6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Những chàng trai tài giỏi, gan dạ, chất phác
Trong Truyện đường rừng của Lan Khai hình ảnh những chàng trai miền núi tài giỏi, gan dạ, chất phác đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh sinh động, nên thơ về vẻ đẹp của cuộc sống con người miền núi. Họ là những con người lao động chất phác, những người con ưu tú của chốn sơn lâm hùng vĩ, mang trong mình những phẩm chất đẹp đẽ và những nét riêng trong thế giới tâm hồn.
Nếu trong Suối Đàn, người đọc từng say đắm trước vẻ đẹp của người
thiếu nữ sơn lâm tên Ẻn, cùng tiếng suối đàn như thực như mơ nọ thì nay lại có cảm tình đặc biệt với chàng trai Thổ có vẻ đẹp khỏe khoắn, chất phác. Sẩu là chàng trai có thân hình "vạm vỡ", nước da tươi màu núi rừng. Anh vừa
mang vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân lao động, vừa có sự thấu hiểu của người có học thức. Sẩu từng học trường Bưởi và làm anh giáo học vùng Phố Cát nhưng do bản tính phóng khoáng của người sơn lâm, anh không chịu nổi sự ràng buộc nên đã từ chức đem vợ con về quê làm một người dân lao động chân chính. Không chỉ có vẻ bề ngoài khỏe khoắn, Sẩu còn là người có bản
người Kinh tên Khải. Với Sẩu, từ khi anh trở về với sơn lâm, khoác lên mình bộ quần áo chàm thân thuộc là khi anh cảm thấy tâm hồn mình khoan khoái, không còn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Anh sống với bạn bè bằng sự chân thành, mộc mạc và cởi mở. Anh vui mừng biết bao khi người bạn bao năm ở trường Bưởi lên thăm và anh đã đón tiếp bạn bằng cả sự chân thành, nồng nhiệt với những câu nói đầy nhiệt thành : "Tôi vẫn thầm ước giá anh có ở đây để sớm tối bè bạn cùng nhau thì vui quá". Không những thế trong những ngày Khải ở lại thôn Suối Đàn với cái mục đích "trải xem phong tục và tính cách các dân Thượng du"[31, 635] thì Sẩu đã tận tình giúp đỡ bạn bằng việc "anh cắt nghĩa cho tôi về cái phong tục riêng của từng giống sơn thú", về cuộc sống sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc cũng như những tập tục riêng của những người Thổ qua những cuộc hát then, qua lễ cầu cúng cho mùa màng tốt tươi rồi cả cái tên thôn Suối Đàn nên thơ mà anh đang sống từ đâu mà có. Không chỉ chân thành, cởi mở, nhiệt tình giải thích giúp đỡ bạn hòa nhịp cùng cuộc sống của con người miền sơn cước, Sẩu còn rất quan tâm đến tâm tư, tình cảm của bạn. Trong những ngày Khải ở lại thôn Suối Đàn, Sẩu luôn là người bạn tri âm, tri kỉ lắng nghe, thấu hiểu mọi tâm tư, nỗi lòng của bạn. Biết được bạn đã đem lòng yêu thương cô then- người con gái xinh đẹp cùng bản Suối Đàn với Sẩu thì anh tìm cách xe duyên cho hai người. Nhưng khi tình duyên giữa Khải và cô then Ẻn không thành, Ẻn ăn lá ngón tự tử, biết được những đau đớn, giày vò trong lòng bạn, Sẩu đã luôn bên bạn để an ủi : "Anh đừng buồn nhiều quá. Tử biệt sinh ly, kiếp người ai tránh khỏi những đau đớn ấy… ân hận cũng chẳng ích gì. Tuy thế, tôi không tin hoàn toàn tại anh"[30, 709]. Với những lời an ủi chân thành như vậy, Sẩu thực sự là người bạn thân, là cái "bản ngã thứ nhì" của Khải. Với vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của Sẩu, Lan Khai đã cho ta một cái nhìn chân thực về những chàng trai miền núi. Họ là những con người có phẩm chất, tính cách cao đẹp và tình bạn tốt đẹp giữa
Sẩu- một chàng trai người Thổ với Khải - một chàng trai người Kinh đã cho ta thấy tình bạn không có sự phân chia miền xuôi hay miền ngược, giàu có hay nghèo hèn. Điều quan trọng là con người ta sống với nhau bằng sự chân thành, gắn bó và cởi mở. Có thể nói vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của Sẩu đã góp phần làm rạng rỡ hơn bức tranh tươi đẹp, nên thơ về cuộc sống và con người miền núi.
