5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
1.1.3. Cốt truyện có cấu trúc lỏng:
Sự trình bày, gắn kết các chi tiết, sự kiện trong cốt truyện có vai trò quan trọng trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Ở nhiều truyện ngắn, sự gắn kết tuân thủ theo một lô gíc nhất định song ở nhiều truyện ngắn khác, cốt truyện dường như được nới lỏng tối đa, thậm chí không còn cốt truyện. Truyện ngắn Việt Nam sau 1986, ta thấy dường như cốt truyện không còn là yếu tố quan trọng hàng đầu của truyện ngắn. Sự tan vỡ và phân rã cốt truyện trong truyện ngắn đương đại gắn liền với quá trình yếu dần đi vai trò cốt truyện truyền thống. Vấn đề không còn là tìm và thể hiện một cốt truyện điển hình, những tình huống căng thẳng, li kỳ gây chú ý. Điều đáng quan tâm hơn là cốt truyện có khả năng tái hiện và lí giải sâu bao nhiêu về hiện thực cuộc sống và số phận cá nhân. Cốt truyện được xây dựng không nhằm
hướng người đọc đến một hiện thực đã hoàn kết hay một chân lý đã được khẳng định, các chi tiết, tình huống như chỉ được đưa ra và hiện thực đã được trình bày với sự đa diện, ngổn ngang, phức tạp như nó vốn có. Những phán xét và kết luận cuối cùng thuộc về độc giả. Với chức năng mới, cốt truyện được triển khai linh hoạt, biến hóa hơn với nhiều biểu hiện: cốt truyện có cấu trúc lỏng, sự liên kết không trực tiếp, không rành mạch, truyện không có cốt truyện, được xây dựng theo dòng tâm trạng.
Truyện ngắn được tổ chức theo kiểu cốt truyện có cấu trúc lỏng xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn của các tác giả nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, có thể kể đến: Hậu thiên đường, Xin hãy tin em, Với tay là đến, Tân cảng, Giai nhân, Mùa thu vàng rực rõ, Mùa đông ấm áp, Một trăm linh tám cây bằng lăng, Một nửa cuộc đời, Cõi mê, Mại, Huyền thoại, Cầu
thang….(Nguyễn Thị Thu Huệ), Ngọn đèn không tắt, Ngày mai của những ngày
mai, Biển người mênh mông, Nước chảy mây trôi, Giao thừa… (Nguyễn Ngọc
Tư), Gió không ngừng thổi, Ngải đắng ở trên núi…(Đỗ Bích Thúy).
Kiểu cốt truyện có cấu trúc lỏng không coi trọng sự gắn kết các chi tiết, sự kiện một cách mạch lạc. Truyện Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ giống như những ghi chép, góp nhặt các chi tiết của đời sống bằng cái nhìn tỉnh táo đến sắc lạnh.
Truyện ngắn đôi khi không có kết thúc. Trong truyện Cầu thang (Nguyễn Thị Thu Huệ), sự gắn kết các chi tiết, sự kiện và nhân vật hết sức mờ nhạt, tất cả giống như những mảnh , đoạn lấy từ bên ngoài cuộc sống đặt vào câu chuyện. Truyện có nhân vật chính là “tôi” – người kể chuyện, suy nghĩ của “tôi” về những chiếc cầu thang, về những người đàn ông liên quan đến những chiếc cầu thang đó chứ hầu như không có chi tiết nào đáng chú ý, gây kịch tính.
