Ngôn ngữ có tính cá thể hóa cao độ

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 90 - 104)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

3.2.2.2.Ngôn ngữ có tính cá thể hóa cao độ

Đọc văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhiều người có cùng cảm giác như nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng: “Thu Huệ có lối văn táo tợn – cái táo tợn nhiều khi gây cảm giác ít tính nữ”. Quả thật, trong văn chương, Thu Huệ ưa dùng lối văn dửng dưng, lạnh lùng ít gặp trong lối văn giàu tính nữ của các nhà văn khác đương thời. Sử dụng hệ thống ngôn ngữ ấy, Nguyễn Thị Thu Huệ muốn cá thể hóa cao độ hình tượng nhân vật. Ta thấy có nhiều khi Thu Huệ giống Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn nam cùng thời. Những câu văn dường như sắc lạnh, dửng dưng vô cảm xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm. Trong Giai nhân, người đọc khá quen thuộc với cách nói kiểu: “A lô…chúc em bé của anh ngủ ngon”. “Em là của anh hồi nào vậy”. Nhiều khi, nhân vật đề cập đến những chuyện rất khủng khiếp bằng chất giọng tưng tửng, lạt lẽo như không có chuyện gì xảy ra: “Em có con rồi, vừa đi thử ếch về”. “Con ư, con là cái gì? Nó đem lại cho đời tôi cái gì ngoài sự sồ sề, nhếch nhác và ngu si? Con à, con để làm gì khi trước mắt tôi là bao nhiêu con đường. Lấy anh, rồi cứ một năm tôi sản xuất cho anh mọt đứa vì dòng họ anh vắng người, lại đẻ như gà ấy à?”. Chị có cách nhìn đàn ông nhiều khi thật táo tợn: “Chị bảo đàn ông đi qua đời chị giống như các món ăn. Nạc ra nạc đến thành bã. Mỡ thì chảy thành nước đến buồn nôn. Mặn chát mồm mà nhạt đến tanh (Hoàng hôn màu cỏ úa). Khi chị muốn đẩy

ngôn ngữ của mình đến tận cùng, chị khiến người đọc cảm thấy quá mạnh mẽ, và nhiều khi sốc: “Khánh đến với em như người khát, thấy dòng suối trong mát giữa rừng, vồ lấy uống. Xong xuôi là đái (Sơ ri đắng). Người đọc thực sự có ấn tượng và cảm xúc mạnh khi chứng kiến những bi kịch và hiện thực xã hội phũ phàng: “Ông ta, khi lôi em ra khỏi anh vần em như vần quả thị. Đến lúc em nũn ra, hắn vứt toẹt em ra ngời đường” (Người đàn bà ám khói). Đôi lúc, chị cố tình biến văn mình thành một gáo nước lạnh dội thẳng vào cảm giác của người đọc nhằm gây sự ngạc nhiên đến bàng hoàng, sửng sốt: “Gớm, ở thành phố biết ruộng vườn mồm ngang mũi dọc thế nào. Cứ nói thẳng một mẹ già bằng ba con ở cho xong”. (Của để dành). Thông qua hệ thống ngôn ngữ táo tợn, có phần sắc lạnh nhiều lúc như muốn đâm thẳng vào hiện thực của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ muốn phê phán, lên án mặt trái của xã hội với sự tha hóa của đạo đức, đồng tiền thống trị và lên ngôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến những mối quan hệ đạo đức rường cột trong gia đình và ngoài xã hội như quan hệ cha con, anh em, thầy trò, bạn bè…Những đúc rút của nhà văn là tiếng chuông cảnh báo rất hữu ích cho độc giả, nhất là những con người trong thời đại kinh tế thị trường, thời mở cửa hôm nay.

