Sự phong phú của thế giới nhân vật:

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 53 - 60)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.1.Sự phong phú của thế giới nhân vật:

Truyện ngắn là một hình thức tự sự cỡ nhỏ, hướng tới thể hiện bản chất hiện thực và tâm hồn con người qua những lát cắt, những khoảnh khắc của quan hệ nhân sinh. Để đạt được mục đích đó, nhà văn phải gửi gắm qua nhân vật. Truyện ngắn sống được về cơ bản là nhờ ở sự xuất hiện của nhân vật – nơi biểu hiện giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật của tác phẩm và cá tính sáng tạo của nhà văn. Cũng như bất cứ giai đoạn văn học nào khác, văn học 1986 -2006 phát hiện ra vô số dạng thức nhân vật. Sẽ là bất khả thi để liệt kê hết các kiểu nhân vật của thời kỳ này. Dưới đây chúng tôi sẽ tập trung vào một số kiểu nhân vật phổ biến của giai đoạn này với những đặc trưng khác biệt với các giai đoạn văn học trước.

2.1.1.Nhân vật lý tưởng

Trong sáng tác của các tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy xuất hiện khá nhiều hình ảnh của những nhân vật lý tưởng. Nhân vật lý tưởng là những nhân vật mang đặc điểm phẩm chất cao đẹp, đại diện cho một lớp người, một bộ phận người tốt trong xã hội. Nhân vật lý tưởng đã xuất hiện trong văn học các thời kỳ trước đó. Từ thưở xa xưa của văn học nhân loại, hệ thống nhân vật lý tưởng đã xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết và thần thoại. Đến thời kỳ sau này, văn học Việt Nam trong chiến tranh tiếp thu truyền thống của dân

tộc xây dựng nên những hình tượng lý tưởng về anh bộ đội cụ Hồ đẹp đẽ, đại diện tiêu biểu cho sức mạnh và trí tuệ của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới cũng chú ý xây dựng nên hình ảnh những con người lý tưởng nhưng con người thời nay không còn là những anh bộ đội, những cô giao liên của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” nữa, họ là những con người trong cuộc sống đời thường, mang những phẩm chất tốt đẹp giữa cuộc sống hiện tại.

Trong tác phẩm Nước chảy mây trôi, Nguyễn Ngọc Tư đã để cho nhân vật của mình thể hiện những phẩm chất lý tưởng hết sức tốt đẹp. Thông qua lời kể của nhân vật Diệp, chúng ta hiểu hơn về những nét đẹp cao cả, sự hi sinh thầm lặng và vị tha của mỗi con người sẽ làm cho thế giới này này càng thân ái hơn.

Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ hay nói về những bất hạnh người phụ nữ. Nói về sự đau khổ, mất mát của họ, các nhà văn nữ không nhằm mục đích thể hiện sự bi quan, bế tắc của họ trước cuộc sống hiện đại đầy rẫy những phức tạp mà nhấn mạnh sức chịu đựng bền bỉ, lòng bao dung độ lượng, sự hi sinh không đền đáp của người phụ nữ. Lòng bao dung ấy được thể hiện ở hình ảnh người đàn bà đã âm thầm hi sinh, nuôi nấng, chăm nom người đàn bà và đứa con riêng của chồng: “mẹ biết làm thế nào khác được khi bố con lúc sắp mất đã nhờ…phải nói là cầu xin mẹ làm như thế. Ba năm ở Sa Thầy đã làm cho một ni cô phá giới và có một đứa con….đó là một người đàn bà bất hạnh, yếu đuối và xấu xí. Mẹ nghĩ rằng bà ta đi tu chỉ vì không hi vọng tìm được chút hạnh phúc trần thế, và bố con…sự xa vợ của ông là dịp may duy nhất trong đời người đàn bà ấy…”

Tình yêu có muôn hình vạn trạng, muôn màu muôn vẻ, nhà văn Thu Huệ đã bộc lộ tình yêu ở trạng thái trọn vẹn dâng hiến mà không cần đáp đền. Đó là sự cao thượng của tình yêu chân chính. Những cô gái trong tác phẩm của chị đã tìm cho mình một tình yêu chân chính, dù có mãi cách xa, họ cũng vẫn đặt tình yêu ở vị trí thiêng liêng, thờ phụng bởi tình yêu đó giúp họ vững tin khi bước trên đường đời: “người đàn ông đã có vợ thường tìm trong tình yêu mới là tinh thần chứ không phải là sự cuồng si của thể xác. Tôi sống và hiểu rằng, chẳng bao giờ tôi gặp lại người đàn ông thay thế được anh trong tâm linh…” (Biển ấm), “Giờ này, anh đang ở nhà với mọi sự cố định mà tôi không bắt anh phải day dứt bởi tôi là người đến chậm, đêm nay, tôi sẽ sửa lại ban thờ, một ban thờ không có bản liên khúc đánh số, thờ anh…(Cát đợi).

