Hoài niệm về quê hương tuổi thơ

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn đỗ chu (Trang 54 - 56)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.3.Hoài niệm về quê hương tuổi thơ

2.1.3.1. Hoài niệm về vùng quê Kinh Bắc

Với mỗi người, quê hương có một vị trí quan trọng trong suy nghĩ, tình cảm. Đỗ Chu cũng vậy. Ông từng chia sẻ: “với tôi quê nhà yêu dấu bao giờ cũng là cội nguồn của mọi sáng tạo. Một lần ngồi trước trang văn là một lần lại Về quê đốt lửa” [18, 266]. Hình bóng quê nhà không phải chỉ thấm đẫm trong những trang tùy bút mà hiện diện trong cả truyện ngắn của ông. Mỗi truyện là một mảng phác họa, để rồi khi ghép lại, ta có một bức tranh hoàn chỉnh về vùng đất Kinh Bắc, quê nhà yêu dấu của nhà văn tài hoa này.

Trong hoài niệm của nhà văn, vùng quê Kinh Bắc có bản sắc riêng. Tiếng làng “khê khê, nằng nặng” nghe là nhận ra ngay, bánh chưng “tròn và dày như cây cột”, con gái

“vụng dại đủ đường, ăn nói líu lo ngọng nghịu”, lại “nghiện thuốc lào” (Một loài chim

trên sóng), bước chân người làng “lật đật”, “mạnh mẽ”, cuộc sống yên ả, thanh bình với

tiếng mẹ gọi con, vợ gọi chồng í a í ới chiều hôm (Một loài chim trên sóng).

Đó là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nổi tiếng với những câu ca quan họ, với những liền anh liền chị, trong những đêm hội sân đình, trên những chiếu hoa trải san sát, trao gửi những bài hát, điệu hát da diết vấn vương “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Người ơi người ở đừng về” (Mê l), với ngày hội Chen thường tổ chức vào một buổi tối mùa xuân tại sân đình để nam nữ tìm nhau, gặp nhau, yêu nhau mà không bị dòm ngó, quở mắng (Mảnh

vườn xưa hoang vắng), với dãy chuôm yên ả gợi nhắc truyền thuyết ông Gióng của dân tộc

53

Kinh Bắc còn là một vùng đất thơ mộng, trữ tình. Ở đó có ngọn núi Voi với những cụm cỏ mật khô thơm ngào ngạt, những viên đá cuội trắng nõn, tối tối mang đập vào nhau tóe lửa thơm như mùi mật ong cháy (Hương cỏ mật), có những đầm sen thật đẹp với trăm nghìn bông hoa khoe sắc, với làn nước trong veo in hình những đám mây trắng trên nền trời xanh, với những chú bồng chanh đỏ có bộ lông rực rỡ đứng cạnh gốc vối soi bóng xuống đầm, có nắng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, thoang thoảng hương lúa và hương sen, có những mái nhà đứng sau lũy tre, những con đường làng ngập đầy rơm rạ, những mái đình cong cong, những thảm lúa chiêm tươi tốt trải dài (Bồng chanh đỏ).

Và đó cũng là một vùng đất đau thương mà anh dũng. Đỗ Chu không thể quên những ngày tháng Kinh Bắc bị giặc đốt phá. Những ngọn lửa bốc lên từ chợ Vân, chợ Bựu, chợ Kim, chợ Cầu như thổi bùng nỗi đau xót, lòng căm thù của con người. Khắp nơi, mọi người đều ý thức “tất cả cho kháng chiến thắng lợi”, ngay cả một đứa bé cũng bắt chước tiếng loa gào lên dõng dạc “Hỡi đồng bào, ta càng nhân nhượng thì giặc Pháp càng lấn tới” [16, tr.839].

Những nét đẹp của Kinh Bắc đã được đúc kết trong thơ Hoàng Cầm, từng làm say mê bao người. Đến với truyện ngắn Đỗ Chu, vẻ đẹp ấy trở nên rõ nét, cụ thể.

2.1.3.2. Hoài niệm tuổi thơ

Với mỗi người, công việc dù có tất bật, cuộc sống dù bộn bề lo toan, ký ức tuổi thơ vẫn có sức sống lâu bền. Theo các nhà văn “chính những kỉ niệm hồn nhiên thời thơ ấu thường để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất, nó sẽ theo đuổi người cầm bút trong suốt cả cuộc đời sáng tác” [45, tr.48].

Những kỉ niệm thời thơ ấu được Đỗ Chu nhắc đến nhiều lần trong Hương cỏ mật,

Thung lũng cò, Bồng chanh đỏ. Đó là những buổi “ngồi lên lưng trâu, đánh trâu lên đỉnh

núi, tìm những đám cỏ mỡ nhất, óng nhất cho trâu” [7, tr.72], hái những cọng cỏ mật còn xanh cột thành từng cụm, đem phơi nắng, hong gió cho cỏ mật héo vàng đi, hết mùi hắc, rồi mang những cọng cỏ “rất thơm, rất dai và rất óng” ấy về gối đầu giường, là những lần “lên núi vật nhau, sang xóm bên vật nhau, tới trường cũng vật nhau, vật nhau rách cả áo, sướt cả hai đầu gối” [7, tr.70]. Hay những lần vào vườn “rút những sợi bìm bìm nhỏ quấn lại thành tổ rồi đặt lên những gạc chám để cò đẻ con vào đấy”[7,tr.55], đến thung lũng cò chơi trò đánh trận trong “những đêm lặng gió và đầy sao”, với “tiếng la hét xung phong” [7,

54

tr.52] vang cả thung lũng. Hoặc những lúc “đùa nhau quanh những đống rơm chất cao ngất” [16, tr.501] trên sân phơi của hợp tác xã, tán dóc đến mất cả buổi chiều với mấy đứa bạn về gia đình bồng chanh đỏ ở gốc vối cạnh đầm, về chuyến phiêu bạt của con lênh đênh trên đầm nước sau làng...

Trung du là dòng ký ức về “mảnh sân trường rộng rãi”, “ầm ĩ tiếng cười đùa”, về

“các ông tướng học ở lớp dưới tranh nhau một quả bóng”, “mấy cô bé ngồi túm tụm xem một cuốn sách hoặc tập thêu thùa”, về hình ảnh các thầy các cô “đứng trước cửa nhà văn phòng trao đổi những câu gì đó”, về tâm trạng lưu luyến của học sinh ở mùa hè năm cuối cấp “Thưa các thầy, thưa các cô, và các bạn cùng trang lứa, và các bạn lớp dưới, ơi mái trường, ơi những lối mòn dưới các lùm cây rợp mát. Tôi yêu mến tất cả, trọn đời tôi chẳng thể nào quên được nơi này, trọn đời tôi phải đội ơn nơi này và tôi sẽ sống xứng đáng với nó” [10, tr.15].

Những hoài niệm về quê hương, tuổi thơ trong các sáng tác của Đỗ Chu mang đậm bản sắc của miền quê Kinh Bắc. Hồn đất, hồn người cùng những tình cảm, những kỉ niệm thân thương đã có một chỗ đứng quan trọng trong suy nghĩ, tình cảm, trở thành một trong những nguồn cảm hứng sáng tác cho tác giả. Những trang viết về quê hương, tuổi thơ cuả ông mở ra cho người đọc một thế giới thật yên bình, thơ mộng, đẹp từ cảnh vật đến con người.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn đỗ chu (Trang 54 - 56)