6. Cấu trúc của luận văn
1.1.3. Những nhân tố tác động tạo nên Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan
Thời thơ ấu, Lan Khai lớn lên trong một gia đình yêu cái đẹp và cái thiện cùng với môi trường sinh thái phong phú, khí hậu mát mẻ ở miền rừng núi Chiêm Hóa, sống gần gũi với những người dân tộc thiểu số thuộc vùng Việt Bắc như: Tày, Dao, Cao Lan, Hà Nhì, Pà Thẻn… được hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng của núi rừng, được tắm mình trong những làn điệu dân ca mượt mà, tình tứ và được nghe những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích gắn với miền đất “núi thần”, “sông gấm” này. Dường như tất cả những vốn văn hóa dân gian, những truyền thống lịch sử của quê hương đã được Lan Khai hấp thụ qua lời ru của mẹ và lời kể của cha. Những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ đó đã tạo cho Lan Khai có một vốn sống, vốn văn hóa dân gian phong phú để viết lên những tác phẩm văn học giá trị thấm đượm chất thơ về cuộc sống, con người và bức tranh thiên nhiên miền sơn cước.
Khi đã trở thành nhà văn nổi tiếng trên văn đàn, viết về thời thơ ấu của mình, Lan Khai đã tự bạch: “…không một ngày nào, những khi mẹ con được gần gũi hú hý với nhau, mà mẹ tôi lại đã không kể cho tôi nghe ít nhất là một
sự tích về cái thời mà Bụt còn năng hiện xuống trần để can thiệp vào nhân sự, hoặc cái lai lịch não nùng của bà Chúa Ba, hoặc sự kiên quyết của bao kiếp luân hồi của Phật tổ? Mẹ tôi kể bằng một giọng chìm chìm, bí mật và đầy thi vị, trong khi một vẻ mơ màng say đắm hiện long lanh trong hai mắt mẹ tôi… Ngồi nghe mẹ kể tôi đã sống hiển hiện cuộc đời các nhân vật lạ lùng của những chuyện cổ tích ấy”[30, 13]. Còn với cha, Lan Khai cũng có những hồi ức rất đẹp: “Thầy tôi còn hay kể cho tôi nghe những chuyện về Thúy Kiều, về Chiêu Quân, những tích rút ở Tình sử và Liêu Trai…”[30, 14].
Có thể nói tuổi thơ của Lan Khai từ một bản nhỏ thâm u bên bờ sông Gâm đến vùng đất tỉnh lị bên bờ sông Lô đã đi vào sáng tác của ông với những hình ảnh tươi đẹp, nên thơ. Cậu học trò Nguyễn Đình Khải đã lớn lên trong môi trường thiên nhiên linh thiêng và thơ mộng của vùng đất Tuyên Quang. Sau này, khi đã thành một học sinh Trường Bưởi và sinh viên Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, cũng như khi đã có một gia đình riêng yên
ấm, là một anh đồ Khải thì cái chất đường rừng với cái men nghệ sĩ đã đưa bước chân anh đi khắp đó đây, từ núi rừng Việt Bắc đến các buôn sóc Tây Nguyên xa xôi. Để từ đó Truyện đường rừng của Lan Khai ra đời như một bức tranh tươi đẹp, thơ mộng về cuộc sống, con người và thiên nhiên miền sơn cước.
Năm 1927, Lan Khai kết hôn với bà Hà Thị Minh Kim (1909- 1999) - con một gia đình khá giả, là người có học thức, có nhan sắc lại thông minh, giỏi thêu thùa, sống nhân hậu, thủy chung và là người phụ nữ về sau có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp văn chương của Lan Khai. Không chỉ là người phụ nữ đảm đang lo toan mọi việc trong gia đình mà bà Hà Thị Minh Kim còn là người “trợ bút”đắc lực cho Lan Khai trong nhiều trang viết.
Lan Khai là người đam mê vẽ tranh phong cảnh, thích sưu tầm văn học dân gian, làm thơ về quê hương, tình bạn, tình yêu. Không những thế ông còn
là người có thú chơi sách, “anh đã lập cho mình một thư viện lớn ngang bằng
nhà sách ở phố Hàng Bông thời bấy giờ, gồm các loại sách báo cổ, kim, Đông, Tây với tên tuổi các tác gia văn học, triết học và sử học nổi tiếng trên thế giới… Anh đam mê khảo cứu phong tục tập quán và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở các vùng miền đất nước”[30, 17]. Thú chơi sách này đã tạo cho Lan Khai một vốn tri thức phong phú, đồng thời niềm đam mê hội họa, thơ ca đã tạo cho những trang Truỵên đường rừng của ông một màu sắc riêng thấm đượm chất trữ tình.
Cuối năm 1943 – đầu năm 1944, từ giã Hà Thành, Lan Khai chuyển hẳn về sống ở quê hương. Thời gian này ông mở hiệu sách “Lan Đình” bán đủ thứ sách và tiếp tục dạy học, viết văn, vẽ truyền thần. Ông mất vào cuối thu 1945 tại quê nhà Tuyên Quang.