7. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Đánh giá bước đầu về kinh tế trang trại ở Quảng Ninh
2.2.2.1 Những thành tựu:
Một là, kinh tế trang trại ở Quảng Ninh đã thúc đẩy bước chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường. Nó góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô lớn (vùng gỗ trụ mỏ,
56
vùng cây đặc sản, vùng cây ăn qủa các loại) làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông-lâm sản, thực phẩm và là động lực thúc đẩy các loại hình dịch vụ đa dạng cùng phát triển. Kinh tế trang trại mang lại lợi nhuận, thu nhập cao hơn hẳn so với kinh tế hộ. Riêng thu nhập cây ăn qủa cao gấp 7-8 lần, nuôi hải sản gấp hàng chục lần so với trồng trọt.
Hai là, các trang trại đã khai thác trên 7.487,5 ha đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven biển đưa vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Diện tích trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ ngày một tăng góp phần nâng độ che phủ chung của rừng lên 38%, cơ cấu cây trồng, cơ cấu sử dụng đất đai được bố trí sử dụng hợp lý hơn. Nhiều vườn tạp, đất trống đồi núi trọc hoang hóa được chuyển đổi thành vườn rừng, vườn quả trù phú. Nhiều ao, hồ, đầm lầy, bãi bồi được đầu tư cải tạo thành khu nuôi, thả hải sản, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thuỷ hải sản, có bước phát triển vượt bậc về diện tích năng suất và giá trị sản lượng mang lại nguồn lợi lớn.
Ba là, kinh tế trang trại Quảng Ninh đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động có thu nhập thường xuyên góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo trong toàn tỉnh từ 20% năm 1996 xuống còn 10% năm 2000. Điều đó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng vùng biên giới và địa bàn chiến lược: “Hơn 100 tỷ đồng vốn nhàn rỗi ít sinh lời đã được nông dân huy động, đầu tư cho phát triển trang trại đang mang lại hiệu qủa. Các trang trại bước đầu có thu hoạch sản phẩm, doanh thu các trang trại làm ra thống kê được là 48.579,3 triệu đồng” [40].
Đặc biệt kinh tế trang trại Quảng Ninh còn là động lực thúc đẩy các ngành nghề nông thôn cùng phát triển. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như khâu lai, tạo giống và cung ứng giống cây trồng vật nuôi được hình
57
thành có xu thế phát triển mạnh. Các loại hình dịch vụ như cung ứng thuốc trừ sâu, phân bón, các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản vừa và nhỏ đã hình thành. Sự xuất hiện các ngành nghề góp phấn phân bố lại lao động ở nông thôn theo hướng tích cực. Thu nhập của người nông dân có xu hướng tăng trưởng theo cơ cấu tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Những thành tựu của kinh tế trang trại ở Quảng Ninh nêu trên trước hết là do những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế. Đảng đã xem xét lại và đi đến khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế hộ đối với sản xuất nông nghiệp. Từ đó đi đến xác định hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, là đơn vị sản xuất cơ bản của nền nông nghiệp hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ chủ trương đó nhà nước đã từng bước cụ thể hóa, tạo môi trường ngày càng thuận lợi để kinh tế hộ trong nông nghiệp phát triển. Đây là tiền đề quan trọng nhất để kinh tế trang trại đặc biệt là trang trại gia đình hình thành và phát triển lớn mạnh hơn.
Một nguyên nhân nữa là do Quảng Ninh có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện địa lý tự nhiên đa dạng: miền núi, đồng bằng ven biển và hải đảo. Đồi núi với kiến tạo của cánh cung Đông Bắc, đã dành cho Quảng Ninh một lợi thế lớn về khí hậu, tiềm ẩn nhiều yếu tố tài nguyên chưa phát hiện và khai thác được, khí hậu ẩm mát cận biển đã ban tặng cho Quảng Ninh một “vùng địa sinh thái” đặc biệt. Quảng Ninh còn có quĩ đất và lực lượng lao động dồi dào, có trên 250 km bờ biển với nhiều cảng nước sâu như Cái Lân, Cửa Ông. Hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt nối liền với thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương... vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc... Những tiềm năng, thế mạnh nói trên đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện nói chung và kinh tế trang trại nói riêng.
