Khuyến nghị về mục tiêu điều hành chính sách lãi suất

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH LÃI XUẤT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỚI ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 83 - 90)

Thứ nhất, chính sách điều hành lãi suất theo hướng thắt chặt tiền tệ trong mặt bằng lãi suất cao như hiện nay cần phải được xem xét và điều hành thận

trọng do có thể dẫn đến việc không giảm tỷ lệ lạm phát mà còn gia tăng áp lực lạm phát cao.

Từ lý luận cho đến trong thực tiễn, chính sách điều hành theo hướng tăng mặt bằng nhóm lãi suất do NHTW công bố có thể tạo tác động giảm lạm phát, giúp ổn định nền kinh tế. Lãi suất cao để chống lạm phát là quan điểm rõ ràng nhất thể hiện trong nghiên cứu của Keynes. Thực tế trên thế giới hiện nay, các quốc gia cũng vẫn đang sử dụng lãi suất cùng với tăng giảm dự trữ bắt buộc nhằm kiếm chế lạm phát. Tiêu biểu như đầu năm 2011, khi cả thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do thiên tai dịch bệnh, hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang phải đối mặt với khó khăn khi nhu cầu về lương thực tăng mạnh nhưng sản lượng lương thực liên tục sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia này phần nào bị ngăn cản bởi lạm phát. Sự leo thang nhanh chóng trong chỉ số tiêu dùng CPI đã buộc Trung Quốc và Ấn Độ phải sử dụng biện pháp tăng lãi suất và tiếp tục yêu cầu tăng dự trữ. Bên cạnh đó, hàng loạt phản ứng của các quốc gia phát triển trước tình hình giá cả hàng hóa tăng cao là tăng lãi suất.

Tuy nhiên chính sách này có thể có tác động ngược trở lại nếu tiến hành trong mặt bằng lãi suất cao như hiện nay ở Việt Nam. NHNN cần xem xét đưa ra mục tiêu rõ ràng trong việc theo đuổi thực hiện chính sách lãi suất nhằm ổn định giá trị đồng nội tệ. Có thể phân tích chính sách thắt chặt tiền tệ như hiện nay khiến cho mặt bằng lãi suất cao, điều này có thể dẫn đến việc không làm giảm lạm phát mà ngược lại có thể khiến cho mặt bằng giá tiếp tục đứng trước áp lực tăng cao hơn.

Cụ thể, khi mặt bằng lãi suất thấp, việc thắt chặt tiền tệ sẽ làm cho lãi suất tăng lên nhưng không làm cho các doanh nghiệp phải rời bỏ hoạt động sản xuất của mình bởi lẽ lúc này lãi suất vẫn có xu hướng nhỏ hơn so với tỷ suất lợi nhuận bình quân. Trong khi quay trở lại thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay từ 18 – 19% đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh

nghiệp sản xuất. Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục dâng cao do NHNN thực hiện chính sách tiền tệ sẽ làm cho doanh nghiệp nhiều phải tạm ngừng sản xuất do nếu vay vốn thì hoạt động cũng không thể có lãi. Và những doanh nghiệp còn trụ lại thì tỷ trọng doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh rủi ro là khá cao, bởi lẽ chỉ có rủi ro lớn mới có thể kỳ vọng có lợi nhuận từ việc sử dụng vốn vay làm vốn kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sự không an toàn trong hoạt động của hệ thống NHTM. Hơn thế nữa, doanh nghiệp không tham gia sản xuất lại làm cho hàng hóa trở nên khan hiếm, nền kinh tế buộc phải nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn, tâm lý sử dụng hàng ngoại gia tăng khiến cho áp lực về tỷ giá, áp lực lạm phát càng tăng thêm.

Chính vì vậy với những giai đoạn nền kinh tế đứng trước áp lực lạm phát lớn, đặc biệt với mặt bằng lãi suất cao ở Việt Nam như trong năm 2011 hiện nay, nhóm nghiên cứu đề xuất phương án điều hành lãi suất theo hướng giảm mặt bằng lãi suất nhằm thoát khỏi vòng luẩn quẩn lãi suất cao – gây áp lực tăng giá dẫn đến lạm phát cao.

