Cốt truyện giàu chi tiết sự kiện:

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 25 - 29)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.1.2. Cốt truyện giàu chi tiết sự kiện:

Cốt truyện là một hệ thống các chi tiết, sự kiện, biến cố được kết nối với nhau một cách đa dạng, linh hoạt. Đối với truyện ngắn, chi tiết trở thành vấn đề sống còn: “Truyện ngắn sống bằng các chi tiết…không khí, cảnh trí, tình huống, nhân vật, tính cách, hành động, tâm tư, diễn biến…đều phải được tạo ra, dựng nên từ các chi tiết[3], bởi “truyện ngắn cũng có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết[Tr85,3]. Với đặc điểm là “ngắn”, truyện ngắn không có chỗ cho những chi tiết rườm rà, không có giá trị cho sự phát triển cốt truyện, xây dựng tính cách nhân vật và bộc lộ chủ đề tư tưởng tác phẩm. Mọi chi tiết sự kiện tham gia vào cốt truyện phải được chọn lọc kỹ càng và có tác dụng nhất định trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật của tác giả. Bên cạnh chi tiết, sự kiện là những việc có ảnh hưởng và tác động đáng kể đến tính cách và số phận nhân vật, là chất liệu cơ bản tạo thành một cốt truyện. Khẳng định vai trò của chi tiết sự kiện trong truyện ngắn đồng thời cần thấy rằng tính chất chức năng và sự tổ chức của các loại chi tiết, sự kiện sẽ có những biến đổi nhất định phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của thể loại. Khảo sát truyện ngắn của các tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, ta thấy có rất nhiều tác phẩm xuất hiện nhiều chi tiết, sự kiện .

Trước hết, đó là chi tiết có tính điển hình cao. Những chi tiết này có tác dụng cá thể hóa một đặc điểm tính cách của một loại nhân vật trong tác phẩm. Ví dụ, để diễn tả đặc điểm phong tục cưới hỏi của người dân tộc vùng cao, Đỗ Bích

Thúy đã lựa chọn các hình ảnh “Ngày em về làm dâu, nhà tôi có bao nhiêu trai bản uống rượu say không về được. Người Tả Choóng bảo nhờ em Dân có cái chữ hơn người nên ông Dìn mới chịu gả con gái cho mà chỉ lấy ba mươi, chứ người như thế phải lấy cả trăm mới xứng. Trăm đồng bạc trắng, trăm cân gà, trăm cân lợn, trăm lít rượu ngô, không phải nhà giàu mấy đời thì chịu thôi, làm đến chết cũng không trả hết nợ” (Ngải đắng ở trên núi). Diễn tả tình yêu của đôi trai gái vùng cao, tác giả lựa chọn hình ảnh của tiếng đàn môi sau bờ rào đá, tiếng đàn cứ vang lên, như giục giã, như cuống quýt, lưu luyến bước chân của con người (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá). Để nhằm khắc họa hình ảnh của một thế giới khi con người đã trải qua những đau khổ, cay đắng của cuộc đời, Nguyễn Thị Thu Huệ dùng hình ảnh “hậu thiên đường”, hay những chi tiết về “cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư để mô tả về cuộc sống bấp bênh, không chốn neo đậu rõ ràng của con người…Những chi tiết điển hình đó góp phần đắc lực trong việc chuyển tải nội dung tác phẩm và ý đồ nghệ thuật của người nghệ sỹ.

Quan sát hiện thực dưới góc nhìn thế sự - đời tư, các tác giả còn lựa chọn những chi tiết đời thường, bình dị hàng ngày, những chi tiết, sự kiện có vẻ đơn giản, nhỏ bé, thậm chí tản mạn nhưng lại có khả năng chuyển tải những vấn đề lớn lao của cuộc sống. Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ có nhiều khả năng dồn nén và dung chứa một lượng lớn chi tiết, sự kiện. Sự kiện nọ nối tiếp sự kiện kia tái hiện cả cuộc đời số phận nhân vật. Với sự trình bày hệ thống chi tiết sự kiện liên tiếp, người đọc sẽ có cái nhìn bao quát diễn biến cuộc đời nhân vật, những biến động thăng trầm trong số phận con người, thậm chí những góc khuất nhỏ trong tâm trạng con người cũng được tỏ bày rõ ràng. Đọc truyện ngắn Giai nhân, người đọc có cảm giác như quay vòng trong mớ hỗn độn của những giằng xé nội tâm của nhân vật Sao. Người đàn bà đầy kiêu hãnh đã bị đẩy đến nỗi cô đơn cùng cực. Trong căn phòng câm lặng, Sao phải đối mặt với chính mình, đối diện với cái điện thoại “không tiếng vang”, với cánh cửa “không một tiếng gõ”, với “mùi thơm ngàn ngạt” của bún chả, với tiếng chửi rủa của nhà hàng xóm. Tất cả đều khiến Sao phải tuyệt vọng thốt lên: “Ai đến với tôi bây giờ”. Không dừng lại ở đấy, Thu Huệ đã để cho nhân vật của mình phải “rùng mình ớn lạnh” thực sự khi nhận ra vòng quay của số phận qua chi tiết cuối của tác phẩm. Sao cùng những người hàng xóm đi phúng viếng người phụ nữ chết trẻ. Giữa tiếng khóc “rộ lên ảo não”, Sao cúi nhìn “khuôn mặt người đàn bà chỉ còn lại là một khung xương, hai bên tóc đen nhánh xõa mềm. Và tất cả cả là những cái hốc. Hốc mắt thì xanh, hốc miệng thì đỏ”. Gương mặt người đàn bà ghê rợn giúp cô nhận ra rằng: “Cuộc sống là vô giá”. Tác giả đã rất sắc sảo và tinh tế khi lựa chọn chi tiết đời thường nhưng cũng rất đắt giá để khắc họa tâm trạng của người phụ nữ.