Giống như Nguyễn Thị Thu Huệ, nhân vật lý tưởng trong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy luôn gắn liền với hình ảnh của những người mẹ, người chị, những người phụ nữ nơi vùng cao. Dường như cây bút này luôn dành những gì ưu ái nhất, trân trọng nhất cho những người phụ nữ như thế, bởi đối với chị họ luôn là biểu tượng

của cái đẹp thuần hậu, nhuần nhụy và chất phác bao dung. Lúc nào người phụ nữ vùng cao cũng hiện lên rất cao cả dù họ có bị đẩy vào bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nghiệt ngã nào. Họ là những người mẹ âm thầm nén chịu đau thương cả một đời để dồn tình thương cho những đứa con bé bỏng. Tiếng đàn môi sau bờ rào đá là câu chuyện xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng đó. Mẹ già là người phụ nữ có số phận bất hạnh. Lấy chồng, không có con, mẹ chấp nhận cho người vợ hai của chồng ở trong nhà mình, dù phải chịu biết bao cay đắng, xót xa. Đã nhiều đêm, mẹ dồn nén tủi hờn, ghen tuông, bất lực để chăm chút cho hai đứa con riêng của chồng bằng tình thương của một người phụ nữ chưa từng một lần làm mẹ. Chi tiết hết con May đến thằng Trài thay nhau nhai đến bật máu đôi vú teo tóp không một giọt sữa nào của mẹ già đã nói lên tất cả tình yêu của bà dành cho chúng. Rõ ràng, đức bao dung, vị tha và lòng nhân hậu của mẹ già đã vượt qua được những day dứt ghen tuông thường nhật để nhân vật tỏa sáng trên trang viết.

Trong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, hình ảnh những người phụ nữ hiện lên với đức hi sinh và chan chứa lòng bao dung, vị tha. Trong Gió không ngừng thổi, Đỗ Bích Thúy đã tôn vinh ca ngợi hình ảnh người phụ nữ vùng cao thuần hậu thông qua hình ảnh bà Kía. Bị rơi vào một tình cảnh oái oăm, bà bị em họ chồng hãm hiếp và sinh ra đứa con trai không mong muốn. Bà âm thầm chịu đựng nỗi nhục đó một mình vì quá thương chồng và lo sợ chồng không chịu đựng được nỗi nhục đó. Cho đến lúc chết, ánh mắt của bà vẫn là cái nhìn khắc khoải khôn nguôi, chứa đựng trong đó biết bao dằn vặt, xót xa. Trang văn của Đỗ Bích Thúy như dừng lại, lắng sâu bên những người đàn bà đôn hậu, thủy chung này: Một cô Mai chấp nhận cuộc sống vợ chồng không như mong muốn mà trong lòng không hề nảy sinh những hờn giận, trách móc hay suy nghĩ ăn ở hai lòng, chỉ biết một lòng chăm chút cho cuộc sống gia đình (Bóng của cây sồi). Một cô Nhi sẵn sàng vì người mình yêu mà dám vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống, một mình nuôi con không hề oán thán và chỉ nói ra sự thật khi đứa con đó chẳng may chết đuối vì lũ (Hẻm núi),…Có cảm tưởng như những người phụ nữ trong tác phẩm Đỗ Bích Thúy sống bằng niềm tin rất lớn. Trong niềm tin ấy có đức hi sinh, có lòng bao dung, nhân hậu và thủy chung bền bỉ. Có niềm tin họ mới vượt qua được cuộc sống còn nhiều khó khăn, mòn mỏi để hướng đến những điều tốt đẹp. Họ là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam giàu lòng vị tha và đức hi sinh, đó là những phẩm chất tốt đẹp, lí tưởng của con người.

