Từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 đến nay

Một phần của tài liệu tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình trong luật hình sự việt nam hiện hành (Trang 36 - 37)

5. Cơ cấu của đề tài

1.3.4 Từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 đến nay

Từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới cơ chế, bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, trong đó tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình hình đó, để hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nhất là trong thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, việc sửa đổi toàn diện BLHS năm 1985 là một đòi hỏi khách quan của hoạt động lập pháp hình sự. Để phục vụ được yêu cầu đã đề ra, ngày 21/12/1999, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa X tại kì họp lần thứ 6 đã thông qua BLHS năm 1999 thay thế cho BLHS năm 1985 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được quốc hội thông qua ngày 28/12/1989, ngày 12/8/1991, ngày 22/12/1992 và ngày 10/5/1997. BLHS năm 1999 có hiệu lực từ ngày 01/7/2000. Trong BLHS năm 1999 đã quy định cụ thể hơn về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình tại Điều 151 Chương XV- Các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình trong BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung thêm chủ thể của tội phạm này và các yếu tố định tội. Cụ thể, theo quy định tại Điều 147 BLHS 1985 thì đối tượng bị xâm hại chỉ có cha mẹ, vợ chồng, con cái. Theo đó, người phạm tội nếu xâm phạm các chủ chể trên thì mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng thì thấy quy định như trên là chưa bao quát hết được các đối tượng bị xâm hại. Thực tế đối tượng bị xâm hại còn có cả ông bà, cháu, người có công nuôi dưỡng người phạm tội. Do vậy, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nói trên, BLHS năm 1999 đã bổ sung thêm đối tượng bị xâm hại là ông bà, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Ngoài ra, điều luật cũng bổ sung thêm hai tình tiết là yếu tố định tội đó là gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Theo đó, chỉ xử lý hình sự nếu hành vi nói trên gây hậu quả nghiêm trọng mặc dù là vi phạm lần đầu hoặc cũng bị xử lý về hình sự nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Bên cạnh đó, điều luật cũng đã tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ lên mức ba năm tù trong khi Điều 147 BLHS năm 1985 chỉ quy định đến một năm tù.

Vừa qua, BLHS Việt Nam được sửa đổi, bổ sung năm 2009 do Quốc hội khóa XII thông qua ngày 19/6/2009 nhằm sửa đổi, bổ sung cho BLHS năm 1999 nhưng tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình không có sự thay đổi cả về mặt nội dung lẫn hình thức.

Như vậy, theo từng thời gian, để phù hợp với sự nghiệp cách mạng của đất nước, phù hợp với tình hình phát triển của các điều kiện kinh tế, xã hội và thực tế các quan hệ HN&GĐ, Nhà nước ta đã kịp thời ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực HN&GĐ. Hệ thống pháp luật hình sự hoàn thiện là công cụ pháp lý của nhà nước ta, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong đó, tiêu biểu là tư tưởng các thành viên trong gia đình phải biết đùm bọc, yêu thương nhau, tôn trọng nhau, biết quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cùng nhau nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Một phần của tài liệu tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình trong luật hình sự việt nam hiện hành (Trang 36 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)