Trong Dấu ngựa trên sương, ta bắt gặp hình ảnh Tum Điàng – một chàng trai Mèo hiền lành, chất phác, yêu lao động. Anh vui sướng biết bao khi được cha nói sẽ cho anh đi thay xuống Bắcquang mua muối mặc dù đường đi là vô cùng hiểm trở, khó khăn thậm chí là nguy hại đến tính mạng. Vừa nghe cha nói "Tum Điàng đi thay ta chuyến này…" thì anh đã sung sướng, ngạc nhiên "há miệng mà không biết nói gì"[31, 533]. Không ngại khó khăn, trắc trở trên đường đi, Tum Điàng vui mừng đón nhận nhiệm vụ mới bằng lòng gan dạ của một chàng trai miền sơn lâm hùng vĩ. Rồi không may trong chuyến đi buôn cuối cùng trước khi nhường lại cho Tum Điàng đi thì cha chàng đã bị Tô Chố hại chết vì không chịu gả con gái Tsi Na cho hắn. Cha Tum Điàng chết, Tô Chố đã bỏ tiền ra lo tìm xác về và lo ma chay với hy vọng dùng số nợ ấy để ép cưới Tsi Na. Không muốn gả em gái cho một người xấu như Tô Chố, Tum Điàng đã chăm chỉ ngày đêm lao động vất vả để lấy tiền trả nợ Tô Chố nhưng Tô Chố đã ép chàng phải gả ngay em gái cho hắn nếu không hắn sẽ báo quan. Không chịu được những lời hăm dọa của Tô Chố, Tum Điàng đã đấm vào giữa mặt hắn khiến máu chảy đầm đìa. Tô Chố báo quan và dọa bỏ tù Tum Điàng nên chàng đành gả Tsi Na cho hắn nhưng khi biết được chính Tô Chố là người đã hại chết cha mình thì chàng đã đâm chết Tô Chố rồi ra đi theo tiếng gọi lên đường của những người Mèo ưa sống phiêu lưu. Phẩm chất gan dạ cùng tấm lòng yêu lao động của chàng trai Mèo Tum Điàng cho thấy một hình ảnh đẹp về những chàng trai miền núi. Song họ
lại chính là nạn nhân của nghèo khó, áp bức, bóc lột, họ đều bị tước đi quyền và khát vọng hạnh phúc chính đáng.
Đọc Tiền mất lực ngoài bức tranh thiên nhiên thơ mộng và vẻ đẹp ngây thơ, thuần khiết của người thiếu nữ sơn lâm LôHli thì hình ảnh chàng trai Tsi Tô Đay yêu đời, gan dạ, chất phác cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Như bao chàng trai miền núi hiền lành, chất phác, Tsi Tô Đay luôn chăm chỉ với công việc cày nương cuốc rẫy của mình. Và một lần tình cờ khi đang cày chàng nghe thấy có tiếng kêu cứu đã vội "đặt cày, buông trâu, chạy miết lên đường"[32, 559]. Chàng đã giúp cô gái trẻ Lô Hli đánh bại con báo để cứu nàng khỏi lưỡi hái của tử thần. Hình ảnh Tsi Tô Đay đánh nhau với báo là hình ảnh thật đẹp về lòng gan dạ, sự tài giỏi của một chàng trai sơn lâm : "Chàng trẻ tuổi nhảy xổ lại, hoa dao băm vào mặt con báo đến vài mươi nhát cực mạnh. Nó gào lên một tiếng vang động núi non , quật băng Lô Hli xuống đất, chồm lại đánh người con trai nọ. Nhưng chỉ gắng sức được có thế, nó ngã vật ra cạnh đường, hộc máu rất nhiều rồi chết"[32, 560]. Hành động giết báo của Tsi Tô Đay cùng những cử chỉ quan tâm lo lắng cho Lô Hli cho thấy chàng không chỉ dũng cảm, gan dạ mà còn sống rất tình nghĩa, không ngại hiểm nguy cứu giúp người gặp nạn. Trong con người chàng trai miền núi Tsi Tô Đay đằng sau cái vẻ gan dạ và sức mạnh phi thường là trái tim chất phác, yêu đời, yêu núi rừng tha thiết. Chàng yêu LôHli bằng một tình yêu trong sáng, trong tưởng tượng của chàng thì LôHli giống như "một cánh hoa giữa cõi đời đìu hiu" khiến trái tim chàng thổn thức, chàng khát khao yêu thương và mong chờ hạnh phúc sẽ đến. Nhưng khi ông Chánh- cha của LôHli chết, chàng không có tiền để làm ma cho ông theo cổ lệ nên Tsinèng- con trai ông Khán Động đã bỏ tiền ra lo ma chay và cưới LôHli. Nhưng đồng tiền không thể chia cắt được tình yêu thắm thiết giữa Tsi Tô Đay và LôHli, sau đám cưới họ đã tìm đến sống bên nhau và nguyện chết cùng nhau. Tình yêu
ấy đã cho thấy sự thất bại của thế lực đồng tiền trước tình yêu. Chàng trai trẻ Tsi Tô Đay gan dạ, dũng cảm, yêu lao động, yêu cuộc sống là một hình ảnh đẹp đẽ về những con người lao động miền sơn cước. Họ là những con người lao động chất phác, có tình yêu, có ước mơ cao đẹp song luôn bị những thế lực thống trị miền núi những năm trước cách mạng tháng Tám đè bẹp khiến họ lâm vào bước đường cùng phải tìm đến cái chết để giữ trọn tình yêu.
