5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật, những biến đổi trong thế giới nhân vật được cụ thể hóa bằng nhiều thủ pháp xây dựng nhân vật. Mỗi kiểu nhân vật đòi hỏi những cách thức riêng trong nghệ thuật miêu tả và xây dựng nhân vật. M.Bakhtin đã nhận thấy: “:Mỗi kiểu nhân vật có tính quy luật riêng của mình, có lô gíc của mình nằm trong khuôn khổ ý chí yác giả nhưng tác giả không thể vi phạm một cách tùy tiện. Một khi đã lựa chọn nhân vật và lựa chọn trung tâm miêu tả nhân vật, tác giả bị ràng buộc bởi lôgíc nội tại của cái được lựa chọn, cái lôgíc mà tác giả phải khám phá trong quá trình miêu tả. Lôgíc của tự ý thức chấp nhận những phương thức nghệ thuật nhất định để khám phá và miêu tả nó [tr304,27].
2.2.1.Không gian nghệ thuật trong việc khắc họa tính cách nhân vật
“Trong văn học nghệ thuật, không gian nghệ thuật chính là hình thức tồn tại chủ quan của hình tượng [tr209,29]. Muốn đánh giá đúng đắn chính xác về nhân vật không thể không tìm hiểu không gian tồn tại của nó bởi “Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đnag sống, đang cảm thấy vị trí, số phận của con người ở trong đó. Không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy[tr143,28]. Trong sáng tác văn học, không gian nghệ thuật trở thành một thủ pháp nghệ thuật quan trọng khắc họa hình tượng nhân vật: “Không gian nghệ thuật như một quan niệm về thế giới và con người, như một phương thức chiếm lĩnh thực tại, một hình ảnh thực thể hiện cảm xúc và quan sát về thế giớivà con người, tư tưởng thẩm mỹ, để từ đó lí giải khả năng phản ánh hiện thực của một hệ thống tác phẩm nhất định[30]. Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn diễn ra trong trường nhất định. Qua đó, thế giới nhân vật cảm tính được bộc lộ. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian tâm tưởng
Như vậy, không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự…Ngôn ngữ trong không gian nghệ thuật rất đa dạng và phong phú. Các phạm trù cao - thấp, xa - gần, rộng - hẹp, cong - thẳng đều được dùng để biểu hiện các phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã hội. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật.
Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là không gian song hành. Là một nhà văn của miền sông nước, Nguyễn Ngọc Tư thấu hiểu không gian sông nước, cũng chính là không gian của cuộc đời thực. Nó vừa thu hẹp lại vừa
mở ra theo chièu dài, chiều sâu và chiều rộng. Khảo sát các tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc tư, ta thấy có 3 cặp không gian song hành trong sáng tác của chị đó là: Không gian sông nước - đất liền, không gian gia đình - xã hội và không gian sân khấu – không gian thực của cuộc sống.
Không gian sông nước – đất liền trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư được xây dựng nên để làm nền cho bức tranh cuộc đời, trong đó, sông nước và đất liền là hai hình ảnh gắn liền với sự chia lìa. Đó là hình ảnh của những cặp đôi yêu nhau mà luôn gặp trắc trở trong tình yêu như cảnh người bờ này, kẻ bờ kia: “Cái lý em ở cái lý chàng đi” (Lý con sáo sang sông) hay “Ừ, tại tao thương con chốt, qua sông là không mong ngày về” ( Hiu hiu gió bấc). Hay cảnh kẻ dưới sông, người trên đất liền, nói sao cho thấu biết bao nỗi niềm: “Lương ăn trên sông, ngủ trên sông nên không biết ở dưới bờ, người ta đưa đẩy cuộc đời Bông như thế nào” (Bến đò xóm Miếu)
Trong truyện Dòng nhớ, sự gắn bó máu thịt với dòng sông, với con đò ngược xuôi con nước đã thành nỗi ám ảnh theo suốt cả cuộc đời của nhân vật. Để đến khi cuối đời, dòng nước ấy vẫn biến thành dòng đau, nỗi nhớ, vẫn là khối tình câm lặng mà sâu sắc vô cùng trong trái tim người đàn ông trên bờ và người đàn bà dưới dòng nước. Tình yêu ấy cái chết cũng không thể chia lìa. Trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Ngọc Tư luôn đặt không gian sông nước bên cạnh không gian đất liền:
Dòng nhớ, Nhớ sông, Qua cầu nhớ người…Những con người trong truyện đem
cuộc đời mình gắn chặt với dòng sông, nhưng vì một lí do nào đó họ phải xa sông tìm bến đậu nơi đất liền, nhưng linh hồn họ vẫn đăm đắm, da diết hướng về sông với nỗi khắc khoải khôn nguôi: “ Con nuôi con Giang như nuôi con sáo. Giang lấy xuồng chèo đi giờ ấy - chèo đã đời rồi nó buông chèo cho thỏa nỗi nhớ sông”. Lênh đênh giữa sông nước và đất liền nhưng những con người cô đơn bất hạnh ấy vẫn không tìm được cho mình đâu là bến đậu đích thực của cuộc đời.