Trong văn chương, Thu Huệ không thích nói dài dòng. Vì thế, chị ưa lối nói ngắn gọn, súc tích. Chị hay dùng một hệ thống các câu văn tỉnh lược hoặc câu văn đặc biệt để nhằm tạo ra những hiệu quả riêng về mặt diễn đạt: “Bốn tháng sau. Lại một cuộc tình khác. Sao lao vào với quyết tâm: Trả thù chàng trai đầu tiên cho biết mặt. Yêu đương, hồi hộp, dạo chơi, mút kem và nhấm ô mai. Cãi nhau. Làm lành. Cãi nhau. Bỏ nhau”. (Giai nhân). Câu văn của chị thường có cấu trúc đơn giản nhưng chứa đựng lượng thông tin cao: “Mà con người là cái quái gì nhỉ. Sinh ra trên đời. Hạnh phúc và khổ đau. Ăn và ngủ. Kiếm tiền và tiêu tiền. Tất cả để làm gì nhỉ? (Minu xinh đẹp). Nhiều khi, chị ngắt những câu có kết cấu đầy đủ thành những vế, những đoạn khác nhau bàng một hệ thống dấu chấm và dấu phẩy. Cách ngắt đoạn dường như cố tình làm sai trật tự cú pháp đó nhằm diễn đạt những mạch cảm xúc trào dâng không thể kìm nén được trong tâm hồn người đàn bà: “Đêm nay. Dù biết chỉ là một mình. Sẽ cô đơn và tràn mi nước mắt. Nhưng tôi vẫn ra biển. Cả một ngày tôi lang thang kiếm tìm trên bãi vắng dấu vết hôm qua. Tuyệt nhiên không có. Biển về đêm. Cát mềm và ấm, nồng nàn vị quyến luyến.Biển hùng vĩ bao la đến vô cùng. Chẳng còn lạ gì. Cát vẫn là cát. Gió thổi bay vô tư, hào phóng. Một triền cát ráp sạo vàng trắng sáng dưới chân trời, xanh như hóa thạch. Bây giờ anh ở đâu? Bước chân thập thỏm lún chìm dưới cát. Phía xa. Trên sự vô cùng vô tận thẫm đen đó, nhay nháy sáng từ những chiếc thuyền đánh cá. Mọi vật như ngưng đọng” (Cát đợi).

Tuy nhiên, không phải văn của Thu Huệ lúc nào cũng đem đến cho ta cái cảm giác tưng tửng như trêu ngươi, như thách đố với một hệ thống ngôn ngữ sắc sảo nhiều khi sắc lạnh đến thành táo tợn, mà có lúc lại đằm sâu dịu dàng đầy nữ tính: “Tôi bỗng thấy mình bé tí tẹo, lơ lửng giữa một khoảng không thăm thẳm cao và mịt mùng sóng” (Biển ấm). Con người của Thu Huệ khi yêu thương cũng trào dâng bao cảm xúc và nhân vật của Thu Huệ cũng vậy: “Cuộc sống thật vô giá. Tôi có thể sống vĩnh cửu ngay cả khi chết vì có tình yêu của ông dành cho tôi”. (Mùa thu vàng rực rỡ). Trong văn của chị, nhiều lúc người đọc ngỡ ngàng trước những bức tranh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng: “ Cát vẫn là cát. Gió thổi bay vô tư, hào phóng. Một triền cát rát sạo vàng trắng sáng dưới chân trời, xanh như hóa thạch”. Đối với nhà văn, dù cuộc đời nhân vật có phải nếm trải những cảm xúc tận cùng đau khổ đến như thế nào nữa nhưng khi đọc xong truyện, chúng ta vẫn không bị cảm giác nặng nề, ngột ngạt bao bọc, mà nhiều khi thấy nhẹ nhàng, thanh thản như được giải thoát, đó cúng chính là tư tưởng nhân văn mà Thu Huệ muốn gửi gắm đến người đọc thông qua trang viết của mình. Sao trong Giai nhân là một cô gái như thế. Sao là một cô gái cô độc. Cô chạy theo hết cuộc tình này đến cuộc tình khác với hi vọng vào cuộc tình sau sẽ tốt đẹp hơn nhưng đều gặp thất bại, Cô nghĩ rằng những người đàn ông sẽ đến với cô, vì cô mà có khi họ chịu đau khổ cả đời, nhưng không phải. Đến khi có tuổi, cô vẫn bơ vơ trên cõi đời này và những người đàn ông của cô đều đã có gia đình riêng hạnh phúc mà không mảy may đến sự tồn tại của cô nữa. Vào một đêm cùng cực của sự thất vọng, Sao thấy cần có bờ vai chia sẻ biết bao thì bỗng có tiếng gõ cửa. Cô nguyện sẽ yêu và lấy người đàn ông này cho dù ông ta có thế nào đi chăng nữa. Chớ trêu thay, đó lại là ông thợ móc cống đến đòi tiền. Thất vọng và não nề. Toàn bộ câu chuyện là những suy nghĩ vẩn vơ không đầu không cuối của Sao. Đọc xong, người đọc có cảm giác rồi cuối cùng cô sẽ bi quan, chán nản. Nhưng không, dù ở đáy sâu của nỗi buồn và cô đơn, phải thốt lên: “Giai nhân. Ôi giai nhân”, nhưng vẫn kịp nhận ra chân giá trị của cuộc sống: “Nhưng dẫu sao cuộc sống vẫn là vô giá”. Thì ra, cuộc đời này vẫn còn ý nghĩa, vẫn rất đẹp, điều cốt yếu là ta phải biết gìn giữ, trân trọng để nâng niu những giá trị tốt đẹp ấy.

