Tiểu thuyết là “tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực
đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng.”
[20; 328]. Ngay từ thế kỉ XX, tiểu thuyết đã được coi là hình thái chủ yếu của nghệ thuật ngôn từ. Từ đó đến nay trải qua hơn một thế kỉ văn học, thể loại này vẫn đứng ở vị trí then chốt trong đời sống văn học toàn nhân loại. Là một hình thức tự sự cỡ lớn, tiểu thuyết có những khả năng riêng trong việc tái hiện với một quy mô lớn những bức tranh hiện thực đời sống, trong đó chứa đựng nhiều vấn đề sâu sắc của đời sống xã hội, của số phận con người, của lịch sử, của đạo đức, của phong tục… Nghĩa là tiểu thuyết có năng lực phản ánh hiện
thực một cách bao quát và sinh động theo hướng tiếp cận trên cả bề rộng lẫn chiều sâu của nó.
Ngoài khả năng tái hiện bức tranh mang tính tổng thể của đời sống xã hội, khả năng đi sâu khám phá số phận cá nhân cũng là một phẩm chất tiêu biểu của tiểu thuyết.
Nhân vật là yếu tố quan trọng cấu thành nên một tác phẩm văn học. Nó là yếu tố then chốt của cốt truyện, nó giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Và trong thể loại tiểu thuyết, nhân vật càng có một vị trí đặc biệt quan trọng hơn. Như tất cả các tác phẩm có cốt truyện khác, nhân vật trong tiểu thuyết là hạt nhân của sự sáng tạo nghệ thuật, là “trọng điểm” để nhà văn lí giải tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội. Những nhà tiểu thuyết lớn xưa nay đều bộc lộ tài năng của mình rõ rệt nhất trong lĩnh vực sáng tạo nhân vật. Riêng trong tiểu thuyết lãng mạn, nhân vật có thể chỉ là sự hóa thân, là hình bóng, là mộng tưởng của chính tác giả. Thông qua nhân vật, tác giả gửi những thông điệp đến độc giả, và con người luôn là đối tượng muôn thuở của văn học nghệ thuật được khai thác theo từng khía cạnh khác nhau. Khuôn khổ rộng lớn của tiểu thuyết với sự bao la, vô tận của thời gian, không gian cho phép người viết tiểu thuyết khai thác nhân vật một cách toàn diện, tỉ mỉ theo từng bước thăng trầm của số phận.
Việc sáng tạo nhân vật thường được xem là công việc có tầm quan trọng hàng
đầu đối với người viết tiểu thuyết. G.N.Pospelov coi nhân vật là “phương tiện
tất yếu quan trọng nhất để thực hiện tư tưởng (…) là phương diện có tính thứ nhất trong hình thức của tác phẩm ấy, quy định phần lớn vừa cốt truyện vừa lựa chọn chi tiết, vừa phương tiện ngôn ngữ và cả tiêu chí kết cấu nữa.” [6; 18]. Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát số phận và tính cách của con người. Nhân vật văn học thể hiện quan niệm nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Với ý thức sáng tạo đó, các nhà
tiểu thuyết đã xây dựng nên những nhân vật có một đời sống đầy đặn từ nội tâm đến ngoại hình, từ cảm xúc đến lí trí, từ suy nghĩ đến hành động… Nghĩa là họ có đủ mọi thứ để làm nên một cuộc đời, một thân phận. Một nhân vật “sống” là một nhân vật được nhà văn thổi vào đó những nét tâm lý, tính cách hay chính là việc đi sâu vào đời sống bên trong của nhân vật, miêu tả tâm lý nhân vật, tạo nên sức sống nội tại cho nhân vật. Ta dễ dàng thấy các nhân vật
trong “Nửa chừng xuân” được Khái Hưng xây dựng với một đời sống nội
tâm khá phong phú. Có thể nói ở thể loại tiểu thuyết ông đã rất thành công với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, đặc biệt là việc miêu tả tâm lý nhân vật
người phụ nữ. Đúng như Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Khái Hưng như người
ta đã thấy là một nhà tiểu thuyết có biệt tài. Ông xét tâm lý phụ nữ Việt Nam rất đúng, ông lại để tâm đến việc cải cách những hủ tục trong gia đình Việt nam nên những tiểu thuyết phong tục của ông đều là những tiểu thuyết có giá trị. Phần đông thanh niên trí thức Việt nam là những độc giả trung thành của ông và trong số ấy phụ nữ chiếm nhiều hơn cả.” [4; 296]