Tuy nhiên, nhân vật lý tưởng trong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy không hẳn chỉ là người phụ nữ. Những phẩm chất tốt đẹp còn có ở những người đàn ông vùng cao chân chính. Thào Mí Sùng trong Gió không ngừng thổi là một ví dụ điển hình. Vợ bị cưỡng bức, ông sống trong một trạng thái day dứt đến khổ sở vì danh dự bị xúc

phạm, lương tâm bị dày vó, nhưng hơn hết, người đọc khâm phục sức chịu đựng và tình yêu thương vợ đến bao la của ông. Đọc phần đầu của truyện, người đọc ngỡ sẽ bắt gặp một bi kịch của người phụ nữ vùng cao trong thời kỳ còn tăm tối, lạc hậu, nơi mà số phận của họ sẽ bị cái đói, cái ác, cái tăm tối, ngu dốt đày đọa cho đến chết. Nhưng không. Cách ứng xử giữa các nhân vật khiến cho câu chuyện vút lên ý nghĩa nhân văn cao đẹp: Người vợ vì thương chồng mà sẵn sàng hi sinh, chấp nhận chịu nhục âm thầm suốt những năm tháng còn lại của cả cuộc đời mình mà không dám nói ra sự thật. Người chồng cũng vì quá thương vợ mà cũng âm thầm chịu đựng không muốn vợ bị tổn thương, đợi khi vợ khuất núi mới mang đứa con của mình đi gặp cha đẻ của nó. Cách sống cao đẹp của các nhân vật đã tạo nên sức hấp dẫn và vẻ đẹp riêng cho tác phẩm.

Trong con mắt của Nguyễn Ngọc Tư, con người đẹp, có nhân cách cao cả phải là những người chí tình, chí nghĩa. Ta thường bắt gặp hình ảnh những con người “đẹp như chàng Lục vân Tiên”. Phải chăng, đây là mẫu vẻ đẹp chung của người dân xứ nam bộ, một vẻ đẹp chất phác, thuần hậu. Điểm gây ấn tượng nhất trong văn Nguyễn Ngọc Tư là lối hành xử đầy tình nghĩa giũa các nhân vật đó. Điều này được thể hiện trước hết ở tấm lòng bao dung của con người, ở sự sẵn sàng chấp nhận tha thứ lỗi lầm cho nhau, nâng đỡ nhau sau những bầm dập, va vấp. Nhân vật Trọng trong Một mối tình , mười năm sau ngày vợ bỏ đi vẫn “giữ nguyên cái khăn choàng tắm treo đầu sào, chiếc nón lá quai nhung đã ngả màu thâm sì, cũ mèm, giữ cây lược sừng đã gãy mất mấy cái răng với cái kiếng soi để ở đầu giường, giữ lại tất cả nguyên như cũ chỉ để mong một ngày kia người xưa nhớ lối quay về”. Nỗi ngóng chờ đó của con người vừa là tình yêu, lại vừa là sự bao dung độ lượng đầy cao thượng.

Có một điểm đặc biệt là nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư có khả năng vị tha rất lớn, họ sẵn sàng tha thứ cho cả những người đã làm họ tổn thương, đã khiến trái tim họ tan nát. Trong Sầu trên đỉnh Puvan, Nguyễn Ngọc Tư khắc họa hình ảnh người chồng của Dịu, một người chồng đau khổ rất nhiều mà vẫn độ lượng, bao dung vị tha biết bao nhiêu. Anh và Dịu li dị nhau với một toan tính rất thực dụng: “Đây là li dị giả đò thôi, chỉ để làm thủ tục cho Dịu đi lao động ở Đài Loan, thương nhau rồi có li dị một chục lần cũng sẽ nối lại tình xưa, dễ ẹt. Lúc Dịu về sẽ cưới thêm lần nữa, không chừng còn rình rang hơn lần đầu”. Nhưng cuộc đời có mấy ai học được chữ ngờ. “Lúc Dịu về, cô lặng lẽ cất cái chòi nhỏ ở góc vườn nhà má ruột, bẻ xoài sống nhai rau ráu mà nước mắt giàn giụa, cô có con với một ông chủ Đài Loan vô lại và bà chủ còn vô lại hơn khi đẩy cô trắng tay ra đường”. Đứng trước tình huống trớ trêu của số phận đó, người đàn ông chân chất mộc mạc thôn dã này chỉ biết ngạc nhiên thốt lên: “Sao kỳ vậy, em hứa với tui là mình chỉ giả

