Đây là nền tảng vững chắc tạo điều kiện rất thuận lợi cho quan hệ hai nước từ sau năm 1975 tiếp tục đơm hoa kết trái. Trong công cuộc đổi mới của Việt Nam từ 1986 và Ấn độ từ 1991 trở đi, cùng với việc cải cách mạnh mẽ, đời sống kinh tế xã hội, hai nước đều chủ trương đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, mở rộng quan hệ với các nước, trước hết là các nước trong khu vực đã tạo thêm những điều kiện thuận lợi, những xung lực mới cho quan hệ hai nước phát triển.
2.1.2 Hai nước có nhiều điểm tương đồng, gần gũi.
Những điểm tương đồng gần gũi đó có thể nói là: điều kiện tự nhiên, xã hội, tôn giáo, phong tục tập quán, những vấn đề cần giải quyết trong lĩnh vực kinh tế - xã hội trên con đường phát triển hiện nay cũng như quan điểm về những vấn đề then chốt của khu vực và quốc tế. Do quan hệ lâu đời với nhau đã tạo nên văn hóa truyền thống hai nước những giá trị tương đồng, đó là: lòng nhân hậu bao dung, sự thủy chung, trọng đạo lý, sự yêu hòa bình ghét bạo lực… Việt Nam - Ấn Độ cũng đã trải qua hàng trăm năm rên xiết duới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phuơng Tây nên dễ dàng thông cảm với nhau và đều có khát vọng hòa bình, độc lập và phát triển. Đặc biệt, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ có sự nhất trí cao trong việc nhận định, đánh giá cách giải quyết những vấn đề then chốt của khu vực và Quốc tế. Đó là, hai nước đều hoàn toàn tán thành việc xây dựng quan hệ quốc tế dựa trên cơ sở “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” (mà Ấn Độ là một trong những nước sáng lập ra những nguyên tắc này), cùng chủ trương giải quyết những mâu thuẫn, những tranh chấp của khu vực và quốc tế bằng phuơng pháp hòa bình, ổn định và phát triển vì hai nước đều hiểu một cách sâu sắc rằng: nước mình sẽ không có hòa bình thực sự nếu trong khu vực mất ổn định, cùng chủ trương về một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng hơn.
2.1.3 Xu thế khu vực hóa, quốc tế hóa quan hệ giữa các nước ngày càng được mở rộng. được mở rộng.
Từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, tận dụng cơ hội tạo ra từ xu thế hòa bình, hợp tác và nhân nhượng lẫn nhau trên thế giới, các quốc gia, dân tộc đều ra sức phát triển kinh tế để tránh tụt hậu. Phát triển kinh tế đã trở thành yêu cầu cấp bách của mỗi nước. Các quốc gia đều nhận thức được rằng, muốn phát triển kinh tế cần phải có môi trường hòa bình, ổn định. Vì vậy, mặc dù trên thế giới vẫn còn các thế lực hiếu chiến, âm mưu dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép, áp bức các dân tộc khác, vẫn còn đây đó những cuộc chiến tranh cục bộ, những xung đột về biên giới, tôn giáo, dân tộc, việc nơi này hay nơi khác xuất hiện sự li khai như ở Liên Xô (cũ), Nam Tư… nhưng có thế nói nổi trội lên vẫn là xu thế khu vực hóa, quốc tế hóa cũng như quan hệ các nước ngày càng mở rộng. Xu thế này đã xuất hiện từ lâu và đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong mấy thập niên trở lại đây. Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, trước hết do tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nền kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng lên. Vấn đề phát triển kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia dân tộc. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mới tin học, công nghệ sinh học, bưu chính viễn thông… tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các nước; do nhu cầu liên kết lại giữa các nước, trước hết là giữa các nước cùng khu vực để giải quyết những vấn đề khu vực như để cạnh tranh có hiệu quả về kinh tế, chính trị với các cường quốc và khu vực khác trong một thế giới cạnh tranh giữa các nước ngày càng quyết liệt.
Những yếu tố đó làm cho quan hệ giữa các nước ngày càng mở rộng, sự liên kết giữa các nước ngày càng chặt chẽ và trở thành xu thế có tính quy luật của lịch sử. Các quốc gia lớn hay nhỏ, các nước phát triển hay đang phát triển đều điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại cho phù hợp với lợi ích chiến lược của mình nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Ấn Độ - Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó và mối quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam cũng chịu sự tác
động này. Nói cách khác, xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các mối quan hệ hợp tác Ấn Độ - Việt Nam.
