Cơ chế điều hành lãi suất giai đoạn 1986 2004

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH LÃI XUẤT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỚI ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 36 - 39)

Từ khi đất nước chấm dứt cơ chế tập trung quan liêu bao cấp năm 1986 đến năm 2004, quá trình đổi mới cơ chế điều hành lãi suất ngân hàng ở Việt Nam đã có nhiều bước chuyển đổi và có thể tóm gọn trong năm bước chuyển đổi căn bản sau đây:

Bảng 2.1.Cơ chế điều hành lãi suất của NHNN Việt Nam giai đoạn 1986 - 2004

Giai đoạn Đặc điểm cơ chế điều hành lãi suất thực tế

1986-5/1992: Cơ chế điều hành lãi suất thực âm cố định

- NHNN quy định chi tiết từng mức lãi suất tiền gửi, và lãi suất cho vay với từng loại hình doanh nghiệp, từng ngành nghề và theo từng thành phần kinh tế.

- Lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi.

- Lãi suất cho vay dài hạn nhỏ hơn lãi suất cho vay ngắn hạn.

- NHNN lần đầu tiên quy định lãi suất tái chiết khấu ở mức 1,5% đến 2,4%/tháng.

6/1992-1995: Cơ chế điều hành theo khung lãi suất

- NHNN quy định mức “sàn” lãi suất tiền gửi và “trần” lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Đồng thời không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, nhằm hạn chế một phần sự trì trệ của khu vực kinh tế Nhà Nước.

- Các NHTM căn cứ khung lãi suất để đưa ra mức lãi suất kinh doanh thích hợp cho mình.

- Lãi suất cho vay bình quân bằng lãi suất tiền gửi bình quân cộng thêm tỷ lệ chi phí và lãi hợp lý của Ngân hàng.

- NHNN khống chế đặt mức trần lãi suất cho vay ở mức thấp (1,6%/năm đến 2,5%/năm) và lãi suất tiền gửi liên tục tăng làm nảy sinh những tiêu cực

trong hệ thống tài chính.

- NHNN quy định mức lãi suất cho vay tối đa bằng ngoại tệ là…., lãi suất huy động ngoại tệ do NHTM quyết định.

- NHNN điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu nhằm mục tiêu tăng trưởng ổn định, kiềm chế lạm phát.

- Tỷ lệ DTBB giảm xuống còn 10% tính trên tiền gửi 12 tháng ở TCTD và giữ ổn định trong suốt giai đoạn. Tái cấp vốn giảm, chủ yếu là cho vay theo chỉ định của Chính phủ. Quy định hạn mức tín dụng. Năm 1995, NHNN phát hành 2 đợt tín phiếu

1996-7/2000: Cơ chế điều hành lãi suất trần

- NHNN bỏ quy định “sàn” lãi suất tiền gửi. Quy định khung lãi suất của các TCTD được thay thế bằng quy định trần lãi suất cho vay ở mức 0,2%/tháng và có sự phân biệt lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn; lãi suất khu vực thành thị và nông thôn.

- Khống chế chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn bình quân của các TCTD là 0.35%/tháng (1996-cuối 1997).

- Đầu năm 1998, trần lãi suất cho vay tăng 1% lên 1,2%/tháng, cho vay trung và dài hạn tăng từ 1,1% lên 1,25%/tháng.

- Năm 1999, NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất vì nền kinh tế có dấu hiệu thiểu phát. Lãi suất cho vay cuối năm giảm 0,35%-0,4% so với đầu năm và ở mức thấp so với những năm trước (0,85%/tháng cho khu vực thành thị và 1%//tháng cho khu vực nông thôn).

- Điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu phù hợp với hướng “nới lỏng” tiền tệ.

- 11/1999, nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu giấy tờ có giá được bổ sung vào các công cụ điều hành lãi suất của NHNN.

- 7/2000, NHNN tiếp tục đưa vào sử dụng nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất được hình thành qua các phiên giao dịch theo quan hệ cung-cầu.

- Tỷ lệ DTBB 10% tiếp tục ổn định từ năm 1996 và tháng 3/1999 giảm xuống còn 5%. NHNN xóa bỏ hạn mức tín dụng từ đầu năm 1998 cùng với việc phát hành thêm 4 đợt tín phiếu trong cả giai đoạn này.

