Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng nông thôn đối với các quá trình phát triển kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu Tổ chức cơ sở đảng nông thôn với việc ổn định chính trị - xã hội ở Kon Tum hiện nay (Trang 86 - 90)

với các quá trình phát triển kinh tế- xã hội

Năng lực lãnh đạo của TCCSĐ nông thôn, xét đến cùng được kiểm định và đánh giá thông qua mức độ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Vì vậy, hệ giải pháp nâng cao vai trò của TCCSĐ nông thôn trong lĩnh vực kinh tế- xã hội được xem là hệ giải pháp có tính mục đích xuyên suốt. Để hoàn thành chức năng lãnh đạo kinh tế, TCCSĐ nông thôn ở Kon Tum cần tập trung giải quyết các nội dung căn bản sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và việc tổ chức thực hiện của Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế nói riêng và toàn bộ đời sống xã hội nói chung.

Tăng cường lãnh đạo của Đảng và tổ chức thực hiện của Nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn nông thôn. TCCSĐ lãnh đạo là phải trên cơ sở đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước để cụ thể hóa bằng các quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Chỉ có trên cơ sở đó chính quyền mới cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua chương trình, dự án phát triển. Tăng cường sự lãnh đạo của TCCSĐ là phải thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực tế để có thể ngăn ngừa, hạn chế những khuyết điểm, tiêu cực; đảm bảo khai thác sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Kiểm tra, giám sát còn kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức thực hiện của Nhà nước chẳng những đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số làm theo định hướng của Nhà nước, mà còn là cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tế để bổ sung hoàn thiện chủ trương, chính sách, tìm biện pháp phù hợp hơn, đồng thời giới thiệu mô hình làm tốt cho các nơi khác học tập, vận dụng. Các cấp, các ngành phải cử cán bộ về cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, nhất là thực hiện các chương trình phát triển kinh tế -xã hội. Thực hiện vấn đề này phải được tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tránh hiện tượng "đầu voi đuôi chuột". Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thì tổ chức thực hiện, hướng dẫn cách làm cụ thể là quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên từng địa bàn.

Xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh Kon Tum, các chủ trương, chính sách cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung giải quyết các vấn đề có tính nền móng sau:

Để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum thì phải phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Trong đó cần ưu tiên cho việc tìm kiếm cách thức để phát triển hệ thống thuỷ lợi.

Đặc điểm của Kon Tum là đất có độ xốp lớn, mùa khô kéo dài, nắng nhiều, gió mạnh nên lượng nước bốc hơi rất cao gây khô kiệt, hạn hán. Những năm gần đây do phá rừng, do sản xuất nông nghiệp không hợp lý, nhất là trồng tiêu, cà phê ồ ạt đã khai thác cạn kiệt nguồn nước ngầm. Nước cho sản xuất và đời sống ở Kon Tum là vấn đề rất quan trọng hiện nay, vì vậy phát triển thuỷ lợi phải được ưu tiên hàng đầu.

Ngoài việc tận dụng có hiệu quả những công trình có năng lực tưới tiêu lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng, cần có chính sách cụ thể huy động sức dân ưu tiên xây dựng hệ thống thuỷ lợi nhỏ gắn với các khu dân cư, các vùng sản xuất nông nghiệp. Tận dụng địa thế, mặt bằng từng địa phương có thể phát triển thuỷ lợi với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Phải khai thác những công trình nhỏ, thủ công ở các mương rãnh, dòng suối với hình thức đập bổi, be bờ ngăn dòng chảy, khai thác sử dụng các loại hồ chứa, đập dâng để giữ nước.

- Tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn, khai thác tốt nhất năng lượng điện hiện có ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng định canh, định cư.

Đối với đường liên xã, liên thôn cần huy động sức dân, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, kêu gọi sự tài trợ đóng góp của các đơn vị, cá nhân; trước mắt mở đường đất, đường cấp phối, tiến tới bê tông hoá giao thông nông thôn. Phát triển giao thông phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Hệ thống giao thông phải vừa phục vụ cho sản xuất, nhất là sản xuất hàng hoá và đời sống dân sinh, nhưng đồng thời phải có tính chiến lược, bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở đường dây 500kv, các địa phương có kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa điện về nông thôn, nhất là các vùng định canh, định cư. Có điện sẽ mở mang nghề, phát triển sản xuất, dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho nhân dân.