Chúng ta có thể gặp rất nhiều các chi tiết đời thường trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, đó là hình ảnh ông già Chín với dáng người “gầy nhom, nhỏ thó nhưng tốt bụng lởi xởi” (Cuối mùa nhan sắc), là hình ảnh em bé gái “chắt nước cơm tời sau bếp than” hồn nhiên sống động (Ngọn đèn không tắt), là hình ảnh chàng trai miệt vườn sông nước Nam Bộ “xoay trần với mười tám công kì hồ” (Lý con sáo sang sông), là hình ảnh người phụ nữ chất phác khi yêu không biết làm gì, muốn nhìn thấy người mình yêu cho nên khi đi bán hàng: “Chị lấy cớ bán thật rề rà và để nhìn anh lâu hơn nữa…Nhìn vậy thôi chứ không nói gì hết “con trâu không nói sao cái cọc nói được”…Trong văn chương Đỗ Bích Thúy, đó là hình ảnh “Ai cũng biết mang rượu đi chợ hai bảy để người bán người mua uống cùng với nhau”, là hình ảnh của “con ma rừng muốn bắt ai thì đi vào mồm người ấy mới xuống bụng lôi ruột đi được…

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư có khả năng dồn nén chi tiết cao độ, đặc biệt nhà văn sử dụng các chi tiết rất sắc sảo tạo nên dụng ý nghệ thuật riêng cho từng tác phẩm. Trong “Cánh đồng bất tận”, ta thấy tài năng của tác giả trong việc dồn nén dung lượng các chi tiết. Đọc xong một truyện ngắn, người đọc có cảm giác như vừa trải qua một cuốn tiểu thuyết với hệ thống chi tiết, sự kiện điển hình giàu sức ám gợi và có tính điển hình cao. Câu chuyện của ba cha con người chăn vịt đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá về lẽ nhân sinh ở đời. Nguyễn Ngọc tư đã khéo léo đưa vào truyện nhiều chi tiết hay, cảm động, lay thức tình cảm trong mỗi chúng ta. Đọc truyện của chị, nhiều khi ta cắn môi để khỏi bật khóc bởi những chi tiết mà chị lựa chọn, tìm tòi được nó tuy giản đơn thôi mà đúng quá, thật quá, cay đắng quá. Nó thật đời mà cũng thật là buồn. Khi người mẹ đã bỏ nhà ra đi, nhân vật Sương, cô con gái thấy rằng “Cha cười cay đắng, khi thấy quần áo má còn treo trong nhà, còn cả cái khăn tắm và đôi dép Lào cũ, như thể má đang chơi bên xóm, chỉ cần thằng Điền kêu má sẽ xấp xãi chạy về, mừng húm hỏi "Đi chuyến này nữa là đủ tiền mua ti vi màu, phải hôn anh?". Coi kỹ thì má không đem theo gì. Chi tiết đó làm đau lòng người ở lại, nó cho thấy người đi đã chẳng suy nghĩ, đắn đo, đã không một chút trù trừ, chỉ rũ mình cái rột, sạch trơn, vậy thôi”. Khi bị làm hại trên cánh đồng lúa, ngỡ rằng nhà văn sẽ đi vào khai thác sự cuồng nộ của người cha, sự đau đớn của đứa con gái, nhưng không, tất cả chỉ là một dòng tâm trạng miên man, thổn thức. Chi tiết được chọn lựa làm cho ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm cất cao: “Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăng quăng đang vui sướng, ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, nhất là những truyện miêu tả cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn của người dân tộc miền núi cao Tây Bắc của Tổ quốc, ta thấy nhiều truyện có độ căng của các chi tiết, sự kiện. Dường như cuộc sống của các tộc người thiểu số của nước ta không bình lặng như cái vẻ ngoài vốn có của nó. Đọc

