Chiếc thuyền ngoài xa và nhãn quan nghệ thuật

Một phần của tài liệu Biểu tượng nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn minh châu (Trang 48 - 51)

7. Cấu trúc của khóa luận

3.2.2.Chiếc thuyền ngoài xa và nhãn quan nghệ thuật

Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng trên, khi nhắc đến Chiếc thuyền ngoài xa

ta không thể nào không nhắc đến ý nghĩa biểu tượng là nhãn quan nghệ thuật của người nghệ sĩ. Truyện được xây dựng dựa trên rất nhiều tình huống nghịch lí trong đó có thể kể đến tình huống sau nhiều ngày đêm săn lùng cuối cùng Phùng cũng phát hiện được “một cảnh “đắt” trời cho như bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ” [2; 334] nhưng oái oăm thay ngay lúc ấy Phùng chứng kiến một cảnh tượng thật trớ trêu. Từ con thuyền đẹp như thơ ấy là cảnh bạo hành gia đình thật ghê gớm. Người đàn ông lấy hành động đánh vợ để giải tỏa những uất ức cực nhọc trong cuộc mưu sinh của mình. Bạn của Phùng là chánh án tòa án huyện – Đẩu đã gọi người đàn bà ra và khuyên nên bỏ chồng “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, cả nước không có người đàn ông nào như thế, chị không sống nổi với gã đàn ông đó đâu” [2;

342]. Nhưng đáp lại tấm thịnh tình của Phùng và Đẩu là hành động van xin rối rít của người đàn bà “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó” [2; 342]. Như vậy, bài học đặt ra từ mâu thuẫn này và vỡ ra trong đầu óc Phùng và Đẩu là muốn cải tạo cuộc sống phải căn cứ vào thực tế cuộc sống làm cho cuộc sống dễ thở hơn chứ không phải chỉ đem sách vở mà áp đặt vào cuộc sống. Nếu chỉ biết đem sách vở mà áp vào cuộc sống thì chánh án Đẩu có khác nào một thứ máy móc, có khi vô tình trở thành hành động phản nhân văn mà chính mình không ý thức được. Ở tác phẩm này, có lẽ Nguyễn Minh Châu muốn kí thác một điều, không phải hễ cứ đánh đuổi được ngoại xâm, thống nhất đất nước là có thể đem lại hạnh phúc cho con người. Kết thúc bỏ lửng của truyện không chỉ tránh được công thức mà quan trọng hơn, nó nhấn sâu hơn bức thông điệp khắc khoải về số phận con người: Cuộc chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu còn diễn ra dai dẳng lâu dài. Thiên truyện còn đặt ra những vấn đề có ý nghĩa nghệ thuật với văn nghệ sĩ sau chiến tranh. Ý nghĩa ấy chủ yếu được gửi vào nhân vật Phùng. Sự phát hiện những nghịch lí cuộc sống giúp Phùng nhận thức rõ hơn bản chất mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Chiếc thuyền trong sương sớm đẹp vì nó là viễn ảnh, được nhìn từ xa. Nó có thể thanh lọc tâm hồn người nghệ sĩ nhưng vẫn vô nghĩa với những con người lam lũ ở phía sau vẻ đẹp ấy, những con người cơ cực bởi gánh nặng mưu sinh cơm, áo, gạo, tiền. Bức ảnh của Phùng được trưởng phòng khen ngợi, có mặt trong nhiều gia đình “sành nghệ thuật” nhưng chính tác giả của nó lại không bằng lòng vì đó là hình ảnh chỉ để ngắm nhìn, đó còn là sản phẩm của cái nhìn dễ dãi về cuộc sống, chưa vươn tới được bản chất cuộc đời, chưa cất lên được tiếng nói của những con người lam lũ, nhọc nhằn. Sự phiến diện ấy bắt nguồn từ chính Phùng. Anh thiết tha với cái đẹp, với nghệ thuật và cũng sẵn lòng hào hiệp của người lính Trường Sơn nhưng cũng như Đẩu, Phùng còn thiếu hiểu biết thực tế thành ra vẫn hời hợt

trong cách nhìn đời, lúng túng không giải thích được những nghịch lí phức tạp của cuộc sống. Sự phiến diện ấy còn bởi Phùng chỉ sáng tạo theo đơn đặt hàng. Nghĩa là theo sự giao việc của trưởng phòng – mà như thế không thể gọi là sáng tạo… Trong hoàn cảnh thời đại, khi cái nhìn giản đơn về con người và cuộc sống còn ngự trị trong sáng tác văn học thì tác phẩm này đặt ra một vấn đề liên quan đến sự sống còn của nghệ thuật Việt Nam sau chiến tranh. Đó là cách nhìn con người và cuộc đời. Người nghệ sĩ theo nhà văn phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những phức tạp của cuộc sống chứ không thể nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, xuôi chiều. Khi con thuyền là đối tượng của nghệ thuật thì có thể chiếm lĩnh từ xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật của cuộc đời đôi khi phải chiếm lĩnh ở cự li gần. Đừng vì nghệ thuật thuần túy mà bỏ quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là người nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp thì hãy là một con người biết yêu ghét, buồn vui trước cuộc đời, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người. Hình ảnh của cuộc sống nhìn từ xa nhìn bề ngoài tưởng chừng êm đềm, tươi đẹp, thơ mộng “mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù trắng như sữa có pha đôi chút mà hồng hồng do ánh sáng chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn tre con ngồi im phăng phăng như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng vào bờ, một vẻ đẹp thực đơn

giản và toàn bích” [2; 334], lại gần bên trong thì tồi tệ, man rợ và nhức nhối.

Chiếc thuyền ngoài xa gợi ra ý nghĩa về khoảng cách giữa nghệ thuật và đời

sống. Lâu nay, nghệ thuật trong đó có văn chương, vẫn tiếp cận đời sống ở một cự li khá xa. Qua cái nhìn từ một khoảng cách xa, chiếc thuyền hiện ra với vẻ đẹp thơ mộng như bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp mà người phóng viên nhiếp ảnh trong truyện đã chụp được. Nhưng ở bên trong con thuyền ngoài xa ấy còn chứa đựng biết bao sự nhọc nhằn đau khổ. Xuất phát từ khuynh hướng

đào sâu hiện thực ẩn kín, Nguyễn Minh Châu không những gói ghém ý đồ nghệ thuật vào các biểu tượng đa nghĩa mà còn nâng tầm khái quát triết lý của

các biểu tượng. Chiếc thuyền nhìn xa – nhìn gần là những chiêm nghiệm,

chân lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật cần tránh cách nhìn cuộc sống một chiều, lãng mạn, thi vị hoá, nghệ thuật phải tiếp cận, đào sâu để khám phá, tìm ra bản chất của hiện thực. Nhà văn phải có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, phải có tiếng nói trung thực, thông cảm, thấu hiểu lẽ đời. Biểu tượng đa nghĩa làm cho tác phẩm không rơi vào tính luận đề gượng gạo, trái lại rất giàu tính triết luận – trữ tình, hướng đến chân lý phổ quát khiến người đọc cùng suy tư. Từ đó, tác phẩm nói với chúng ta rất nhiều về tấm lòng thiết tha của Nguyễn Minh Châu đối với cuộc sống, con người và công

việc lao động nghệ thuật. Chiếc thuyền ngoài xa là biểu tượng về đời sống

thực còn đầy bí ẩn mời gọi người nghệ sĩ tìm đến để khám phá, thấu hiểu, đồng cảm.

Một phần của tài liệu Biểu tượng nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn minh châu (Trang 48 - 51)