6. Cấu trúc của luận văn
2.1. Thiên nhiên thơ mộng, tươi đẹp
Là “cây bút sung mãn” với các tác phẩm ở nhiều thể loại văn học khác nhau, đặc biệt với các sáng tác ở mảng Truyện đường rừngLan Khai đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Với mảng đề tài này, nhà văn đã dệt lên một thế giới nghệ thuật đặc sắc với những bức tranh thiên nhiên thơ mộng, tươi đẹp mà ở đó có cảnh núi non trùng điệp, có ngàn hoa khoe sắc, có bầu trời trong trẻo với những tiếng chim ca,...Và xen vào giữa bức tranh ấy còn có những màn sương mỏng bảng lảng khi chiều xuống, có ánh nắng rát vàng lên cảnh vật khi bình minh lên. Bước vào thế giới Truyện đường rừng
của Lan Khai là bước vào một khu rừng sống động với đầy đủ âm thanh và màu sắc. Đó là âm thanh trong trẻo của tiếng chim họa mi, khướu,... của tiếng gió thổi rừng cây, của sông, của suối,...Điểm thêm vào những âm thanh diệu kì ấy là những gam màu sặc sỡ của những bông hoa rừng dưới nắng vàng tươi, của bầu trời khi bình minh lên, lúc chiều xuống. Tất cả hợp thành một bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp “muôn nghìn hình dáng” của rừng xanh. Nếu chưa một lần tự mình khám phá sơn lâm thì đọc những trang viết chứa chan cảm xúc với những cảm nhận tinh tế này của Lan Khai ta như thấy mình đang tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp cùng sự huyền bí của rừng xanh. Qua những trang viết của nhà văn về thiên nhiên, con người miền núi ta thấy yêu biết bao cái vẻ đẹp thơ mộng pha lẫn sự huyền bí nên thơ của núi rừng, yêu biết bao những cô sơn nữ xinh đẹp, trong sáng thơ ngây, yêu những chàng trai miền núi gan dạ, chất phác,...Tất cả những vẻ đẹp ấy như hòa quyện với nhau, vẻ đẹp của con người làm cho cảnh vật thêm rực rỡ và vẻ đẹp của cảnh vật
làm cho con người lung linh hơn. Có thể nói những bức tranh thiên nhiên trong Truyện đường rừng của Lan Khai thường giàu màu sắc, hương thơm, ánh sáng, và luôn gắn bó hòa quyện với con người.
Bước vào thế giới của: Sóng nước Lô Giang, Đôi con vịt, Tiền mất lực,
Vì cánh hoa trôi, Bên rừng xuân, Tiếng sáo đêm thu, Rừng khuya, Dấu ngựa trên sương, Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối Đàn,...là bước vào một thế giới
tươi đẹp, thơ mộng của cỏ cây, hoa lá, của suối chảy, gió reo, của những tiếng chim sơn ca, họa mi thánh thót. Cảnh vật như có linh hồn, có sự sống, đầy chất nhạc, chất họa và có sức khơi gợi trong tâm hồn ta một tình yêu núi rừng tha thiết.
Bức tranh thiên nhiên thơ mộng nhưng đượm buồn trong Sóng nước Lô
giang đã gợi trong lòng người nhiều rung cảm sâu xa. Câu chuyện xoay quanh cảnh sông Lô và cuộc sống của một gia đình gồm “một vợ, một chồng và một đứa con thơ còn nằm ngửa” trong một chiếc thuyền nan con đang lướt sóng chạy về hướng Nam.
Trong Sóng nước Lô giang, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp
thơ mộng, nhưng pha chút buồn quạnh hiu của dòng sông khi phải chứng kiến biết bao cảnh cướp bóc, chia lìa. Cuộc sống của những người dân lương thiện quanh dòng Lô giang hàng ngày phải đối mặt với biết bao nguy hiểm rình rập đe dọa đến mạng sống vì nạn Cờ Đen đang hoành hành khắp nơi. Khung cảnh thiên nhiên mở đầu cho câu chuyện ấy là:“Một buổi sớm thu tàn. Phương Đông, chân trời sau những chòm cây xanh thẫm, đỏ rỡ ràng như lửa cháy. Dọc theo sông Lô, những ngọn đồi tranh liên tiếp, cằn cỗi xác xơ. Một vệt khói rơm ai đốt nghi ngút bốc lên cao, vẽ ra trên bức cảnh đìu hiu một nét hoạt động rời rã…”[31, 577]. Mùa thu vốn đã gợi trong lòng người ta những nỗi buồn xa vắng nhưng vào buổi sớm thu tàn thì nỗi buồn dường như tăng lên gấp bội. Cảnh vật như nhuốm một màu vàng úa, tàn phai với màu “đỏ rỡ
ràng như lửa cháy” của mặt trời sau những chòm cây xanh thẫm, với sự “cằn cỗi xác xơ” của những ngọn đồi và điểm vào đó là những làn khói rơm nghi ngút đang bốc lên cao khiến cho bức tranh phong cảnh càng thêm đìu hiu. Và “Yên lặng, sông nước núi rừng biến thành một cõi vô cùng tịch mịch. Cái cảm giác điêu linh tàn tạ nặng nề như trong một thế giới kiếp hồi nào…Dân gian, cũng như chim ngàn thú nội, lẩn đâu mất cả, lẩn vào những hang sâu, bụi rậm, cố giữ lấy cuộc sống gieo neo”[31, 577]. Cảnh sông nước vào những ngày thu tàn vốn đã buồn lại càng thêm tịch mịch khi nó đã từng chứng kiến bao nhiêu cái chết oan uổng của những người dân lành vì nạn cướp bóc của bọn Cờ Đen đang hoành hành. Những người còn lại và ngay cả đến chim ngàn thú nội cũng không dám xuất hiện để tận hưởng cuộc sống yên bình, tự do giữa sông nước, núi rừng tươi đẹp này.