Con dê bốn mắt, ta không khỏi ngạc nhiên về sự dồn nén, căng thẳng, sự xuất hiện

liên tục của các chi tiết bất ngờ thì lại đến ngỡ ngàng vì kết thúc của truyện. Truyện được bắt đầu bằng chi tiết nhà Thèn Kháy ở Chín Chải cưới vợ cho con trai, từ đám cưới ấy, người ta bắt đầu biết rõ thế nào là sự phân biệt giàu nghèo. Người nghèo là người đi ít tiền, người giàu là người dám đi hẳn “hai trăm” và mặt thì nghênh nghênh như thằng Thèn Văn Dí. Đỗ Bích Thúy đã rất tài tình trong việc lựa chọn một hệ thống các chi tiết nhằm làm nổi bật đặc điểm tính cách nhân vật. Hình ảnh Dấn đi mua xe máy cho con trai: “Dấn lững thững cưỡi ngựa đến thẳng hàng xe máy, chỉ vào một chiếc màu đỏ. Ái dà, đúng là nhà giàu đi mua dê, cái xe giá sáu triệu đồng, Dấn trả luôn, không nói một câu” cho thấy cách thể hiện chân thực, sinh động và có phần khá hài hước của nhà văn về cuộc sống của đồng bào các dân tộc ít người. Cao trào của truyện bắt đầu xuất hiện khi nhà Dấn đi hỏi vợ cho con trai. Nhà gái đặt ra một món thách cưới lạ lùng: Phải có bằng được con dê bốn mắt thì mới đồng ý. Bắt đầu từ đây, toàn bộ diễn tiến của truyện xoay quanh hình ảnh của con dê bốn mắt. Con dê bốn mắt là cái đích của cuộc chạy đua giữa hai chàng trai Thèn Văn Dí (con nhà giàu nhưng không có dê) và Chảo A Chay (Mồ côi nhà nghèo nhưng có con dê bốn mắt). Và cũng bắt đầu từ đây, hàng loạt sự kiện dở khóc dở cười đã diễn ra. Đỗ Bích Thúy đã rất khéo léo trong việc lựa chọn chi tiết sự kiện miêu tả cuộc thương lượng giữa hai chàng trai: “ Uống rượu ngà ngà say, Chay xích lại gần Dí:

-Đã tìm được dê chưa?

-Hỏi làm gì. Dí xẵng giọng. Chay cười hề hề:

-Không tìm được đâu, đi hết dãy Hoàng Liên cũng không có con thứ hai đâu. Hỏi vợ khác đi thôi.

-Còn lâu nhé, cứ chờ đấy

-Mình nói thật mà, không lấy được nó đâu. Nhường cho mình là hay nhất Dí chồm dậy, định tát Chay, nhưng Chay tóm được, vặn cho một cái, Dí kêu oai oái.

Trên đường về, Dí đi trước, đứng đợi Chay ở dưới gốc một cây dẻ, chìa ra trước mặt Chay một cục tiền dày cộp:

-Bán cho tao. Chay thủng thẳng:

-Con dê, con dê bốn mắt của mày.

-Không bán đâu

-Chê ít à?

-Không chê, cũng không bán. Phải để hỏi vợ chứ.

-Nhưng nó không thích mày.

-Lâu lâu khắc thích. Chờ mày lâu quá nó khắc phải thích tao Chay nghênh ngang bỏ đi, mặc Dí đứng nghệt dưới gốc cây dẻ.

Cuộc thương lượng này đã đẩy cốt truyện đến phần kịch tính, cao trào nhất. Nhà văn đã lựa chọn một loạt các chi tiết, sự kiện tiêu biểu để góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn cho câu chuyện và khơi gợi trí tò mò nơi người đọc. Nhưng cuối cùng, đến lúc kết thúc truyện, nhà văn lại khiến người đọc vỡ òa vì ngạc nhiên và thích thú khi đưa đến một kết thúc bất ngờ: cả Chay và Dí đều thua trong cuộc chạy việt dã đi đến cái đích cuối cùng là lấy được vợ: “Không biết người ấy có mang đến con dê bốn mắt nào không, nhưng tận mắt Dí đã thấy Kía mặt đỏ dừ, mắt cười tít với người ta. Có con dê hay không có con dê này cũng thế thôi. Nhưng Chay thì không biết nên vẫn ngồi khóc trên mép vực”. Hóa ra, thủ phạm chính không tại bởi ở con dê mà tại ở sự thay lòng đổi dạ của con người. Truyện kết thúc nhưng dư âm của nó còn vang vọng mãi. Nó cho ta những bài học quý giá về con người và cuộc sống.

Như vậy, hiệu quả lớn nhất của kiểu cốt truyện dồn nén chi tiết sự kiện là khả năng tác động mạnh mẽ, ghi dấu ấn sâu đậm trong nhận thức và tình cảm của độc giả. Kiểu cốt truyện này thể hiện ý thức khám phá đời sống trong quá trình vận động, có chức năng phản ánh khá trọn vẹn và toàn diện về số phận cá nhân, về con người cũng như tính phức tạp, đa diện của xã hội; trở thành xu hướng chủ đạo đáp ứng nhu cầu khám phá, nhận thức đời sống của thể loại truyện ngắn thời kì đổi mới.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)