Bên cạnh không gian sông nước, Nguyễn Ngọc Tư còn đặt nhân vật của mình vào không gian gia đình – xã hội. Gia đình là bến đậu bình yên, là niềm yêu thương và khát khao hạnh phúc được che chở. Xã hội là không gian của bộn bề những lo toan, những khát vọng, là nơi có sự đua chen tiền tài, công danh địa vị. Trong không gian gia đình xã hội, nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có lúc mải mê kiếm tìm hư ảo mà quên mất không gian đích thực của bản thân: Ngổn ngang, Người dưng
làm má…để rồi khi họ đang dần nhận ra mình đang dần đánh mất tất cả họ quay lại
mái nhà của mình, song mọi thứ gần như quá xa lạ với họ. Như vậy, Nguyễn Ngọc Tư đã đối lập hai chốn không gian gia đình và xã hội để từ đó khắc họa và làm nổi bật những bi kịch, những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn con người. Gia đình còn là mối quan hệ cha con, vợ chồng, anh em, và những mối quan hệ huyết thống thân thuộc khác. Miêu tả không gian gia đình, tác giả muốn giúp ta hiểu hơn những
giá trị đạo đức và lòng yêu thương giữa con người với con người. Với không gian xã hội, Nguyễn Ngọc Tư nhấn mạnh đến sự lạnh lùng, thờ ơ trong các mối quan hệ: “Làm sao diễn tả được nỗi đau của người cha hôm trước còn bắt con kiến vàng bu lên tóc con gái, hôm sau đã phải nghẹn ngào đứng từ xa ngó nó, ngó nó đau khổ”…(Đau gì như thế). Các nhân vật nhiều lúc như muốn bấu víu không gian gia đình tìm sự đồng tình, tìm nơi nương tựa nơi không gian xã hội nhưng đổi lại họ lại bị thờ ơ, lãng quên, thậm chí còn làm nhân lên nỗi đau vốn đã nhức nhối (Lỡ mùa, Đau gì như thế, Cánh đồng bất tận…).
