Một số giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của dân tộc Việt Nam

Một phần của tài liệu Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng đạo đức cho thanh niên ninh thuận hiện nay (Trang 33 - 56)

Sự hình thành và phát triển của các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam được bắt nguồn từ những hoàn cảnh địa lí, điều kiện sản xuất, hoàn cảnh lịch sử và xã hội. Xã hội truyền thống Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp, lúa nước. Trong khi đó điều kiện tự nhiên của Việt Nam lại mưa nắng thất thường, nhiều thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Những đặc điểm này đã ảnh hưởng tới sự hình thành giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc; tạo nên sự gắn bó cộng đồng, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đặt nền móng cho tinh thần cần cù, tiết kiệm. Về mặt địa lí, Việt Nam là đầu mối giao thông quốc tế quan trọng, là mục tiêu xâm lược của nhiều thế lực ngoại bang. Chính vì vậy, con người Việt Nam phải chung sức trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, trong lao động sản xuất và trong các quan hệ xã hội khác. Do đó, trong nấc thang giá trị xã hội, việc đề cao các giá trị đạo đức mang tính cộng đồng là điểm mổi bật trong đời sống dân tộc Việt Nam. Sự phát triển ưu trội của các giá trị đạo đức còn có một nguyên nhân khác; đó là tình trạng chậm phát triển của luật pháp (đến thế kỉ XI, bộ luật đầu tiên của Việt Nam mới được ban hành).

Trên nền tảng của văn hóa bản địa, với điều kiện địa lí thuận lợi, Việt Nam còn tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại mà tiêu biểu là: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

Với nhiều giáo lí phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam, Nho giáo từng bước được các Nhà nước phong kiến Việt Nam tiếp nhận và đề cao, đặc biệt là trong quản lí đất nước và xây dựng đạo đức cho con người. Mặc dù có những quan niệm tiêu cực như trọng nam khinh nữ, coi thường lao động chân tay, song Nho giáo cũng có những yếu tố tích cực; đó là việc đề cao lòng thương người, trọng nghĩa, trọng tín… Chính những yếu tố tích cực đó đã góp phần tạo dựng và củng cố các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam.

Với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã góp phần nâng cao đời sống đạo đức của người Việt. Họ tiếp nhận Phật giáo như là một yếu tố tâm lí làm cân bằng cuộc sống gian nan vất vả của mình. Phật giáo cũng củng cố lối sống đạo đức nhân nghĩa, chân tình của dân tộc Việt Nam.

Mặc dù có những yếu tố mê tín, dị đoan, nhưng Đạo giáo cũng đã "đem lại thêm cho nhân dân ta là tinh thần đoàn kết, hữu ái của nông dân lao động và… một phần cái ý

thức về sức mạnh có chính nghĩa của mình chống mọi sự bất công, áp bức, hà hiếp của vua chúa, cường hào, ác bá" [18, tr.74].

Chính những đặc điểm trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội Việt Nam đã làm cho các giá trị đạo đức truyền thống được định hình và được bồi đắp thường xuyên. Cùng với thời gian, những giá trị này trở nên ổn định và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành sức mạnh, động lực cho sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Theo Giáo sư Vũ Khiêu, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm: "lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người" [24, tr. 74- 86]. Cũng về vấn đề này, Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm: "yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa" [18, tr. 94]. Trong các văn kiện của Đảng, các giá trị truyền thống thường được đề cập đến và được coi là những giá trị nổi bật, Nghị quyết 9 của Bộ chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng đã chỉ rõ: "Những giá trị văn hóa tinh thần bền vững của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý ''thương người như thể thương thân", đức tính cần cù vượt khó, sáng tạo trong lao động... Đó là nền tảng và sức mạnh tinh thần to lớn để nhân dân ta xây dựng một xã hội phát triển tiến bộ, công bằng nhân ái"[38, tr. 19].

Từ những quan điểm trên cho thấy sự khẳng định rõ nét vị trí nổi bật của những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc bao gồm: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng sâu sắc, lòng nhân nghĩa, hiếu học và tôn sư trọng đạo... Những đức tính ấy đã trở thành những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà trải qua nhiều thế kỷ nay dân tộc ta nâng niu và gìn giữ. Những giá trị đó đã tạo ra một sức mạnh to lớn cho dân tộc ta, giúp cho dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn thử thách và giá trị đó sẽ tiếp tục được phát huy trong hiện tại và tương lai. Bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, chúng ta phải kế thừa, phát huy những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc nhằm xây dựng một hệ chuẩn đạo đức mới giàu tính dân tộc, mang đậm tính nhân văn và đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội.

