Xu hướng chung là NHTW các nước từng bước nới lỏng sự kiểm soát đối với TTTT, bằng việc tự do hóa lãi suất để tạo sự sôi động, cạnh tranh mạnh mẽ trên TTTT trong nước và có khả năng hội nhập thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế. Hầu hết NHTW các nước đều xóa bỏ những ràng buộc về mặt thể chế và can thiệp thị trường bằng biện pháp phi kinh tế, NHTW đóng vai trò là người tạo khuôn khổ pháp lý, định hướng và đảm bảo an toàn cho sự phát triển của TTTT.
Tùy thuộc mục tiêu CSTT ngắn hạn, dài hạn và điều kiện TTTT trong từng thời kì, các NHTW xác định và lựa chọn chính sách lãi suất phù hợp, đó là: chính sách lãi suất thấp, thể hiện bằng việc NHTW tăng lượng tiền cung ứng, để duy trì lãi suất thị trường ở mức thấp nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư, khắc phục tình trạng trì trệ, khủng hoảng có tính chu kỳ của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình hồi phục tăng trưởng. Hoặc, chính sách lãi suất linh hoạt, thể hiện bằng việc NHTW thường xuyên can thiệp, điều tiết khối lượng tiền cung ứng, tác động cung – cầu vốn trên TTTT luôn ở mức thích hợp, để tránh biến động lớn về việc huy động vốn và cấp tín dụng của các NHTM, hạn chế những bất lợi cho các khuynh hướng đầu tư lâu dài, chính sách này thường được sử dụng ở các nước đang phát triển, nhất là các nước có nền kinh tế mở, quy mô nhỏ.
NHTW các nước áp dụng các cơ chế điều hành và kiểm soát lãi suất TTTT khác nhau, không có mô hình chung áp dụng cho tất cả NHTW các nước, nhưng mục đích cần đạt được là kiểm soát biến động lãi suất TTTT, đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa lãi suất chính thức của NHTW và lãi suất thị trường. Để xây dựng và thực hiện cơ chế điều hành và kiểm soát lãi suất một cách hiệu quả cần dựa trên cơ sở mức độ phát triển của TTTT, mức độ độc lập của NHTW, mức độ mở cửa, hội nhập và tự do hóa thị trường vốn, điều kiện kinh tế vĩ mô, mục tiêu ngắn hạn và trung hạn của CSTT.
Thông thường, NHTW các nước đều xây dựng và công bố mức lãi suất mục tiêu là lãi suất thị trường liên ngân hàng hoặc lãi suất cho vay ngắn hạn tốt nhất của NHTM trên TTTT sơ cấp, mọi sự thay đổi hay điều chỉnh các công cụ CSTT đều nhằm vào lãi suất mục tiêu và lấy đó làm cơ sở. Ở các nước phát triển, NHTW sử dụng lãi suất chính thức là lãi suất cho vay qua đêm hoặc lãi suất định hướng liên ngân hàng, lãi suất chủ đạo là lãi suất REPO, còn các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi thì sử dụng lãi suất tái cấp vốn kết hợp lãi suất chiết khấu. Sự thay đổi lãi suất chính thức phụ thuộc vào sự lựa chọn mục tiêu của CSTT và diễn biến kinh tế vĩ mô, tình trạng vốn khả dụng của NHTM, giá cả tài sản tài chính và lãi suất TTTT quốc tế, lãi suất chính thức cần phải phản ánh vai trò của NHTW là người cho vay cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng. Việc công bố lãi suất chính thức của NHTW tác động đến nền kinh tế theo nhiều kênh khác nhau và cần có sự tính toán kỹ lưỡng để không gây nên xáo trộn, biến động lớn đối với TTTT, thị trường vốn. Đồng thời, NHTW kết hợp sử dụng linh hoạt công cụ tái cấp vốn và công cụ CSTT khác để cung cấp khối lượng vốn có tính mùa vụ, thời gian dài hơn, đảm bảo cho ổn định lãi suất thị trường.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. Cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ từ 1986 đến nay
Trước khi đánh giá về cơ chế điều hành lãi suất trong giai đoạn từ 2005 đến 2010, nhóm nghiên cứu đưa ra tình hình diễn biến cơ chế điều hành lãi suất giai đoạn 1986 – 2004 nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan nhất về sự phát triển từng bước của cơ chế điều hành lãi suất ở nước ta tính đến giai đoạn hiện nay.