Nhưng tiêu biểu hơn cả trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là không gian sân khấu, cuộc đời. Đây là mảng không gian có sức ám ảnh lớn nhất đối với người đọc. Trong một số truyện ngắn của mình, Nguyễn Ngọc Tư xây dựng hai không gian song hành vừa đối lập lại vừa bổ trợ cho nhau. Khi không gian sân khấu không còn thì nhường chỗ cho cuộc đời thực. Truyện của chị thường nhắc nhiều, kể nhiều về những đoàn hát như: Mưa mù thu, Bông tràm, mưa bình minh. Nhân vật trong truyện lỡ mê cái nghiệp cầm ca, nên số phận của họ cũng trôi nổi như các vai diễn. Họ nhập thân, họ đóng đạt quá trên các sân khấu đến nỗi khi ánh đèn tắt đi họ không thể cởi bỏ hóa trang để trở về với cuộc đời thực. Những vở diễn chính là cuộc đời họ, nước mắt, niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ đều phải trải qua trong các vai diễn. Vậy phần nào để cho cuộc đời đây?: “Tôi thèm hạnh phúc nhưng không cho phép mình hạnh phúc. Một tâm hồn đầy đủ sẽ không diễn tả được một tâm tư giằng xé. Vì nghệ thuật, tôi hi sinh cả cuộc đời mình (Phương - Ngày đùa). Ngày đùa
là truyện ngắn thể hiện bi kịch lớn nhất giữa cuộc đời và sân khấu. Bi kịch của số phận con người được khắc họa rõ nét trong hình ảnh của nhân vật San: “San sống rất mệt mỏi vì không phân biệt được đâu là sân khấu, đâu là cuộc đời” với một tâm hồn gần như chai sạn: “Không tâm huyết kì vọng vào cái gì, không mơ mộng xã vời, không rút ruột, không tin ai, yêu ai. San thấy mình không vịn vào ai để sống, không sống vì ai. Từ những bi kịch tình yêu dưới ánh đèn sân khấu, San đã từng bước tự đưa mình vào bi kịch cuộc đời. San đã mất Phương vĩnh viễn chỉ bởi đem sân khấu ra giữa cuộc đời - mà đó đâu phải là trò đùa.
Khác với cây bút trẻ của vùng đồng bằng sông nước Nam Bộ Nguyễn Ngọc Tư, ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tạo cho mình một dấu ấn phong cách riêng và tạo dựng được không gian nghệ thuật riêng góp phần đắc lực trong việc khắc họa hình tượng nhân vật. Trong truyện ngắn của chị, nhân vật thường được đặt vào một không gian hẹp, thời gian có thể chỉ là một khoảnh khắc diễn ra trong cuộc đời. Đó là không gian và thời gian của nỗi niềm riêng tư cá nhân chứ không phải khung cảnh rộng lớn của cộng đồng dân tộc trong thời chiến tranh. Không gian trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Thu Huệ là hình ảnh cuộc sống
gia đình, cá nhân tách biệt với xung quanh; không gian của những căn phòng tù túng mà ở đó con người phải đối mặt trước bao bộn bề của cuộc sống: Phù thủy,
Giai nhân, Sơ ri đắng…Từ không gian hẹp đó, nhà văn để cho nhân vật của mình cảm nhận bao nỗi khắc khoải. Người đàn bà 38 tuổi xinh đẹp chưa chồng trong Giai nhân: “Bỗng chợt thấy chật chội, bức bối trong căn phòng ba mươi mét vuông…”, trong một khoảnh khắc, cô nhận ra: “Khốn nạn, sao người mỗi ngày một đông như kiến mà tôi thì thấy cô đơn thế này…bên ngoài cánh cửa kia có thể là thiên thần có khi là quỷ dữ. Cái thời mình được lựa chọn đã qua rồi ư?” . Với bối cảnh không gian là căn phòng và tâm trạng căng thẳng của sự chờ đợi, tác giả đã để cho nhân vật bi kịch bị kìm nén, nhốt lại nhằm tạo ra độ căng của tác phẩm. Chính độ căng này khiến cho độc giả cảm nhận được nỗi niềm đau xót của người phụ nữ cô đơn trước cuộc đời.
