6. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Những phong tục, tập quán
“Là một anh đồ Khải, cái chất đường rừng với cái men nghệ sĩ đã đưa bàn chân anh hành trình khắp đó đây, từ núi rừng Việt Bắc đến các buôn sóc Tây Nguyên xa xôi. Ở con người ấy lại có sở trường dễ hòa nhập với phong tục và ngôn ngữ của mọi vùng miền đất nước, luôn có thói quem ghi chép những biến thái quanh mình; có khi là một bài dân ca, một câu chuyện cổ, một gương mặt đẹp, một bông hoa lạ, một tiếng suối reo… thành những bức tranh hay trang viết sau mỗi cuộc hành trình”[30, 15-16]. Sở dĩ Lan Khai có cái tên gọi “nhà nghệ sĩ của rừng rú” có lẽ bởi ông sống gắn bó và am hiểu sâu sắc những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số đồng thời miêu tả những phong tục ấy trong Truyện đường rừng của mình một cách chính xác, chân thực và sinh động. Đồng thời, nhà văn cũng miêu tả phong tục của từng dân tộc gắn với những con người cụ thể và đặt trong môi trường sống mang những nét riêng.
Trong Truyện đường rừng của Lan Khai, người đọc như hiểu hơn những nét phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Bắc. Những nét phong tục, tập quán ấy vừa tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của từng dân tộc lại vừa mang đặc tính chung trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc miền núi. Từ tục kén chồng, tung còn đến hát then, múa lượn,… tất cả tạo thành một bức tranh sinh hoạt văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của từng cộng đồng dân tộc.
Hầu hết những dân tộc vùng cao trong Truyện đường rừng của Lan Khai đều sống bằng nghề làm nương, phát rẫy, săn bắn song mỗi cộng đồng
tuổi kén chồng trong Suối Đàn thì theo phong tục của người Thổ các cô “luôn được cha mẹ cho riêng một gian trái để làm nơi se sợi và tiếp các bạn trai đến nói chuyện, hát thi, tình tứ hoặc gắn bó việc trăm năm. Mỗi ngày cứ lúc chập tối mọi việc đã vãn, bọn trai tơ ưng cô nào thường họp nhau ở nhà cô ấy. Để tránh sự mở cổng đóng cổng, coi chó dữ, họ dùng những đôi cà kheo tre vừa bước nhảy qua rào”[31, 655]. Và từ những cuộc gặp gỡ, hẹn hò ấy mà các đôi trai gái có dịp tìm hiểu nhau, nảy sinh tình cảm và đi tới một cuộc hôn nhân bền vững. Trong những buổi tối hẹn hò tình tứ ấy thì “Trong những gian phòng khách của các cô sơn nữ, trai gái ngồi riêng làm hai hàng. Rồi thì các cô cứ việc xe sợi, thêu áo, các cậu cứ việc đan giỏ, vót tên hoặc trạm trổ các vỏ dao bằng gỗ thừng mực. Câu chuyện ái ân đằm thắm vẫn tiếp tục mà công việc vẫn không hề bị cản trở”[31, 656]. Những cuộc hẹn hò của các đôi trai gái có cảm tình với nhau diễn ra trong không khí làm việc chăm chỉ nhưng cũng rất lãng mạn. Để rồi “sau những cuộc poóc ỏi đầy những câu nồng nàn, nó xây trong óc mọi người những tòa lầu mộng rỡ ràng lộng lẫy, người ta liền mời nhau ăn trầu: cuộc nhân duyên của từng đôi bắt đầu gắn bó”[31, 656]. Đó chính là phong tục kén chồng mang đậm tính nhân văn và cũng vô cùng lãng mạn của người dân Thổ. Với họ, hôn nhân không phải là sự gán ghép, ép gả mà là sự tự nhiên xuất phát từ hai trái tim có cùng một nhịp đập. Đây cũng chính là lối sống hết sức tiến bộ của những người dân Thổ.
