Những đổi mới trong kết cấu truyện ngắn

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 32 - 35)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.2.Những đổi mới trong kết cấu truyện ngắn

Kết cấu là phạm trù nằm ở trung tâm những nghiên cứu có tính nội quan về tác phẩm văn học (thi pháp học, ký hiệu học, tự sự học…). Coi tác phẩm văn học trước hết là một văn bản, một phức thể cấu thành nên từ những cấp độ vật liệu khác

nhau, những nghiên cứu này cho phép tháo dỡ toàn bộ cấu trúc tác phẩm, nhận diện những lớp thành tố cấu thành đó.

Trong văn học, kết cấu là một phương tiện cơ bản của sáng tác nghệ thuật, đảm nhận vai trò tổ chức các thành tố: quan niệm, không – thời gian, điểm nhìn trần thuật, lời văn…. Nó không chỉ chi phối các yếu tố bên trong mà còn chi phối các yếu tố bên ngoài tác phẩm. Chính vì thế, khái niệm kết cấu luôn được đề cập trong hầu hết các công trình nghiên cứu văn học gần đây.

Một nhiệm vụ khó khăn của nghệ thuật là thước đo năng lực, tổ chức, xây dựng tác phẩm của nhà văn. Vì vậy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng: “Viết truyện ngắn tức là chơi bố cục (chữ bố cục ở đây có thể hiểu là kết cấu). Đối với loại hình tự sự cỡ nhỏ “yêu cầu tìm tòi sáng tạo kết cấu lại càng trở nên quan trọng”( Bùi Việt Thắng…), “giống như một thứ kỹ thuật tinh xảo: kĩ thuật viết truyện ngắn”. Kết cấu là toàn bộ tổ chứ phức tạp và sinh động của tác phẩm, bao gồm sự liên kết bề mặt và kiến trúc nội dung bên trong, đồng thời “kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật”, đảm nhận những chức năng nghệ thuật rất đa dạng: “Cốt truyện được xây dựng bằng nhiều biện pháp kết cấu khác nhau. Trình tự thông báo với người đọc về các sự kiện diễn ra, việc nhấn mạnh những liên hệ bên trong mang ý nghĩa và cảm xúc giữa các sự kiện là phạm vi kết cấu cốt truyện[5]. Như vậy, cốt truyện được kết cấu theo nhiều hình thức khác nhau. Bản chất của kết cấu là vô hạn. Cùng một câu chuyện nhưng cách sắp xếp các chi tiết, sự kiện khác nhau sẽ tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ riêng. Suy cho cùng, tài năng và ý đồ nghệ thuật của nhà văn thể hiện ở cách xây dựng kết cấu tác phẩm. Vấn đề tìm ra những cách thức tổ chức gọn ghẽ, ngày càng có khả năng chuyển tải hiệu quả phạm vi hiện thực lớn và chiều sâu tư tưởng…trở thành yêu cầu quan trọng trong sáng tác truyện ngắn

Kết cấu góp phần truyền tải nội dung tư tưởng của nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc, tạo cho tác phẩm một bố cục chặt chẽ, rõ ràng, đồng thời, kết cấu cũng thể hiện bản lĩnh sáng tạo của mỗi tác giả. Một truyện ngắn hay thường là một truyện ngắn có sự mới lạ và hợp lý của kết cấu: “Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm, kết cấu thể hiện nội dung rộng rãi phức tạp hơn. Tổ chức tác phẩm không chỉ thể hiện ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, đoạn, chương mà còn bao hàm liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật, kết cấu phải đảm bảo chức năng đa dạng bộc lộ tốt chủ đề tư tưởng của tác phẩm, triển khai trình bày hấp dẫn cốt truyện, tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả tạo nên tính toàn vẹn củ tác phẩm như là một chiến lược thẩm mỹ” [Tr356,21].

Truyện ngắn là một lát cắt, một bức tranh thu nhỏ của cuộc sống, là một khoảnh khắc lóe sáng nhất mà nhà văn chớp lấy để truyền đến bạn đọc, trong đó, nội dung thông tin mà nó dung chứa có sức nén cực kỳ lớn (có người còn gọi truyện ngắn là tiểu thuyết thu nhỏ). Vì thế, hơn bất cứ một thể loại nào khác, truyện ngắn cần một kết cấu chặt chẽ, hiệu quả để truyền tải đến người đọc nhiều nhất nội dung của tác phẩm. Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng: “Vấn đề là anh tổ chức sao cho truyện của anh thành một lát cắt gọn ghẽ. Như người ta vẫn thường nói, toàn truyện là một vòng khép kín, không dài quá, không ngắn quá, không xô đẩy xộc xệch, thậm chí không thừa một chi tiết nào. Tùy ý đồ tư tưởng, mỗi nhà văn”. Nam Cao khai thác kết cấu tâm lí nhằm mô tả bi kịch bần cùng hóa của những con người dưới đáy xã hội. Nguyễn Tuân thường sử dụng cấu trúc liên hoàn nhằm tạo ra những hiệu quả nghệ thuật đặc biệt.

Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung tác phẩm trên cơ sở khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định[10]. Là yếu tố thuộc phạm vi hình thức cho nên kết cấu thường có tác động đến các yếu tố thuộc lĩnh vực nội dung như chủ đề, tư tưởng, tính cách, cốt truyện…Đối với chủ đề tư tưởng, kết cấu có nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tổ chức tác phẩm sao cho chủ đề tập trung, tư tưởng thống nhất và thấm sâu vào từng bộ phận của tác phẩm kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Để thể hiện cuộc sống quẩn quanh bế tắc nơi phố huyện nghèo, Thạch Lam đã miêu tả kết cấu tâm lý qua việc miêu tả tâm trạng đợi tàu của hai chị em Liên. Cảm nhận của Liên khi đoàn tàu chạy qua với đồng và kền sáng lấp lánh cùng với cuộc sống đô thị thu nhỏ nhộn nhịp khiến Liên mơ màng đến một cuộc sống khác hơn, đẹp đẽ hơn những gì của hiện tại. Đó là khát khao hết sức nhân bản của con người, muốn thoát khỏi cảnh sống tù túng, tối tăm để vươn tới những gì tốt đẹp hơn.

Người ta đã vận dụng nhiều phương pháp như phương pháp lắp ghép trong kỹ thuật xây dựng để tạo nên lối kết cấu lắp ghép cho tác phẩm. Nhà văn gắn kết câu chuyện theo từng nhân vật và khung cảnh tạo thành bức tranh chung. Cách này, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn gọi là “cách mắc nối tiếp như trong kỹ thuật điện”.

Suy cho cùng, tài năng và ý đồ nghệ thuật của nhà văn thể hiện ở cách thức xây dựng kết cấu tác phẩm. Vấn đề tìm ra những cách thức tổ chức gọn ghẽ, ngày càng có khả năng chuyển tải hiệu quả phạm vi hiện thực rộng lớn và chiều sâu tư tưởng…trở thành yêu cầu quan trọng trong sáng tác truyện ngắn.

Trong mối quan hệ chặt chẽ với những đổi mới ở phương diện xây dựng cốt truyện, nghệ thuật kết cấu truyện ngắn của các tác giả nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư cũng có những khám phá đáng ghi nhận.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 32 - 35)