Cảnh sông nước Lô giang thơ mộng nhưng buồn, tịch mịch như báo trước những điều không hay xảy đến với những ai đi qua trên khúc sông ấy. Và thật không may cho một gia đình kia khi đang xuôi dòng trên chiếc thuyền nan nhỏ để về xuôi. Người mẹ xinh đẹp của đứa con thơ còn đang ẵm ngửa đã bị tên giặc háo sắc cướp đi. Vì sinh mạng của đứa con, người chồng đành đứt ruột chèo thuyền ra đi, không thể chết cùng vợ. Nhưng khi người chồng vừa khuất bóng, thì người vợ đã văng mình xuống dòng sông lạnh để “Nước bắn
tung tóe, sóng vỡ tơi bời, phút giây lại phẳng lỳ yên lặng, nhưng không ngờ rằng vừa nuốt chửng một tấm linh hồn oan khổ đáng thương”[32, 112]. Người thiếu phụ xấu số thà văng mình xuống dòng sông lạnh chứ không chịu để tướng giặc làm nhục khiến cho dòng sông vốn đã buồn tịch mịch lại càng não nùng, ai oán: “Thuyền ai đi qua đó bây giờ, những lúc canh tàn khắc lụi
vẳng nghe tiếng chim rừng trong đêm tối lòng vẫn bồi hồi, xúc động, tưởng đâu hồn thiếu phụ trăm năm còn tha thiết gọi chồng con…”[32, 112]. Ở đây, phẩm giá tốt đẹp của người phụ nữ, cùng tình vợ chồng thủy chung son sắt và
tình mẫu tử thiêng liêng chính là chất thơ nhẹ nhàng xuyên suốt tác tẩm. Có thể nói, bức tranh thiên nhiên trong Sóng nước Lô giang là một bức tranh thơ mộng nhưng đượm buồn. Bức tranh ấy được cảm nhận bằng sự phối hợp hài hòa giữa các giác quan (bằng thị giác: rừng cây xanh thẫm, mặt trời đỏ rỡ ràng; bằng thính giác: tiếng chim rừng trong đêm, tiếng sóng vỡ tơi bời) cùng sự tinh tế, nhạy cảm của một nhà thơ, nhà họa sĩ Lan Khai. Vẻ đẹp của dòng sông, của người thiếu phụ cùng cái chết của cô như khắc vào lòng người một nỗi buồn, một niềm thương cảm khôn nguôi. Cảnh thiên nhiên sông nước, mây trời bao la, tươi đẹp là vậy mà cuộc sống của con người lại quá mong manh, bất trắc.
Truyện đường rừng của Lan Khai còn chan chứa một chất thơ ngay trong những bức tranh thu mơ màng, dịu nhẹ. Cũng là mùa thu nhưng Con thuồng luồng nhà họ Ma lại mở ra một một không gian nhẹ nhàng nên thơ khác với cái buồn tịch mịch của Sóng nước Lô giang. Bối cảnh mở đầu cho câu chuyện là không gian thu đầy thơ mộng: “Một buổi sớm mùa thu kia, dưới vòm trời trong vắt, núi xa mơ màng trong bức màn sương mỏng”[31, 543]. Mùa thu thường là mùa của sự tàn phai, rơi rụng vì thế mà bức tranh thiên nhiên mùa thu dù thơ mộng, lãng mạn đến đâu cũng pha chút buồn mơ màng của sự già úa, tàn phai: “cây rừng im lặng như nghĩ đến nỗi vàng úa nay mai. Những đám lau lách bạc đầu, ngất ngưởng trước làn gió nhẹ, như các ông già đã gác bỏ sự đời. Chim ngàn thú nội, ngẩn ngơ vì cái lặng lẽ chung quanh, cũng ngậm hơi kín tiếng”. Cả núi rừng như đang nín thở chờ đợi sự rơi rụng tàn úa nay mai khi mùa thu đi. Cảnh vật như chìm đắm trong không khí im lặng của đất trời khi vào thu, ngay cả đến chim ngàn thú nội cũng “ngẩn ngơ” trước cái lặng lẽ của mùa thu mà ngưng tiếng hót. Bằng
nghệ thuật nhân hóa, so sánh giàu hình ảnh, thiên nhiên mùa thu trong sáng tác của Lan Khai hiện lên như những thực thể sống động và có hồn.