Cùng với tục kén chồng thì lễ hội tung còn của những người dân vùng cao trong những ngày xuân tươi vui, ấm áp cũng là cuộc sinh hoạt văn hóa dân gian lành mạnh đầy thơ mộng. Vào lễ hội mùa xuân, những chàng trai cô gái của núi rừng diện cho mình những bộ váy áo rực rỡ, tươi đẹp nhất để đến với những cuộc tung còn. Sau khi cụ tổng Khoan – người già tuổi và danh dự nhất của động làm lễ khai cuộc và cầu cúng xong thì chia những người dự
cuộc tung còn thành hai hàng “nam đông, nữ tây, đoạn trao cho mỗi bên tám
quả cầu xanh đỏ”[31, 594]. Quả còn thường có “thân bằng vải hoa trong đựng cát, xung quanh đính tua xanh đỏ và một sợi dây dài để cầm ném. Giữa bãi đất người ta trồng một cây tre, ở trên ngọn cắm một cái vòng tròn phất giấy đỏ làm đích”[31, 519]. Rồi sau đó “Trai gái cứ mỗi bên một cặp, lần lượt tiến ra giữa bãi đua tài… Bên nữ giao trước. Bên nam phải đón cầu trả hắt lại, cứ như thế độ mươi lần. Bên nào để cầu chấm đất là thua. Mà hễ thua, tất phải trụt khăn, tháo vòng nộp phạt, chờ lúc tan cuộc mới lấy về”[31, 594]. Cuộc tung còn ấy cứ thế diễn ra trong sự reo hò, cổ vũ của những người xung quanh khiến cho bãi cầu càng thêm náo nhiệt, thế nên “cả hai bên đều càng đánh càng dẻo, chạy nhẩy càng lanh lẹn, cuộc chơi càng hăng hái vô cùng”[31, 594]. Hòa cùng với những tiếng reo hò, cổ vũ, sau mỗi ván là những tiếng kèn lau mừng chiến thắng của phe thắng cuộc lại vang lên khiến cho không khí của buổi tung còn càng thêm tươi vui, náo nức. Theo quan niệm của những người dân Thổ thì “nếu số người ném trúng đích nhiều thì năm ấy mùa màng phong lẫm. Không ai trúng tức là điềm xấu đáng lo”[31, 519] vì thế mà các đôi trai gái đều cố gắng ném trúng đích thật nhiều để mang lại những điều may mắn, tốt đẹp cho những người dân trong động và cho chính bản thân mình. Có thể nói tục tung còn vào mùa xuân của những người dân miền núi là một trong những nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc cần được giữ gìn và phát huy.
Không chỉ có tục tung còn mà trong không khí lễ hội mùa xuân tươi vui, ấm áp ấy, những chàng trai, cô gái đang xuân còn trao cho nhau những câu hát đối đáp mượt mà, tình tứ.
“Em đừng thẹn
Em đừng quá ngại ngùng
Gặp gà mái trên mặt đồng đang bới đất Gà sống lại ra chiều hấp tấp
Bới chân rơm, nhặt thóc gọi vang lên Hễ có đôi muôn việc đều nên
Vật vô tri còn biết vậy, đáng khen chăng là? Gặp nhau đây ta lại với ta
Ước gì ! Như chim liền cánh như hoa liền cành Em cười như hoa xuân phô cánh thắm,
Em nhìn như sóng gợn mặt hồ thu Gặp em rồi lòng ngơ ngẩn, ngẩn ngơ Trên cành trông nhện vương tơ mà buồn Khúc ruột sầu như dao cắt làm đôi Chỉ vì anh mà em đứng ngồi không an Lược biếng chải, cơm ăn chẳng thiết Ngẩn ngơ nhìn bóng chiếc khóc thầm…
Núi rừng xa cách… bao giờ, cho kết chặt dải hồng Muốn đi tìm thấy cụ Tơ hồng mà hỏi cho ra !”[31, 595] Có thể nói sau những ngày lao động vất vả cực nhọc với công việc làm nương, cuốc rẫy những người dân nơi miền núi hoang vu lại được sống những ngày xuân tươi vui, ấm áp để cầu cho một năm mới mùa màng tốt tươi, con đàn cháu đống và lấy lại sinh khí để bắt đầu một năm mới với những công việc lao động cực nhọc vốn có. Vì thế phong tục ngày Tết của những người dân miền núi giữ một vai trò quan trọng. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần của người dân mà còn là một nét sinh hoạt văn hóa chứa đựng bản sắc văn hóa riêng của mỗi cộng đồng người. Những nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp mang đầy tính nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi
phía Bắc ấy như một nét vẽ nên thơ về cuộc sống của con người giữa núi rừng bao la
Cùng với những ngày xuân tươi vui ở động Đèo Hoa thì những cuộc hát then, múa lượn sôi nổi, hấp dẫn nơi Suối Đàn cũng để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Người con gái đẹp nhất của thôn Suối Đàn đều phải làm cô then rồi sau mới được lấy chồng, vì thế mà điệu hát then, múa lượn như càng lôi cuốn hơn bởi vẻ đẹp của cô then. Cô then thường giúp người dân cúng lễ để cầu cho giống má mùa sau được tốt tươi nên sau mỗi câu hát, “cô then lại nhặt ở mỗi bát một ít hạt giống đoạn quãi lên ban thờ”[31, 643]. Và họa cùng lời hát, điệu múa của cô then là những chuỗi nhạc đồng rung rung, những tiếng kèn lau rền rĩ và tiếng đàn thánh thót. Khi hát then, múa lượn, cô then giống như một ngọn lửa “nhảy và hát một cách say sưa… Nàng cứ tiến rồi lại lui, lui rồi lại tiến… cứ rập rờn, chờn vờn, như bước bâng khuâng trên những đợt sóng âm thanh khoan nhặt… mười đầu ngón tay nàng dẻo như kẹo, lắm lúc tưởng biến thành đôi cánh bay lên được”[31, 643]. Cùng với điệu múa đầy lôi cuốn của cô then là tiếng đàn then huyền ảo như “tiếng suối sa thánh thót giữa ngàn đêm sương tỏa”[31, 644] gợi trong lòng người những rung động sâu xa. Như có một sức cuốn hút kì lạ, điệu hát then, múa lượn cùng vẻ đẹp đầy mê hoặc của cô then như khiến người ta phải chú ý lắng nghe và theo dõi từng cử chỉ, bước đi của cô. Vẻ đẹp của những câu hát then, những điệu múa lượn như góp thêm vào cái phong tục của người dân Thổ một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, nên thơ. Giữa núi rừng thơ mộng, vẻ đẹp của cô then cùng điệu hát then, múa lượn đã làm cho bức tranh về cuộc sống của con người thêm phần sinh động, tươi đẹp hơn.
Bên cạnh điệu múa, vẻ đẹp của cô Then thì Suối Đàn lôi cuốn người đọc ở những câu ca dao, dân ca tình tứ, giàu cảm xúc thể hiện tâm trạng nhớ nhung, cùng khát vọng yêu thương của con người:
“Bướm kia chết mệt vì hoa
Cá kia đợi nước thẫn thờ lòng khe”[31, 671]. hay: “Yêu thương xiết kể bao nhiêu
Yêu thương nên nỗi sớm chiều quên ăn”[31, 540]. Cũng có khi, các nhân vật trong “Suối Đàn” mượn lời những câu ca
dao, dân ca để nói lên tâm trạng cô đơn, buồn tủi của mình:
“Đêm khuya ngủ chẳng được say Nghe chim khảm khắc nó bay gọi đàn
Chim kia còn biết gọi đàn
Buồng không, bóng lẻ, dạ vàng nấu nung”[31, 706].
Hoặc đó là những câu hát não nùng, da diết của người con gái khi tình yêu không thành:
“Phận hồng nhan; nghìn thu vẫn thế Bạc như vôi, mỏng tựa cánh chuồn
Ai ơi, giải hộ cơn buồn
Má đào ướt đẫm lệ nguồn nhớ thương”[31, 706].
Cũng có khi Lan Khai đưa vào những trang viết của mình những câu thơ mượt mà, giàu cảm xúc của Tản Đà, Lưu Trọng Lư… nhằm thể hiện rõ hơn tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm của mình đồng thời làm cho
Truyện đường rừng thêm giàu chất thơ, chất nhạc.
