Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Hợp tác kinh tế của việt nam với vương quốc arập xêut (Trang 77 - 84)

5. Kết cấu luận văn

3.3.2 Hạn chế và nguyên nhân

3.3.2.1 Hạn chế

Bên cạnh những thành công đã đạt được, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Arập Xêut trong thời gian qua còn gặp một số hạn chế cơ bản sau:

Thứ nhất, tình trạng nhập siêu của Việt Nam vẫn còn cao và chưa được cải thiện. Kết thúc năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu từ Arập Xêut 803,1 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Arập Xêut 534,8 triệu USD và nhập khẩu từ Arập Xêut 1.337,9 triệu USD. Tình trạng chênh lệch này không chỉ biểu hiện trong khối lượng XNK giữa hai nước mà còn biểu hiện trong tốc độ tăng trưởng giữa xuất khẩu và nhập khẩu (xem bảng 3.2).

Thứ hai, vị thế của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Arập Xêut còn chưa được đánh giá cao. Hàng hóa Việt Nam trên thị trường Arập Xêut có sức cạnh tranh kém so với các mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore. Xét trên khía cạnh từng chủng loại hàng hóa cụ thể, mặc dù Việt Nam đã đa dạng hóa các mặt hàng xâm nhập vào thị trường Arập Xêut nhưng hầu hết các mặt hàng này vẫn chưa củng cố được thị phần vững chắc. Mới chỉ có một số ít chủng loại hàng hóa của Việt Nam được phía Arập Xêut quan tâm và có chỗ đứng nhất định tại thị trường này, đó là thủy sản, hạt tiêu, dệt may, cà phê, bột mì, phụ gia thực phẩm các loại. Một số mặt hàng khác Việt Nam như cao su, các sản phẩm nội thất làm bằng gỗ, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, chè... hiện vẫn chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ trên thị trường Arập Xêut (trên dưới 6 triệu USD/1 mặt hàng)2.

Thứ ba, chất lượng lượng hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Arập Xêut còn chưa được đảm bảo và thiếu ổn định. Trong năm 2014 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Arập Xêut và Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á đã có những báo động đối với tình trạng sản xuất hàng kém chất lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Arập Xêut bằng những số liệu rất rõ ràng. Hàng loạt các sản phẩm mới thâm nhập vào thị trường Arập Xêut trong một vài năm gần đây, đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp về chất lượng (nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất, sai quy cách sản phẩm, sai quy định nhãn dán) và bị Arập Xêut từ chối nhập.

2

Thứ tư, quan hệ đầu tư Việt Nam – Arập Xêut mới chỉ thực hiện được một chiều, theo hướng vốn từ Arập Xêut sang Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do những điều kiện khách quan như: chính sách thu hút đầu tư, điều kiện môi trường khắc nghiệt, môi trường văn hóa của Arập Xêut. Tuy nhiên, bên cạnh đó, yếu tố chủ quan là việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin về thị trường Arập Xêut cũng là một điểm đáng lưu ý. Đây là một hạn chế lớn trong quan hệ hai phía bởi Arập Xêut cũng như Việt Nam đều có nhu cầu lớn về đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thứ năm, một số dự án mới chỉ dừng lại ở bước kí kết hoặc hứa hẹn và chưa thể triển khai. Vấn đề này tồn tại chủ yếu trong dòng vốn FDI. Một số kí kết về hợp tác đầu tư trong nông nghiệp đã được kí kết từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Arập Xêut đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa nhiều và còn khá dè dặt. Sở dĩ có nguyên nhân này là do các luồng thông tin về thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp Arập Xêut vẫn còn nhiều hạn chế.Một số doanh nghiệp Arập Xêut đã sang thăm Việt Nam và một số doanh nghiệp Việt Nam đã khảo sát tìm hiểu thị trường đầu tư Arập Xêut, nhưng nhiều doanh nghiệp của hai nước vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư trong thời gian qua.

Thứ sáu, trình độ và kỷ luật lao động của lao động Việt Nam tại Arập Xêut còn thấp. Trình độ lao động của Việt Nam hiện này còn ở dạng phổ thông, thiếu hiểu biết về mặt ngôn ngữ, tập quán và chuyên môn. Phía Arập Xêut cũng đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo về ngôn ngữ và tập quán sinh hoạt cho lao động Việt Nam. Còn về chuyên môn và trình độ thì dường như thiếu sự quan tâm của ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng như chính phủ. Sự hạn chế trong trình độ lao động cũng khiến cho thu nhập của lao động Việt Nam bị hạn chế (thường là thu nhập từ 200-300 USD/tháng). Mặc dù, hiện nay nhu cầu lao động phổ thông ở Arập Xêut là tương đối cao nhưng không nên vì thế mà chính phủ không đầu tư và định hướng cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam phát triển những mảng lao động có trình độ và có thu nhập tốt hơn. Vì

về cơ bản, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động có tay nghề ở Arập Xêut vẫn rất lớn3.

