Lời văn đa giọng điệu

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn đỗ chu (Trang 104 - 107)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.3. Lời văn đa giọng điệu

“Giọng kể thể hiện tình cảm, tâm trạng và thái độ hết sức đa dạng, phức tạp của nhà văn cũng như những sắc thái khác nhau của việc cảm nhận cuộc sống ở tác giả” [65, tr.156]. Do có nhiều sắc thái tâm trạng và thái độ khác nhau khi tiếp cận, khám phá cuộc sống, con người, nên lời văn trong truyện ngắn Đỗ Chu có nhiều giọng điệu: giọng trữ tình thân mật, giọng cười cợt mỉa mai, giọng chiêm nghiệm triết lý.

3.2.3.1. Lời văn mang giọng trữ tình, thân mật

Trong lời người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, Đỗ Chu thường dùng các trợ từ cảm thán, không những thể hiện trạng thái cảm xúc nhân vật mà còn tạo nên sắc thái trữ tình cho lời văn như Ôi chao, chao ôi, ối dào, ai biết được, làm vậy, chứ, lắm, ghê, làm sao,

chứ sao, sao mà, quá, ôi trời, ôi dà, ôi, ôi dào...

Các từ mang sắc thái khẩu ngữ làm cho lời văn mang sắc thái thân mật tự nhiên cũng được nhà văn sử dụng như: mẹ cha chúng nó (Gia đình những người đi xa), quỷ sứ thật, đời tám hoánh nào rồi (Thành phố bên kia cầu), mẹ cha quân xỏ lá (Chuyện mùa h), hết xảy, buồn thiệt, dữ hè (Ngọn lửa), mệt bỏ sừ, trượt đánh toách một cái, cóc sợ, mà

103

lỵ, mừng rủn cả chân tay, phất phơ lơ tơ mơ, lác mắt (Trung du), nói thiệt, hết chịu nổi, ổng, bả, ảnh (Đất bãi), tuềnh toàng bỏ mẹ (Lão Mai), mẹ kiếp (Chuyến đi cuối năm, Mê l), cha tiên sư bố (Cánh đồng không có chân trời), chán ơi là chán, chẳng có đếch gì ( l), việc mẹ gì, bỏ mẹ, quên hết mẹ (Mảnh vườn xưa hoang vắng), quái gì, bố ai đoán nổi, cái đếch gì (Ngày đang trôi), nước mẹ gì (Một loài chim trên sóng)...

Sắc thái trữ tình của lời văn còn được bộc lộ qua tâm trạng nhân vật. Chúng ta hãy đọc đoạn văn miêu tả tâm trạng Xiêm (Tháng hai): “Thế là các anh đã đi rồi, các anh ấy đi thật rồi. Đi từ lúc nào, từ nửa đêm hay mờ sáng. Tối qua mà, khuya cô còn ngồi với các anh, vậy mà có ai thèm hở cho cô biết, dù là nói bóng nói gió. Rút đi im lặng quá như thể cần phải giữ bí mật không bằng. Cô ngồi xuống, bên vách đất cháy thui, mới hôm qua còn ấm áp là thế vậy mà giờ đây...” [11, tr.110]. Hàng loạt câu vừa với các vế song hành, kết cấu tăng tiến, các từ ngữ mang sắc thái khẩu ngữ “rồi”, “thật rồi”, “mà”, “vậy mà”, “quá”, “không bằng”, “là thế” khiến đoạn văn như một lời trách móc, thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, thẫn thờ, tiếc nuối trước một sự việc xảy đến đột ngột.

Và ta đọc thêm câu văn miêu tả suy nghĩ của cô gái trong truyện Ghi chép ở cửa Nhật Lkhi nghe các anh lính kể về một bà mẹ đưa đò anh hùng trên sông Nhật Lệ “Mẹ thân yêu ơi, cuộc chiến đấu đang mỗi ngày thêm ác liệt, nhưng chúng con đã hiểu rõ kẻ thù cũng như đã hiểu rõ bản thân mình và chúng con sẽ vượt lên tất cả, như ngày nào, bằng sức mạnh của một trái tim người mẹ mà mẹ đã vượt lên” [16, tr.226]. Trợ từ “ơi” trong hình thức câu dài tạo nên giọng điệu tâm tình. Câu văn như lời nhắn nhủ, tự nhắc nhở, thể hiện ý chí, lòng quyết tâm của cô gái.

3.2.3.2. Lời văn mang giọng điệu cười cợt, mỉa mai

Trong thời kỳ đổi mới cách viết, đi vào những mặt trái của đời sống, những góc khuất trong tâm tư gắn với từng số phận con người, trong lời văn Đỗ Chu xuất hiện giọng cười cợt, mỉa mai. Đó là một cái cười mỉa, nhẹ nhàng, khéo léo, không nặng cảm hứng phê phán như Nguyễn Minh Châu, không giễu nhại, gay gắt, thẳng thắn như Nguyễn Huy Thiệp.

Lão Mai trong truyện ngắn cùng tên đã mỉa mai sự vô dụng, chỉ biết ăn chơi của cán bộ thời nay khi nhận xét “Giao việc cho những người ấy là toi cơm có ngày. Thời cụ Hồ, cán bộ được giao trọng trách ai cũng mất ăn mất ngủ, chỉ lo không hoàn thành nhiệm vụ, anh nào anh nấy mặt vàng như nghệ, lâu lâu gặp thấy rộc cả người” [16, tr.663].

