CHO THANH NIÊN NINH THUẬN HIỆN NAY 2.1 Giá trị đạo đức truyền thống

Một phần của tài liệu Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng đạo đức cho thanh niên ninh thuận hiện nay (Trang 29 - 33)

2.1. Giá trị đạo đức truyền thống

2.1.1. Khái niệm

Tư tưởng về giá trị đã xuất hiện ngay từ thời cổ đại khi các nhà tư tưởng xem xét các sự vật, hiện tượng trong quan hệ với con người, xã hội loài người từ phương diện nhu cầu, lợi ích. Tuy vậy, với tư cách là trung tâm của giá trị học (Axiology) khái niệm giá trị chỉ thực sự hình thành cùng với sự hình thành giá trị học vào nửa cuối thế kỉ XIX ở phương Tây.

Trong giá trị học phương Tây hiện đại có ba cách nhìn nhận giá trị dựa trên cơ sở thế giới quan triết học. Những người theo chủ nghĩa duy tâm khách quan cho rằng, giá trị có bản chất thần thánh, tồn tại ngoài không gian và thời gian, nghĩa là có tính vĩnh hằng không thay đổi. Những người theo chủ nghĩa duy tâm chủ quan coi giá trị chỉ là hiện tượng thuần túy ý thức, là biểu hiện của một trạng thái tâm lí, thái độ chủ quan của con người đối với khách thể mà người đó đánh giá. Những người theo chủ nghĩa tự nhiên (Đạo đức học mục đích luận, Đạo đức học tiến hóa) coi giá trị chỉ là biểu hiện những nhu cầu tự nhiên của con người hoặc những quy luật của tự nhiên nói chung.

Triết học mácxít nhìn nhận giá trị là những hiện tượng xã hội đặc thù. Cụ thể hơn, giá trị hình thành trong quá trình lao động sản xuất, trong hoạt động tinh thần và nói chung là trong đời sống xã hội. Từ điển Bách khoa toàn thư xô viết định nghĩa: "Giá trị là sự khẳng định hay phủ định ý nghĩa của các đối tượng thuộc thế giới chung quanh đối với con người, giai cấp, nhóm hoặc toàn bộ xã hội nói chung. Giá trị được xác định không phải bởi bản thân các thuộc tính tự nhiên, mà bởi bản chất cuốn hút (lôi cuốn) của các thuộc tính ấy vào phạm vi hoạt động sống của con người, phạm vi các hứng thú và nhu cầu, các mối quan hệ xã hội, các chuẩn mực và phương thức đánh giá ý nghĩa nói trên được biểu hiện trong các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, trong lí tưởng, tâm thế và mục đích" [dẫn theo 156, tr.51-52].

Như vậy, bản chất của giá trị bị quy định bởi "sự cuốn hút" của các thuộc tính của sự vật, hiện tượng vào phạm vi các "hứng thú và nhu cầu" của con người và xã hội. Nói cách khác, giá trị được xác định bởi quan hệ giữa khách thể (sự vật, hiện tượng với những thuộc tính nhất định) và chủ thể (con người, xã hội với những nhu cầu nhất định). Không có sự vật với những thuộc tính thì không có gì để cuốn hút vào phạm vi các nhu cầu của chủ thể, không có gì để các chủ thể đánh giá giá trị. Theo nghĩa đó, giá trị mang tính khách quan. Tuy vậy, tự chúng, các thuộc tính của khách thể chưa phải là giá trị; chúng chỉ trở thành giá trị khi đặt trong quan hệ với chủ thể (con người, xã hội). Nói cách khác, con người, xã hội loài người trong hoạt động sống của mình, tìm kiếm và khai thác những thuộc tính của khách thể, biến chúng thành giá trị phục vụ nhu cầu, lợi ích của mình. Khi những nhu cầu của con người biến đổi thì giá trị gắn liền với nhu cầu của con người cũng biến đổi theo. Điều đó có nghĩa là, giá trị có thể biến đổi theo không gian, thời gian khi mà nhu cầu của con người có những biến đổi nhất định.