Bất cứ một quốc gia, một dân tộc nào trên thế giới đều có tình yêu đối với đất nước. Dân tộc Việt Nam cũng vậy, tình yêu quê hương đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng, trở thành một triết lý sống, triết lý nhân sinh tạo thành truyền thống của cả cộng đồng, hình thành chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam. Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó bước qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước" [30, tr.171]. Trong cuốn “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại” [18, 94].

Lòng yêu nước là giá trị đạo đức cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có tinh thần yêu nước nhưng sắc thái biểu hiện không hoàn toàn giống nhau. Đối với dân tộc Việt Nam yêu nước trước hết được biểu hiện ở tình yêu quê hương, như yêu những người thân ruột thịt của mình

Lòng yêu nước của con người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân- gia đình- làng xã- Tổ Quốc. Đó là tình yêu quê hương, làng xóm, cây đa, bến nước, sân đình gắn với những người thân yêu ruột thịt. Tinh thần yêu nước không chỉ là một tình cảm tự nhiên mà còn là sản phẩm của lịch sử, được hun đúc nên từ chính những trang lịch sử thương đau nhưng rất đỗi hào hùng và oanh liệt của dân tộc. Chính vì vậy mà tinh thần yêu nước đã thấm sâu vào tình cảm và tư tưởng của mỗi người con đất Việt qua mọi thời đại. Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: "tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam" [18, tr.100]. Tình cảm đó hình thành nên chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam thể hiện ở lòng dũng cảm, ý chí bất khuất, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc chinh phục tự nhiên. Điều đó được khẳng định rõ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đấu tranh giành độc lập từ hơn một nghìn năm Bắc thuộc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua những tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam.

Lật những trang sử vàng của dân tộc chúng ta đều thấy ánh lên tinh thần yêu nước sâu sắc. Tinh thần dũng cảm, hiên ngang đánh đuổi kẻ thù gìn giữ giang sơn bờ

cõi đã được minh chứng rõ nét với hình ảnh Hai Bà Trưng cùng nhiều nữ tướng đứng lên chống quân xâm lược nhà Hán (những năm 40- 43 sau công nguyên). Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam thể hiện ở lòng dũng cảm, ý chí bất khuất, kiên trung, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua những thời kỳ đầy máu và nước mắt nhưng cũng là những thời kỳ biểu hiện sức mạnh quật cường, sự vươn lên thần kỳ của dân tộc với những chiến công hiển hách in đậm trang sử vàng của dân tộc: chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt với tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Hoàn đánh tan quân Tống, nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông, Lê Lợi đánh bại quân Minh, Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh....Rồi tiếp đến những thắng lợi vang dội của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong những cuộc chiến tàn khốc đó, nếu không phải là tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, làm sao một dân tộc nhỏ bé như chúng ta có thể làm nên những chiến thắng vang dội, đánh thắng được những kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới. Tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam được thể hiện ở tinh thần dám xả thân vì nước, sẵn sàng đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích riêng tư của bản thân mình với ý chí thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ sự đấu tranh không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc.Với tinh thần xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai. Xúc động và tự hào với những tấm gương về những người con ưu tú của dân tộc đã tự nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, hình ảnh người mẹ tạc nên thành đồng Tổ Quốc. Biết bao nhiêu người mẹ, người vợ tiễn chồng con ra mặt trận mà không có ngày trở lại. Đó là sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng vĩ đại bởi tinh thần yêu nước cháy bỏng trong trái tim của những người con đất Việt. Bấy nhiêu cũng quá đủ để thấy rõ tinh thần yêu nước đã được tôi luyện và hun đúc trong lòng dân tộc. Hình thành và khẳng định qua bao thăng trầm của lịch sử, chủ nghĩa yêu nước anh hùng tiếp tục được bổ sung và phát triển qua từng thời kỳ, là một trong những giá trị truyền thống cao quý và bền vững của dân tộc. Ngày nay, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Vì vậy, yêu nước là niềm tự hào của dân tộc, là một truyền thống quý báu của dân tộc cần phải được gìn giữ và phát huy.