Truyện “Nước chảy mây trôi” (Nguyễn Ngọc Tư) là suy nghĩ, tình cảm của Diệp với mẹ và đặc biệt là cha dượng, cũng là thầy giáo của mình. Mẹ của Diệp đã bỏ chồng, một bác sỹ danh tiếng để đi theo một thầy giáo dạy văn nghèo kiết xác, vì mối tình với người phụ nữ hơn tám tuổi này mà bị đuổi ra khỏi ngành. Nhà văn có thể tận dụng tình huống này để khai thác triệt để sự tức giận của người đàn ông bị phản bội hay phản ứng gay gắt của đứa con gái nhỏ. Nhưng không, các nhân vật đã thể hiện những đức tính rất cao thượng: “Ba Diệp thì không thể tha thứ. Chẳng thèm chửi bới, đánh đấm nhau, là người trí thức, ông bác sỹ xử sự rất mềm mỏng. Ông đến trường, níu bất cứ đứa học trò nào ông nhìn thấy, phẫn trí van vỉ (như một người yêu vợ hết lòng), "Cháu làm ơn nói với thầy Nhiên trả vợ lại cho chú, làm ơn, cháu ơi !". Còn Diệp: “Mẹ chỉ biết nói lời xin lỗi Diệp. Nó khó khăn lắm mới bảo, không sao, nếu con là mẹ, con cũng yêu thầy, thầy dễ thương quá trời đất mà”.
Nhà văn không có ý định xây dựng tình huống kịch tính hay đẩy xung đột đến cao trào. Thậm chí, sau này, khi Diệp có cảm xúc với thầy, thứ cảm xúc không phải tình cha con, Nguyễn Ngọc Tư cũng nhẹ nhàng biến nó thành thứ tình cảm trong sáng, lành mạnh, và đẹp đến ngạc nhiên. Sự lỏng lẻo trong cốt truyện ở đây đưa đến một nhận thức sâu sắc về tình cảm cao thượng đẹp đẽ giữa con người với con người. Đó là ý nghĩa nhân văn cao đẹp của truyện, cũng là chất nhân văn cao đẹp trong cuộc sống mà mỗi con người chúng ta cần nỗ lực hướng tới.
Rất nhiều truyện ngắn kết thúc ở những tình huống dở dang, chưa được giải quyết, thậm chí không thể giải quyết được. Trong truyện ngắn Dòng nhớ, Nguyễn Ngọc Tư mô tả mối tình sâu sắc, thủy chung của người bố với người đàn bà đã cùng ông trải qua biết bao cay đắng của cuộc đời: “Rồi ông lần ra bến, đứng dưới hàng nấm già ngày xưa ông trồng để giữ đất cho khỏi lở, để mặc cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc trắng của mình. Ông già tha thiết nhìn ra sông” bởi ông hi vọng nơi dòng sông ấy ông có thể gặp lại con thuyền xưa và cả bóng hình của người mình yêu. Kết thúc truyện, vợ của ông đi tìm lại người cũ khi ông đã nằm sâu dưới ba thước đất, nhưng biết tìm đâu một bóng hình trong muôn vàn cảnh ngộ giống nhau ở xứ sở sông nước này. Câu chuyện kết thúc và một hành trình mới lại bắt đầu…Hay ở truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy kết thúc bằng hình ảnh của người phụ nữ vùng cao: “Mẹ già quay lưng lại phía May, đầu cúi xuống, tấm khăn tuột trên vai, tay mẹ già đang nắm chặt thanh gỗ gài hai cánh cổng…”. Tác giả không muốn kéo dài thêm dung lượng câu chuyện của mình, không muốn đẩy nhân vật của mình vào những sự lựa chọn khác nhau, hoặc là tiếp tục sống cuộc đời hi sinh thầm lặng cho những đứa con riêng của chồng, vun vén cho gia đình nhà chồng, hoặc là bỏ đi theo tiếng gọi của trái tim. Bởi đâu đó trong tận đáy sâu tâm hồn, chị hiểu cũng như chính nhân vật của chị hiểu rằng: “Làm dâu mà không làm mẹ thì chỉ là cục đá kê chân cột nhà chồng thôi, ở hai mươi, ba mươi năm, ở đến lúc chết cũng chỉ là cục đá kê cột, thế thôi…”.
