Nhân vật bi kịch

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 60 - 65)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.1.3.Nhân vật bi kịch

Cảm hứng bi kịch nhân văn được coi là “một trong những dấu hiệu của sự chuyển đổi”. Nó cho thấy khả năng tiếp cận hiện thực ở cả những miền khuất lấp, những cảnh ngộ đáng thương của con người. Có thể nói, trong văn học giai đoạn hiện nay, số phận cá nhân – thân phận con người trở thành mối quan tâm hàng đầu: “Hành trình văn học ta mấy năm qua từ cố gắng dứt ra khỏi đề tài số phận (hay gọi là lợi ích cũng được) chung của cả khối cộng đồng nhất đi đến thực tại xã hội ngổn ngang với nhiều tính chất tả thực vội vã, rồi tiếp tục đi sâu vào thế giới bên trong từng con người, cuộc hành hương vô tận, cuộc tìm kiếm khó nhọc bên trong thế giới riêng của con người…”. Trong văn học trước 1975, vấn đề cá nhân chỉ là những

(nếu có) đóng vai trò làm phương tiện để tô đậm phẩm chất con người cộng đồng. Truyện ngắn thời kỳ đổi mới đi thẳng vào những vấn đề thân phận con người, thế giới bên trong của con người, ý nghĩa nhân sinh, lẽ sống con người ở đời và sâu sắc hơn, coi con người là đối tượng để khám phá, lí giải những bí ẩn trong đời sống xã hội.

Nhân vật bi kịch là loại nhân vật trong tư tưởng luôn chứa đầy mâu thuẫn, xung đột, kết cục dẫn đến đau thương, bế tắc, tuyệt vọng. Mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ, ai cũng có những ước mơ, khát vọng, song thực tế cho thấy không phải bao giờ ước mơ cũng trở thành hiện thực, những khát vọng chân chính thường va chạm với hoàn cảnh sống, với cái xấu, cái ác. Trong sáng tác của các nhà văn nữ thời kỳ đổi mới như Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, hình ảnh của những nhân vật bi kịch trở đi trở lại rất nhiều lần. Dường như, dù ở bất kỳ thời đại nào, những nỗi đau khổ của con người cũng là những nỗi nhức nhối trên trang viết và mỗi nhà văn, muốn đứng trên tầm cao tư tưởng thì phải biết trăn trở với những nỗi đau, những bi kịch của kiếp người dù là rất nhỏ bé.

Các nhà văn nữ thường hay khắc họa những bi kịch của con người trên phương diện tâm lý và tình cảm. Trong trang viết của các cây bút nữ, nỗi đau khổ của con người hiện lên với nhiều hình nhiều vẻ rất xúc động. Trước hết, đó là bi kịch của con người trong tình yêu và hôn nhân. Có lẽ, chưa giai đoạn văn học nào lĩnh vực tình yêu và hôn nhân lại được đề cập đến nhiều và phong phú như giai đoạn đổi mới này. Bên cạnh sự nối dài các đề tài truyền thống, đề tài tình yêu và hôn nhân cũng được thể hiện phong phú và phức tạp như chính đề tài truyền thống vậy. Ám ảnh trên từng trang viết không ai khác chính là những nhân vật nữ với nhiều thiệt thòi, bất hạnh, cam chịu và đau khổ do thiếu sự chia sẻ, đồng cảm. Song, cho dù thế nào đi nữa, họ luôn tiềm ẩn tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.

Trong Cát đợi, Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng hình tượng nhân vật có tình yêu thiêng liêng và đẹp đẽ. Cô khác người ở chỗ “không xếp xó tình yêu…không bị mạng nhện chăng bởi tôi đem nó đặt lên bàn thờ và siêng năng thờ cúng”. Thế nhưng, tình yêu ấy đã bị kẻ khác chà đạp một cách tàn nhẫn. Những tưởng sau mối tình đầu với “người ấy”, cô thờ một tình yêu đã quá cố dù ngày nào cô cũng phải giáp mặt với “người ấy”, với bộ ba vợ và con. Có lúc cô tự hỏi mình đang thờ ai, “cái kẻ đi chung áo mưa với vợ con kia có xứng đáng để được mình thờ hay không. Cô thực sự vô vọng nhưng vẫn cần mẫn vun vén cho một tình yêu đã chết. Đọc những trang văn của Thu Huệ, người ta có cảm tưởng chị đang rứt ruột mình ra để viết, bởi chị đã hiến dâng cho nhân vật một phần kinh nghiệm sống từ chính những thử thách trải nghiệm của cuộc đời mình. Vì thế, trên từng trang viết của chị “chan