58
Trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế, Đảng bộ và chính quyền Quảng Ninh đã tổ chức thực hiện khá tốt những chủ trương chính sách về nông nghiệp, nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế hộ và kinh tế trang trại phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn cũng được quan tâm đầu tư và có bước phát triển nhanh trong những năm gần đây. Người lao động Quảng Ninh cần cù chịu khó, năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm.
Mặt khác, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi do Hội nông dân phát động trong nhiều năm qua cũng là một động lực thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, khuyến khích nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, nhận đất, nhận rừng để phát triển kinh tế trang trại. Các cấp hội nông dân bằng nhiều hoạt động thiết thực như tín chấp để vay vốn, thành lập quĩ hỗ trợ nông dân; xây dựng dự án 120 (Giải quyết việc làm), dự án 327, dự án 773, hướng dẫn các hộ nông dân cách làm, hoặc phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tập huấn khoa học kỹ thuật về giống cây con mới, về qui trình sản xuất... cho các hộ nông dân. Các hoạt động trên đã thúc đẩy loại hình kinh tế trang trại phát triển.
2.2.2.2. Những mặt hạn chế của kinh tế trang trại ở Quảng Ninh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế trang trại Quảng Ninhđang bộc lộ một số hạn chế sau:
Một là, sự phát triển trang trại chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Mặc dù kinh tế trang trại đã đạt nhiều thành tựu như trên, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thuỷ hải sản, có bước phát triển vượt bậc về diện tích năng suất và giá trị sản lượng mang lại nguồn lợi lớn, nhưng vẫn chưa sử dụng hết quĩ đất. Hiện nay quĩ đất chưa sử dụng còn nhiều (195.000ha) bằng 31,9%
59
tổng diện tích đất tự nhiên trong khi đó tổng diện tích đất đai mà trang trại sử dụng mới có 10.017,5ha.
Kinh tế trang trại Quảng Ninh mới thu hút và tạo việc làm ổn định cho3.847 người, bình quân 4 lao động/trang trại, như vậy là qúa ít, trong khi đó số người hiện nay không có hoặc thiếu việc làm là 38.093 người. Mặt khác, việc xuất khẩu hàng nông sản, mở rộng thị trường còn hạn chế, mặc dù Quảng Ninh có 2 cửa khẩu lớn với Trung Quốc là Móng Cái và Bình Liêu và một số cảng lớn như Cái Lân, Cửa Ông...
Trang trại mới chỉ hình thành và phát triển mạnh ở một số vùng có điều kiện thuận lợi như Đông Triều, Yên Hưng, Hạ Long, Móng Cái... Những vùng sâu vùng xa như Ba Chẽ, Bình Liêu thì trang trại chưa phát triển. Như vậy có thể nói kinh tế trang trại của tỉnh tuy có bước phát triển song chưa khai thác và sử dụng triệt để quĩ đất, nguồn lao động cũng như thị trường rộng lớn.
Hai là, sản xuất, chế biến, dịch vụ chưa đồng bộ.
Phần lớn các chủ trang trại xuất thân từ sản xuất nhỏ, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, thiếu vốn đầu tư, ít hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý... nên gặp nhiều khó khăn trong việc xác định phương hướng sản xuất kinh doanh.
Vấn đề giống cây, con bị buông lỏng: thị trường cây, con giống không được quản lý thống nhất, phát triển thiếu định hướng. Nhiều giống cây, con không rõ nguồn gốc vẫn được lưu hành đưa vào sản xuất đã gây thiệt hại đáng kể cho các trang trại.
