Hành vi khách quan

Một phần của tài liệu tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình trong luật hình sự việt nam hiện hành (Trang 45 - 49)

5. Cơ cấu của đề tài

2.2.2.1 Hành vi khách quan

- Người phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình có thể có một trong hai hành vi, đó là hành vi ngược đãi hoặc hành vi hành hạ hoặc cả hai hành vi này.

Ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức của cháu đối với ông bà, của con đối với cha mẹ, của vợ đối với chồng hoặc của chồng đối với vợ, cha hoặc mẹ đối với con, người được nuôi dưỡng với người có công nuôi dưỡng mình. Được thể hiện qua việc người thực hiện hành vi thường xuyên chửi bới, lăng mạ người thân trong gia đình, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm các thành viên trong gia đình như làm nhục họ trước mặt người khác, đuổi họ ra khỏi nhà, không cho họ ăn, uống đầy đủ, không cho họ mặc đồ trước nhiều người xung quanh,…

Hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là hành vi đối xử tàn ác của cháu đối với ông bà, của con đối với cha mẹ, của vợ đối với chồng hoặc của chồng đối với vợ, cha hoặc mẹ đối với con, người được nuôi dưỡng với người có công nuôi dưỡng mình.

Hành vi đối xử tàn ác được thể hiện như đánh đập (bằng tay hoặc bằng các loại phương tiện khác như: cây, tuýp sắt, dây sắt, chai,…) và những hành động bạo lực khác như: nhốt, đốt, đá, đấm,… một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các thành viên trong gia đình. Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần và thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc

gây tổn hại hoặc sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng là thương tích chưa tới mức bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS.

Vấn đề đặt ra là phải xác định được hành vi nào là hành hạ, hành vi nào là ngược đãi để định tội được chính xác. Hành vi hành hạ xâm phạm một cách trực tiếp lên thân thể người bị hại, làm cho người bị hại đau đớn về thể chất như: đánh đập, đốt, tát tay, trói,… Hành vi ngược đãi thì lại làm cho người bị hại đau dớn về tinh thần kéo dài như: mắng chửi, làm nhục, đuổi ra khỏi nhà hoặc nhốt trong phòng,…

Cũng cần phải thấy rằng, rất khó xác định ranh giới rõ ràng giữa hành vi ngược đãi và hành vi hành hạ. Thông thường hai loại hành vi này đan xen vào nhau, trong hành vi này có biểu hiện của hành vi kia. Trên thực tế, hành hạ thường kèm theo ngược đãi, có yếu tố làm cho người bị hại đau đớn về tinh thần, ngược lại trong hành vi ngược đãi đôi khi có dấu hiệu của bạo lực.

- Hiện nay, có các hình thức ngược đãi hoặc hành hạ thường gặp sau:

Phân theo kiểu ngược đãi, hành hạ:

+ Ngược đãi hoặc hành hạ nhìn thấy được hay còn gọi là ngược đãi hoặc hành hạ về mặt thể chất như: tát, đấm, cấu véo, làm bỏng, bóp cổ, đánh, nhốt, trói, dùng roi vọt đe dọa hoặc tấn công bằng các loại vũ khí khác như dao, búa, dây điện, ống sắt,… Đây là hình thức ngược đãi hoặc hành hạ dùng sức mạnh cơ bắp để “xử lý” các thành viên trong gia đình.

+ Ngược đãi hoặc hành hạ không nhìn thấy được hay còn gọi là ngược đãi hoặc hành hạ về tinh thần. Hình thức này diễn ra một cách âm thầm, chủ yếu là dùng ngôn ngữ thậm tệ để chì chiết, dày vò về tinh thần, xúc phạm nghiêm trọng các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, loại ngược đãi hoặc hành hạ này diễn ra và có xu hướng ngày càng tăng. Nguyên nhân làm cho hình thức ngược đãi hoặc hành hạ này càng tăng là do ưu điểm của nó là gọn nhẹ, nhanh chóng, không gây thương tích cho nạn nhân. Tuy nhiên, nó lại khoét một hố sâu vào tâm trí của nạn nhân, khiến nạn nhân phải giày vò về tinh thần, nhiều trường hợp có thể dẫn đến hoản loạn, tâm trí suy sụp và có thể dẫn đến trầm cảm.