chứa một nỗi lo lắng mơ hồ về cuộc đời vốn mênh mông, vừa là thiên đường, vừa là địa ngục”. Trong Đêm dịu dàng, Nguyễn Thị Thu Huệ để cho nhân vật của mình âm thầm chịu đựng và lặng lẽ chuẩn bị cho mình một sự giải thoát để “không còn nỗi cô đơn cố hữu, không còn nỗi khắc khoải chờ mong…không còn những ước mơ con con…nói chung chẳng còn gì trong những buổi chiều teo tóp vì đau khổ”. Cô bị lừa dối và cảm thấy tuyệt vọng sau chuyện bị lão thủ trưởng già quấy rối trong phòng làm việc đúng lúc anh đẩy cửa vào. Và cũng đúng vào cái lúc cô phát rồ đi tìm anh để giải thích mọi chuyện thì bắt gặp anh đang xum xoe bên lão thủ trưởng già ấy cười hô hố về chuyện vừa xảy ra của cô. Thì ra cô cứ tưởng cái gì cũng biết nhưng có một cái không hề biết là người ta có nhiều kiểu thay lòng đổi dạ, nhiều kiểu bỏ người tình ngon lành lắm. Liệu có nỗi đau nào hơn sự chung thuỷ, niềm tin tưởng bị xúc phạm một cách dễ dàng đến như vậy. Chẳng có gì níu kéo cô lại với đời, người dành trọn niềm tin về một tình yêu chân chính đã phản bội lừa dối lại cô. Chỉ còn cách chấm dứt mọi đau khổ đang bủa vây con người cô, đó là cái chết. Nhưng cô không làm được bởi “Con vật còn biết yêu cuộc sống…phải cho nó được sống”, đó là lời giải thích của ông lão câu cá khi ném những con cá xuống hồ. Nhà văn Thu Huệ luôn đau đáu cùng nhân vật trong cuộc hành trình di tìm hạnh phúc trong cuộc đời. Hạnh phúc thì khó nắm giữ trước bao nhiêu ràng buộc đang bủa vây con người. Một sự vật vã khắc khoải canh cánh trong tâm hồn người phụ nữ khi không đạt được ước mơ trong tình yêu, họ lâm vào thế lẻ loi, cô đơn, tuyệt vọng. Phải chăng, khi đặt nhân vật nữ vào trạng thái cô đơn là cách Thu Huệ thể hiện “mặt trái của tình yêu thương” (Macket).

Khác với Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư lại thể hiện nỗi đau, vết thương trong tâm hồn của những người phụ nữ khá dung dị nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Trong chiến tranh người phụ nữ luôn động viên chồng con lên đường làm nhiệm vụ và lại chính những người phụ nữ ấy nén nỗi đau thương lại cả đời khi chồng và con trai mình nằm lại dưới đất sâu. Trong tác phẩm Bà cô, Nguyễn Ngọc Tư viết về những mất mát của người mẹ Việt Nam một cách giản dị nhưng sâu sắc: “Bà có ba con, cả ba đều hi sinh, từng khúc ruột bà cắt lìa, đau biết mấy, thế mà thỉnh thoảng bà vẫn cười: “Tổ cha, phải còn đứa nào tao cũng cho đi cách mạng luôn”. Sự hi sinh tự nguyện tự giác ấy thật đáng trân trọng biết bao. Những đứa con máu mủ bà sinh ra đã ra đi mãi mãi khi tuổi đời còn rất trẻ sao mà không đau, không xót. Sự che giấu tình cảm của người mẹ một cách rất nhân bản, kín đáo ấy đã khiến cho ta thực sự xúc động.