Không chỉ chú trọng khắc họa bức tranh thiên nhiên miền sơn cước, cùng những phong tục mang đậm tính nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số mà Lan Khai còn dành nhiều thời gian, tâm huyết để quan sát và miêu tả trang phục của những chàng trai, cô gái miền núi. Người con gái Mèo thích mặc những trang phục sặc sỡ có màu đỏ và luôn đeo nhiều vòng bạc trên mình, chân luôn cuốn “kha cặt” (Dấu ngựa trên sương). Những phụ nữ Thổ lại thích những bộ quần áo có thêu nhiều hoa văn sặc sỡ, đầu cuốn khăn
ba chục nếp thêu hoa (Rừng khuya). Còn những cô gái Mán lại ưa mặc những chiếc váy xòe cùng những chiếc áo thêu bó chẽn trên đầu quấn những chiếc khăn thêu (Tiếng gọi của rừng thẳm)… Dường như tất cả những trang phục
sặc sỡ, tươi đẹp ấy của những người phụ nữ miền núi đều được làm từ những chất liệu thiên nhiên của núi rừng qua bàn tay khéo léo của họ mà có những màu sắc, đường nét khác nhau mang quan niệm thẩm mĩ riêng của mỗi cộng đồng dân tộc.
Khi miêu tả nơi ở của những người Mèo trên núi cao, trong Dấu ngựa trên sương, Lan Khai viết: “Dân cư đếm vỏn vẹn chừng đâu non chục bếp . Họ chuyên nghề mã phu và sống trong những túp lều bám treo leo vào vách đá như những tổ diều hâu”[31, 526]. Còn ngôi nhà mà gia đình lão Ghình Gúng ở là “nếp nhà năm gian, mái thấp hình mui luyện, nom xa như một con rùa đương ngủ. Bốn vách cùng lịa ván thông, trừ một cửa ra vào… Bên trong hai gian áp hồi tay phải dùng làm bếp nấu và cầu rửa. Có lần tre dẫn nước tự nguồn xa về. Ở gian chính, gần ngưỡng cửa, một cái cối xay ngồi lù lù trên cái máng gỗ… ở đây quanh năm hầu như chỉ có một mùa đông ánh sáng chẳng bao giờ lọt thấu trong nhà, lại thêm đồ đạc thứ nào cũng bồ hóng bám đen kịt ”[31, 527]. Còn khi miêu tả về môi trường sống của người Thổ trong
Suối Đàn, tác giả lại chú ý đến khắc họa hình ảnh những ngôi nhà sàn trong
“thung lũng mờ sương” hay đó là “một nếp nhà bằng gỗ đẹp… chon von giữa ngọn đồi, chung quanh mận, đào mọc kín, hơi gió thoảng qua, cành non rung động thì những cánh trắng, hồng lại rung, bay như đàn bươm bướm. Dưới chân đồi, qua trước cổng nhà chàng, một vạch suối reo cười trên lòng cát sỏi”[31, 486] của những người Thổ trong động Đèo Hoa. Đời sống sinh hoạt và thói quen làm việc của mỗi cộng đồng dân tộc miền núi cũng có sự khác biệt. Nếu người H’Mông sống bằng nghề trồng ngô thì những người Tày, người Dao lại sống bằng nghề trồng lúa. Những chàng trai, cô gái người Mán
lại biểu lộ tình cảm của mình trong những điệu krèng, những câu hát tình tứ và những cuộc tung còn trong lễ hội mùa xuân.
Có thể nói Truyện đường rừng của Lan Khai có sức hấp dẫn mạnh mẽ với người đọc rõ ràng không chỉ bởi chất thơ tỏa ra từ bức tranh thiên nhiên con người miền núi mà còn bởi những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc cùng những phong tục tập quán tốt đẹp mang đậm tính nhân văn của mỗi cộng đồng các dân tộc miền núi. Viết về những phong tục tập quán cùng những lễ hội của đồng bào các dân tộc miền núi, Lan Khai không chỉ quan sát bề ngoài mà còn viết bằng niềm “đam mê khảo cứu phong tục tập quán và ngôn ngữ
các dân tộc thiểu số ở các vùng miền đất nước”[31, 17]. Qua những trang viết của ông, người đọc như cảm nhận được cuộc sống tươi đẹp, nên thơ của những người dân chốn sơn lâm trong những ngày xuân tươi vui, ấm áp, trong những cuộc tung còn náo nhiệt và trong những buổi hát then, múa lượn đầy mê say. Chất thơ trong những phong tục, lễ hội tươi vui, đậm đà bản sắc ấy của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ góp phần cùng với bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hình tượng những con người miền núi chất phác, thơ ngây làm nên một bức họa phẩm lộng lẫy, rực rỡ sắc màu và chứa chan thi vị ca ngợi vẻ đẹp của rừng xanh cùng cuộc sống tươi đẹp của con người.