Không chỉ có nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ Lan Khai xao xuyến trước mùa thu mà cái lặng lẽ nhưng vô cùng ý vị của cảnh vật khi thu sang đã làm xao động bao tâm hồn thi sĩ, để từ đó bao vần thơ hay đã ra đời. Đến với bài thơ Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư người đọc không khỏi thổn thức mơ hồ trước mùa thu:
“Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức ….
Em không nghe rừng thu Lá thu kêu xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô".
Bài thơ với ngôn từ mộc mạc nhưng gợi trong lòng ta bao cảm xúc dịu nhẹ, mơ màng về mùa thu với bóng trăng mờ thổn thức, với tiếng lá rơi xào xạc, với hình ảnh con nai vàng ngơ ngác giữa rừng thu,… Tất cả tạo thành một bức tranh thu thi vị, nhẹ nhàng mà chứa chan cảm xúc. Ta cũng từng bắt gặp không gian thu tràn ngập lá rơi trong thơ Bích Khê :
"Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông".
Trong Gò thần của Lan Khai, có khi vẻ thu chỉ biểu lộ trong những vật thật giản dị, nhưng cũng thật tinh tế, nên thơ. Thu về "trong mấy đám cỏ gà cằn cỗi, trên cái màu vàng nhuộm ố sắc cây xanh, trong luồng gió hanh hao thổi hút nhựa, đốt cháy cả thảo mộc"[32, 87]. Chỉ thế thôi cũng đã đủ cho tâm hồn ta tràn ngập khí thu rồi.
Trong nhiều trang Truyện đường rừng của Lan Khai bức tranh thu còn hiện lên rực rỡ sắc màu. Mở ra trước mắt người đọc lúc này không phải một không gian buồn tịch mịch mà bức tranh thu với gam màu tươi sáng của
"những dải núi xa in lên chân mây vàng rực, những cánh rừng xanh thẫm
hoen ố màu thu, những đám ruộng hoang bát ngát. Ánh chiều in lên những chỏm cây cao, những bãi cỏ áy cái sắc vàng rực rỡ"[32, 58]. Trong cảm nhận của tác giả, có khi thu về trong những cánh chim chiều "bay tung ngang không, kêu ríu rít rồi xa xa chập vào ngọn cây trên đồi cao"[32, 58] gợi trong lòng người một nỗi nhớ bâng khuâng, một nỗi buồn man mác.
Lan Khai dường như đã dùng tất cả những giác quan của mình để cảm nhận mùa thu khiến bức tranh thu hiện lên sống động với đầy đủ màu sắc, âm thanh: “Trời đẹp, khí hậu ấm áp. Vòm không trong xanh. Muôn tiếng chim ngàn đua hót làm rung rinh cái yên tĩnh trùm lên sự vật”. Đọc những trang viết của Lan Khai, người đọc có thể cảm nhận được những thay đổi của đất trời, vạn vật khi thu về trong vẻ xanh trong của bầu trời, trong những bông hoa roóc mạy như những "bó đuốc khổng lồ cháy rực dưới vòm không xanh
biếc"[31, 536].
Có thể nói mùa thu với những làn gió nhẹ, những chiếc lá vàng rơi, với cái buồn dịu nhẹ đã làm rung động bao tâm hồn nghệ sĩ trong đó có Lan Khai. Dưới ngòi bút và cái nhìn, óc quan sát sắc sảo, nhạy bén của một nhà thơ, nhà họa sĩ, Lan Khai đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh thu với những gam màu đặc trưng, đầy ý vị và nên thơ của đất trời. Bức tranh thiên nhiên thơ mộng ấy thật có sức gợi trong lòng người nhiều cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến khi thu sang.
Là một người con sinh ra và lớn lên ở "xứ sơn kỳ thủy tú, vạn vật phong phú tốt tươi, sơn hào vô tận, ruộng nhiều lúa chín, đất nở đầy hoa, chim kêu vượn hót; mặt người tươi đẹp, thuốc quí tiềm tàng, không gì là không có, nhờ khí hạo nhiên"[30, 14], lại có niềm đam mê thơ ca, hội họa, ưa khám phá, Lan Khai đã sáng tạo lên những trang Truyện đường rừng vừa chân thực, gần gũi, lại rất mộng và thơ. Cảm nhận đầu tiên của người đọc khi đến với những tác
phẩm : Người lạ, Rừng khuya, Dấu ngựa trên sương, Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối Đàn… là thế giới thiên nhiên tươi đẹp, đầy tính họa, tính nhạc cùng thủ pháp nghệ thuật miêu tả, so sánh, ví von và óc quan sát tinh tế nhạy cảm của nhà văn.
