1.2.3.1. Ứng dụng chỉ số PK/PD để lựa chọn thông số giám sát điều trị
Chỉ số PK/PD đã được nghiên cứu để tối ưu hoá hiệu quả điều trị của vancomycin. Độ lớn của chỉ số PK/PD ≥400 của vancomycin đã được đồng thuận (AUC0-24/MIC≥400) là chỉ số mục tiêu để đảm bảo hiệu quả điều trị. Như vậy, trong thực hành lâm sàng, đạt được chỉ số PK/PD mục tiêu rất quan trọng quyết định đến khả năng thành công trong điều trị. Tuy nhiên, việc lấy nhiều mẫu máu để tính toán được giá trị AUC0-24 gây khó khăn trong thực hành. Do nồng độ đáy vancomycin và giá trị AUC0-24 có sự tương quan thuận, tăng nồng độ đáy kéo theo tăng giá trị
17
AUC0-24. Đồng thuận năm 2009 của Mỹ khuyến cáo nồng độ đáy đạt được trong khoảng 15-20μg/mL sẽ tăng khả năng đạt được chỉ số PK/PD mục tiêu khi MIC ≤ 1mg/L [97]. Do đó, nồng độ đáy hiện nay được đồng thuận rộng rãi là thông số chính xác nhất thay thế cho giá trị AUC0-24 phản ánh hiệu quả điều trị của vancomycin trên lâm sàng. Các khuyến cáo giám sát nồng độ vancomycin trong máu hầu hết đều hướng dẫn giám sát nồng độ đáy vancomycin để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn, khác biệt so với hướng dẫn giám sát nồng độ đáy vancomycin trong máu trước đây, chủ yếu để đảm bảo an toàn.
1.2.3.2. Một số hướng dẫn giám sát nồng độ đáy vancomycin hiện nay trên thế giới
Trên thế giới, các hướng dẫn giám sát nồng độ đáy vancomycin đều thống nhất mục đích giám sát để đảm bảo hiệu quả và an toàn [11],[75],[97]. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa các hướng dẫn về chế độ liều và nồng độ đáy đích. Đích nồng độ đáy phụ thuộc lớn vào phân bố MIC của quần thể vi khuẩn, dao động trong khoảng 10-20 μg/mL. Hướng dẫn giám sát nồng độ để đảm bảo hiệu quả nên lấy mẫu máu sớm (trong thời gian từ ngày thứ 3) là điểm mới để hạn chế việc sử dụng dưới liều. Nồng độ đảm bảo hiệu quả đạt được càng sớm, khả năng thành công trên lâm sàng càng được cải thiện. Một số hướng dẫn giám sát nồng độ vancomycin trong máu được trình bày ở bảng 1.1.