Tác động lên tỷ lệ lạm phát và mục tiêu ổn định giá cả

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH LÃI XUẤT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỚI ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 57 - 60)

Năm 2010 nền kinh tế Việt Nam một lần nữa lại chứng kiến sự biến động mạnh của lạm phát và những bất ổn đi kèm. Tính trong 5 năm trở lại đây từ năm 2006, ngoại trừ năm 2009 - khi lạm phát ở mức thấp phần lớn nhờ vào sự suy giảm của tổng cầu cộng với sự rớt giá nguyên liệu đầu vào do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát ở Việt nam luôn ở mức cao và vượt xa mục tiêu đặt ra của Chính phủ. Tỷ lệ lạm phát năm 2006, 2007, 2008, 2010 lần lượt là 6,6%; 12,6%; 19,9% và 11,8%. Trong 5 năm, lạm phát đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%.

Tốc độ tăng CPI lẫn sự biến động của CPI đang có xu hướng gia tăng trong giai đoạn gần đây. Trung bình trong giai đoạn 2008 – 2010, chỉ số CPI hàng tháng đã tăng khoảng 13,08% so với cùng kì, cao gần gấp đôi với con số

6,09 của giai đoạn 2003 – 2007. Đồng thời mức độ biến động, đo lường theo độ lệch chuẩn của CPI cũng tăng từ 2,39% trong giai đoạn 2003 – 2007 lên tới 8,26% trong giai đoạn 2008 – 2010. Điều này cho thấy CPI theo tháng của Việt Nam trong những năm gần đây không chỉ tăng cao hơn mà còn biến động thất thường mạnh hơn so với những năm trước.

Trong cả hai năm 2008, 2009, NHNN đều bơm vốn ra để hỗ trợ nền kinh tế tuy nhiên lãi suất vẫn tăng. Nguyên nhân chính nguồn vốn hỗ trợ của NHNN không đi vào khu vực sản xuất hàng hóa nhiều tạo việc làm mà chảy vào các dự án đầu tư lớn và lĩnh vực có tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản khiến cho đã có lúc tạo bong bóng tài sản, tạo áp lực đặt lên lạm phát.

Xem xét biến động của lạm phát cần phân rã lạm phát theo các thành phần khác nhau để thấy được tốc độ tăng CPI có bao nhiêu phần là do yếu tố dài hạn, và bao nhiêu phần là do các yếu tố ngắn hạn như mùa vụ, chu kì và ngẫu nhiên. CPI tăng lên có rất nhiều nguyên nhân song do chỉ nghiên cứu lạm phát dưới ảnh hưởng của chính sách lãi suất nên phần nghiên cứu sẽ chỉ tập trung vào phân tích việc chính sách lãi suất đưa ra trong từng thời kì có hạn chế được mức tăng lạm phát hay không.

Về cơ bản, xu hướng dài hạn của lạm phát phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng tiền tệ/tín dụng hàng năm của nền kinh tế, liên quan trực tiếp tới điều hành chính sách tiền tệ nói chung hay chính sách lãi suất của NHNN nói riêng. Sự gia tăng nhanh của cung tiền đạt đỉnh 47% và gia tăng tín dụng 54% trong năm 2007, đã kéo theo thước đo lạm phát dài hạn đạt mức cao nhất vào những tháng giữa năm 2008. Kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng tín dụng và lạm phát cùng có xu hướng giảm, tuy nhiên có thể thấy rằng mức lạm phát dài hạn này vẫn đang ở mức cao, khoảng 8% vào cuối năm 2010. Đứng trước mục tiêu lạm phát trong cả hai giai đoạn: 6 tháng đầu năm 2008 và cuối năm 2010, NHNN đều đã sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để từ đó tác động đến các loại lãi suất khác và tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất này

thường được coi là chậm chạp, tức là khi lạm phát đã xảy ra và thiếu tính ngăn chặn.