Do nhu cầu của con người và xã hội loài người đa dạng, phong phú, đồng thời có những biến đổi trong lịch sử, nên các loại hình giá trị cũng đa dạng, phong phú. Cũng do nhu cầu hoạt động sống và do những mục đích cụ thể mà giá trị được phân chia theo những tiêu chí nhất định. Chẳng hạn, dựa theo tiêu chí chung, riêng, giá trị được chia thành giá trị chung và giá trị riêng. Giá trị chung nhất là giá trị mang ý nghĩa nhân loại phổ biến; giá trị riêng nhất là giá trị cho một con người cụ thể. Theo tiêu chí thời gian, giá trị được chia thành giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Theo tiêu chí về tính chất khi đáp ứng nhu cầu con người, giá trị được chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần.

Giá trị vật chất là giá trị đáp ứng nhu cầu vật chất của con người. Giá trị vật chất thể hiện rõ nhất trong đời sống vật chất, kinh tế, trong hoạt động mưu sinh của con người. Vì đời sống vật chất là yếu tố cơ sở và là nhân tố quyết định cuối cùng đối với sự tồn tại và phát triển xã hội nên giá trị vật chất cũng có ý nghĩa quyết định, xét đến cùng, đến sự phát triển đời sống xã hội và con người.

Giá trị tinh thần là giá trị đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Con người không chỉ ăn, ở, mặc, đi lại, mà còn nghiên cứu khoa học, sinh hoạt tôn giáo, tâm linh, hoạt động thẩm mĩ, đạo đức,… Những nhu cầu tinh thần của con người nảy sinh trong các quá trình hoạt động đó; và trong các hoạt động tinh thần, những gì có khả năng đáp

ứng nhu cầu tinh thần của con người đều trở thành giá trị đối với con người. Hoạt động tinh thần của con người và xã hội là sự phản ánh về mặt tinh thần đời sống vật chất, hoạt động vật chất của xã hội và bị quy định bởi những yêu cầu của hoạt động vật chất. Tuy vậy, một khi đã định hình thì hoạt động tinh thần nói chung, mỗi loại hình hoạt động tinh thần cụ thể nói riêng đều có một tính độc lập tương đối nhất định; nhờ thế, chúng có thể tác động trở lại và có vai trò nhất định đối với sự phát triển của cơ sở vật chất mà trên đó chúng hình thành và phát triển. Cũng như các hoạt động tinh thần, các giá trị tinh thần có một sự độc lập nhất định và nhờ thế mà chúng có một vai trò nhất định đối với các giá trị vật chất cũng như toàn bộ đời sống vật chất của xã hội. Các giá trị tinh thần thể hiện và thực hiện vai trò của mình thông qua việc định hướng giá trị cho các hoạt động và các quan hệ người.

Hoạt động tinh thần của con người, xã hội loài người là đa dạng và phong phú. Xã hội càng phát triển, sự phân xuất các dạng, các loại hình hoạt động tinh thần lại càng đa dạng và phong phú thêm. Trong điều kiện hiện nay, các giá trị tinh thần thường được phân chia thành: giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mĩ, giá trị chính trị, giá trị văn hóa, giá trị tâm linh,… Vì bản thân các hoạt động người không thể phân chia một cách tuyệt đối nên các giá trị tinh thần cũng không thể phân chia được một cách tuyệt đối. Trong một giá trị tinh thần chủ đạo bao giờ cũng bao hàm những phương diện, những yếu tố của các giá trị tinh thần khác. Chẳng hạn, trong giá trị khoa học tức giá trị nhận thức có bao hàm khía cạnh nhận thức đạo đức, nhận thức thẩm mĩ mà những loại nhận thức này là nhận thức đánh giá trên cơ sở cái thiện và cái đẹp. Hoặc, trong giá trị thẩm mĩ có bao hàm các yếu tố của giá trị nhận thức khoa học về cái đẹp, các yếu tố của giá trị đạo đức như là cơ sở hình thành và thành tố của cái đẹp.