2.1.4 Tầm quan trọng của nhau trong chiến lược phát triển mỗi nước.
Với Việt Nam,sau khi đất nước độc lập và thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Chính phủ Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước, trước hết là các nước trong khu vực vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển. Trong khi chủ trương quan hệ hữu nghị với các nước, Việt Nam coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Chủ trương này đã được khẳng định trong văn kiện đại hội lần V,VI của Đảng cộng sản Việt Nam cũng như trong các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Ấn Độ.
Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Nhân dân ta đánh giá cao vai trò to lớn và sự lớn mạnh không ngừng của uy tín Ấn Độ trong Phong trào Không liên kết và trên trường quốc tế. Chúng ta biểu lộ sự đồng tình sâu sắc đối với sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Chúng ta hy vọng rằng, tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng củng cố và phát triển”. [5, tr.161 - 162]
Văn kiện đại hội VI (1986) của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định:
“ Chúng ta không ngừng tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Cộng hòa Ấn Độ, nước có vị trí đặc biệt quan trọng ở châu Á và trên thế giới. Người bạn lớn đã luôn giành cho nhân dân ta những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình”.[6]
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, trong khi chủ trương “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, Đảng cộng sản Việt Nam rất coi trọng việc củng cố và phát triển những quan hệ truyền thống. Trong những quan hệ truyền thống đó, cộng hòa Ấn Độ giữ vị trí quan trọng đặc biệt.
Ngày 9 - 3 - 1987, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 04- CT/TW về Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra một chỉ thị riêng
về việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ. Điều này cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Ấn Độ. Trong Chỉ thị quan trọng này, sau khi đánh giá vai trò quốc tế, tiềm năng to lớn của Ấn Độ, khẳng định tính chiến lược của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với Ấn Độ. Không ngừng củng cố và phát triển quan hệ với Ấn Độ là phù hợp với truyền thống quan hệ hai nước, với truyền thống thủy chung của dân tộc Việt Nam và cũng qua đó nâng cao hơn nữa uy tín và sức mạnh của Việt Nam. Điều này được khẳng định trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 1 - 12 - 1999 đến ngày 5 - 12 - 1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ : « Tôi xin khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân Ấn Độ không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hữu nghị truyền thống, hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai và cùng với các nước khác phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới ».[29]
Với Cộng hòa Ấn Độ, chiến lược đối ngoại chung của Ấn Độ là trở thành nước hùng mạnh, có nền kinh tế phát triển, trở thành chủ thể lớn ở khu vực Châu Á, trước hết là đẩy mạnh ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á, khu vực gắn kết mật thiết cùng với sự phát triển của Ấn Độ. Tuy nhiên kể từ năm 1975 trở đi khu vực này đang diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên Xô. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Ấn Độ, nhất là khi Mỹ - Trung Quốc cấu kết với nhau để làm sauy giảm ảnh hưởng của Ấn Độ không chỉ ở Đông Nam Á mà cả Ấn Độ Dương. Do vậy, trong khi thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị và không liên kết, mong muốn thiết lập quan hệ hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng, chính phủ Ấn Độ rất coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam bởi trong nhận định của mình, Chính phủ Ấn Độ thấy rõ vai trò và uy tín của Việt Nam trong việc gìn giữ hòa bình, chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc. Do vậy thiết lập quan hệ chặt chẽ và toàn
diện với Việt Nam sẽ đạp tan ý đồ phá hoại các nước Đông Dương của các thế lực phản động. Một Việt Nam giàu mạnh sẽ là cầu nối để Ấn Độ đảm bảo lợi ích vững chắc của mình trong khu vực và thiết lập quan hệ tốt đẹp với ASEAN. Đây là một chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Ấn Độ.