Chính sách lãi suất thấp muốn thực hiện được cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

• Trước hết phải ổn định lại nguồn vốn rẻ từ hoạt động của NHTM. NHNN có thể được điều hành thông qua thực hiện việc mua trái phiếu chính phủ cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tính toán khối lượng trái phiếu phát hành thêm một cách hợp lý đồng thời giảm dần cung tiền ngắn hạn trên OMO. Việc làm này sẽ có một số tác dụng như sau:

- Khi giảm lượng cung tiền trên thị trường OMO đồng thời mua TPCP trên thị trường thứ cấp thì các NHTM đang nắm giữ TPCP sẽ bán ra để thu tiền đồng về. Điều này là do khi giảm cung tiền ngắn hạn trên thị trường OMO, TPCP không còn là tài sản cầm cố để vay vốn NHNN với lãi suất thấp hơn lãi suất TPCP. Chính vì vậy NHTM sẽ lựa chọn bán TPCP do lãi

suất TPCP thấp hơn lãi suất huy động tiết kiệm (14%). NHTM mất đi nguồn cung lớn vốn rẻ sẽ tạo ít áp lực hơn đối với các NHTM nhỏ trên thị trường liên ngân hàng, qua đó góp phần làm giảm mặt bằng lãi suất chung.

- Việc NHNN mua lại TPCP trên thị trường thứ cấp là cách thức cung tiền dài hạn hơn so với cung tiền trên thị trường OMO, do đó các NHTM có thể dùng nguồn tiền đó để cấp tín dụng chứ không phải để bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời.

- Việc NHNN mua TPCP trên thị trường sơ cấp sẽ góp phần làm giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh của hệ thống NHTM do lúc này lãi suất TPCP cũng bị hạ thấp dần.

• Bên cạnh đó, các chính sách quản lý và kỹ thuật để điều tiết từ NHNN cũng rất cần thiết để tăng thêm hỗ trợ cho các NHTM có thể giảm lãi suất. Đó chính là các biện pháp ổn định tỷ giá, điều tiết lãi suất theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho việc huy động vốn trong nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

• Cần kiểm tra toàn diện và đánh giá một cách khách quan, chính xác năng lực tài chính của các TCTD, đặc biệt là các NHTM, trên cơ sở đó xây dựng chương trình củng cố và chiến lược phát triển ngân hàng. Nâng cao khả năng thanh khoản và khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng. Cơ cấu nguồn vốn huy động và cho vay của các NHTM cần được chuyển đổi theo hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn đem cho vay trung và dài hạn, giảm đến mức tối đa tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản và chứng khoán. NHNN cần tích cực hỗ trợ thanh khoản đối với các NHTM với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn thông qua tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ để điều chỉnh lãi suất giảm dần. NHTM với tiềm lực tài chính nhỏ có thể đến xin hỗ trợ từ NHNN với cam kết sử dụng đúng mục đích đảm bảo thanh khoản. Nếu NHTM nào thực sự yếu kém, tiềm ẩn sự đổ vỡ tín dụng cũng cần phải được sát nhập, hợp

nhất nhằm tạo dựng hệ thống NHTM đủ năng lực tài chính và đủ khả năng thực hiện một cách hiệu quả các chính sách điều hành của NHNN. • Chính sách hỗ trợ quan trọng và cơ quan quản lý nhằm bình ổn thị trường

bất động sản, vàng hay chứng khoán, tạo mặt bằng ổn định về giá đối với các tài sản tài chính sẽ là một biện pháp giúp cho nguồn vốn huy động của NHTM từ khu vực dân cư cũng như xét trong tổng thể nền kinh tế được ổn định, giảm thiểu những nguy cơ dịch chuyển trong nguồn vốn khiến cho các NHTM chạy đua nhằm cạnh tranh lãi suất đẩy lãi suất lên cao.

Thứ hai, trong xác định mục tiêu điều hành của chính sách lãi suất cần nâng cao tính độc lập của NHNN đối với các quyết định của Chính phủ.

