Nửa chừng xuânlà cuốn tiểu thuyết có nhiều yếu tố tích cực nhất của Khái Hưng nói riêng và của Tự lực văn đoàn nói chung. Đây là một cuốn “tiểu thuyết luận đề tuyên chiến với lễ giáo phong kiến,đòi quyền tự do yêu đương và hạnh phúc cá nhân.” [24; 57], qua cuộc đấu tranh cũ – mới căng thẳng này, tâm lý nhân vật đã được bộc lộ rõ nét.
Mai và Lộc yêu nhau, tình yêu của hai người có nhiều điểm gặp gỡ và cơ sở bền chặt. Vừa là chỗ quen biết cũ, vừa nặng ân nghĩa, lại đằm thắm say mê trong tình yêu tự do lựa chọn của đôi lứa, nhưng hạnh phúc của Mai và Lộc đã bị lễ giáo của đại gia đình phong kiến ngăn chặn lại. Cũng từ đây hình thành hai thế cực đối nghịch nhau cũ và mới, đây là mối xung đột đang trở nên gay gắt và lan rộng trong cuộc sống thành thị lúc bấy giờ. Lực lượng cũ
được thể hiện ở nhân vật bà án, một mệnh phụ “Ăn ở thì nết cũng hay / Nói
điều ràng buộc thì tay cũng già”. Còn đại diện cho phái mới là Mai, Lộc và Huy – những thế hệ trẻ có chịu ảnh hưởng của “Tây học”. Cũng từ đây, tình huống truyện được đặt ra và cần phải giải quyết.
Trong tác phẩm bà án là một hiện tượng nghệ thuật khá chân thật. Bà trước hết là người có ý thức đầy đủ sức mạnh của kẻ giàu sang, quyền thế, đồng thời bà cũng có ý thức xác lập vai trò tuyệt đối của mình trong việc lấy vợ cho con. Đối với bà, hôn nhân không thể “là kết quả của ái tình” mà là phương tiện để “thăng quan tiến chức”, phải là “môn đăng hộ đối”. Bà đã dạy
con mình rằng: “Mày phải biết lấy vợ gả chồng phải đi tìm chỗ môn đăng hộ
đối, chứ mày định bắt tao thông giao với bọn nhà quê à?Với bọn cùng đinh à!Mày làm mất thể diện tao, mất danh giá tổ tiên, mày là một thằng con bất hiếu. Nghe chưa? [9; 92]. Bà án luôn lớn tiếng đề cao lễ nghi cổ, nào là “ngũ luân ngũ thường”, nào là “tam tòng tứ đức”… nhưng thực chất bà đã không từ bỏ một thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác nào để có thể đạt được mục đích. Từ việc lừa dối Lộc, đang tâm bày mưu đuổi Mai ra khỏi nhà khi nàng đang bụng mang dạ chửa, đến việc tìm đến chỗ ở của Mai, giả dối ân hận, day dứt rồi dùng những lời lẽ ngon ngọt, thậm chí còn dùng tiền để tìm cách cướp đứa cháu nhỏ về hòng có người “nối dõi tông đường”.
Khái Hưng đã miêu tả nhân vật bà án không sơ lược, đơn giản. Nhân vật này luôn đề cao lễ nghi cổ, Nho giáo, nhưng thực chất đã mất hẳn tự bên trong lòng nhân ái và sự tôn trọng với những người khốn khổ không cùng đẳng cấp như mình. Bà án hiện nguyên hình là một người đàn bà ích kỉ, độc ác, đại diện cho những quan niệm luân lý cổ hủ vô nhân đạo chà đạp lên nhân phẩm, quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Ta không phủ nhận nhân vật này có lúc đáng thương, nhưng chính vì bản chất ích kỉ, sự tàn nhẫn biểu thị cho những quan niệm luân lý cũ đã cạn tình người, xa lạ với con người. Đã có lần bà án nhắc đến đạo Nho, đến nhân, nghĩa, nhưng thực chất đó chỉ là câu chữ, mang tính mỉa mai mà Khái Hưng đã khéo léo cài đặt vào trong mối quan hệ của lớp người mới và những người lao động nghèo khổ.
Tiêu biểu cho phái mới là Mai, nhà văn đã xây dựng được nhân vật Mai đương diện đấu tranh với lễ giáo phong kiến đã chà đạp lên hạnh phúc của mình. Ở Mai có sự kết hợp được những nét truyền thống với chất tân tiến của người phụ nữ mới. Mai là một “cô gái mới”, tâm trí “đã trót nhiễm những tư tưởng mới”, nàng có ý thức rõ ràng về hạnh phúc của mình, dám đứng ra đấu tranh trực diện với lễ giáo phong kiến. Ở nàng có sự táo bạo, tân thời, song vẫn mang vẻ đẹp của đạo đức truyền thống – một cô gái xinh đẹp, hiền thục, con của một nhà Nho thanh bần rất mực đoan chính, thủy chung, ganh ghét sự thay lòng đổi dạ và những gì đã trở thành ấu trĩ…
Trong tiểu thuyết, hai lần Mai trực tiếp đấu lý với bà án ích kỷ, xảo quyệt là cả hai lần nàng cho bà án bẽ mặt, dồn bà vào thế bí, đuối lý. Thông minh, lanh lợi, có lúc cương, lúc nhu, nàng đủ tự tin đứng trước một bà lớn mà không hề tỏ ra run sợ hay phải luồn cúi, ngược lại nàng thẳng thắn bày tỏ quan niệm, lập trường của mình, đã không ít lần nàng phải làm cho bà Án phải e dè. Rất yêu chồng, rất quý chồng nhưng không để mất danh dự của gia đình, không để nhân phẩm bị chà đạp, sau những lời cam kết với bà án, Mai quyết định ra đi khi bụng mang dạ chửa, em đang ốm và không một đồng xu dính túi. Nàng thà sống theo cái đúng, theo quan niệm của mình chứ nhất định không theo sự kìm kẹp, không chịu làm lẽ theo hủ tục xưa cũ mà bà án muốn sắp đặt sẵn cho nàng. Trong cơn lưu lạc, sống trong cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, Mai vẫn giữ được bản lĩnh vững vàng chứ không chịu để dòng đời xô đẩy. Trước gió bụi của cuộc đời nàng vẫn giữ được sự thơm thảo, thanh sạch và điều quan trọng là nàng vẫn là chính nàng.
Như vậy, Khái Hưng đã xây dựng thành công nhân vật có cá tính và khẳng định được tính cách của mình bằng việc miêu tả tâm lý nhân vật qua tình huống căng thẳng. Thực chất, Khái Hưng đã đặt nhân vật của mình vào những mối xung đột gay gắt cũ – mới, đó là sự va chạm, đụng độ trực tiếp
giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu. Theo đó, những dòng chảy tâm lý, những tính cách nhân vật cứ lần lượt hiện ra, từng nét một, rành mạch.