Phần lớn các trang trại qui mô còn nhỏ cả về diện tích và vốn đầu tư, phổ biến là áp dụng phương thức quảng canh, chưa có phương án kinh doanh rõ rệt, khả năng vay vốn của các chủ trang trại rất hạn chế. Sản phẩm làm ra tuy chưa nhiều, nhưng đã gặp khó khăn về tiêu thụ, phần lớn là tiêu thụ tại
60
chỗ. Việc giải quyết tiêu thụ sản phẩm- đầu ra cho các trang trại đang là vấn đề bức xúc, đặc biệt trong điều kiện kinh tế trang trại ngày càng phát triển, sản phẩm ngày càng nhiều thì việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ đòi hỏi phải được quan tâm đặc biệt. Chẳng hạn sản phẩm vải qủa chủ yếu tiêu thụ ăn tươi, không thể chế biến xuất khẩu được vì vỏ qủa có nhiều nấm bệnh. Sản phẩm này đang có xu hướng bão hoà, giá thấp, tiêu thụ chậm. Riêng mặt hàng qủa vải sấy khô năm 2000 Quảng Ninh vẫn tồn khoảng trên 100 tấn. Nếu tiếp tục phát triển cây vải mà không có các giải pháp tiêu thụ sẽ dẫn đến những hậu qủa không lường hết được về mặt kinh tế và môi trường.
Ba là, năng suất lao động thấp, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm yếu... hiệu quả chưa cao.
Các chủ trang trại hầu như chưa được đào tạo một cách có hệ thống những kiến thức về kinh tế và kỹ thuật nông nghiệp, do vậy trình độ sản xuất và quản lý sản xuất của các trang trại còn thấp. Việc bố trí sản xuất của trang trại nhìn chung chưa hợp lý, chưa gắn chặt giữa trồng trọt với chăn nuôi cũng như những ngành khác để khai thác triệt để tiềm năng nền sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững.
Một biểu hiện khác nữa là sản phẩm của các trang trại có chất lượng chưa thật cao, năng suất thấp, giá thành cao nên chưa thực sự có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Công nghệ sơ chế sau thu hoạch chậm phát triển nên đã làm giảm chất lượng sản phẩm dẫn đến làm giảm giá bán và giảm hiệu qủa kinh doanh của trang trại.
Một số trang trại đầu tư không phù hợp với vùng sinh thái, mất nhiều thời gian, tiền vốn nhưng không mang lại hiệu quả. Chẳng hạn nuôi tôm ở vùng có nước thải công nghiệp khai thác than hoặc trồng vải ở vùng núi đá có
61
nhiều dơi, côn trùng phá hoại. Một số khu vực qui hoạch rừng ngập mặn ven biển đã bị khoanh đê nuôi tôm làm chết hàng trăm ha rừng sú vẹt...
Bốn là, quản lý nhà nước, tạo môi trường cho kinh tế trang trại chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng như thuỷ lợi, giao thông, điện phục vụ cho việc phát triển trang trại còn hạn chế, chưa có nơi sản xuất con giống và thức ăn chăn nuôi. Việc giao đất cho nuôi trồng thuỷ sản còn nhiều vướng mắc về thể chế. Hạn điền chỉ được giao không quá 2ha, nếu vượt diện tích, chủ trang trại phải thuê đất. Điều này làm cản trở sự phát triển trang trại hải sản.
