Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km), phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (203 km), phía Đông giáp Quảng Ngãi (74 km), phía Tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7km). Với vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp đồng bộ, Kon Tom có khá nhiều lợi thế để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Khảo sát, phân tích và đánh giá một cách bao quát, toàn diện về điều kiện tự nhiên và các đặc điểm kinh tế - xã hội là cơ sở quan trọng để Kon Tum hoạch định chiến lược phát triển phát triển phù hợp, khai thác hiệu quả những lợi thế, tiềm năng sẵn có, kết hợp hài hoà giữa phát huy nội lực và thu hút ngoại lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển và hội nhập.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1991 - 1995 đạt 8,3%/năm, giai đoạn 1996 - 2000 đạt 9,85%/năm, giai đoạn 2000 - 2005 đạt trên 11%/năm và năm 2006 đạt 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản. Trong những năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã tập trung triễn khai thực hiện các chương trình, dự án phát triễn kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, kinh tế mới khó khăn. Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, từ năm 2001-2006 đã có 60.247 lượt
hộ được vay vốn, với số tiền khoảng 203 tỷ đồng; hằng năm tỉnh xuất ngân sách để bù lãi suất cho hộ nghèo vay vốn và hỗ trợ cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh hoàn thành sớm hơn một năm so với quy định của Chính phủ, bình quân mỗi năm giảm được 4,5% hộ nghèo, tương ứng với 3.000 hộ, đến nay toàn tỉnh còn khoảng 32% hộ nghèo (theo chuẩn mới).
Tổ chức hành chính: Tỉnh Kon Tum có 1 thị xã và 8 huyện, bao gồm thị xã Kon Tum và huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Konplong, Kon Rẫy, TuMơRông với 96 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2005, dân số toàn tỉnh gần 380.000 người. Kon Tum có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53%, đông nhất là người Xơ đăng, Ba na, đặc biệt có một số dân tộc ít người như: Brâu, Gia rai, Rơ măm,... Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) đến năm 2005, một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến sinh sống, làm cho thành phần dân tộc trong tỉnh ngày càng đa dạng.
Về tổ chức đảng: Đảng bộ tỉnh Kon Tum đến nay có 14 đảng bộ trực thuộc tỉnh, với 568 tổ chức cơ sở đảng, với gần 13.500 đảng viên. Trong đó có 74 tổ chức cỏ sở đảng ở xã với gần 5.000 đảng viên. Đặc biệt hiện nay còn 47/822 số thôn, làng chưa có đảng viên và 138 thôn, làng chưa có tổ chức đảng (Báo cáo tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2006 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ)
ở Kon Tum trước đây, tính đặc thù về mặt địa lý - xã hội đã tạo nên tình trạng ít bị biến động lớn về chính trị, kinh tế và đời sống xã hội so với các vùng khác trong toàn quốc. Vì thế, nhìn chung xã hội Kon Tum vốn chậm biến đổi. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường chính đặc điểm trên một lần nữa lại bộc lộ rõ trong việc cản trở rất nhiều đến tiến trình phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Giao thông đi lại khó khăn; việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội gặp nhiều trắc trở; trình độ dân trí thấp; lối nghĩ, lối sống của phần lớn cư dân ít chuyển biến, đổi thay cần thiết...Tuy Đảng bộ và nhân dân Kon Tum đã có nhiều trăn trở và quyết tâm, song khả năng mở cửa kinh tế ra ngoài tỉnh,
ngoài nước còn nhiều chật vật. Nền kinh tế của tỉnh, nhất là vùng nông thôn chưa vượt qua được tình trạng kinh tế tự cung tự cấp. Vì vậy đã hạn chế đến nhận thức, tư duy cũng như sự năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân nông thôn.