Chủ trương này được các lãnh tụ Ấn Độ nhiều lần khẳng định trước quốc hội hoặc khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong diễn văn đọc trước Quốc hội ngày 23 - 1 -1980, khi xác định chính sách đối ngoại của Chính phủ mới, Tổng thống Ấn Độ- Nelamxangiva Redi nêu rõ:“Tình hữu nghị với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhân tố thường xuyên trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Ấn Độ”. [29]
Còn Thủ tướng I. Gandi nói: “Trước kia, chúng ta đồng tình với nhân dân Việt Nam, ngày nay chúng ta cũng đồng tình với họ và mãi mãi đứng bên cạnh họ trong lúc gian khổ cũng như hòa bình”. [29]
Trong buổi chiêu đãi trọng thể của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hà Nội vào tối ngày 8 - 1 - 2001, Thủ tướng A.B. Thủ tướng A.B. Vajpayeetuyên bố:
“Lịch sử cũng như địa lí đã gắn kết chúng ta thành đối tác chiến lược trong thế kỷ mới; phấn đấu vì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác bền vững giữa các quốc gia châu Á”.[29]
Như vậy, Việt Nam và Ấn Độ đều có vị trí quan trọng, có tầm chiến lược trong đường lối của mỗi nước. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để quan hệ hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.
Việc phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đồng thời phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Ấn Độ cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Như vậy, có thể nói rằng, quan hệ chính trị Việt Nam - Ấn Độ từ 1975 đến 1991 được phát triển trên cơ sở vững chắc. Những cơ sở đó là lý do cắt nghĩa sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ này.
2.2 Quan hệ giữa hai Nhà nước, Chính phủ
Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là mối quan hệ lâu đời trong lịch sử và không ngừng được vun đắp mối quan hệ ấy ngày càng bền vững tốt đẹp. Ấn Độ, Việt Nam
chia sẻ sự đồng cảm với nhau trong cuộc đấu tranh chống ách cai trị của chủ nghĩa thực dân. Trong 30 năm tiến hành cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam (1945 - 1975), có những lúc quan hệ hai nước gặp khó khăn do sự chi phối của tình hình quốc tế phức tạp (chỉ trong vòng mấy năm đầu của thập niên 60 - thế kỷ XX, khi diễn ra cuộc chiến tranh Trung - Ấn), nhưng xu hướng chung là quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp. Trong thời kỳ kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, động viên, giúp đỡ của Chính phủ, nhiều chính đảng và nhân dân Ấn Độ. Biết bao lần trên diễn đàn trong nước và quốc tế, nhiều nhà lãnh đạo Ấn Độ lên tiếng phản đối và đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của Pháp, Mỹ, đòi độc lập cho Việt Nam. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; đòi Pháp, Mỹ rút khỏi Việt Nam; tố cáo tội ác của Mỹ đối với nhân dân miền Nam; đòi Mỹ chấm dứt ném bom đối với miền Bắc; quyên góp tiền, thuốc men giúp nhân dân Việt Nam... và trong phong trào đấu tranh vì Việt Nam đó, có những người đã anh dũng hy sinh, dùng máu của mình tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại New Delhi. Đỉnh cao của mối quan hệ hai nước trong thời kỳ này, có thể nói, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ, thiết lập quan hệ đầy đủ vào tháng 1- 1972, chấm dứt việc Ấn Độ giữ quan hệ “cân bằng” giữa hai miền Nam - Bắc, nghiêng hẳn về phía Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, bất chấp sự phản ứng và chỉ trích của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, mở ra một giai đoạn mới phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.
Hai nước còn thúc đẩy hợp tác về kinh tế và các lĩnh vực khác như: giáo dục, y tế, khoa học… Trong khoảng thời gian này, hai nước đã ký các Hiệp định Thương mại, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, lãnh sự, Hợp tác Văn hoá, Hàng không, Du lịch... Hai nước cũng đã ký các Thoả thuận về Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, hợp tác về mỏ địa chất, môi trường, y học dân tộc...
Từ năm 1975 trở đi, do những thuận lợi của tình hình mỗi nước cũng như tình hình khu vực và quốc tế, đặc biệt là sự ra đời của một nước Việt Nam hoà bình và thống nhất, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển một cách tốt đẹp và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chính tri, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật.
Quan hệ chính trị Việt Nam - Ấn Độ rất tốt đẹp, chiếm vị trí nổi bật trong quan hệ hai nước và tạo tiền đề cho các quan hệ khác phát triển.
Ấn Độ ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam ngày càng tích cực. Ấn Độ đã tố cáo mạnh mẽ cuộc xâm lược của thế lực Polpot đối với Việt Nam trong những năm 1975 - 1978; ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Campuchia (1979 - 1991); công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận thuộc lãnh thổ Việt Nam; ủng hộ Việt Nam tham gia Liên hợp quốc, ASEAN... Vì ủng hộ Việt Nam, nhiều lúc Chính phủ Ấn Độ phải chịu sự công kích từ những thế lực chống Việt Nam từ trong nước và quốc tế.