Chủ tâm đi sâu vào những mảnh đời, những cảnh huống khác nhau của số phận con người, Nguyễn Ngọc Tư có cơ hội khám phá những phần khuất lấp trong tâm hồn con người để chia sẻ với những bất hạnh, éo le trong cuộc đời của những

người phụ nữ. Xuyến trong Duyên phận éo le là một cô gái tiếp viên ở một nhà nghỉ heo hút. Cô tìm đến với nơi này vì đã hết đường về nhà, để trốn chạy cuộc sống với một vết thương lòng không thể nguôi yên. Cái nghề của cô bị nhiều người khinh rẻ. Xuyến chua chát nhận ra rằng: “Có ai yêu mình, tin mình, chịu cưới mình khi suốt ngày mình đưa mặt cho người ta hôn hít”. Ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư không né tránh đi sâu vào khai thác phần cuộc đời gai góc, bất hạnh của những cô gái trẻ. Xuyến có những phẩm chất đáng trân trọng khi cô tình nguyện ở lại vùng đất heo hút, sống trong tình thương của mọi người. Cùng với sự lựa chọn này, cô phải chịu đựng sự mất mát trong tình yêu khi Khởi đi xa. Hai lần tổn thương làm chai sạn con người cô, khiến cô đóng cửa trái tim mình. Cô ao ước mọt gia đình, cô thích trẻ con nhưng lại không dám đến với anh Năm già – người thực sự thấu hiểu và thương cảm cho cảnh ngộ của cô. Nỗi đau của người con gái trẻ thầm lặng mà xót xa: “Một bữa thấy Xuyến vào phòng Khởi, thụp xuống vùi mặt vào chiếc áo anh bỏ lại. Một bữa nhìn trời mây nước mênh mông mà đôi mắt ráo hoảnh, trống trơ, nhìn mà không thấy gì hết. Một bữa thấy Xuyến tết tóc cho bé Bi, Xuyến rơi nước mắt”. Không có quá nhiều chi tiết, Nguyễn Ngọc Tư cũng đủ để người đọc thấu hiểu và chia sẻ với những cô gái trẻ bất hạnh trong tình yêu mà dở dang trong duyên phận.

Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng được tác phẩm với một hệ thống các nhân vật bi kịch. Có thể nói, các nhân vật trong truyện đều mang chứa đầy tính thiện, thế nhưng cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói, dốt nát, lam lũ, và điều kiện sống tù túng, ngột ngạt dần xô đẩy người này trở thành nạn nhân của người kia. Người vợ nhẹ dạ nông nổi là nạn nhân của chiếc ghe đầy vải vóc. Người chồng bị phụ bạc trả thù bằng cách quyến rũ vợ người khác rồi vứt bỏ họ giữa đường. Con cái là nạn nhân của cha mẹ ấy phải sống vạ vật với đầy tàn tích trong tâm hồn. Sự báo ứng rơi vào hai đứa trẻ trong trắng, đáng thương: Điền tự hủy hoại bản năng đàn ông của mình, vô vọng chạy theo người đàn bà bị sỉ nhục. Nương bị đám trai làng hãm hiếp ngay trước mặt người cha tội lỗi đang bị đè nghiến xuống bùn. Không lên gân bạo liệt, không tăm tối bi quan, những đoạn văn đầy tình tiết trắc ẩn như thủ thỉ dịu dàng mà đẩy số phận tới tận cùng bi thảm. Đồng khô, lúa cháy, đàn vịt là nguồn sống cuối cùng cũng bị chôn sống. Đại diện hiếm hoi cho phía chính quyền trong suốt câu chuyện là hai ông cán bộ ấp và xã, không chỉ vô cảm với nỗi khổ dân quê mà còn sẵn sàng vét nốt của họ cả mảnh tình rách nát. Bản lĩnh tác giả đã níu người đọc kịp dừng lại bên bờ tuyệt vọng khi mầm thiện trong trái tim nhân vật xưng Tôi ngập trong máu và nước mắt vẫn kịp bừng xanh niềm hi vọng sâu sắc thiêng liêng: nếu như Nương “bị có con” sau cuộc bạo hành thì “”đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường”, sẽ sống hạnh phúc vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”.