Mối quan hệ giữa sự độc lập của NHTW và các biến số kinh tế vĩ mô chính:

Quan hệ với lạm phát

Nghiên cứu của Charles và Timothy (2006) tiến hành đối với các nước công nghiệp dựa trên các quan sát giai đoạn 1955 - 1988 và 1988 - 2000 đã cho thấy có mối quan hệ nghịch biến giữa tính độc lập của NHTW với lạm phát bình quân và với sự biến thiên của chỉ số lạm phát. Nghĩa là, hệ số độc lập của NHTW càng cao thì lạm phát bình quân càng thấp đồng thời chỉ số lạm phát biến thiên càng ít và ngược lại. Đơn giản hơn, những nước mà NHTW có mức độ độc lập tự chủ cao thường có tỷ lệ lạm phát thấp. Hơn nữa, tác động của tính độc lập của NHTW lên tỷ lệ lạm phát là xuyên suốt theo thời gian.

Điều này mang lại nhiều ý nghĩa cho Việt Nam bởi kiềm chế lạm phát là một ưu tiên quan trọng nhất trong chính sách của Chính phủ giai đoạn hiện nay.

Quan hệ với thâm hụt ngân sách

Nghiên cứu của Pollard (1993) về mối quan hệ giữa tính độc lập của NHTW với cán cân ngân sách trong giai đoạn từ năm 1973 - 1989 đã chỉ ra rằng ở những nước có NHTW độc lập cao thì tỷ lệ thâm hụt ngân sách càng giảm.

Theo Pollard, khi các quan hệ cho vay theo chỉ định hay ứng vốn cho ngân sách không còn chịu sự chi phối của chính phủ thì sẽ tạo ra một kỷ luật trong chi tiêu tốt hơn, qua đó góp phần làm tăng tính minh bạch và tạo ra một cán cân ngân sách bền vững hơn.

Cùng với lạm phát, thâm hụt ngân sách ở Việt Nam cũng là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách. Tình trạng thâm hụt ngân sách hàng năm trên dưới 5% GDP và luôn kéo dài trong nhiều năm đã không những làm xói mòn tính kỷ luật trong chi tiêu ngân sách mà còn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia (kể cả nợ trong và ngoài nước).

Quan hệ với tăng trưởng kinh tế

Các phân tích thực nghiệm tuy chỉ ra rằng không có bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ giữa tính độc lập của NHTWvới tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, trên thực tế, giữa hai yếu tố này vẫn tồn tại một mối quan hệ gián tiếp rất chặt chẽ thông qua tỷ lệ lạm phát và cán cân ngân sách. Cụ thể, duy trì lạm phát thấp và một cán cân ngân sách cân bằng là những mục tiêu quan trọng vì nó không những tạo điều kiện cho việc phân bổ có hiệu quả hơn các nguồn lực của nền kinh tế mà còn giúp duy trì tính ổn định của hệ thống tài chính và nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Xét trong bốn cấp độ độc lập của IMF (2004) thì NHNN Việt Nam nằm ở cấp độ độc lập thứ tư “độc lập tự chủ hạn chế”. Đây là cấp độ độc lập thấp nhất của NHTW đối với Chính phủ. Điều đó phần nào làm giảm tính linh hoạt trong việc điều hành thực hiện CSTT quốc gia, thậm chí đôi khi gây ra sự chậm trễ trong phản ứng chính sách trước các diễn biến khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ ảnh hưởng đến sự ổn định của đồng tiền

Tuy nhiên với việc ra đời luật NHNN Việt Nam 2010 thì tính độc lập của NHNN Việt Nam đang dần được cải thiện. Ở một mức độ nào đó, có thể nói, NHNN Việt Nam đang tiến dần từ cấp độ độc lập tự chủ thứ tư “độc lập tự chủ hạn chế” lên cấp độ độc lập tự chủ thứ ba “độc lập tự chủ trong lựa chọn công

cụ điều hành”. Với sự đổi mới này, NHNN sẽ có được sự linh hoạt và độc lập nhất định trong khâu thực hiện các mục tiêu đề ra của CSTT. Nhờ đó, thị trường tiền tệ và giá trị đồng tiền được kỳ vọng ổn định hơn, vai trò của một NHTW cũng được thể hiện rõ nét hơn và uy tín của NHNN cũng được nâng cao hơn.