+ Quan tâm xây dựng mạng lưới chợ, cửa hàng, đại lý, bệnh xá ở nông thôn, khu dân cư mới.

Thực tế cho thấy, sản xuất và đời sống thấp kém, định canh, định cư không thành công là do chúng ta không xây dựng được mạng lưới kết cấu hạ tầng này, vì vậy phải quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Rà soát lại các buôn, thôn, bản làng, các vùng định canh, định cư, khu dân cư mới, coi đây là những hạng mục công trình quan trọng cần phải xây dựng. Mỗi xã có 1 chợ và nhiều cửa hàng đại lý ở các thôn, làng. Mỗi xã phải có 1 trạm xá và nhiều tổ y tế cộng đồng ở các bản làng. Trước mắt, cán bộ người Kinh thực hiện các hoạt động này, tiến tới chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho các dân tộc thiểu số tại chỗ.

- Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

+ Có chương trình và bước đi hợp lý để xây dựng hệ thống các trường phổ thông: Trước mắt, cụm thôn, làng nên có trường cấp I, mỗi xã nên có trường cấp II. Trong khả năng của địa phương, cấp ủy cần có quy định cụ thể về việc quan tâm, khuyến khích các thầy, cô giáo đến các thôn, làng dạy học. Động viên, khuyến khích và bắt buộc mọi người dân phải học chữ theo chương trình song ngữ, thuyết phục già làng, trưởng làng, các cháu học sinh làm gương tích cực học chữ để xoá mù. Kêu gọi những người lớn tái mù tiếp tục đi học. Cán bộ, đảng viên phải sâu sát để thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện.

+ Tận dụng tốt nhất hệ thống các trường vừa học vừa làm, trường dân tộc nội trú do tỉnh, huyện quản lý để đưa con em của địa phương vào học tập. Đây là mô hình giáo dục phù hợp, có hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các trường này vừa học văn hoá nâng cao trình độ học vấn, vừa lao động sản xuất tạo ra sản phẩm cho xã hội, kết hợp tốt giữa học với hành, rèn luyện phẩm chất tốt đẹp cho người lao động. Mô hình này còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho xã hội là cơ sở cho việc đào tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước, các đoàn thể.

+ Cử tuyển học sinh cấp III thuộc các dân tộc thiểu số đi học ở các trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp và các trường Đại học theo định hướng

của các địa phương. Sau khi đào tạo cần ưu tiên sử dụng, bố trí vào các ngành kinh tế - kỹ thuật, các chức danh ở cơ sở, xã.

- Thực hiện có hiệu quả công tác định canh, định cư, xây dựng vùng kinh tế

mới, giải quyết tốt vấn đề xã hội và môi trường.

Sớm hoàn thiện công tác phân vùng, quy hoạch cụ thể vùng định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Khẩn trương điều chỉnh, bổ sung, bố trí, quy hoạch các điểm dân cư dành cho đồng bào định canh, định cư; đảm bảo các yêu cầu, điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển sản xuất như: đất đai, địa hình, thuỷ lợi, giao thông v.v.. tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hoá, khám chữa bệnh, học tập. Phải đầu tư cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, lưới điện, nguồn nước sinh hoạt. Tiến hành cấp đất cho những hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; ổn định ruộng đất canh tác. Mặt khác, cho họ khai thác gỗ để làm nhà; đồng thời kết hợp lồng ghép các chương trình để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng gần rừng. Bố trí các điểm dân cư phải tính đến các yếu tố về quốc phòng - an ninh.

- Thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo.

Theo thẩm quyền của cấp cơ sở, cần tập trung lãnh đạo để thực hiện tốt chương trình 135 về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở vay vốn ưu đãi, nhưng phải gắn chặt với việc sử dụng hiệu quả đồng vốn nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận và tiêu hoá được nguồn vốn. Cần ưu tiên cho vùng mới định canh, định cư tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống sản xuất. Thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, đảm bảo cho người dân tiếp nhận được những phương pháp kỹ thuật trong canh tác và chăm sóc, bảo vệ rừng có hiệu quả; cũng như triển khai thực hiện tốt chế độ cho không 6 mặt hàng cho đồng bào ở vùng định canh, định cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: vải, dầu hoả, sách vở, thuốc chữa bệnh, màn chống muỗi, muối iốt.

Một phần của tài liệu Tổ chức cơ sở đảng nông thôn với việc ổn định chính trị - xã hội ở Kon Tum hiện nay (Trang 86 - 90)