104

Cách nói đối sánh giữa thú chơi của người xưa với sở thích của người nay trong lời người kể chuyện ở truyện Họa mi hót ẩn chứa thái độ cười cợt sự hợm hĩnh những của kẻ lắm tiền “Ngẫm mới thấy người xưa thật khôn ngoan, tưởng dung dị mà hóa ra sang quá, chúng ta giờ không bén gót. Ai lại đi chơi với chó Nhật chó phốc như một lũ rồ như thế bao giờ, có thứ chó nào lại đến vài triệu đồng một con mà vẫn nhắm mắt rước về, bắt vợ con nhịn ăn nhịn mặc vì nó. Căn nguyên cũng chỉ tại trọng đồng tiền quá đấy thôi. Đến khi giá chó sụt xuống, chả ai thèm mua thì thân phận của chúng thật đến là thảm” [16, tr.677].

Qua lời nói thật mà cứ như đùa của Thủy trong Chuyến đi cuối năm, người đọc như chia sẻ được với nhà văn nỗi ngậm ngùi, xót xa cho tình trạng văn chương bát nháo, mọi giá trị bị đảo lộn “Nói thật nhé, em thấy chả có cái nghề nào lại dễ kiếm tiền hơn nghề văn lúc này đâu anh ạ. Làm cái nghề ấy giả dụ có đi xin đi chọe người khác cũng có thể được tiền. Con bạn em, tác giả cuốn sách này ấy mà, nó vốn chỉ là một con bé ngồi đan len trên phố Hàng Mắm, rồi lớn lên thì tếch đi lấy chồng. Mấy năm gần đây chẳng hiểu vì sao, có lẽ là vì đã chửi mẹ chồng, nên nó bị thằng chồng dắt ra tòa ly dị. Thân gái mà không chồng thì trước mắt chỉ còn hai con đường, một là treo cổ, hai là tìm mọi cách len lỏi tới làng văn nghệ. Nó quyết định chẳng tội gì mà chết, phải đứng lên cầm bút đòi quyền sống” [16, tr.711]. Lời văn hài hước, nhẹ nhàng mà thâm thúy, thấp thoáng nụ cười mỉa mai của tác giả.

Cái cười mỉa trong truyện ngắn Đỗ Chu thật tinh tế sâu sắc như nụ cười kín đáo mà chua xót của cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa. Qua lời văn, ta như thấy được nỗi niềm trăn trở của tác giả. Nhà văn cười cợt, mỉa mai không phải để hả hê theo kiểu tôn mình hạ người mà để bàn bạc, chia sẻ với độc giả. Đó là cách viết của một người có trách nhiệm với cuộc đời.

3.2.3.3. Lời văn mang giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý

Đỗ Chu là một người có kiến thức uyên bác. Chất văn hóa thể hiện rõ trong những câu văn, đoạn văn đúc kết những chiêm nghiệm của tác giả. Ngay từ những sáng tác đầu tay, chúng ta đã bắt gặp chất triết lý trong lời văn của ông. Để rồi, theo tuổi đời, tuổi nghề, chất triết lý càng đậm đặc. Bởi thế, đọc những truyện ngắn sau này của ông, người đọc có cơ hội nhìn vào cuộc sống, nhìn lại mình để suy nghĩ, thấm thía.

Ta có thể nhặt ra từ Phù sa câu văn mang giọng điệu chiêm nghiệm về mối quan hệ tình cảm giữa mỗi con người với một vùng đất “nơi sắp xa thì phải nhớ, nơi sắp đến thì

105

yêu, mảnh đất đã yêu rồi sẽ nhớ mãi” [7, tr. 20]. Hay bắt gặp trong Mùa cá bột một triết lý về ranh giới mong manh giữa niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau trong hoàn cảnh chiến tranh “những ngày chiến tranh, niềm vui, hạnh phúc thường kéo đến đường đột rồi bỏ đi cũng đường đột y như nó tìm đến với người ta” [7, tr.26].

Hoặc nghiền ngẫm cùng chiêm nghiệm của Lân trong Người và quặng về những nét đẹp ẩn tàng trong nhiều thế hệ con người Việt Nam “những thứ quặng quý giá mà các anh đang phải lăn lộn đi tìm chính là sự kết tinh của xương máu nhân dân từ bao nhiêu đời này, nhân dân khi chiến đấu ngã xuống, còn nguyện cho máu mình biến thành quặng để lại cho con cháu mai sau” [10, tr.43].

Và có thể dẫn thêm một số câu văn chứa đựng những triết lý về cái đức của bậc làm quan “phàm đã gọi là người lớn thì tất phải được những điểm chính,có thiếu chỉ nên thiếu những điểm phụ. Họ phải có đức mới ổn” (Lão Mai), về cách sống của con người “đừng bao giờ để mình sa xuống sự xoàng xĩnh thấp hèn, phải sống sao cho không một đứa nào dám nhổ vào mặt mình, sống là rất khó, chết thì dễ”, về kiếp người “kiếp người thật lẩn quẩn, cái may của người này lại là cái rủi, cái thiệt của kẻ khác” (Chuyến đi cuối năm), về lẽ được mất “cái được cái mất là hai đầu của một cái cân, thà là không được để khỏi bị mất” (Ngày đang trôi)...

Như vậy, với cái nhìn của một người có tâm hồn tinh tế, chan chứa tin yêu, thích chiêm nghiệm và thích giãi bày, Đỗ Chu đã đưa truyện ngắn của mình đến được với độc giả. Lời văn sống động, giàu hình ảnh, đậm chất thơ, đa giọng điệu đã nhẹ nhàng đưa người đọc vào dòng cảm xúc của nhà văn, của nhân vật. Đây chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho truyện ngắn Đỗ Chu.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn đỗ chu (Trang 104 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)