời đầy ắp những kỷ niệm thiêng liêng, là một mảnh tâm hồn của những chàng trai phải tạm rời thủ đô lên đường làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ chung, họ ý thức rất rõ và luôn cố gắng hoàn thành. Nhưng vùng ký ức riêng tư vẫn không thể xóa nhòa, trở thành một nguồn sức mạnh tinh thần, hun đúc ý chí chiến đấu.
Trong Ráng đỏ, chi tiết ráng chiều với màu đỏ ối ở chân trời được nhắc đến nhiều lần với nhiều sắc thái khác nhau. Ban đầu, ráng đỏ hiện ra trong câu chuyện kể của Chuyên về mẹ. Sau đó, ráng đỏ xuất hiện trong tầm nhìn của Hàm mỗi lúc lái xe mang theo “khuôn mặt hừng sáng mỗi khi cười” của người con gái anh yêu. Khi Chuyên hi sinh, ráng đỏ “như một nỗi nhớ, lóe lên lấp lánh nơi đầu núi, nhuốm hồng những dải mây đang trôi bảng lảng”
[8, tr.48]. Với người phóng viên mặt trận “cái ráng đỏ ấy vẫn đang hiện ra với những người chiến sĩ chúng tôi trong mỗi buổi lên đường” [8, tr.50]. Như vậy, ráng đỏ, từ một nét đẹp của thiên nhiên trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp anh dũng của thế hệ trẻ Việt Nam trong
85
cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh này gợi ta nhớ đến hình ảnh mảnh trăng khi ẩn khi hiện nơi cuối rừng trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.
Chi tiết “những cơn gió mùa xuân đang choàng lên khắp thung lũng một màu xanh”
[8, tr.157] ở cuối truyện Gió qua thung lũng như là biểu tượng cho niềm tin, hi vọng vào một tương lai tươi sáng của một miền quê đi lên từ bão lửa chiến tranh. Sức trỗi dậy ấy được ươm mầm từ những đóng góp thầm lặng của biết bao con người, từ những anh lính như Toàn, Bùng, những trí thức như bác sĩ Hà, Thư, những cô gái thanh niên xung phong như Vui, Hồng, đến những con người ở hậu phương như mẹ và em trai của Thư, mẹ của Hà...
Trong truyện ngắn Lão Mai, hình ảnh “cây mai già, lá rất ít, hoa cũng chỉ thưa thớt dăm ba bông, nhưng gốc lớn, dáng lên thật tuyệt vời, như một con rồng uốn mình bay bổng” [16, tr.665] được nhân vật tôi so sánh với người thầy thuốc già. Nhìn bề ngoài, ông tuổi cao, sức yếu, chẳng mấy chốc rời bỏ trần gian. Nhưng bên trong con người ấy lưu giữ những nét đẹp truyền thống đáng quý. Dù cuộc sống đang có nhiều biến động, xuất hiện những cái tiêu cực, con người nếu thiếu bản lĩnh sẽ khó giữ được mình, ông vẫn sống với đúng con người mình, không sợ uy quyền, địa vị, bỏ ngoài tai tất cả. Hình ảnh gốc lão mai ấy chính là biểu tượng cho cốt cách, khí chất của bậc quân tử ngày xưa, là điều mà con người ngày nay phải cố rèn giũa.
Nhìn chung, truyện ngắn của Đỗ Chu quả chỉ là một mảnh nhỏ của cuộc sống rộng lớn, phức tạp. Những sự kiện làm nên mảnh nhỏ ấy thật đơn giản. Đỗ Chu “đọc nhiều, sức nhớ tốt, trí thông minh hơn người, lại biết khái quát, đúc rút rất nhanh điều đã đọc thành vốn liếng của mình”, “quan sát tinh tường, sắc sảo thế giới xung quanh và tóm thành chi tiết văn chương để đưa vào tác phẩm” [80]. Bởi thế, những chi tiết nghệ thuật ấy rất hấp dẫn, đem đến “sức chứa” mênh mông và “sức nổ rất lớn” cho tác phẩm. Để khi bước vào, người đọc được sống trong nhiều thân phận, cảnh ngộ, có được nhiều trải nghiệm, nhiều đúc kết quý giá.