Sau một năm tiến hành đấu tranh chống giặc trong thù ngoài, từng bước xây dựng củng cố và bảo vệ chính quyền cộng hoà - dân chủ, cuối cùng chúng ta đã chính thức bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược đương đâu trực tiếp với kẻ thù mà ta biết trước không thể tránh khỏi. Ngày 19-12-1946, ngay sau cuộc họp lịch sử của Ban thường vụ Trung ương Đảng Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần: ‘…Chúng ta thà hy sinh tát cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ”
Để đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu và làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân, vấn đề được các Đảng bộ tập trung chỉ đạo là tiếp tục xây dựng, củng cố LLVT nhân dân, xây dựng các đơn vị du kích tập trung, phát triển dân quân du kích và tự vệ. LLVT của ta mặc dù đã hình thành và qua rèn luyện, thử thách từ thời tiền khởi nghĩa đến thời kỳ bảo vệ chính quyền 1945-1946, song trước yêu cầu phải đương đầu với quân đội xâm lược nhà nghề thực dân pháp thì cần phải được hoàn thiện, nâng cao hơn nữa về trình độ tổ chức…
Tháng 3-1947, theo chủ trương của Bộ Quốc Phòng, các tỉnh lần lượt thành lập các cơ quan quân sự địa phương: Tỉnh đội, huyện đội và xã đội.
Tháng 5-1947, thống nhất tổ chức dân quân, du kích và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ các cấp. Những năm 1947, 1948 LLVT mỗi tỉnh bước đầu được sắp xếp, chấn chỉnh, kiện toàn lại. Tỉnh Phúc Yên đã tành lập các đơn vị vũ trang tập trung của tỉnh gồm: Đại đội Hoàng Văn Thụ, biên chế 6 trung đội gồm 137 người; Đại đội Lý Chính Thắng, biên chế 3 trung đội gồm 100 người và trung đội Lý Thường Kiệt gồm 33 người đơn vị này chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan tỉnh. Tháng 5-1948, đại đội Lý Chính Thắng và trung đội Lý Thường Kiệt bị giải tán, Tỉnh đội chọn lọc những đồng chí cán bộ, chiến sĩ có năng lực của hai đơn vị này về xây dưng dân quân cấp xã. Số còn lại bổ xung vào đại đội Hoành Văn Thụ thành đại đội mạnh với số quân 240 người.
Đại đội Hoàng Văn thụ được biên chế thành đơn vị chiến đấu có một trung đội địa lôi, một trung đội cảnh vệ, một trung đội võ trang tuyên truyền. Các tổ chức như vậy phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và điều kiện cung cấp bấy giờ.
Cuối năm 1948, do yêu cầu gấp rút chuẩn bị chống địch để mở rộng đấu tranh, mặc dầu còn rất nhiều khó khăn, Phúc Yên đã thành lập thêm đại đội Trần Quốc Tuấn, ngày 20-11-1948 lấy từ chiến sĩ các trung đội quyết tử quânvà đơn vị du kích các huyện chọn lọc đưa lên. Nòng cốt của đại đội này là trung đội quyết tử của huyện Đông Anh (thành lập 1-1947 và là đơn vị quyết tử quân ra đời sớm nhất trong hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên).
Ơ Vĩnh Yên, đại đội cảnh vệ của tỉnh thành lập đầu năm 1946 được phát triển thành tiểu đoàn vào tháng 10-1948. Thán 6-1947, Vĩnh Yên chọn lọc du kích các cơ sở lên tổ chức thành đại đội phòng thủ, nhưng đến năm 1948, đại đội này giải tán, chỉ giữ một trung đội làm lực lượng chủ lực của tỉnh.
Có thể nói, đến đầu năm 1949, tình hình xây dựng LLVT của hai tỉnh như sau:
* Tỉnh Vĩnh Yên: Đầu năm 1949, toàn tỉnh có một tiểu đoàn cảnh vệ
gồm 2 đại đội và 7 trung đội du kích tập trung.
Tháng 5-1949: Vĩnh Yên tổ chức lại biên chế và bộ đội tập trung như sau: Đại đội Phạm Hồng Thái cùng trung đội du kích tập trung hợp thành lực lượng chủ lực của tỉnh; chuyển tiếp một trung đội cho huyện Vĩnh Tường để thành lập Đại đội Lê Xoay của huyện, một trung đội cho Tam Dương để thành lập đại đội Lê Hồng Phong; chọn 34 người thành lập đội võ trang tuyên truyền của tỉnh. Lúc đầu, Vĩnh Yên chủ trương tuỳ theo huyện to, nhỏ mà tổ chức các “ Đại đội miền”, mỗi huyện được chia ra làm 3,4 miền. Nhưng từ tháng 4-1948 các đại đội miền giải tán, các cán bộ chỉ huy được rút về tăng cường cho các ban cán sự, chính trị huyện.