Sự liên kết các chi tiết, sự kiện có khi còn nới lỏng đến không còn có truyện. Đó là những truyện ngắn tâm tình, cốt truyện phát triển theo dòng tâm của nhân vật, lấy quá trình tâm lí bên trong của nhân vật để làm cơ sở tổ chức tác phẩm. Vì vậy, các sự kiện, tình huống trong truyện thường dàn trải, không có đột biến bất ngờ, truyện là sự trình bày thế giới nội tâm phong phú và đầy biến động của con người. Đây là kiểu cốt truyện tâm trạng. Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn có nhiều tác phẩm viết theo cốt truyện tâm trạng và khắc họa tâm lý nhân vật một cách đặc sắc. Trong truyện ngắn Người xưa, tác giả mô tả tâm trạng của một người đàn bà sau mười một năm xa cách gặp lại người yêu cũ. Những đối thoại, cảm xúc của người đàn bà cứ lặn ngụp trong sự buồn vui lẫn lộn. Đơn giản vẫn cứ là câu chuyện tình,
buồn đến xót xa cho kiếp người cứ phải sống hai mặt, một là tình yêu cho cá nhân và một là con người xã hội. Vẫn là cái tâm lý hồi hộp chờ đợi sau bao năm gặp lại được ngồi bên nhau trong khoảnh khắc rồi cảm nhận tình yêu không thể là của hơn mười năm trước mà giờ đây “họ vô tư nói chuyện con cái, gia đình, tiền bạc, vẫn ngồi bên nhau xem một bộ phim tình yêu”. Cảm xúc vỡ òa sau bao nhiêu năm ấp ủ khi họ vẫn lặng lẽ theo dõi, để ý nhau xem người xưa sống ra sao, nhưng sự gặp lại không còn thiêng liêng nữa. Đó chỉ là khái niệm đẹp nếu con người ta biết lưu giữ nơi đáy sâu tâm hồn. Người đàn bà cảm nhận được người đàn ông trước đây và bây giờ khác xa nhau quá “với một khuôn mặt đàn ông chính hiệu pha sự no đủ vật chất”, một kẻ ăn chơi đàng điếm và trải đời. Đây không phải là chàng trai thơ mộng và nghèo khổ năm nào. Người đàn bà hiểu ra một điều đơn giản nhưng thực sự quý giá với mình lúc này: “Ai đó giống tôi. Đã từng có một mảnh tình chảy qua đời, hãy để nó vào chỗ của nó. Đừng lôi nó ra mà soi ngắm làm gì, mọi thứ trên đời đã an bài. Đời người bạc bẽo…”
Cốt truyện theo dòng ý thức chính là sự biến đổi tâm lý nhân vật trước mỗi hành động diễn ra. Dòng cảm xúc bộc lộ theo tiến trình của sự hồi tưởng lại quá khứ và so sánh với hiện tại để lý giải cho những tâm trạng khắc khoải, trăn trở trước thực tại.
Những sự kiện bao giờ cũng tác động tới tâm lý nhân vật hay nói cách khác, tâm lý nhân vật phát triển được là hệ quả sự vận động của cuộc sống. Kiểu cốt truyện sự kiện – tâm lý có khả năng làm cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm đi sâu vào lòng người đọc, bởi vì con đường tiếp thu văn chương ở đây đã diễn ra dưới hình thức tiếp thu bằng cảm xúc sâu đậm chứ không nguyên tắc như con đường tiếp thu lí trí. Mặc dù tác phẩm văn học nào cũng bộc lộ cảm xúc nhân vật nhưng với kiểu cốt truyện này, tác giả có thể đẩy cốt truyện của mình diễn ra trên cái sườn của những diễn biến tâm lý mà những kiểu cốt truyện khác không thể làm được. Có thể nói, cốt truyện tâm lí không phải là hình thức mới của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986 – 2006. Loại truyện này đã đạt đến đỉnh cao ở thời kỳ hoàng kim của truyện ngắn với những sáng tác của Thạch Lam. Nhưng với xu hướng đi sâu vào việc miêu tả, phân tích thế giới nội tâm con người, những cốt truyện tâm lý sẽ làm tiền đề cho lối viết “dòng tâm trạng”, “dòng ý thức” của văn học đương đại.