Nếu Sẩu, Tum Điàng, Tsi Tô Đay cho ta thấy vẻ đẹp chất phác, khỏe khoắn, gan dạ của những chàng trai Tây Bắc thì Mai Khâm trong "Chiếc nỏ cánh dâu" lại cho ta một cái nhìn đầy ngưỡng mộ về sức mạnh, sự tài giỏi, mưu trí của chàng trai Tây Nguyên. "Chiếc nỏ cánh dâu" xoay quanh cuộc chiến giữa hai bộ tộc Djarai và Brahnar cùng tình yêu thắm thiết giữa Mai Khâm và Pengai Lâng. Để xua tan những lo lắng về những cuộc cướp bóc, chém giết dân bản mình, viên trưởng s’roc Mai Pha đã làm ra chiếc nỏ cánh dâu - "một thứ khí giới đặc biệt, một công trình chế tạo với tất cả kinh nghiệm, sự khéo léo, sự yêu đương của một tay thiện xạ, một nhà nghề, một người cha giàu tình cảm. Cái thân nỏ bằng gỗ trắc đanh bóng, dây bằng da tê săn lại, lòng máng để tên bằng xương hùm và sau cùng, cái lẫy làm bằng một mảnh răng lợn luộc. Với chiếc nỏ ấy, với một mũi tên ba cạnh vót bằng vầu già tẩm nhựa sui…"[31, 713]. Mai Pha dành nhiều tâm huyết để làm chiếc nỏ này là để cho Mai Khâm - người con trai mà ông rất mực yêu thương và gửi gắm nhiều hy vọng và là người sẽ thay ông lãnh đạo mọi người bảo vệ s’roc khi ông qua đời. Với chiếc nỏ ấy Mai Pha tin tưởng rằng tài bắn giỏi của nhà họ Mai đã lẫy lừng một thời sẽ không bị mờ đi. Và hy vọng của cha về Mai Khâm đã được đáp lại. Ngay từ nhỏ, Mai Khâm đã "sức lực vạm vỡ hơn trẻ khác nhiều… khuôn mặt vuông chữ điền, thân hình đều đặn, ngực nở, bụng đõn và cái thói hay leo trèo, chạy nhảy, đánh nhau, săn bắn"[31, 713]. Vẻ bề ngoài đầy sức mạnh, cùng sự tinh ranh, hiếu động ấy của Mai Khâm lúc nhỏ
sẽ giúp cậu trở thành một chàng trai ưu tú của núi rừng Tây Nguyên. Và khi lớn lên thân hình Mai Khâm thật vạm vỡ và chứa đầy sức mạnh : "Thân thể chàng hơi săm sắp mồ hôi, bóng nhoáng dưới ánh bình minh, nom chẳng khác một pho tượng lực sĩ bằng đồng"[31, 718]. Và trong lần đầu tập bắn với chiếc nỏ cánh dâu mà cha làm cho, Mai Khâm đã cho mọi người thấy sự tài giỏi của mình : "Chiếc nỏ đã giương, Mai Khâm từ từ giơ lên ngang trước mặt, và một tay nhắc mũi tên vẫn cầm ngang ở miệng, để vào khe lòng máng… Chàng nheo một mắt, ngắm kĩ cái vòng tròn vạch sẵn trên thân cây ba soi cách chỗ đứng gần một trăm bộ. Thốt nhiên, dây nỏ bật thành một tiếng giòn và ngắn, mũi tên bay veo veo ngang khoảng không rồi cắm phập vào giữa vòng tròn đằng xa"[31, 718]. Trước sự gieo hò của mọi người, Mai Khâm "đỏ mặt vì sung sướng". Trong lần săn nai đầu tiên cùng cha trong rừng, Mai Khâm cũng đã cho thấy sự tài giỏi, nhanh nhẹn của mình "Chàng luôn vọt lên trước, khiến ông già Mai Pha và người đầy tớ theo không kịp"[31, 719]. Nhưng con vật mà Mai Khâm đuổi theo săn trong lần đầu tiên đó không phải là con nai mốc mà là một con gấu ngựa. Đối diện với con ác thú hung dữ, Mai Khâm không hề run sợ mà bình tĩnh dùng mưu trí và sức mạnh của mình để đánh gục nó : "Chàng nhanh như chớp nghiêng mình