Lãi suất cơ bản được nâng lên liên tục hai lần trong nửa đầu năm 2008, đạt mức 14%/năm vào tháng 6/2008 đã được đánh giá là một công cụ sẽ góp phần làm giảm lạm phát. NHNN đã ứng xử linh hoạt hơn khi sử dụng lãi suất cơ bản để điều tiết lãi suất thị trường tiền tệ thay vì việc quy định trần lãi suất huy động. Khi nền kinh tế gặp biến động mạnh như khủng hoảng vào cuối năm 2008, chính sách lãi suất NHNN lại đứng trước sự lựa chọn trong việc điều tiết theo hướng kiềm chế lạm phát hay đẩy mạnh kích thích nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Và mục tiêu trên hết đã được đặt ra đó là cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, lãi suất cơ bản đã được đẩy mạnh xuống cùng với việc thực hiện hỗ trợ lãi suất. Chính vì hai xu hướng ngược chiều trong tăng giảm lãi suất vào năm 2008 nên khó có thể đưa ra đánh giá về việc lãi suất đã ảnh hưởng tới tỷ lệ lạm phát như thế nào.

Trong giai đoạn 2009 – 2010, kể từ tháng 9/2010, sự gia tăng trở lại của giá cả thế giới cùng với sự mất giá của động nội tệ, những dấu hiệu gia tăng lạm phát ở mức cao càng trở nên rõ rệt hơn. Tuy nhiên mãi đến tận tháng 11/2010, NHNN mới thực hiện nâng lãi suất cơ bản lên 9% và hạn chế lượng tiền bơm ra trên thị trường mở.

Động thái nâng lãi suất cơ bản của NHNN cho rằng lãi suất cơ bản tăng sẽ làm cho lãi suất thị trường tiền tệ tăng theo, cầu tiền giảm và từ đó có thể điều chỉnh được tỷ lệ lạm phát. Song nhìn vào thực trạng điều hành chính sách lãi suất ở Việt Nam, có thể thấy sự phản ứng không theo sát thị trường đã khiến cho các NHTM luôn phải tìm cách nâng lãi suất vượt trần cho phép qua nhiều hình thức khác nhau, tạo nên sự tồn tại của cơ chế hai lãi suất. Mặc dù lãi suất cho vay bình quân ở mức 15,27%, tuy nhiên, có những thời điểm lãi suất cho vay đã tăng vọt lên cao 18 – 20% , tác động lớn tới sự tiếp cận nguồn vốn vay của nhiều doanh nghiệp đồng thời làm chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp đã tăng lên.

Trong điều kiện kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn ngân hàng nghĩa là lãi suất tiền vay chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các yếu tố chi phí đẩy, việc tăng lãi suất cơ bản không theo sát thời điểm chỉ mang tính thích ứng đã không giúp thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Kết quả này rõ ràng cho thấy công cụ lãi suất cần được sử dụng linh hoạt và phản ứng nhanh nhạy hơn trước những sức ép lạm phát.

Trong điều hành chính sách lãi suất của NHNN Việt Nam hiện nay vẫn đang có thái độ khá lỏng với lạm phát và chạy đua theo tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Sử dụng công thức sau đây có thể ước lượng quy tắc chính sách đơn giản của NHNN như sau:

rt= α + βπt-1 + εt

Trong đó: r là lãi suất, π là tỷ lệ lạm phát và ε là sai số. Sử dụng số liệu lãi suất huy động hàng tháng chính thức của giai đoạn 1/2003 – 12/2010, có thể ước lượng được α = 5,73 và β = 0,29. Hằng số β thấp đã cho thấy phản ứng của lãi suất khá thụ động với diễn biến lạm phát. Nếu lạm phát tăng 1 điểm phần trăm thì lãi suất chỉ tăng xấp xỉ 0,3 điểm phần trăm. Hơn thế vậy, việc Chính phủ đề ra mức mục tiêu tăng trưởng cung tiền 20% như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến cho lãi suất chưa thực sự phát huy hết chức năng của nó, bởi lẽ với mục tiêu tăng trưởng khoảng 7%, tăng trưởng cung tiền chỉ nên đạt mức 15% thì mới có thể bình ổn lạm phát ở mức 7%. Những mâu thuẫn trong việc đặt ra mục tiêu như vậy, khiến cho lãi suất nếu tuân theo mục tiêu tăng trưởng cung tiền thì phải giảm xuống, trong khi nếu tuân thủ nhằm kiềm chế lạm phát thì phải tăng lên. Chính vì vậy có thể thấy khi lạm phát gia tăng cao, biện pháp đầu tiên là sử dụng lãi suất được thực hiện hữu hiệu ở nhiều nước trên thế giới nhưng lại chưa đem lại nhiều hiệu quả đáng kể ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH LÃI XUẤT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỚI ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w