Bên cạnh đó, kỷ luật lao động của lao động Việt Nam tại Arập Xêut cũng đáng báo động. Đây được xem là tình trạng khá phổ biến ở tất cả các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lao động chứ không riêng ở Arập Xêut. Tình trạng ăn cắp, lẩn trốn khi đến hạn về nước và vi phạm pháp luật ở nước sở tại vẫn còn khá phổ biến.

Thứ bảy, tình trạng lao động người Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng ở Arập Xêut. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ những năm 2010 và đến năm 2014 thì ngày càng tăng. Sự thiếu quan tâm kịp thời của chính phủ hai nước trong vấn đề này đang khiến cho vấn đề trở nên phổ biến và có nguy cơ lan rộng. Cần sớm có những giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu lao động từ Việt Nam sang Arập Xêut.

3.3.3.2 Nguyên nhân

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Arập Xêut trong thời gian qua mới chỉ diễn ra sôi động trên một vài lĩnh vực, chưa nâng được tầm cao của quan hệ hợp tác toàn diện trong thời gian qua là do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, do Việt Nam vẫn chưa có chiến lược xâm nhập thị trường Arập Xêut một cách bài bản, thống nhất và thiếu tầm nhìn dài hạn. Các hoạt động hợp tác kinh tế chủ yếu mới dừng ở mức độ nhỏ lẻ, chưa thực sự chú trọng tới gây dựng lòng tin và uy tín kinh doanh lâu dài. Việt Nam và Arập Xêut đang thiếu vắng một chiến lược hợp tác song phương mang tính chất toàn diện và có hệ thống. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ tác phong làm ăn mang tính thời vụ, nhiều lúc gây mất uy tín trầm trọng. Hàng xuất khẩu của Việt Nam chất lượng chưa cao và các doanh nghiệp cũng chưa nắm bắt được những yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn hàng hóa, mẫu mã, bao bì đóng gói, màu sắc… Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như quảng cáo sản phẩm tham dự hội chợ, triển lãm... chưa được đẩy mạnh tại thị trường Arập Xêut. Các chuyến thăm và khảo sát thị

3

trường Arập Xêut của các đoàn chính phủ và doanh nghiệp chưa thực sự phát huy được hiệu quả mong muốn.

Hơn nữa, mặc dù Việt Nam và Arập Xêut đã ký hiệp định thương mại nhưng vẫn chưa có quy chế tối huệ quốc. Do đó ngoài mức thuế nhập khẩu thông thường, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải chịu thêm thuế nhập khẩu bổ sung không dưới 25%, đã làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, do công tác xúc tiến thương mại của nhà nước và doanh nghiệp đến thị trường Arập Xêut còn rất ít và đơn điệu, chưa quảng bá được sản phẩm Việt Nam đối với các nhà nhập khẩu và các nhà tiêu dùng Arập Xêut, chưa có điều kiện nỗ lực để nghiên cứu thị trường Arập Xêut để tìm giải pháp lâu dài. Các doanh nghiệp hai phía thực sự có nhu cầu hợp tác rất cao nhưng thường thiếu thông tin về nhau. Hoạt động thương mại hai chiều hiện nay vẫn ở mức khá cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Thứ ba, do Việt Nam còn buông lỏng khâu quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Mặc dù, Việt Nam đã có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, nhưng Việt Nam chưa có một chiến lược quản lý chất lượng gắn với thương hiệu quốc gia. Điều này dẫn đến chưa có một khung tiêu chuẩn chung để đánh giá và kiểm soát chất lượng các mặt hàng xuất khẩu hay chất lượng của các lao động xuất khẩu. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước trong những lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, cũng như chất lượng lao động còn gặp nhiều khó khăn do chưa nắm bắt được định hướng chung. Trong khi đó, đối với thị trường Arập Xêut, thì chất lượng hàng hóa là một vấn đề hết sức quan trọng. Vì thị trường Arập Xêut yêu cầu cao về chất lượng, chủ yếu tiêu thụ các mặt hàng có phẩm cấp khá trở lên, nghiêm ngặt về mẫu mã sản phẩm và giá cả mang tính cạnh tranh. Về phần này, Việt Nam đang bị giảm tính cạnh tranh so với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và Indonesia vốn cũng xem Arập Xêut là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Thứ tư, do có khoảng cách lớn về mặt địa lý nên các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Arập Xêut xa xôi luôn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi ngoại cảnh như thời tiết, biến động thị trường, thời gian lưu hàng ở kho bãi... Đây là một nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến hàng hóa Việt Nam (chủ yếu là nông phẩm và các sản phẩm có hạn sử dụng ngắn) xuất sang thị trường Arập Xêut.