phóng thẳng mũi đòng vào miệng ác thú rồi rún mình níu một đoạn rễ phụ mà co lên"[31, 721] và chỉ cần hai mũi đòng, Mai Khâm đã hạ gục được con ác thú trong sự ngạc nhiên của cha. Vừa hạ gục con ác thú, về đến cổng Mai Khâm đã bắn ngay được một con cày vòi khiến Mai Pha nhìn con với "đôi
mắt sáng ngời thỏa mãn và kiêu hãnh"[31, 722]. Nhưng rồi không may, Mai Pha bị Mat Nar bên mọi Djarai lẻn vào nhà hại chết. Dù vô cùng đau đớn, nhưng Mai Khâm đã bình tĩnh đứng ra lo ma chay cho cha và chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ s’róc. Với sự sắp đặt tài tình, Mai Khâm đã lãnh đạo s’róc đánh bại hoàn toàn kẻ thù, trả thù cho cha. Rồi chàng tấn công mọi Djarai cứu
Pengai Lâng – người con gái xinh đẹp, tốt bụng đã giúp s’roc của chàng thoát khỏi một vụ cò măng đẫm máu. Nhưng Pengai Lâng đã hóa điên vì bị chính cha nàng giam trong ngục tối ẩm mốc đầy chuột và gián. Pengai Lâng giờ đây không còn hiểu những điều Mai Khâm nói khiến trái tim chàng "muốn vỡ tung ra, hơi thở chàng dồn dập tựa hồ sắp bật thành tiếng thổn thức…"[31, 800]. Rồi Mai Khâm gia sức nhờ người chạy chữa cho Pengai Lâng nhưng không có kết quả, cuối cùng chàng đã cùng nàng đi vào rừng xanh tươi đẹp tìm vị thần Ia Châu và Ia Năm chữa bệnh cho Pengai Lâng và không quay trở lại. Có thể nói vẻ đẹp cùng sự gan dạ, tài giỏi và cách sống tình nghĩa của chàng trai Brahnar Mai Khâm đã cho ta thấy một hình ảnh đẹp về chàng trai Tây Nguyên. Vẻ đẹp cùng tình yêu trong sáng của Mai Khâm như ánh đuốc sáng soi đường cho những người dân mọi thoát khỏi cuộc sống thù hằn, chém giết, để cuộc sống yên bình tươi đẹp. Trong "Chiếc nỏ cánh dâu" hình ảnh chàng trai Brahnar thông minh, tài giỏi, gan dạ cùng tình yêu trong sáng, thắm thiết giữa chàng và Pengai Lâng như một bản nhạc nên thơ giữa cuộc sống đầy những âm mưu, thù hằn, cướp bóc và chém giết tranh giành tài sản, lãnh địa của nhau giữa những người dân mọi.
Khi miêu tả vẻ đẹp của những chàng trai miền sơn cước, Lan Khai còn chú ý khắc họa vẻ đẹp của họ trong những trang phục mang nét đặc trưng riêng của từng tộc người. Người đàn ông Mán có cách ăn mặc như toát lên được vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ nhưng vẫn rực rỡ màu hoa, sắc lá của núi rừng. Những chàng trai Thổ lại quấn trên đầu chiếc khăn vải chàm thật dài, mặc chiếc áo trấn thủ cải những đường hoa nối triện rỡ ràng, hai chân quấn đôi kha cặt bằng vải tây điều, tay đeo vòng bạc, vai đeo krèng lau buộc dây ngũ sắc. Tất cả tạo thành một bức tranh sinh động đa sắc màu về vẻ đẹp của những chàng trai miền sơn cước.
Việc thể hiện sự tài giỏi, gan dạ, chất phác của những chàng trai miền núi thuộc những dân tộc khác nhau như vậy, Lan Khai đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh sinh động, tươi đẹp về hình ảnh những con người miền núi. Vẻ đẹp ấy được đặt trong những môi trường sống cụ thể như một chất thơ dịu nhẹ lan tỏa trong những trang Truyện đường rừng của Lan Khai.