Một số gợi ý chính sách nâng cao tính độc lập cho NHNN Việt Nam hiện nay:

Một là, xác định rõ mục tiêu hoạt động của NHNN là “bảo đảm an toàn

hoạt động của hệ thống ngân hàng và ổn định giá trị đồng tiền trong nền kinh tế”. Điều này đặc biệt có ý nghĩa vì mục tiêu có rõ ràng thì NHTW mới có thể kiểm soát được rủi ro trong lĩnh vực quản lý của mình.

Hai là, NHNN phải thực sự được độc lập trong quyết định thực thi chính

sách và việc lựa chọn công cụ điều hành. Đồng thời, NHNN phải được trao đầy đủ thẩm quyền trong việc lựa chọn các công cụ điều hành CSTT một cách linh hoạt và phù hợp nhất cũng như kiểm soát tất cả các công cụ có ảnh hưởng tới các mục tiêu của CSTT, nhất là về vấn đề chống lạm phát, để có thể đạt được các mục tiêu CSTT mà Chính phủ hay Quốc hội đã đề ra. Điều này không những góp phần làm tăng tính chủ động cho NHNN mà còn làm giảm độ trễ ngoài của CSTT - một yếu tố quan trọng làm giảm tính hiệu lực của chính sách.

Ba là, NHNN cần độc lập hơn trong quan hệ với ngân sách. Để đảm bảo

hiệu quả của CSTT, những nhiệm vụ khác nhưtạm ứng chi ngân sách hay tài trợ trực tiếp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ cũng nên được quy định lại để Thống đốc có quyền từ chối theo đúng mục tiêu thâm hụt ngân sách được Quốc hội phê duyệt hàng năm và chủ động trong việc điều hành cung, cầu tiền trên thị trường

Bốn là, trao cho NHNN quyền chủ động quyết định về tài chính và độc

lập tương đối về mặt nhân sự. Để thực thi tốt CSTT, NHNN cần phải thu hút được một đội ngũ đông đảo những chuyên gia đầu ngành về tài chính, ngân

hàng. Muốn vậy, NHNN phải cạnh tranh được với các NHTM về môi trường làm việc và chế độ lương thưởng. Do đó, Thống đốc cần được trao quyền trong việc quy định sử dụng những khoản thặng dư trong hoạt động ngân quỹ, chuyển tiền điện tử hay quản lý quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, để có thể có cơ chế tiền lương phù hợp hơn.

Năm là, về trách nhiệm giải trình: Nâng cao tính độc lập và tự chủ của

NHNN đối với các mục tiêu và quyết định chính sách phải đi kèm với trách nhiệm giải trình đầy đủ và minh bạch. Thống đốc NHNN theo định kỳ hoặc theo đề nghị của Quốc hội phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội về các quyết định chính sách trong giới hạn chức năng và thẩm quyền được giao.

Trong tương lai dài hơn, có thể hướng tới:

Một là, thực hiện “Chính sách lạm phát mục tiêu”. Lạm phát mục tiêu là

một trong những khuôn khổ CSTT mà theo đó, NHTW hoặc Chính phủ thông báo một số mục tiêu trung và dài hạn về lạm phát và NHTW cam kết đạt được những mục tiêu này. Để làm được điều này, NHNN phải có quyền đặc biệt để theo đuổi mục tiêu lạm phát và tự mình đặt ra các công cụ của CSTT. Ngoài ra, người dân cũng phải được thông báo về khuôn khổ CSTT và việc thực hiện CSTT.

Hai là, tăng cường tính độc lập về mặt tổ chức nhân sự của NHNN.Theo

đó, nhiệm kỳ của ban lãnh đạo NHNN có thể dài hơn nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội, hoặc xen kẽ giữa các nhiệm kỳ của Chính phủ. Như vậy, quá trình ra quyết định của NHNN sẽ không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thành lập Chính phủ, chu kỳ lập kế hoạch kinh tế. Thống đốc sẽ không bị ảnh hưởng một khi Chính phủ thay đổi nhân sự do hết nhiệm kỳ.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH LÃI XUẤT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỚI ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 83 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w