7. Cấu trúc của khóa luận
2.1.2. Dòng suối – tấm lòng trong trẻo của con người
Theo Từ điển tiếng Việt thì suối là những dòng nước chảy nhỏ và vừa,
là dòng chảy tự nhiên của nước từ trên cao xuống nơi thấp hơn. Suối thường bắt nguồn từ những mạch nước ngầm hoặc từ các hồ nước thiên nhiên trong rừng, núi. Các dòng suối hợp lại lớn lên sẽ thành những dòng sông. Mỗi khi nhắc đến dòng suối thông thường nó gợi lên ý nghĩa thực đó. Và bên cạnh nét nghĩa thực ấy thì dòng suối còn gợi ra cả những nét nghĩa biểu tượng. Theo
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới “nguồn nước hay suối là biểu tượng cho
sự tái sinh và tẩy uế” [7; 649]. Bởi vậy, nhắc đến nước suối là nhắc đến sự
trong trẻo, sạch sẽ. Trong truyện ngắn Nguồn suối, nó không chỉ là biểu tượng
cho truyền thống văn hóa, dòng chảy bền bỉ và mạch nguồn của cách mạng mà đó là tấm lòng trong trẻo, thơm thảo của những người vùng cao. Đó là những con người như ông già Lào “ông cụ từ bên Lào sang ở đất Pa-khen đã mấy chục năm, một đêm ba mươi tháng chạp rét buốt ông cụ cho người con gái ra rừng mời Ngạn vào bản” [2; 7] và thiết đãi Ngạn bằng tất cả tấm lòng nhiệt tình, hiếu khách. Nhắc đến con suối, người ta cũng không thể không
nghĩ tới sự trong sạch. Trong truyện ngắn Rừng xà nu, nhà văn Nguyên Ngọc
cũng đã để cho cụ Mết phát biểu khi nói về Tnú: “Đời nó khổ nhưng cái bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Như vậy, trong văn hóa Việt mỗi khi muốn so sánh những gì trong sạch nhất người ta thường so sánh với nguồn suối. Trong
truyện Nguồn suối, Nguyễn Minh Châu không nói ra nhưng chúng ta đều hiểu
rằng với cách nói chuyện của ông già người Lào khi nói chuyện với Ngạn: “Chắc anh bận nhiều việc kháng chiến nên không thể biết, con Y Khiêu đứa con gái tôi, nó muốn làm vợ anh. Đấy là tôi nói để anh biết, còn tùy ý anh” [2; 8]. Đó là một cách nói rất thẳng thắn, bộc trực mà không phải ai cũng nói được. Tính cách của con người nơi đây không phải chỉ qua tính cách của ông già người Lào mà còn qua một số nhân vật khác như ông Hừng hay Y Khiêu
và cả đám đông bản làng. Ở họ là tấm lòng mến khách “Y Khiêu tập gói bánh chưng đã hai chục năm nay. Năm nào tết đến chị cũng gói để đón Ngạn lên ăn tết” [2; 10]. Đó cũng chính là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thống và tấm lòng thơm thảo ấy còn thể hiện qua sự mừng vui của đồng bào nơi cán bộ Ngạn đến: “Các cụ già bản Pa-khen lôi Ngạn về chỗ bà con bản mình. Hình như xung quanh đây mỗi con người mỗi gốc cây, bờ suối đều gắn bó với Ngạn, đều đã từng che chở cho anh. Tôi ngắm mãi những nét mặt nhân hậu và khảng khái của những người già đứng vây chung quanh, cố hình dung nét mặt của ông già Lào đáng kính” [2; 12]. Như vậy, ở họ hiện lên là tấm lòng tin yêu, trân trọng và ngưỡng mộ với những người cán bộ cách mạng. Kết truyện, hình ảnh dòng suối lại hiện ra một lần nữa: “Từ trên đầu dốc núi Lào cao chất ngất và thanh vắng, nguồn suối Pa-khen đổ trắng xóa, ngọn suối xói vào lòng đất mang cả mối tình đầu mãnh liệt chợt như réo thác” [2; 13]. Điều này không chỉ giúp ta thấy tình yêu trong sáng mà người chiến sĩ cách mạng Ngạn dành cho Y Khiêu người con gái nơi đây – bản Pa-khen thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt mà nó còn góp thêm một nét vẽ để khắc họa rõ hơn bức chân dung về tấm lòng đôn hậu, chất phác, mộc mạc của những con người vùng cao, trong hoàn cảnh càng khó khăn, gian nan, khắc nghiệt thì phẩm chất tốt đẹp của họ càng ngời sáng.