Tháng 6-1949, theo chủ trương của bộ nội vụ, tiểu đoàn cảnh vệ giải tán, một số nhập vào du kích tập trung, một số vào công an, một số chiến sỹ yéu sức khoẻ được cấp trên cho giải ngũ. Tháng 10-1949, tỉnh Vĩnh Yên xây dựng bộ đội địa phương gồm 6 đại đội (5 đại đội của huyện, 1 đại đội của Tỉnh đội bộ). Cũng trong tháng này tỉnh Vĩnh Yên, theo mệnh lệnh ở trên thành lập một tiểu đoàn mới mang phiên hiệu 87.
Như vậy, đến cuối năm 1949, toàn tỉnh Vĩnh Yên có một tiểu đoàn bộ đội địa phương (D87); 5 đại đội của 5 huyện và một đại đội của tỉnh bộ đội. Tổng số cán bộ, chiến sỹ gồm717 người.
* Tỉnh Phúc Yên: Đầu năm 1949, tỉnh thành lập 2 đại đội Vệ quốc
đoàn, phiên hiệu 56, 57. Ngoài ra, tỉnh Phúc Yên còn 2 đại đội du kích tập trung mang tên Trần Quốc Tuấn và Quang Trung (Đại đội Hoàng Văn Thụ đã sát nhập vào Vệ quốc đoàn thuộc trung đoàn 121).
Tất cả các đơn vị vũ trang trên đặt dưới sự chỉ huy của ban chỉ huy Mặt trận Phúc Yên. Cuối tháng 3-1949 BCH Mặt trận tỉnh Phúc Yên tạm giải tán.
Ngày 25-5-1949: BCH Mặt trận Phúc Yên được tái lập, trực tiếp quản lý các đại đội Vệ quốc đoàn và du kích tập trung.
Từ tháng 5 đến tháng 9-1949 (trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Phúc Yên) trên địa bàn tỉnh có một số đơ vị vũ trang của Bộ về hoạt động. Trung đoàn 121 phụ trách cả hai tỉnh Phúc Yên và Thái Nguyên . Đầu tháng 9-1949, trung đoàn 121 sát nhập với trung đoàn 62 (là đơn vị của Bộ hoạt động trong phạm vi 4 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên và Thái Nguyên). Sau khi hình thành trung đoàn 65 mới, trung đoàn đã cử tiểu đoàn 88 chịu trách nhiệm chỉ huy toàn bộ các đơn vị vũ trang của Bộ hoạt động trên địa bàn Phúc Yên. Do đó, cũng trong tháng 9-1949 BCH Mặt trận Phúc Yên giái tán.
+ Về bộ đội địa phương: Phúc Yên có 4 đại đội, bố trí như sau:
- Đại đội Trần Quốc Tuấn phụ trách 2 huyện Đông Anh, Đa Phúc(trước đây là đại đội 57 phụ trách Đa Phúc)
- Đại đội Quang Trung phụ trách 2 huyện Yên Lãng và Kim Anh (trước là đại đội 56 phụ trách Kim Anh)
Số đơn vị còn lại thuộc tỉnh đội Bộ quản lý, bổ sung cho các huyện khi cần thiết. Ngoài ra, tỉnh còn có một đại đội địa lôi chuyên đánh đường giao thông.
Về trang bị cấp dưỡng cho LLVT, Đảng bộ hai tỉnh lúc đầu chủ trương dựa vào sự đóng góp của nhân dân thông qua các tổ chức “Hội ủng hộ kháng chiến”, “Hội bảo trợ du kích” và phong trào mua sắm vũ khí đỡ đầu cho bộ đội, du kích; ủng hộ “Mùa đông binh sĩ”. Về lâu dài, để đảm bảo trang bị cho LLVT, các tỉnh chủ trương xây dựng các công binh xưởng. Xưởng Huỳnh Thúc Kháng (Vĩnh Yên), xưởng Quân giới (Phúc Yên) được thành lập ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến. Mỗi tháng các xưởng quân giới của các tỉnh đã sản xuất ra hàng nghìn địa lôi, lựu đạn để trang bị cho bộ đội và du kích. Ngoài ra hai tỉnh còn tranh thủ sự giúp đỡ của bộ đội chủ lực trang bị cho LLVT của tỉnh.
Công tác huấn luyện được hai tỉnh hết sức chú ý. từ năm 1948 hưởng ứng phong trào “luyện quân lập công” hai tỉnh đã mở 417 lớp bồi dưỡng về quan điểm, đường lối kháng chiến, bồi dưỡng kĩ thuật, chiến thuật quân sự cho 14.902 cán bộ, chién sĩ.[1.156] Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các cuộc tập trận, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu với LLVT của tỉnh bạn, nhằm làm cho LLVT cảu tỉnh sớm thích nghi với hoàn cảnh chiến đấu trong vùng địch càn quét và kiểm soát.
Qua xây dựng, LLVT của Vĩnh Yên và Phúc Yên đã từng bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu và bảo vệ quê hương.
Như vậy, việc xây dựng LLVT Vĩnh Phúc đã được Đảng bộ rất chú trọng ngay tứ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Nhờ đó tạo ra thế và lực để LLVT cùng nhân dân chiến đấu và giành được nhiều thắng lợi.