Nếu không đặt nhân vật của mình trong không gian chật chội, nhỏ hẹp của những căn phòng tù túng thì Nguyễn Thị Thu Huệ sẽ đưa nhân vật vào một không gian rộng lớn hơn như: bên giếng nước, rạp chiếu phim, cơ quan làm việc, khu vườn dành cho những người yêu nhau, dãy phố có 108 cây bằng lăng…Nhưng trong thế giới ấy, các nhân vật của chị cũng không thể nào hòa nhập được với xã hội và cuộc đời. Nhân vật trong Cầu thang là một ví dụ tiêu biểu. Trân sống ngơ ngác trước sự hối hả của mọi người trong sơ quan. Cái không gian tầng 7 làm việc của cơ quan khiến cô thấy lạc lõng: “Các cuộc họp, các khuôn mặt tưởng như thân với mình lắm nhưng chỉ để nói những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhất…Họp xong, mọi người hối hả thu dọn những gì là của mình…lao vút xuống bảy tầng cầu thang, lên những chiếc xe máy và tóe ra các ngả…”. Trân cảm thấy mọi cái đều là vô nghĩa, kể cả tình yêu của cô cũng chỉ “ràng buộc mỏng manh vô cùng…có nghĩa là chỉ nên yêu ai đó bằng tinh thần thôi, chứ vì thể xác, chóng chán lắm…Trong truyện ngắn của Thu Huệ, nhân vật của chị không mấy khi được thả vào trong bối cảnh rộng lớn phức tạp mà được nhét vào “những tình huống tuy hẹp nhưng đặc sắc”. Tác giả đối xử với nhân vật bằng cách “thu gom mọi thứ vào một bao tải to tưởng buộc chặt lại, giãy giụa để tung ra khỏi cái bao tải đó nhưng rất khó”[tr324.34]. Không gian gia đình được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sáng tác của Thu Huệ nói riêng và của thế giới những nhà văn nữ nói chung. Ở đó, người phụ nữ âm thầm chịu đựng hi sinh cho chồng, cho con. Nhưng không phải không có những lúc, sự đều đều trong cuộc sống gia đình đã khiến họ có những suy nghĩ vượt ra ngoài thiên chức của mình như: Người xưa, Tân cảng, Một nửa cuộc đời…Song điều đáng quý ở người phụ nữ là sự quay trở về với bổn phận làm vợ, làm mẹ bởi khung cảnh gia đình không thể vắng bóng hình của họ.
Trong trang viết của Đỗ Bích Thúy, để nhằm làm nổi bật tính cách cũng như số phận của nhân vật, tác giả hay đặt nhân vật của mình trong không gian sống, không gian sinh hoạt thường nhật của họ. Người dân tộc thiểu số có tính cách chân thực, ngay thẳng, có lối tư duy bằng hình ảnh, biểu tượng cụ thể, vì thế, họ thường lấy những sự vật, hiện tượng xung quanh mình để so sánh, ví von. Nhằm khắc họa cuộc sống và tính cách con người ở vùng Tây Bắc địa đầu của Tổ quốc, nhà văn đã để cho họ tự lên tiếng. Chẳng hạn, viết về cái bếp của người dân tộc, chị chọn cách để người mẹ chồng giảng giải với cô con dâu về những điều cấm kị liên quan tới cái bếp của người Mông: “Ngày đầu tiên về nhà chồng, mẹ chồng dẫn Kía xuống bếp. Ở bếp có con ma bếp, ma bếp cai quản việc sinh đẻ của đàn bà và phù hộ cho việc nuôi gia súc. Vì thế không được giẫm chân lên bếp lò, không được gõ vào thành bếp, lúc nào muốn nhấc chảo cám lợn ra phải cho một hòn đá vào giữa” (Gió không ngừng thổi). Đỗ Bích Thúy luôn đặt các nhân vật của mình trong môi trường họ sống và lao động, họ luôn gắn liền với cái bếp, con dao, với cái ang nước, với nương rẫy, với cuộc sống lam lũ, vất vả, cực khổ. Đó là không gian của căn nhà có hai ngăn phải, trái là biểu tượng của mối tình tay ba trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, là không gian sinh tồn của cây ngải đắng cứu sống con người (Ngải đắng ở trên núi), ….Nhiều khi, đó là không gian núi rừng đầy những hiểm họa, những cạm bẫy rình rập đe dọa đến con người: “ Trời tối đen, nương ngô rất rậm và cao, tiếng gào thét của Kía bị át đi bởi tiếng gió từ trong thung lũng đang phả ra ào ạt…” (Gió không ngừng thổi). Nhưng đó cũng là không gian nên thơ, không gian hò hẹn của biết bao nhiêu chàng trai cô gái đang yêu (Con dê bốn mắt). Có thể nói, không gian trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy là không gian sinh tồn. Không gian có tính đặc thù ấy góp phần đắc địa trong việc thể hiện tính cách, nội tâm của nhân vật.