8/2000-5/2002: Cơ chế điều hãnh lãi suất cơ bản kèm biên độ

- Hàng tháng NHNN công bố LSCB (căn cứ vào lãi suất cho vay thương mại tốt nhất của một nhóm các tổ chức tín dụng chiếm phần lớn thị phần tín dụng) và một biên độ thích hợp (0,3%/tháng đối với cho vay ngắn hạn, 0,5%/tháng đôi với cho vay trung và dài hạn) làm căn cứ cho việc ấn định lãi suất cho vay của các TCTD.

- LSCB có xu hướng giảm từ tháng 8/2000 ở mức 0,75%/tháng xuống còn 0,62%/tháng vào cuối năm 2002.

- Các TCTD được ấn định lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trên cơ sở lãi suất thị trường quốc tế và cung cầu vốn trong nước của từng loại ngoại tệ. Tuy nhiên NHNN vẫn quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của các TCTD không vượt quá mức lãi suất SIBOR kỳ hạn 3 tháng cộng biên độ tối đa 1%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn không vượt quá mức SIBOR kỳ hạn 6 tháng cộng biên độ tối đa 2,5%/năm

- Điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu phù hợp với CSTT “nới lỏng thận trọng”.

- Tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi nội tệ giảm xuống mức 3%, tiền gửi ngoại tệ là 5%. Nghiệp vụ thị trường mở chủ yếu thực hiện phương thức mua để bơm tiền ra. Tái cấp vốn chủ yếu thực hiện thông qua nghiệp vụ thị trường mở và cửa sổ chiết khấu.

6/2002-2004: Cơ chế điều hành lãi suất thỏa thuận

- Các TCTD xác định lãi suất cho vay bằng Đồng Việt Nam trên cơ sở cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm đối với khách hàng vay. NHNN công bố LSCB để các TCTD tham khảo và định hướng lãi suất TTTT. Lãi suất ngoại tệ được tự do hóa từ tháng 6/2001.

- Đầu năm 2003, áp dụng mô hình hành lang lãi suất: lãi suất tái cấp vốn đóng vai trò lãi suất trần; lãi suất tái chiết khấu là lãi suất sàn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng; lãi suất thị trường mở là công cụ điều hành thường xuyên của NHNN. Lãi suất cho vay qua đêm được áp dụng trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán bù trừ; lãi suất tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN đóng vai trò làm phương tiện thường xuyên để điều tiết lãi suất liên ngân hàng.

- Tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi nội tệ là 2 – 5%. NHNN sử dụng đồng bộ các công cụ gián tiếp và kiểm soát tăng trưởng tín dụng

Tính đến năm 2002, cơ chế điều hành lãi suất cơ bản có kèm biên độ đã tạo khuôn khổ linh hoạt hơn cho các TCTD trong việc ấn định lãi suất kinh doanh tuy nhiên có thể thấy cơ chế điều hành lãi suất còn chưa thực sự mang tính thị trường. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng chưa phát triển, nghiệp vụ thị trường mở mới bắt đầu thực hiện chưa có chiều sâu, thị trường trái phiếu, tín phiếu kho Bạc chưa phản ánh đúng lãi suất của thị trường tiền tệ nên chưa thể chỉ căn cứ vào lãi suất trên các thị trường này làm cơ sở xác định lãi suất cơ bản.

Biên độ lãi suất theo quy định của NHNN trong giai đoạn điều hành theo cơ chế lãi suất cơ bản vẫn mang dáng dấp của quy định trần lãi suất tối đa. Điều này đã khiến cho NHNN tiếp tục đổi mới chuyển sang cơ chế điều hành lãi suất thỏa thuận từ tháng 5/2002. Hỗ trợ cho việc hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất thỏa thuận của mình, trong giai đoạn này, NHNN đã tích cực sử dụng nghiệp vụ thị trường mở cũng như nâng cao hiệu quả của công cụ dự trữ bắt buộc. Chẳng hạn trong năm 2004, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng cao gây sức ép tăng lãi suất nhưng để thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất, góp phần phục vụ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã không tăng các mức lãi suất điều hành (lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu) mà thay vào đó, trên nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã thực hiện chào mua với lãi suất thấp dao động trong khung lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.

Như vậy xét về bản chất, các bước chuyển đổi này đều khẳng định tính chất điều chỉnh linh hoạt hơn và tự do hóa dần lãi suất, chuẩn bị sự hội nhập về lãi suất với nền kinh tế thế giới. NHNN Việt Nam đã từng bước thực hiện việc kiểm soát lãi suất dựa trên lãi suất cố định, khung lãi suất, lãi suất trần, lãi suất cơ bản có kèm biên độ và lãi suất thỏa thuận.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH LÃI XUẤT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỚI ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w