+ Ngoài ra, còn có một dạng ngược đãi hoặc hành hạ khác đó là ngược đãi hoặc hành hạ về tình dục.

Phân chia theo nạn nhân:

+ Ngược đãi hoặc hành hạ giữa vợ - chồng: đây là kiểu ngược đãi hoặc hành hạ chiếm phần lớn trong các vụ ngược đãi hoặc hành hạ người thân trong gia đình. Người bị hại thường bị đánh đập, tát, chửi mắng, ép quan hệ tình dục khi không có nhu cầu,…

+ Ngược đãi hoặc hành hạ của ông bà, cha mẹ đối với con, cháu: được thực hiện qua việc ông bà, cha mẹ sử dụng các hành vi bạo lực đối với con cháu như: đánh đập, tát, đốt, nhốt, bắt cởi truồng, bỏ đói hoặc các hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho con, cháu.

+ Ngược đãi hoặc hành hạ của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ: là hành vi của con, cháu dùng sức mạnh thể chất để dọa nạt, gây áp lực để ông bà, cha mẹ làm theo ý muốn của mình hoặc các hành vi khác để tác động đến tinh thần và thể chất của người bị hại.

+ Ngược đãi hoặc hành hạ người có công nuôi dưỡng mình: là hành vi của người thực hiện tội phạm đối với người nuôi dưỡng họ. Được thực hiện qua việc đánh đập, chửi bới, lăng nhục,… nhằm làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và tinh thần.

- Các hành vi trên chỉ cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình khi người có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008 và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Nếu trước đó người phạm tội có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì cũng không cấu thành tội phạm này. Thời gian để được coi là chưa bị xử phạt hành chính là một năm kể từ khi ra quyết định xử phạt. Nếu sau một năm kể từ ngày xử phạt mà người đã bị xử phạt hành chính lại thực hiện hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì không bị xử lý trách nhiệm hình sự với tình tiết đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ đó. Quy định như vậy cũng hoàn toàn hợp lý do hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình chỉ bị xử lý hình sự nếu diễn ra một cách thường xuyên, có hệ thống,

lặp đi lặp lại nhiều lần (trừ trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng). Vì vậy, nếu sau một năm mà người đó không thực hiện hành vi này nữa thì coi như hành vi của họ không nguy hiểm đáng kể cho xã hội và việc xử lý hình sự đối với họ trong trường hợp này là không phù hợp.

Ví dụ: Thành (hành nghề sửa đồng hồ, bán rau câu) là người yêu của chị Đ.P.T.T (31 tuổi, ngụ quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) và có con riêng là Tạ Thị Thu Thảo (6 tuổi). Vào tối này 30/8/2009, Thành đi làm về và dặn chị Đ.P.T.T là nấu cơm cho Thảo ăn, còn Thành thì đi ra quán thịt thỏ gần nhà gọi bia lon ngồi nhậu. Uống được vài lon, khoảng 22h cùng ngày, Thành về nhà thấy chị T và thảo đang ngồi xem tivi. Lấy lí do sao không nhắc nhở Thảo học bài, Thành xông vào đánh chị T, chị T hoảng quá bỏ chạy ra ngoài. Thành kêu cháu Thảo nằm sấp trên giường, rồi cầm cây phơi đồ (dài 1,2m, có gắn hai cây đinh vít ở đầu cây) đánh mạnh vào lưng, đùi, mông của Thảo. Bị đánh đau, Thảo bỏ chạy thoát thân ra đường. Lập tức, Thành rượt ra đến đầu hẻm bắt được Thảo mang về nhà đánh tiếp. Sợ cháu Thảo bị đánh chết, chị T chạy vào can ngăn, cũng bị Thành tát tay bỏ chạy ra ngoài. Không dừng lại ở đó, Thành lấy bếp gas mini bật lửa, cầm chân phải của cháu Thảo đưa vào đốt gây bỏng gót chân của cháu Thảo với lí do là cháu dám bỏ chạy khi đang bị đòn. Quá đau đớn, với bản năng sinh tồn, bé Thảo vụt dậy bỏ chạy ra ngoài. Lần này Thành bắt được, dùng tay nắm lỗ tai cháu Thảo kéo về nhà, đánh tiếp. Không chịu nổi trận đòn tra tấn dã man, cháu Thảo tìm mọi cách chạy thoát lần nữa. Nhưng do kiệt sức, cháu chỉ chạy được một đoạn thì bị Thành bắt được. Người cha vô nhân tính này lạnh lùng dùng hai tay nắm hai lỗ tai con mình nhấc bổng lên khỏi mặt đất rồi quăng mạnh xuống đất không thương tâm làm cháu Thảo bất tỉnh ngay tại chổ. Lúc đó, người dân đã vào nhà sơ cứu cho cháu Thảo rồi đưa cháu đi bệnh viện, còn Thành thì thản nhiên đi uống cà phê. Nhận được tin báo, công an phường 13 (quận Tân Bình) có mặt kịp thời ghi nhận vụ việc, thu giữ các chứng cứ và truy bắt Thành. Đến ngày 31/8/2009 thì Thành đã ra trình diện.