Nhân nghĩa là một giá trị đạo đức cơ bản của con người Việt Nam thể hiện ở suy nghĩ, tình cảm và hành động cao đẹp của quan hệ giữa người với người. Nhân nghĩa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được duy trì và phát huy trong suốt bề dày lịch sử dân tộc. Đó là một hệ giá trị quan trọng hình thành nên tố chất của con người Việt Nam, khẳng định bản sắc và nhân cách của dân tộc ta. Truyền thống nhân nghĩa là một trong những giá trị đáng quý và đáng tự hào. Hiếm thấy một dân tộc nào phải trải qua nhiều thương đau mất mát như dân tộc Việt Nam nhưng điều đó không đánh mất đi lòng nhân nghĩa mà trái lại, chúng ta lại cảm thông, chía sẻ đau thương với đồng loại, luôn yêu thương và quý trọng cuộc sống của con người.

Truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt nam được hình thành bởi chính các điều kiện lịch sử xã hội và những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Truyền thống ấy bắt nguồn từ trong sinh hoạt công xã nông thôn, được củng cố và phát triển qua quá trình lao động, học tập và chiến đấu. Nhân nghĩa- lòng thương yêu con người đã trở thành một nếp nghĩ, một cách sống, một giá trị đạo đức tiêu biểu của dân tộc ta. Nó gắn liền với tình thương yêu đồng loại, nhân dân Việt nam luôn gắn tình yêu quê hương đất nước với lòng nhân ái, yêu thương con người, bao dung, nhân nghĩa, yêu nước gắn chặt với yêu dân. Nhân nghĩa thể hiện ở lòng nhân ái, tình yêu thương con người, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong hoạn nạn, khó khăn. Truyền thống nhân nghĩa, trọng đạo lý của dân tộc được thể hiện:

Trước hết là tình yêu thương, quan tâm giúp đỡ mọi người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Với con người Việt Nam, không biết tự bao giờ tình yêu thương con người, sự đùm bọc lẫn nhau đã in sâu vào từng nếp nghĩ và cách sống của mình "người với người sống để yêu nhau". Tinh thần "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách" đã trở thành triết lý nhân sinh, thành tình cảm sâu nặng trong tâm hồn mỗi con người. Bởi vậy, lối sống của người Việt Nam lối sống tình nghĩa, thủy chung, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, vui cùng niềm vui của người khác và đau cùng nỗi đau của đồng loại, "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" hay "thương nhau chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng". Lòng yêu thương con người đã hình thành nên tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất và trong chiến đấu. Trải qua lịch sử trường kỳ của dân tộc, truyền thống nhân nghĩa đã phát huy sức mạnh, góp phần vao những chiến thắng oanh liệt của dân tộc và khẳng định giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam không chỉ thể hiện ở tình cảm, hành động trong cuộc sống hàng ngày của những người cùng huyết thống, cùng dân tộc mà còn biểu hiện ở lòng vị tha cao thượng. Tư tưởng "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là sự thể hiện đỉnh cao của lòng nhân ái đó. Lịch sử đã từng ghí lại những ứng xử nhân đạo của ông cha ta, "đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại" với những tù binh chiến tranh họ luôn được đối xử tử tế, được mở đường hiếu sinh để trở về. Truyền thống nhân nghĩa Việt Nam thể hiện sâu sắc ở lòng vị tha cao thượng, không cố chấp với người có lỗi lầm biết hối cải, đối xử khoan hồng với tù binh trong chiến tranh.

Đặc trưng nổi bật thể hiện truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam là các thế hệ sau luôn ghi lòng tạc dạ công lao cống hiến của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, khai sáng nền văn hóa của cộng đồng và dòng họ. Tiếp nối truyền thống đó, những phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn như chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, chính sách đối với các gia đình thương binh liệt sỹ, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt...đã đem lại nhiều kết quả và phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc. Với chủ trương: "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Lòng yêu chuộng hòa bình và tình hữu nghị cũng chính là biểu hiện của lòng nhân ái với cộng đồng nhân loại của người Việt Nam.

Truyền thống nhân nghĩa, trọng đạo lý, sống có nghĩa có tình...là một truyền

Một phần của tài liệu Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng đạo đức cho thanh niên ninh thuận hiện nay (Trang 33 - 56)