Ngôn ngữ dịu dàng, đằm thắm dường như lại phát huy vai trò mạnh mẽ trong việc miêu tả những cảm nhận rất tinh tế của người đàn bà: “Người ta thường nói đàn bà yêu bằng mùi, đàn ông yêu bằng mắt. Và chị yêu anh bởi chính cái mùi đàn ông – nó cứ phảng phất quanh chị, khiến chị xao xuyến, bâng khuâng. Chất nữ tính cũng được thể hiện thật tinh tế khi Nguyễn Thị Thu Huệ miêu tả cảm nhận của người mẹ về đứa con: “Mùi thơm của da thịt Thúy nồng nàn ùa vào tôi” (Hình bóng cuộc đời). Đôi lúc, văn chị trầm lắng, ta cảm nhận rất rõ đó là những tâm tư, tình cảm của một người đàn bà bé nhỏ, yếu ớt, cái yếu đuối thường tình của người đàn

bà. Người đàn bà ấy cần một bờ vai vững chãi để nương tựa biết bao nhiêu, nó khác hẳn với lối viết tưng tửng, lạnh lùng thường thấy nơi chị: “Chị cần anh là anh. Là những điều tốt đẹp như một khoảng trời nhỏ. Một bức tường có mái che đằng sau lưng. Mỗi lần đuối sức hay thất bại trên đường đời. Chị có chỗ lùi lại. Tựa lưng thở. Rồi đi tiếp”. (Một trăm linh tám cây bằng lăng). Người con gái khi trở về với bến phà kỷ niệm, trong lòng chợt trào dâng bao cảm xúc: “Anh ở đâu? Sao tôi nhớ anh thế này? Bao nhiêu năm. Tôi sống và hiểu rằng, chẳng bao giờ tôi gặp được người đàn ông thay thế được anh trong tâm linh (Biển ấm).

Văn của Thu Huệ thường có lối ví von với ngôn ngữ rất giàu hình ảnh: “Chân người ấy lại teo nhỏ, trắng nõn như hai củ sắn đã bóc vỏ và ngâm nước”. Phải có sự quan sát tinh tế và vốn sống thực tế thì Thu Huệ mới diễn tả được một cách chính xác và ấn tượng đến như vậy. Những hình ảnh so sánh của Thu Huệ rất độc đáo và gợi liên tưởng sâu sắc trong lòng người đọc: “ Vợ con anh ấy là một cái lô cốt chắc chắn mà hàng ngày, hàng giờ anh ta nhặt nhạnh tí vôi, tí xi măng xây xây trát trát. Và cái lô cốt của anh ấy ngày càng to béo, vững chắc. Thi thoảng, để xả hơi và nạp nhiên liệu cho công việc xây dựng của mình, anh đi nhảy đầm. Rất gallant với phụ nữ và lúc nào cũng mang một vẻ mặt thành kính, tác phong giống như thể anh đang gù gù, hệt như con chim câu, tha những cọng rơm đi dệt tổ ấm, chỉ thếu con chim cái thôi” (Hậu thiên đường). Lối so sánh với hệ thống ngôn ngữ luôn biến đổi, giàu hình ảnh trong văn chương của chị luôn khiến người đọc phải bất ngờ: “Mối tình trẻ con như một kho lương khô cho cuộc sống” hay: “Anh ấy tròn trịa như một viên bi ve”. Trong so sánh, chị luôn đặt những sự vật, hiện tượng dường như không có một sợi dây liện quan, một mối liên hệ ràng buộc nào bên cạnh nhau để làm nổi bật lên rất nhiều điều thú vị: “ Người đàn ông trông nhàu nhò hơn, giống như nắm giẻ lau và người đàn bà thì lúc nào cũng nhăn nhúm như quả táo tàu” (Hậu thiên đường), hay khi miêu tả về cảm nhận của người đàn bà về đứa con trai của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ viết: “Bé bỏng thơm như một cái bánh ga tô mới ra lò”. Chính ngôn ngữ giàu hình ảnh và biến đổi linh hoạt đã diễn tả thật tinh tế, chính xác sự cảm nhận lý thú của con người.

3.2.3.Những đặc trưng nghệ thuật trong cách sử dụng ngôn ngữ của Đỗ Bích Thúy

3.2.3.1.Ngôn ngữ mang đậm bản sắc của người dân tộc

Nét tinh tế trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy được thể hiện khá rõ qua hệ thống ngôn ngữ mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc. Chị không những có khả năng phát hiện mà còn tỏ ra rất thành thạo lời ăn tiếng nói hàng ngày của các tộc người vùng núi cao miền bắc nước ta, biến ngôn ngữ trong đời sống thành ngôn

ngữ văn học trong tác phẩm của chị. Ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số tuy khác nhau nhưng gặp gỡ nhau ở một điểm, đó là: Ngôn ngữ phản ánh những nét văn hóa, tập tục của dân tộc, ngôn ngữ là biểu hiện của kiểu tư duy mang tính hình tượng, hình ảnh cụ thể và có lối ví von độc đáo. Không biết tự bao giờ, cách cảm, nếp nghĩ của người miền núi đã thấm vào tâm hồn nhà văn. Chính nhờ thế, ngôn ngữ Đỗ Bích Thúy viết ra không phải thứ ngôn ngữ gò ép, cứng nhắc mà nó được chắt lọc từ chính sự hiểu biết và gắn bó sâu nặng của nhà văn như một người con với mảnh đất này.

Nét đặc sắc nổi bật trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ địa phương tong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy thể hiện ở ngôn ngữ trần thuật và miêu tả. Đọc Ngải đắng ở trên núi, Con dê bốn mắt, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Gió không ngừng thổi…người đọc như được đặt chân lên mảnh đất xa xôi của Tổ quốc gợi lên từ tên những địa danh: Xà Tùng Chứ, Chín Chải, Tây Côn Lĩnh, Cao Bành, Thượng Sơn, Lũng Pục, Cao Mã Pờ, Pải Lủng….những cái tên gợi đến những vùng đất còn hoang sơ, xa xôi, bí ẩn, đã tạo nên một không gian nghệ thuật rộng lớn gắn với nó là vô số các biến cố, các sự kiện của cuộc sống con người: “Trong truyện Đỗ Bích Thúy, không gian Tây Bắc hiện lên đậm nét, để lại dư vị khó quên trong lòng độc giả dù người đọc chưa thể hết lưu luyến với những áng văn thơ dặt dìu tiếng sáo, tiếng khèn,la đà với rượu nồng bếp lửa của núi rừng Tây Bắc trong các sáng tác của các bậc tiền bối như Tô Hoài, Chế Lan Viên, Tố Hữu…”[34].

