7. Cấu trúc của khóa luận
3.3.1. Bến quê – nơi bình yên, bến đỗ tâm hồn
Nhìn từ góc độ văn hoá, từ bao đời nay, cái bến đã đi vào tâm thức người Việt như một điểm hẹn, một bến đỗ bình yên. Không gian bình dị của bến vẫn gắn với những sinh hoạt tập thể thường nhật của vùng nông thôn Việt Nam, gắn với lối suy nghĩ mộc mạc, chân chất của người bình dân. Bến là nơi quy tụ của dân làng già, trẻ, gái, trai… Nó gắn với kí ức tuổi thơ của biết bao người. Nó cũng là nơi bao người xa quê nhớ và mong ngày trở về. Cũng như
nhiều truyện ngắn khác của mình, trong Bến quê Nguyễn Minh Châu cũng
xây dựng được những tình thế đặc biệt để từ đó nhân vật bộc lộ tâm sự của mình. Nhân vật chính trong truyện – Nhĩ một người đã từng đi khắp xó xỉnh nhưng cuối đời lại cột chặt mình trên giường bệnh bằng căn bệnh hiểm nghèo mà muốn di chuyển cũng phải nhờ đến vợ và con. Và một buổi sáng trong
những ngày cuối đời của mình, anh đã nhận ra được vùng bãi bồi bên kia sông Hồng, nơi bến quê quen thuộc một vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ:
“Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời thu đêm đến cho sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù xa lâu đời lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc quen thuộc như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ” [2; 321].
Có rất nhiều nhà nghiên cứu nhận định sáng tạo biểu tượng là một
trong những sở trường của Nguyễn Minh Châu. Trong truyện ngắn Bến quê,
hầu như mọi hình ảnh chi tiết đều mang hai lớp nghĩa: Nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa biểu tượng được tạo ra từ những hình ảnh thực, nhưng phải xem xét trong cả hệ thống hình ảnh và chỉ có thể toát lên khi đặt vào sự quy chiếu của chủ đề tác phẩm. Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này khi cơn lũ đầu nguồn đã dồn về, đổ ụp trong những giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng, hai chi tiết này đã gợi cho chúng ta biết sự sống của Nhĩ đã ở những ngày cuối cùng. Giữa hoàn cảnh ấy thì hình ảnh những bãi bồi bên sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lại trong truyện thực ra mang ý nghĩa khái quát biểu tượng rất sâu sắc. Đó là cái vẻ đẹp của đời sống trong những cái gần gũi quen thuộc như một bến sông quê, một bãi bồi… Không những thế khi nằm liệt giường, nhận được sự chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ của người vợ, Nhĩ mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, sự tần tảo, tình yêu và đức hi sinh thầm lặng của vợ. Những cử chỉ dịu dàng, sự chăm sóc ân cần chu đáo, những lời động viên thấu hiểu tâm trạng của chồng, rồi tấm áo vá và những bước đi rất nhẹ trên những bậc cầu thang gỗ đã mòn lõm. Bấy nhiêu chi tiết không chỉ cho ta thấy nhân vật Liên là hình tượng người phụ nữ đẹp trong tác phẩm mà
còn khiến cho Nhĩ nhận thức sau bao nhiêu năm bôn tẩu, tuổi trẻ của anh dành cho những chuyến đi vùng vẫy ngang dọc đến khắp mọi chân trời, đến lúc ở những ngày cuối đời mình, anh mới thấu hiểu được nơi bình yên bến đậu, điểm tựa cho cuộc đời anh chính là gia đình, là người vợ suốt đời tần tảo, thầm lặng hi sinh, và rộng ra là quê hương xứ sở.