Không chỉ ở thị trường ngoài biên giới, gia nhập TPP Việt Nam còn được hưởng lợi ngay trên nội địa. Đó là tích cực gián tiếp mà các khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Hoa Kỳ và các nước đối tác TPP mang lại. Việt Nam có khả năng trở thành đích ngắm của các nước trong TPP để phát triển thành “đại công xưởng” mới của thế giới. Nguồn vốn đầu tư FDI sẽ gia tăng mạnh mẽ gấp nhiều lần so với hiện nay, vốn FDI dồn vào sẽ cải thiện mạnh mẽ trong mọi mặt của nền kinh tế từ hạ tầng, năng lực sản xuất tới chuẩn mực
chất lượng. Trong TPP có rất nhiều nền kinh tế có công nghệ kỹ thuật cao và có nhu cầu đầu tư nguồn vốn FDI mạnh mẽ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…. Khi tham gia TPP, hàng hóa Việt Nam có cơ hội thâm nhập các thị trường xuất khẩu lớn mạnh hơn, do thuế thấp hơn. Theo đó, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mạnh hơn các nước trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là từ Trung Quốc, ASEAN được dự đoán sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để tận dụng ưu thế thành viên TPP của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thu được từ TPP. Khi TPP có hiệu lực, hiệp định này cũng giúp thúc đẩy, gia tăng đầu tư của các nước nói trên vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn như phát triển các ngành công nghệ cao, nâng cao trình độ của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Dưới đây là biểu đồ biểu diễn khả năng thu hút vốn FDI từ năm 2000 đến năm 2014 và đặc biệt là dấu ấn năm những năm 2006, 2007, 2008 - 3 năm liên tiếp sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Biểu đồ 2: Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam qua các năm
FDI đổ vào Việt Nam ngày càng tăng cả về dự án, vốn đăng kí và số nước, vùng lãnh thổ. Đặc biệt giai đoạn 2006-2008 sau khi Việt Nam gia nhập WTO dòng vốn FDI đã có xu hướng gia tăng mạnh mẽ đánh dấu bước chuyển mình mới của Việt Nam trên bản đồ FDI thế giới với kỉ lục nguồn vốn FDI đăng kí lên tới 70 tỉ USD năm 2008. Chắc chắn trong tương lai khi gia nhập TPP, Việt Nam cũng sẽ có một cơ hội thứ hai để tạo nên bước chuyển mình về dòng vốn FDI. Đặc biệt, các nhà đầu tư Hoa Kỳ ngày càng quan tâm tới Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ trong các vòng đàm phán TPP đã tuyên bố về kỳ vọng tăng cường đầu tư và trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam trong thời gian tới đây.
Theo số liệu của tổng cục thống kê, trong năm 2014, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt tới 21.92 tỷ USD đăng kí và 12.5 tỷ USD vốn được giải ngân. Trong đó các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Maylaysia là các nước đang và sẽ có cơ hội chung cộng đồng TPP với Việt Nam đề có tổng số vốn FDI đăng kí tại Việt Nam lớn trên 10 tỷ USD. Cơ hội gia tăng nguồn vốn FDI sẽ góp phần thúc đẩy tăng GDP, tăng vốn đầu tư phát triển xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Có thể nói gia tăng vốn đầu tư nước ngoài đem lại tác động hết sức to lớn cho các ngành hàng của Việt Nam.