Ngôn ngữ trong tác phẩm Đỗ Bích Thúy phản ánh những nét đẹp trong phong tực tập quán của người dân vùng núi cao phía bắc Tổ quốc ta. Chẳng hạn, để thể hiện tình yêu của những đôi nam nữ, nếu như Nguyễn Thị Thu Huệ miêu tả đấy là tình yêu “sặc mùi kinh tế thị trường”, Nguyễn Ngọc Tư luôn cảm thấy hứng thú với những mối tình nhẹ nhàng, lãng mạn của những chàng trai, cô gái của mảnh đất Nam Bộ thì Đỗ Bích Thúy lại lựa chọn con đường đi cho riêng mình. Cô gắn tình yêu trong trang viết của mình vào những sự vật rất gần gũi của miền rẻo cao sơn cước: “Đêm nay, May đi ngủ muộn, phần vì nhà đã vắng càng vắng – thằng Trài mang ngựa đi lấy giống, mẹ già đi xem bệnh cho trẻ con nhà Chứ - phần vì ngoài kia, sau bờ rào đá, có tiếng đàn môi tự dưng cất lên, gọi mãi, gọi mãi. Tiếng đàn ấy, May gặp ở mấy phiên chợ rồi, lần nào cũng đuổi theo ở sau lưng, May đi nhanh thì theo nhanh, May đi chậm thì theo chậm, bây giờ thì dám theo về tận nhà người ta nữa. Đã mấy lần May đứng dậy, ngập ngừng định đi ra cửa mà chân cứ run lên lại ngồi xuống. Chiếc khăn thêu được vài đường đã nhầm, kim lại đâm vào ngón tay mấy lần. Sau rồi, May cũng giữ được chân mình mặc kệ tiếng đàn môi ấy, dội lửa vào gộc củi rồi vào buồng. Tiếng đàn còn quanh quẩn bên ngoài mãi mới chịu đi. Tiếng bước chân ngựa cũng ngập ngừng”(Tiếng đàn môi sau bờ rào đá).

Ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm Đỗ Bích Thúy là biểu hiện rõ rệt của kiểu tư duy mang tính hình tượng, lối nói đầy hình ảnh. Trong cuộc sống hàng ngày của người dân, hình ảnh của những sự vật, hiện tượng thân thuộc đã đi vào trong tiềm thức của họ một cách hồn nhiên, tự nhiên và lời ăn tiếng nói hàng ngày, họ đem những sự vật ấy ra để so sánh cho dễ hiểu. Trong truyện ngắn Ngải đắng ở

trên núi, người mẹ già không muốn xuống xã ở với con đã so sánh sự già nua, mỏi

mệt của mình bằng một hình ảnh rất đơn giản nhưng giàu ý nghĩa: “ Hơn sáu mươi năm nay, tao như con suối chảy xuôi. Sắp ra đến sông lớn rồi, sắp theo cha chúng mày rồi, giờ nó bắt rẽ ngang, bắt chảy ngược…”. Đỗ Bích Thúy đã sử dụng một hệ thống các hình ảnh so sánh ví von của người dân tộc để diễn tả đắc địa sự xung đột từ trong nhận thức của cái mới và cái cũ: “Bao nhiêu năm nay, người ở trên sàn nhà, trâu, ngựa, ngan, ngỗng ở dưới gầm sàn, tự dưng em mày đòi mang trâu ra ngoài vườn, con trâu mẹ ốm lên ốm xuống, cho uống bao nhiêu muối không khỏi.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 90 - 104)