Một đặc điểm nữa hết sức quan trọng đó là hầu hết các đảng bộ, chi bộ nông thôn Kon Tum gồm những đảng viên của nhiều thế hệ. Không ít tổ chức của chi bộ mang tính họ hàng, huyết thống nên đã hạn chế nhiều đến tính cách mạng, khoa học trong lãnh đạo cũng như tính chiến đấu của các tổ chức đảng. Trước hế, do trong một chi bộ có nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở các giai đoạn lịch sử xã hội khác nhau do đó dẫn đến nhận thức, quan điểm rất khác nhau về những vấn đề cụ thể. Phần lớn các Đảng bộ, chi bộ nông thôn có khoảng 60% là đảng viên về hưu, tuổi cao nên có quan điểm và nhận thức rất khác với đảng viên trẻ và nhất là đội ngũ cấp uỷ cơ sở hiện nay- hầu hết đang được trẻ hoá. Không ít nơi đảng viên tuổi cao còn có quan niệm xem thường hoặc thiếu tin tưởng ở lớp đảng viên, cán bộ trẻ. Ngược lại, số đảng viên, cán bộ trẻ xem thường đội ngũ đảng viên về hưu, tuổi cao là bảo thủ, là lực cản của địa phương. Đây là một thực tiễn đang diễn ra ở nhiều cơ sở đảng nông thôn Kon Tum. Song điều cần lưu ý ở đây là do đặc điểm về cơ cấu tổ chức của các đảng bộ, chi bộ nông thôn mang tính gia đình, họ hàng, huyết thống nên đã hạn chế nhiều đến việc đấu tranh phê bình và tự phê bình của các đảng viên. Một đảng viên là cha, chú, bác mà mắc sai lầm khuyết điểm thì bí thư, cấp uỷ là con, cháu sẽ không dám xử lý mạnh tay, do đó làm cho sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ở nông thôn không được giữ vững, làm cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo và sinh hoạt bị buông lỏng.
Trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được cải thiện trong những năm đổi mới, song nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao, việc xoá đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, những hủ tục lạc hậu chưa được xoá bỏ; luôn có nguy cơ thiếu đói, bệnh tật đe doạ, mặc cảm vì nghèo khổ. Một bộ phận thiếu đất sản xuất, đất ở, đời sống khó
khăn, tiếp tục bị lôi kéo, kích động tham gia tổ chức phản động, lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc, có tư tưởng ly khai, gây rối làm mất an ninh trật tự, vượt biên sang Campuchia.
Mặc dù, đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhận thức rõ hơn bản chất và âm mưu của tổ chức phản động “Nhà nước Đề ga”; nhưng do sự tác động từ bên ngoài và bọn xấu ở bên trong đã làm cho một bộ phận đồng bào nhận thức chưa đúng đắn về chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Thậm chí, một số đồng bào dân tộc thiểu số có nơi, có lúc, tỏ ra nghi ngờ với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; do vậy, đồng bào ngại tiếp xúc với chính quyền hoặc đội công tác được tăng cường ở cơ sở.
Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2001 trở lại đây, với âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các lực lượng thù địch đã không ngừng thực hiện việc chia rẽ khối đoàn kết dân tộc giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, kích động gây chia rẽ, hận thù dân tộc... Sau sự kiện bạo loạn chính trị tháng 02-2001 và tháng 4-2004, làm cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, hoà mình với cộng đồng. Một bộ phận người kinh sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số lo ngại tình hình an ninh không đảm bảo nên có tâm trạng muốn về đồng bằng sinh sống. Còn tồn tại mâu thuẫn giữa người kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi vừa qua xảy ra xung đột.
Thanh thiếu niên trong tỉnh được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chăm sóc, giáo dục, rèn luyện. Đại bộ phận có tư tưởng tiến bộ, lành mạnh, nỗ lực học tập, trau dồi đạo đức cách mạng vì ngày mai lập nghiệp, phụng sự Tổ quốc. Trước âm mưu “diễn biến hoà bình” và một số vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên trong vùng đồng bào dân tộc ít người, ở vùng kinh tế khó khăn dao động, tin theo sự lừa bịp của kẻ thù, nhận thức, tư tưởng lệch lạc, sống thực dụng, ỷ lại, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, vi phạm pháp luật, thậm chí bị lôi kéo vào những hoạt động chống đối lại chính quyền. Việc gửi tiền về nước của số đối tượng vượt biên ra nước ngoài trước đây đã tạo ra tâm lý: “chỉ có ra nước ngoài mới nhanh chóng giàu có". Vì vậy, một số đồng
bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum vẫn còn tư tưởng trông chờ, hướng ngoại, nuôi ảo tưởng vượt biên.
Đạo Tin lành tiếp tục phát triển và hoạt động mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong một số ít đồng bào dân tộc thiểu số vẫn bị tác động của “Đạo Tin lành Đề ga”. Trong khi đó, việc giải quyết vấn đề Tin lành theo chủ trương chung còn chậm nên đã gây mặc cảm giữa tín đồ, chức sắc có nhu cầu tín ngưỡng với chính quyền cơ sở, làm bất lợi cho việc tập hợp quần chúng.
Tình hình đời sống chính trị - xã hội của Kon Tum trong những năm gần đây trên thực tế vẫn tiềm ẩn khá nhiều những nhân tố gây bất ổn. Để có những giải pháp hữu hiệu góp phần ngăn ngừa và xử lý có hiệu quả tình huống chính trị - xã hội có thể xảy ra, cần thiết phân tích làm rõ các nhân tố đó.