Viết rất nhiều về người phụ nữ song dường như với Đỗ Bích Thúy như vậy vẫn là chưa đủ. Đã có lần chị tâm sự, chị cảm thấy còn nợ một điều gì đó rất lớn với những người phụ nữ vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ. Có lẽ là bởi cho tới bây giờ, cuộc sống của người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều vất vả. Người phụ nữ vẫn là những người cần được chia sẻ, cảm thông hơn cả. Trong Cột đá treo người, Đỗ Bích Thúy đã khắc họa số phận nhân vật Chía với nhiều đau khổ, bi kịch. Trong những ngày còn chế độ quan lang, thổ ty trên vùng đất Tây Bắc, những thân phận phụ nữ chịu nhiều áp bức bất công như Chía có lẽ không phải hiếm. Cha mẹ Chía vìa vay nợ lý trưởng không giả nổi, tiền vay cứ lãi mẹ đẻ lãi con nhân lên, cho tới lúc lý trưởng bảo cho Chía tới làm người ở để xóa nợ thì Chía chính thức trở thành thân phận tôi đòi. Còn với Mai thì nỗi khổ lại khác, chồng cô bỏ đi theo người phụ nữ khác, con vì đói và thiếu muối mà chết, cuộc đời của Mai tưởng như đã đi vào ngõ cụt nếu không gặp được Sinh. Nhưng rồi cuộc chiến với giặc đã cướp đi sinh mạng của Mai khi chưa kịp một lần được hưởng niềm hạnh phúc hồi sinh của Cách mạng.

Người phụ nữ khổ vì những bất công xã hội đã đành, nhưng đôi khi chính những phong tục tập quán, những thành kiến xóm làng lại là những nhân tố cướp đi niềm hạnh phúc đáng có của họ. Vi xinh đẹp, ngoan ngoãn nhưng không thể lấy được chồng vì nhà quá nghèo, mà ở vùng quê của Vi, chẳng ai muốn lấy một cô gái quá nghèo về làm vợ cả. Vậy là muốn con gái lấy được chồng, cha mẹ Vi đã phải bán nhà cửa, đất đai và dọn sâu vào bên trong núi sống. Hẳn là sự thật này sẽ trôi vào dĩ vãng nếu không có một ngày Vi về thăm nhà và được em gái nói cho sự thật (Giống như cái cối nước).

Cũng giống Vi ở cảnh nhà nghèo khó, nhưng Kim, mặc dù rất xinh đẹp cũng bị dân làng xa lánh chỉ vì mẹ Kim là một đứa con sinh ra sau vụ cưỡng bức của đám thổ phỉ. Một điều tưởng như đã thuộc về quá khứ nhưng trong tâm trí của người dân thì dòng máu đang chảy trong người cô là dòng máu đen, dòng máu của loài quỷ dữ (Bóng của cây sồi). Chính những định kiến xa lánh của dân làng đã khiến cho Phù không dám bước qua cái bóng của bố, không dám vượt qua dư luận để đến với tình yêu của mình. Chính vì thế, cuộc đời Kim rẽ sang một hướng khác vô vọng và đau khổ. Cũng chính những định kiến của làng đã trói chân Nhẻo suốt mấy năm ở nhà chồng sau khi chồng mất mà không dám tìm tới một tình yêu khác với Di (Như một con chim nhỏ).

Có thể nói, nguyên nhân tạo ra những bi kịch cuộc đời cho người phụ nữ vùng cao chính là do hoàn cảnh sống đem lại. Trong nếp nghĩ của gia đình người dân tộc thiểu số vẫn rất nặng nề tư tưởng nam quyền. Chính vì thế, người phụ nữ trở thành:

Cái cột kê chân cho gia đình nhà chồng”. Nó là điểm khởi đầu cho rất nhiều những cay đắng, bất hạnh của họ trong chính gia đình của mình.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ 1986-2006 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy (Trang 60 - 65)