5. Kết cấu luận văn
3.1.1 Chính sách chung
3.1.1.1 Về quan hệ hợp tác thương mại:
Quan điểm chung trong chính sách hợp tác Thương mại quốc tế của Nhà nước Việt Nam là: “Nhà nước thống nhất quản lý ngoại thương, có chính sách mở rộng giao lưu hàng hóa với nước ngoài trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; khuyến
khích các thành phần kinh tế sản xuất hàng xuất khẩu theo quy định của pháp luật; có chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu, tạo các mặt hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh, tăng xuất khẩu dịch vụ thương mại; hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và có khả năng đáp ứng nhu cầu, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước; ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại để phát triển sản xuất, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính phủ quy định các chính sách cụ thể về ngoại thương trong từng thời kỳ và chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia phát triển ngoại thương” (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 1997, điều 16).
Theo tinh thần nghị quyết Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa IV, khóa VIII thì Việt Nam phát triển theo mô hình kinh tế mở có sự điều tiết của nhà nước. Chính sách ngoại thương đang áp dụng là chính sách hướng về xuất khẩu. Cơ chế quản lý XNK hiện nay của Việt Nam được điều hành chủ yếu bởi Luật Thương mại được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1998 và Nghị định 57/1998/NĐ-CP, ban hành ngày 31/7/1998 có hiệu lực thi hành từ 01/09/1998: “Quy định chi tiết thi hành luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với nước ngoài”. Ngoài ra hoạt động XNK còn chịu sự điều tiết bởi các luật khác như luật thuế XNK, luật về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các luật khác.
Mặc dù, hệ thống chính sách và pháp luật của Việt Nam đối với công tác XNK vẫn còn có một số hạn chế nhất định so với thực tiễn hội nhập của đất nước. Nhưng về cơ bản, tinh thần chung của các chính sách XNK mà Nhà nước Việt Nam hướng đến là tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp XNK trong và ngoài nước, trên nguyên tắc giữ vững vai trò quản lý của Nhà nước đối với XNK.
3.1.1.2 Về quan hệ hợp tác đầu tư
Chính sách chung của Nhà nước Việt Nam về hợp tác đầu tư gồm hai mảng chính: chính sách chung của Nhà nước Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài và chính sách chung của Nhà nước Việt Nam về thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.
- Chính sách chung của Nhà nước Việt Nam vềđầu tư ra nước ngoài
Hoạt động đầu tư của Viêt Nam ra nượ ́c ngoài bắt đầu phát triển từ đầu những năm 90 và gia tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Một trong những lý do khiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài được đẩy mạnh là nhờ những tháo gỡ về mặt chính sách của Nhà nước ta, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định mới như Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí và Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 121/2007/NĐ-CP (Vụ hợp tác quốc tế, 2013).
- Chính sách của Nhà nước Việt Nam về thu hút vốn đầu tư
Hoạt động thu hút vốn đầu tư của Việt Nam hiện nay khá đa dạng. Căn cứ theo hoạt động thu hút vốn đầu tư và chính sách của Nhà nước Việt Nam về thu hút vốn đầu tư, có thể chia các chính sách theo 4 hình thức, cụ thể: (1) Đầu tư trực tiếp (FDI); (2) Đầu tư gián tiếp (FII); (3) Tín dụng quốc tế (chủ yếu thu hút qua hình thức thu hút vốn ODA); (4) Nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.
+ Nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI):
Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội ban hành năm 1987, với hàng loạt các chính sách ưu đãi, mang tính hấp dẫn và thông thoáng hơn so với luật Đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực cùng thời điểm đó. Tuy nhiên, do còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nên luật Đầu tư nước ngoài (1987) đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Năm 2005, trước những hạn chế trong quá trình thực hiện, luật Đầu tư nước ngoài sau năm lần sửa đổi, đã chính thức đổi thành luật Đầu tư với nhiều điều khoản ưu đãi và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hoạt động thu hút FDI còn được hưởng những chính sách ưu đãi từ những văn bản luật liên quan khác như: luật Đất đai (năm 2003), luật Kế toán (năm 2004), luật Doanh nghiệp (2005), luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2008), luật Kiểm toán độc lập (2011)…
+ Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII):
Nắm bắt được nhu cầu về hình thành thị trường vốn tại Việt Nam, từ năm 2006, Quốc hội đã ban hành luật Chứng khoán để quản lý và khuyến khích sự phát triển của các dòng vốn FII. Luật Chứng khoán ra đời trở thành một đòn bẩy kích thích sự tăng trưởng của thị trường vốn trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó, hoạt động thu hút FII còn được hưởng những chính sách ưu đãi từ những văn bản luật liên quan khác như: luật Kế toán (năm 2004), luật Đầu tư (2005), luật Doanh nghiệp (2005), luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2008), luật Kiểm toán độc lập (2011)…
+ Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA):
Đây là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, là hình thức tín dụng quốc tế nhằm hỗ trợ các nước cải thiện môi trường đầu tư hoặc cải thiện môi trường sống của quốc gia. Lãi suất vay ODA thường thấp, bình quân từ 2-4%/năm so với lãi vay thương mại.
Nắm bắt được những lợi thế đó của ODA, Nhà nước Việt Nam đã chính thức ban hành nhiều văn bản liên quan tới việc thu hút và quản lý dòng vốn này. Tiêu biểu nhất trong thời gian qua, phải kể đến Nghị định 38/2013/NĐ-CP, Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành vào năm 2013. Đây là một văn bản luật còn khá mới với nhiều ưu đãi và cơ chế thông thoáng so với luật Đầu tư (năm 2005). Bên cạnh Nghị định 38, các dự án ODA còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản luật khác như:,
luật Xây dựng (năm 2014), quy định về ODA và vốn vay ưu đãi trong luật Đầu tư công (năm 2014).
+ Nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm:
Ngày 12/09/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Tiếp theo đó từ đầu tháng 06/2006, Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực đã tác động trực tiếp đến nguồn kiều hối, cụ thể là việc mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân. Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh (Thành, 2013).
3.1.1.3 Về quan hệ hợp tác lao động
Hoạt động này bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước Xã hội chủ nghĩa, trong tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả đã đem lại nhiều thuận lợi cho đất nước. Phải đến năm 1991, Chính phủ mới ban hành Nghị định 370-HĐBT về quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động xuất khẩu lao động. Hoạt động xuất khẩu lao động sau khi được tạo hành lang pháp lý đã phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2006, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chính thức được Quốc hội Việt Nam khóa XI thông qua (Số 72/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006), ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007. Từ 2007 đến nay, hàng loạt các văn bản dưới Luật vẫn tiếp tục được xây dựng để hoàn thiện hơn về hệ thống pháp lý trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.