đò li dị thôi mà, sao kỳ vậy, kỳ quá?”. Nhưng cũng chỉ có tức giận đến chừng ấy thôi. Nguyễn Ngọc Tư để cho nhân vật của mình trăn trở, dằn vặt khôn nguôi, dường như, trong trái tim người đàn ông ấy, tình thương vẫn dâng đầy. Tình thương ấy được người phụ nữ cảm nhận trọn vẹn và thấu hiểu hơn bao giờ hết: “Ọc ạch đi làm cỏ rẫy kiếm ít tiền sinh con, Dịu hay bắt gặp chồng (đã cũ) của mình mon men bên kia sông, ngó theo. Tóc anh ta dài ra, người ốm o còm cõi, chắc là nhiều đêm không ngủ được. Một bữa mở cửa ra, thấy anh ta say rượu nằm trước nhà. Cũng bữa đó, Dịu sinh, cô cắn môi bước qua giấc ngủ của chồng, một mình đến trạm y tế. Tối sau, anh ta lọ mọ tới thăm, lúc đầu chỉ đứng đằng xa ngó day diết, một hồi mới lại gần, nói như hụt hơi: “Chắc thằng nhỏ này biết kêu ba bằng tiếng Việt – ngó thấy Dịu sắp phản ứng, anh ta nói luôn – tui thương nó như con tui, thiệt mà…”. Cách ứng xử rất nhân văn, cao đẹp của con người, những con người bình thường trong cuộc sống đã khiến cho người đọc cảm động trào nước mắt.

Tha thứ cho những người thân thuộc trong gia đình đã là một sự khó khăn, tha thứ cho kẻ thù là hành trình con người chạm được vào cõi “vô vi” của đạo Phật. Trong Cánh đồng bất tận, cô bé tên Nương đã có được sự tha thứ ấy: “ Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ, hay Dịu, Xuyến, Hường…Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Cái kết này, thực ra là ý hướng đạt đến đạo của người viết trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Tư. Như chị tâm sự: "Tôi hiểu biết về Phật giáo không nhiều, vớ được quyển sách nào thì đọc cái ấy. Cũng có điều hiểu được, học được, làm được, nhưng nhiều điều buộc phải "bó tay". Ví dụ như mấy lời này: "Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì - dù chỉ một lời. Hãy yên lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ" (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương - Tỳ kheo VISUDDHÀCÀRAZ). Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê? Đạt được đạo mới khó làm sao...". Nên, đó là một mong ước, ngây thơ, thành thực, và đẹp đẽ của người viết văn.

Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chất nhân văn đậm nét còn được thể hiện ở lối sống trọng tình cảm, nghĩa khí của con người. Họ là những con người từng một thời là bạn bè, từng vào sinh ra tử với nhau nên họ quyết tìm cho ra căn nguyên sai trái của bạn để không hiểu lầm và nghĩ xấu cho nhau như trong Nỗi

buồn rất lạ. Đó có thể là câu chuyện của bé Hai trong Cỏ xanh cũng khiến người

đọc rưng rưng khi thằng bé cứ mải mê nghĩ về những điều tốt đẹp của con người vốn đang là phạm nhân bị quản lý trước mặt. Nghĩ tốt đẹp cho người khác, yêu

thương và đồng cảm với nỗi đau của đồng loại, phải chăng là một cách nhân vật của Nguyễn Ngọc tư tự làm cho mình đẹp hơn lên. Ta cũng không thể không nhớ tới câu chuyện Đẻ mướn và hai người mẹ trong truyện Làm mẹ của Nguyễn Ngọc tư. Người có tiền không lấy tiền ra tạo uy thế cho mình, người có công không mang công của mình ra để giành đoạt niềm vui sống của người khác, câu chuyện Đẻ mướn

đã được Nguyễn Ngọc Tư khái quát lên thành câu chuyện về lẽ ứng xử ở đời. Sống ở trên đời, chỉ có tình nghĩa mới là gốc rễ tạo nên hạnh phúc bền lâu. Lối hành xử đầy tình nghĩa, rất văn hóa của hai người đàn bà trong truyện đã cho ta nhiều bài học quý giá về cách đối nhân xử thế giữa con người với con người trong xã hội.

2.1.2.Nhân vật tha hóa

Kiểu nhân vật tha hóa đã xuất hiện từ lâu trong văn học thế giới, tồn tại với tư

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 53 - 60)