6. Cấu trúc của luận văn
1.2. Chất thơ và chất thơ trong văn xuôi
Thơ là một thể loại văn học nảy sinh rất sớm trong đời sống con người. Đặc trưng của thơ biểu hiện rất sâu sắc từ cảm hứng sáng tạo, tình ý trong thơ đến ngôn ngữ, nhạc điệu… Thơ là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ một cách chân tình, tự nhiên “Thơ là tiếng
nói hồn nhiên nhất của tâm hồn” (Tố Hữu). Gorki cũng cho rằng “thơ trước
hết phải mang tính chất tình cảm”[168]. Là một thể loại văn học nằm trong phương thức trữ tình, ngôn ngữ thơ luôn giàu nhạc tính, hàm súc và có tính truyền cảm cao. Khi những đặc trưng này của thơ đi vào tác phẩm văn xuôi thì được gọi là chất thơ trong văn xuôi. Chất thơ trong văn xuôi góp phần làm cho tác phẩm văn xuôi thêm mượt mà, xúc cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu hơn.
Theo Từ điển Thuật ngữ Văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), NXB Giáo dục TP.HCM,2007 thì “Khái niệm chất
thơ để chỉ những sáng tác văn học bằng văn vần hoặc văn xuôi giàu xúc cảm, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu”[13,543]. Nói đến vai trò chất thơ để tạo hồn văn, nhà văn Trung Quốc Quách Mạt Nhược nói :
“Trong tiểu thuyết và trong kịch nếu như không có chất thơ thì giống như rượu bia và nước hoa đã bay hết hơi hết mùi, giống như một xác ướp không có linh hồn”. Nhà lý luận Chu Quang Tiềm thì ví von chất thơ và cốt truyện trong tiểu thuyết giống như hoa và giàn hoa, cốt truyện chỉ như cái giàn ghép bằng những cành cây khô để cho chất thơ là những dây hoa mềm mại, mơn mởn, rực rỡ, ngát hương vươn lên (Thi pháp văn học trung đại, Trần Đình Sử). Còn Kuranốp - nhà nghiên cứu người Nga cũng từng khẳng định: “Trong nền văn học hôm nay, chúng ta chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa thơ và văn xuôi... Sự xích lại này làm cho văn xuôi chúng ta thêm nồng ấm, run rẩy, nhiều chất hội hoạ, cô đọng hơn trong những ẩn dụ thấm vào từng câu, từng đoạn. Việc xích lại gần với thơ làm cho văn xuôi vừa trở nên sâu sắc hơn, vừa dễ hiểu hơn. Thứ dòng chảy ngầm này cần cho mọi truyện ngắn. Nó giúp cho truyện ngắn gọn mà vẫn súc tích”. Và chính chất thơ trong tác phẩm văn xuôi là yếu tố đưa người đọc đến những rung cảm mãnh liệt, sâu sắc. Phađeep đã từng nói: “Văn xuôi cần phải có cánh. Đôi cánh ấy chính là thơ”. Chất thơ là chiếc cầu nối mềm mại đưa văn xuôi thấm vào hồn người một cách êm ái, dịu dàng hơn bao giờ hết. Nhà thơ Puskin cũng cho rằng: “Văn chương bao giờ cũng thấm đượm chất thơ như chất nước ngọt ngào thấm trong trái táo” và
“Văn xuôi là sợi cốt còn thơ là sợi ngang. Cuộc sống trong văn xuôi không đựng chất thơ sẽ thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên nhưng không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả”.
Trong nghiên cứu văn xuôi trữ tình, các nhà nghiên cứu thường nhắc đến chất thơ: “Văn xuôi trữ tình là dạng thức văn xuôi dung hợp, đa tạp, chuyển hóa một cách hài hòa, nhuần nhụy giữa chất thực và chất thơ, giữa tự
sự với trữ tình, giữa hiện thực và lãng mạn. Nó không chịu nằm yên trong một cái ô mà chúng ta đã chia sẵn. Nó tung phá các địa ranh, hòa trộn các địa hạt của trào lưu, phương pháp của các thể loại để tự định hình cho mình một diện mạo mới” [17, 67].
Việc nhà văn lựa chọn những chi tiết đời sống loại này mà không phải loại khác; việc nhấn mạnh tô đậm ở phương diện này mà không phải ở phương diện khác suy cho cùng đều là do cái nhìn của nhà văn quy định. Văn xuôi trữ tình, không phải là lối nhìn đời một cách nghiêm ngặt, tỉnh táo theo kiểu Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,… mà chính là cái nhìn chuyên chú phát hiện chất thơ của cuộc đời thường nhật, “những khía cạnh bình thường mà nên thơ của cuộc sống”[17, 260] để nhằm tô điểm cho cuộc sống vốn nghèo nàn cơ cực. Vì vậy ở văn xuôi trữ tình, sự kết hợp giữa chất thực và cảm xúc trữ tình, giữa chất thơ và văn xuôi đã làm thành đặc điểm thẩm mỹ loại hình cũng như nguyên tắc của cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc sống, con người.
Phản ánh hiện thực và bộc lộ cảm xúc trữ tình đã đưa lại cho văn xuôi trữ tình những trang viết giàu chất thơ. Chất thơ trong văn xuôi là nét khu biệt trong đặc điểm thẩm mĩ của văn xuôi trữ tình. Chính chất thơ trong văn xuôi đã tạo nên chiều sâu và sức ngân vang của những trang viết. Cái âm hưởng trữ tình mượt mà cùng với chất thơ man mác, bàng bạc đã làm cho văn xuôi trữ tình có sức lay động và truyền cảm sâu xa. Nó thực sự là những bài thơ văn xuôi rất nhiều vang hưởng. Chất thơ trong văn xuôi trữ tình được phát kiến và tìm tòi qua ba phương diện chủ yếu là: Chất thơ của cuộc đời thường nhật, Chất thơ của tâm hồn và Chất thơ trong những bức tranh thiên nhiên. Hiện thực được phản ánh trong văn xuôi trữ tình là hiện thực được vang vọng, được lắng lọc qua tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của nhân vật, của người viết, nghĩa là thông qua những phản ứng, những động thái tâm lý, thông qua sắc
thái nội tâm của nhà văn và nhân vật mà thấy được cuộc sống bên ngoài. Đó là hiện thực nhưng hiện thực được đọng lại, được kết tinh qua tâm hồn của con người. Thế giới nghệ thuật trong văn xuôi trữ tình thường ít có cái xô bồ, góc cạnh đầy nghiệt ngã của cuộc đời mà được phủ một chất thơ bàng bạc. Chất thơ ấy như lãng đãng, như xao xác trên những số phận, những cuộc đời hiu hắt. Và trong văn xuôi trữ tình, vẻ đẹp tâm hồn nhân vật, cùng bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc, hòa hợp với con người chính là một chất thơ xuyên suốt tác phẩm. Đọc những tác phẩm văn xuôi trữ tình của Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh,… người đọc sẽ cảm nhận rõ hơn về điều này.
CHƯƠNG HAI:
CHẤT THƠ TRONG BỨC TRANH THIÊN NHIÊN MIỀN NÚI SỐNG ĐỘNG, NHIỀU MÀU SẮC