Việc giao đất chưa căn cứ vào lao động, tiền vốn, khả năng quản lý của chủ trang trại nên có khi còn vượt quá hoặc không tương xứng với khả năng của họ. Có nơi diện tích giao còn bị chồng chéo gây tranh chấp. Do chưa gắn công tác qui hoạch với giao đất nên việc cấp giấy quyền sử dụng đất còn chậm, gần 80% số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, nên các chủ trang trại chưa thực sự an tâm đầu tư, đưa hết phần đất được giao vào sản xuất và hiệu qủa sử dụng đất của các trang trại còn thấp. Việc quản lý đất đai là một vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm, luật đất đai đang được hoàn thiện, nhưng việc tuân thủ luật đất đai còn nhiều hạn chế, không chỉ đối với các chủ sử dụng đất mà ngay cả với các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, dẫn đến việc tranh chấp đất đai trang trại ở nhiều nơi trong tỉnh vẫn chưa được xử lý. Tình hình chuyển nhượng đất đai trang trại đang diễn ra trên thực tế, nhất là các trang trại cận kề đường giao thông, khu đô thị, nhiều chủ trang trại vẫn tự chuyển nhượng đất, thu nguồn chênh lệch địa tô rất lớn. Nhiều trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không lập thủ tục, không đăng ký với cơ quan nhà nước ở địa phương, làm cho việc quản lý đất đai ở Quảng Ninh gặp không ít khó khăn, trở ngại, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
62
Trước khi khoán rừng chưa xác định được chính xác trữ lượng rừng để làm cơ sở cho việc làm khế ước nên sau khi khoán rừng, rừng vẫn bị tàn phá, không bảo tồn và tăng được vốn rừng.
Tỉnh chậm tổng kết các mô hình kinh tế trang trại và chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là việc thực hiện chủ trương chính sách về đất đai trang trại, về vốn tín dụng trì trệ, chậm phổ biến đến dân.
Những hạn chế nói trên là do hiện nay các ngành, các cấp vẫn chưa có được nhận thức thống nhất về kinh tế trang trại từ đó chưa có những chủ trương chính sách nhất quán đối với trang trại. Trong cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng kinh tế trang trại mới hình thành và đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, mặc dù đã được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn, nhưng không ít vấn đề vẫn còn đang tranh luận, chưa thống nhất quan điểm. Những vấn đề đã thống nhất chưa được triển khai, quán triệt sâu sắc đến các ngành, các cấp. Những ấn tượng về mặt trái của kinh tế trang trại vẫn đè nặng trong tâm tư một bộ phận lãnh đạo các cấp, các ngành nên họ vẫn chưa mạnh dạn khuyến khích kinh tế trang trại phát triển, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ quản lý chưa cao, việc xử lý các vi phạm về đất đai không nghiêm, dẫn đến những sơ hở, thiếu sót chưa được phát hiện và xử lý kịp thờ i. Những chính sách đối với kinh tế trang trại chưa kịp thời. Từ trước đến nay kinh tế trang trại nói chung và kinh tế trang trại gia đình nói riêng phát triển chủ yếu dựa vào chính sách, chế độ đối với kinh tế hộ gia đình trong nông nghiệp. Khái niệm, tiêu chí nhận dạng kinh tế trang trại vẫn chưa thống nhất. Do đó, những chính sách và chế độ cụ thể cho trang trại vẫn chưa hình thành, từ đó sự quản lý của nhà nước đối với kinh tế trang trại còn hạn chế, từ việc định hướng, tổ chức, điều hành, kiểm tra và điều chỉnh. Ngày 02/02/2000 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ- CP về kinh tế trang trại đã
63
xác định rõ hơn quan điểm và chính sách phát triển kinh tế trang trại, tuy nhiên chưa có những nghị định và qui định cụ thể.
Nhiệm vụ giao đất, khoán rừng và tiếp tục theo dõi, quản lý nhà nước về giao đất, khoán rừng chưa tập trung vào một mối nên việc cấp sổ chính thức (sổ đỏ) quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho các trang trại còn đạt tỷ lệ thấp. Đông Triều, Uông Bí, Yên Hưng đạt xấp xỉ 20% nên các chủ trang trại chưa thực sự tăng cường đầu tư vốn, lao động cho thâm canh cây trồng.
Nhìn chung sản xuất của các trang trại vẫn còn phân tán, mới có rất ít vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh có chất lượng cao và ổn định theo yêu cầu của xí nghiệp chế biến. Giữa công nghiệp chế biến và sản xuất nguyên liệu vẫn chưa phát triển đồng bộ. Bố trí sản xuất vẫn chưa phát huy hết được lợi thế về điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong