Quan hệ Ấn Độ với các nước Đông Nam Á có mối quan hệ rất đặc biệt không chỉ tương đồng, gần gũi về văn hóa mà còn là những bạn hàng thương mại lâu đời trong lịch sử. Bề dày lịch sử quan hệ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á gắn liền với hoạt động thương mại đường biển. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi, nền móng vững chắc cho hoạt động kinh tế thương mại song phương trong bối cảnh lịch sử mới.
Với vị trí chiến lược đặc biệt của mình - nằm ở ngã tư trung tâm « siêu kinh tế thế giới », Đông Nam Á đóng vai trò là trạm trung chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến Trung Quốc và ngược lại. Do vậy các hoạt động giao lưu thương mại giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á có lợi thế nhất định mà khó có được ở nơi khác.
Ngoại thương Ấn Độ từ rất sớm đã tách thành một nghề độc lập bên cạnh nông nghiệp và thương mại nội địa. Vì thế, ngoại thương chiếm một phần lớn đầu tư từ các lãnh chúa, các nhà quản lí và nhân viên quân đội Ấn Độ.
Do đó, thương nhân Ấn Độ với sự ủng hộ của chính quyền đã chu du khắp các vùng biển Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, khám phá những vùng đất mới. Tuy nhiên, mục đích của họ không phải là Đông Nam Á mà là Trung Hoa, nhưng phải tìm cách băng qua vùng biển Đông Nam Á. Con đường đi có thể qua hai tuyến chính: hoặc là qua eo biển Malacca hay Sunda, Lombok, hoặc qua bán đảo Malay từ Melaka, Kedad hay từ Tennasserim. Do đó, trong lịch sử thương mại của mình, vùng đất Đông Nam Á không xa lạ gì với Ấn Độ. Các thương nhân Ấn Độ và Trung Quốc đã làm chủ các hoạt động thương mại ở các đảo Đông Ấn " ngã tư thương mại" trong nhiều thế kỷ và tạo ra những hoạt động sôi nổi mà nhà sử học người Pháp Braudel gọi là "siêu kinh tế thế giới". Lúc này, Viễn Đông đã đạt được mức độ
phát triển kinh tế và xã hội vượt xa người châu Âu.Điều này tạo sự hưng thịnh một thời của các quốc gia ven biển như Phù Nam, Java…
Các thương nhân Ấn Độ có mặt ở mọi nơi gây sự ngạc nhiên cho người Châu Âu, nhưng không giống thương nhân Trung Quốc, thương nhân Ấn Độ thường là những người buôn bán nhỏ, vì thế mà không có nhiều khu vực định cư của người Ấn Độ ở Đông Nam Á như người Trung Quốc. Phần lớn thương nhân Ấn Độ đến từ ba khu vực: Tây Bắc (Gujerat), miền Nam (Malabar và Coromandel), Đông Bắc (Bengan). Thế kỷ XVI, thương nhân Coromandel theo đạo Hindu mà người Bồ Đào Nha gọi là “ Klings” thường lui tới Melaka, Acheh, Banten-những nơi họ đã có người đại diện và các đại lí. Từ những cảng phía Tây này họ đi theo hướng Tây đến các nơi khác của quần đảo Indonesia.[56]
Từ khi chủ nghĩa thực dân phương Tây xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á đã làm thay đổi tính chất quan hệ của Ấn Độ với Đông Nam Á. Như nhận xét của nhà sử học K M Pannikar :“Chiến thắng của người Bồ Đào Nha dọc theo bờ biển phía tây của Ấn Độ trong thế kỷ XVI, tiếp theo là Hà Lan, Anh và Pháp đã đặt nền tảng vững chắc của chủ nghĩa thực dân Châu Âu”. [56]
Thương mại của Coromandel bị thiệt hại bởi sự ngăn cản của người Hà Lan ở thế kỷ XVII, nhưng Perak, Kedah và Johor ở bán đảo Malay vẫn tiếp tục là trạm cuối cùng của tuyến thương mại Coromandel – Đông Nam Á. Ở khu vực lục địa Đông Nam Á, thương nhân Coromandel có mặt ở Arakan, Ava và Ayutthaya. Ayutthaya và các tỉnh lân cận là hệ thống thương mại chính của thương nhân Coromandel ở Đông Nam Á thế kỷ XVII. Thập kỷ cuối của thế kỷ XVII, thương mại Coromandel suy tàn, mối liên hệ với Kedah, Johor, Arakan và Ayutthaya dần dần bị quên lãng. Bengal là khu vực chính thứ 3 có mối liên quan với thương mại Đông Nam Á. Thế kỷ XVI, từ Satgaon và Chittagong ( hai cảng chính ở Bengal) thương nhân Ấn Độ đến Đông Nam Á nhưng đến thế kỷ XVII nó bị thay thế bởi Hooghly, Pipli và Balasore. Thương mại Bengal đã trực tiếp với trung tâm Acheh, bán đảo Malay và Myanma, bờ biển Thái Lan.
Sự liên hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đã gần như hoàn toàn bị thống trị bởi châu Âu và chỉ được phục hồi sau khi Ấn Độ giành được độc lập.
Trong thời kỳ sau khi Ấn Độ giành được độc lập, mối quan hệ thương mại với khu vực này không được khuyến khích. Một phần do ảnh hưởng của tình hình chính trị thời kỳ Chiến tranh lạnh và một phần do chính sách kinh tế hướng nội của Ấn Độ. Do đó, cổ phiếu của Ấn Độ trong thương mại thế giới giảm từ 2,0% (đầu những năm 1950) xuống 0,5% (1980), quan hệ thương mại Ấn Độ - ASEAN đã sụt giảm hơn trước. Cả Ấn Độ và ASEAN tập trung nhiều hơn vào thương mại với Bắc Mỹ và Tây Âu hơn là tiếp tục phát triển quan hệ thương mại với nhau. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ trong giai đoạn này, cả Ấn Độ và các nước ASEAN vừa thoát khỏi ách nô dịch đang tập trung nỗ lực vực dậy nền kinh tế của mình, do vậy tận dụng mọi mối quan hệ ngoại giao để có được nguồn vốn đầu tư, vốn vay ưu đãi hay viện trợ không hoàn lại, sự chuyển giao công nghệ tiên tiến...mà điều này thì chỉ có Bắc Mỹ hay Tây Âu làm được.
Trước những biến đổi lớn của lịch sử và sự trả giá đắt từ bài học hàng thập kỷ theo đuổi chính sách công nghiệp thay thế nhập khẩu đã làm Ấn Độ cô lập, bước thụt lùi trong quan hệ kinh tế với các nước, giờ đây Ấn Độ hiểu rằng ngoại giao kinh tế là cách tốt nhất để Ấn Độ hội nhập vào Châu Á nhanh nhất, là một chủ thể lớn trong mọi mặt đời sống kinh tế - chính trị của châu lục. Do đó, trong thời gian từ 1975 đến 1991 là những nỗ lực của Ấn Độ trong quan hệ kinh tế với ASEAN và đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, là nhân tố thúc đẩy các mối quan hệ khác phát triển.