Đến với truyện ngắn Người lạ của Lan Khai ta như được bước vào một thế giới thơ mộng, dịu êm của vạn vật trong một buổi trưa êm đềm khi mà
"cảnh vật ngủ li bì dưới ánh nắng… suối đổ mơ hồ điểm thêm một đôi tiếng cúc cu của con chim cu gáy ẩn hình nào đó"[32, 540]. Cái buổi trưa giữa núi rừng khi mà cảnh vật đang say nồng giấc ngủ chỉ có tiếng chim cu gáy ẩn mình đâu đó trong bụi rậm cất tiếng gáy làm cho không khí vốn đã lặng yên lại càng thêm phần hiu hắt gợi trong lòng người một cảm giác bâng khuâng.
Thiên nhiên nơi rừng xanh dường như được Lan Khai quan sát, miêu tả trong mọi góc độ không gian, thời gian khác nhau. Và ở khoảng thời gian nào thì thiên nhiên cũng hiện lên thật đẹp, thật nên thơ. Khi đêm xuống, trăng lên vạn vật lại khoác lên mình một tấm áo mới đầy quyến rũ : "Qua những đám mây xốp trắng, mặt trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa ngọc dạ quang treo lơ lửng giữa vòm trời xám nhạt. Ánh sáng trong và mát dịu soi xuống mặt sông chảy như một dòng thiếc lỏng, in lên mặt đường trắng lốp và những mái nhà tranh âm thầm. Chân trời sáng trưng lên”[31, 553]. Cảnh đêm lúc này dưới ngòi bút của Lan Khai hiện lên như một bức tranh phong cảnh mang đậm chất hội họa với đầy đủ những màu sắc, đường nét: màu trắng của mây, màu dạ quang của mặt trăng, màu xám nhạt của bầu trời, màu trắng lốp của ánh trăng chiếu lên mặt đường. Chiêm ngưỡng bức tranh nên thơ ấy, ta như thấy tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhàng hơn. Đẹp hơn nữa là vẻ bình yên của vầng trăng trong đêm khuya khi vạn vật đã chìm trong giấc ngủ êm đềm thì ánh trăng cũng “thiêm thiếp ngủ trên cái lặng lẽ đêm sâu”[31, 555].
Đối với mỗi thời khắc của đất trời, thiên nhiên trong sự miêu tả của Lan Khai lại mang một màu sắc riêng khiến núi rừng giống như một bức họa phẩm lộng lẫy luôn biến đổi màu. Khi bình minh lên “cả non ngàn dường như chìm đắm chìm trong ánh sáng lộng lẫy của nắng vàng rực rỡ” và những tia nắng đầu tiên xuyên qua kẽ lá lọt xuống “nom như những bóng tơ vàng”, “rừng cây man mác, chỗ lấp trong bóng tối dịu mát màu xanh, chỗ phơi ánh
nắng rực rỡ vàng hoe”[31, 558] tạo cho bức tranh thiên nhiên một vẻ xanh trong, thanh khiết nhưng cũng vô cùng lấp lánh. Dưới cảm nhận của chàng trai Mèo Tum Điàng trong Dấu ngựa trên sương thì cảnh núi rừng lúc bình minh hiện lên thật nên thơ: “Những sườn núi cao, những chỏm cây lớn đều sáng rực một thứ men vàng lóng lánh. Và tự các lòng thung lũng, sương mù thong thả bốc lên như hơi nồi chõ”[31, 548]. Ánh bình minh trong buổi sớm tinh khôi được ví như thứ “men vàng lóng lánh” tô điểm cho cỏ cây hoa lá thêm sinh động, tươi đẹp hơn. Những giọt sương ban mai trong cảm nhận của Tum Điàng mới thật ngộ nghĩnh: “một giọt móc lòe lửa trên đầu một ngọn cỏ rác, nó phảng phất một con mắt đương nhấp nháy cười”[31, 548].
Đẹp hơn nữa là bức tranh thiên nhiên thơ mộng của núi rừng khi bình minh lên, lúc chiều về hay những ngày xuân ấm áp trong Tiếng gọi của rừng thẳm. Và đây là một buổi bình minh nơi rừng thẳm:
“Bình minh.
Trên cỏ cây thướt tha dấu sương mù.
Những chỏm núi xa vươn lên chân mây phơn phớt hồng, chờ đợi thái