Giá trị đạo đức, hoặc đầy đủ hơn, hệ giá trị đạo đức là một trong ba thành tố căn bản nhất, bao quát nhất của hệ giá trị tinh thần cơ bản của xã hội và con người, hệ giá trị Chân-Thiện-Mĩ. Giá trị đạo đức hình thành trong đời sống đạo đức của xã hội và con người và là một trong những thành tố của đạo đức.

Theo tác giả Đoàn Quốc Thái, "giá trị đạo đức là toàn bộ những quan niệm về thiện, ác, tốt xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng… và các chuẩn mực, quy tắc ứng xử được con người đánh giá, lựa chọn cũng như ý nghĩa tích cực của những quan niệm, chuẩn mực, quy tắc ứng xử đó đối với con người và đời sống xã hội…"[124,

tr.35]. Định nghĩa này đã bao quát được những biểu hiện cơ bản của giá trị đạo đức. Tuy vậy, theo chúng tôi, giá trị đạo đức không chỉ là những quan niệm, những chuẩn mực mà còn bao gồm cả tình cảm đạo đức, lí tưởng đạo đức, các hành vi, các quan hệ đạo đức. Bởi lẽ, những tình cảm đạo đức như: lòng yêu nước, thương người đều được nhìn nhận, đánh giá như cái có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển con người và xã hội; đều có thể được con người lựa chọn và định hướng giá trị trong hoạt động sống. Cũng như vậy, lí tưởng đạo đức biểu hiện dưới dạng mô hình một xã hội tốt đẹp hay những nhân cách đạo đức lớn lao hoặc những hành vi đạo đức như: dũng cảm cứu người, hi sinh vì chính nghĩa… đều hiện diện như là những giá trị đạo đức…Như vậy, theo chúng tôi, giá trị đạo đức là toàn bộ những tình cảm, những quan niệm, những chuẩn mực, những quy tắc ứng xử, những lí tưởng đạo đức và những hành vi đạo đức… có ý nghĩa tích cực được con người lựa chọn, noi theo trong hoạt động sống nhằm phát triển con người và xã hội.

Như vậy, cái quy định giá trị đạo đức, trước hết là tính chất hoặc bản chất xã hội của nó. Giá trị đạo đức được hình thành trong các hoạt động, các quan hệ xã hội, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển xã hội và con người với tư cách là con người xã hội. Giá trị đạo đức không phải do một sức mạnh siêu nhiên nào đó ban bố hoặc không phải là bản tính tự nhiên của con người. Nói cách khác, giá trị đạo đức là giá trị người vì thế nó có ý nghĩa nhân loại phổ biến. Đây là cơ sở của sự kế thừa và tiếp nhận giá trị đạo đức trong lịch sử và trong giao lưu văn hóa.

Thứ hai, giá trị đạo đức mang tính lịch sử, cụ thể. Tính lịch sử cụ thể của giá trị đạo đức bị quy định bởi điều là, ý nghĩa tích cực của nó đối với con người và xã hội là mang tính lịch sử, cụ thể. Mặc dù mang ý nghĩa nhân loại phổ biến, nhưng mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng trong những điều kiện lịch sử, cụ thể có những cách đánh giá và noi theo những giá trị đạo đức với những nội dung cụ thể nhất định.

Thư ba, cũng chính vì mang tính lịch sử cụ thể mà giá tri đạo đức có những biến đổi nhất định trong lịch sử. Những giá trị trong quá khứ có thể trở nên lạc hậu và bị vượt bỏ, những giá trị mới sẽ nảy sinh trong quá trình vận động và phát triển của xã hội và con người.

Cũng như các hiện tượng tinh thần khác, xét theo thời gian, giá trị đạo đức được phân ra thành các giá trị đạo đức truyền thống và các giá trị đạo đức hiện đại.

Một phần của tài liệu Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng đạo đức cho thanh niên ninh thuận hiện nay (Trang 29 - 33)