Đây không phải là lần đầu tiên Thành đánh đập dã man con ruột của mình như vậy. Theo người dân cư ngụ gần chổ thuê trọ, họ nhiều lần chứng kiến cảnh Thành đánh bé Thảo bầm mặt, bầm tay như vậy. Nặng nhất là cuối năm 2008, Thành đã đánh bé Thảo gãy tay phải đi bó bột. Việc Thành đánh đập con ruột của mình đã bị tổ dân phố đưa ra trước tổ nhắc nhở, cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm. Trước đó, ngày 03/3/2009, Thành đã bị Công an phường 13 (quận Tân Bình) lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi “ngược đãi thành viên trong gia đình” với mức phạt 350.000 đồng.

Trong tình huống trên, hành vi của Thành đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi ngược đãi thành viên trong gia đình mà còn vi phạm.22

Ví dụ: Ông Khần, cư trú tại thị trấn Q là người nát rượu. Khi uống rượu say, ông thường đánh, mắng vợ con, ông đã từng bị chính quyền nhắc nhở, giáo dục vài lần. Người vợ trước không chịu nổi lối sống vũ phu của ông Khần nên đã ly hôn và mang con đi nơi khác sinh sống. Năm 2008, ông Khẩn kết hôn với cô Dịu, là người góa chồng và có con riêng. Sau một thời gian chung sống với mẹ con cô Dịu, ông Khần lại quen thói cũ, thường hay mắng chửi con riêng của cô Dịu. Tháng 01/2009 ông bị UBND xã xử phạt hành chính do có hành vi hành hạ con riêng của vợ. Đến tháng 7/2009, do cô Dịu bênh con nên ông Khần đánh cô Dịu, trói cô ngoài vườn, buộc cô xin lỗi thì mới tha. Biết được sự việc, UBND xã đã kịp thời đến can thiệp và xử lý hành vi vi phạm của ông Khẩn.23

Trong trường hợp này ta thấy, vào tháng 1/2009, ông Khần đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi ngược đãi con riêng của vợ, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Đến tháng 7/2009 lại ngược đãi vợ, trong trường hợp này ông bị coi là đã bị xử phạt hành hính về hành vi này mà còn vi phạm nên ông đủ yếu tố cấu thành tội hành hạ vợ, con. Mặc dù hai lần thực hiện hành vi với hai đối tượng khác nhau nhưng đều là thành viên trong gia đình. Thành viên trong gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu, người có công nuôi dưỡng do đó hành vi hành hạ của ông Khần đối với vợ và con riêng thực chất đều xâm hại đến cùng một đối tượng là thành viên trong gia đình.24

Một phần của tài liệu tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình trong luật hình sự việt nam hiện hành (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)