Thứ năm, do bất đồng về ngôn ngữ và phong tục tập quán, nên quan hệ Việt Nam – Arập Xêut thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế. Đây là một quốc gia Hồi giáo, nói tiếng Arập và có rất nhiều quy định riêng với khác biệt lớn về phong tục, tập quán cũng như lối sống. Hệ thống luật pháp Arập Xêut được xây dựng trên cơ sở Luật Hồi giáo (Luật Sharia). Luật pháp ở Arập Xêut rất phức tạp về các loại thủ tục, các quy định của luật pháp nhiều khi không thống nhất với nhau và thương xuyên thay đổi, được thực hiện trong tình trạng tham nhũng diễn ra tương đối phổ biến. Thực trạng này cho thấy nếu không nghiên cứu kỹ luật pháp, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện kinh doanh lâu dài trên thị trường Arập Xêut. Hơn nữa, các quy định của Luật Hồi giáo rất nghiêm khắc. Người Arập Xêut không làm việc vào các ngày thứ 6 và thứ 7, thời gian làm việc thường từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, mỗi năm nghỉ mọi hoạt động giao dịch hợp tác vào tháng Ramadan, thời gian làm việc thường không chính xác và theo cảm tính, có rất nhiều điều cấm kỵ liên quan tới quy định ghi nhãn mác hàng hóa, giao tiếp khách hàng, mặc cả khi mua bán trao đổi hàng hóa, tập quán thanh toán và nhiều thủ tục khác theo quy định Hồi giáo. Các doanh nghiệp Việt Nam sang thăm dò, khảo sát thị trường Arập Xêut thường rất nản lòng bởi tác phong trì trệ của các đối tác Arập Xêut, phải tuân thủ đúng quy định của đất nước Hồi giáo, phải ngồi hàng giờ để chờ đối tác, hoặc phải mất rất nhiều thời gian để đàm phán, thuyết phục do có khác biệt về văn hóa cũng như khác biệt về cách tiếp cận, trao đổi thông tin.

Thông tin khảo sát thực tế từ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tại Arập Xêut cho thấy cách tiếp cận, liên lạc trao đổi thông tin

của hai phía cũng có nhiều khác biệt. Các văn bản chính thức, phía Arập Xêut luôn đòi hỏi phải sử dụng tiếng Arập chứ không dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế phổ biến hiện nay. Đối với phương tiện thông tin rất phổ biến và nhanh, hiệu quả như gửi thư điện tử thì có khi phải mật hàng tháng mới nhận được email trả lời hoặc chỉ đơn giản là họ không trả lời, dù rằng phía Arập Xêut luôn rất nhiệt tình trong giao tiếp đón khách nước ngoài. Vì vậy, các giao dịch kinh doanh hoặc giao lưu văn hóa giữa hai phía thường không đạt được kết quả như mong muốn bởi sự khác biệt về văn hóa và tác phong kinh doanh từ hai phía. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến chi phí vận chuyển đội lên rất nhiều, chưa kể đến hành trình vận chuyển hàng hóa khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm và thâm nhập thị trường Arập Xêut.

Thứ sáu, do môi trường an ninh và nguy cơ bất ổn chính trị hiện nay của Arập Xêut đang ngày một gia tăng. Tình hình bất ổn chính trị - xã hội trong khu vực các nước Bắc Phi -Trung Đông luôn là một vấn đề khá phổ biến kể từ sau Mùa xuân Arập năm 2010. Với Arập Xêut, sự bất ổn này cũng đã diễn ra và đã sớm kết thúc trong năm 2011 nhưng hệ lụy của nó cũng vẫn còn tồn tại ở một số khía cạnh nhất định của xã hội. Bên cạnh đó, các nguy cơ từ các nước láng giềng có chung đường biên giới với Arập Xêut cũng đang nổi lên. Vấn đề Nhà nước Hồi giáo IS ở biên giới phía bắc, giáp với Iraq và phiến quân Houthi ở biên giới phía nam, giáp với Yemen cũng ngày càng trở nên phức tạp. Arập Xêut đã chính thức can thiệp vào Yemen và lên phương án phòng thủ cho khu vực biên giới phía bắc. Trong khi đó, nguy cơ về những mâu thuẫn gay gắt giữa Arập Xêut và Iran cũng luôn trong dạng tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ khi nào. Với tình trạng mất an ninh và nguy cơ bất ổn chính trị cao như hiện nay, quan hệ hợp tác đầu tư theo hướng từ Việt Nam sang Arập Xêut rất khó để có thể phát triển mạnh trong hiện tại cũng như trong tương lai ngắn và trung hạn.

Thứ bảy, do Việt Nam đang buông lỏng quản lý hoạt động xuất khẩu lao động. Hiện nay, hoạt động này chủ yếu phụ thuộc vào các công ty tư nhân. Trong khi đó, những công ty này với lượng vốn còn hạn chế và thiếu tầm nhìn dài hạn

nên chưa chú trọng đến đầu tư đào tạo về trình độ cũng như giáo dục về kỷ luật cho người lao động Việt Nam. Trong dài hạn, nếu tình trạng này không được sớm cải thiện, thì nguy cơ để mất một thị trường có nhu cầu lao động lớn như Arập Xêut đối với Việt Nam là rất lớn.

CHƯƠNG 4

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ

Một phần của tài liệu Hợp tác kinh tế của việt nam với vương quốc arập xêut (Trang 77 - 84)