- Tái phạm nguy hiểm
3.2.2.1. Tòa án nhân dân
Đối với Tòa án nhân dân các cấp, thì việc áp dụng pháp luật đúng đắn trong công tác xét xử các vụ án về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là vấn đề rất quan trọng. Có xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thì mới có thể tạo tiền đề cho việc phát huy tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe của các biện pháp xử lý đã áp dụng, mới có thể chỉ ra những nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này để kiến nghị các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp khắc phục một cách thỏa đáng. Để làm tốt việc xét xử đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo chúng tôi, ngành Tòa án cần:
Thứ nhất, Tòa án nhân dân tối cao cần tổ chức Hội nghị chuyên đề hướng dẫn công tác xét xử về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, trong đó chú ý vấn đề định tội danh, các căn cứ cụ thể để quyết định hình phạt, các nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đảm bảo việc xét xử các vụ án về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được đúng đắn. Cần áp dụng các biện pháp chế tài hình sự một cách đúng đắn, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; tránh khuynh hướng áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo một cách tràn lan hoặc áp dụng hình phạt tiền không dựa trên đúng các quy định của pháp luật hình sự hiện hành. Trong quá trình xét xử, cần thực hiện đúng theo các trình tự tố tụng, việc xét hỏi phải đảm bảo đúng trọng tâm, mục đích, tránh tràn lan, cần khai thác và làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, để tạo điều kiện cho cơ quan chức năng nghiên
cứu, xem xét đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với loại tội phạm này. Quá trình xét hỏi cần sử dụng các kỹ năng như khai thác, đấu tranh để làm rõ hành vi phạm tội, lồng ghép với các hình thức giáo dục, giải thích pháp luật nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người tham dự phiên tòa, đặc biệt cho các bị cáo phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thấy được sự nghiêm minh của pháp luật, chính sách hình sự đối với loại tội phạm này nhằm hạn chế tình trạng sau khi cải tạo lại quay trở lại tiếp tục phạm tội. Không được hỏi mang tính chất áp đặt hay gợi ý cho bị cáo khai, cần tạo điều kiện cho bị cáo trình bày diễn biến hành vi phạm tội, và giải thích để bị cáo có nhận thức rõ về hành vi phạm tội mà thành khẩn khai báo, giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng sớm kết thúc vụ án.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW, trong giai đoạn tranh tụng Tòa án cần lắng nghe ý kiến của cả hai bên, bên buộc tội và bên gỡ tội, để tìm ra những điểm có căn cứ của cả hai bên, không được hạn chế về thời gian, tránh thiên vị dẫn đến làm sai lệch kết quả vụ án. Đặc biệt, đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, thông qua việc xét xử, Tòa án các cấp cần làm rõ những hạn chế, thiếu sót là nguyên nhân làm phát sinh loại tội phạm này. Có đánh giá một cách toàn diện để khi quyết định hình phạt, đảm bảo được hiệu quả của việc trừng trị loại tội phạm này nhưng cũng mang tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa, đồng thời thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước đối với bị cáo đã có sự ăn năn hối cải. Tòa án các cấp cần tiến hành xét xử lưu động một số vụ án điển hình về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở những nơi xảy ra tội phạm, hoặc nơi cư trú của bị cáo, nhằm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục, đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với loại tội phạm, này. Tránh tình trạng xử phạt mức án nhẹ, cho hưởng án treo khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, không tương xứng với tính chất mức độ phạm tội của bị cáo, làm cơ sở cho loại tội phạm này có cơ hội phát triển.
Thông qua việc xét xử các vụ án về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân có liên quan, tuyên truyền, phát huy tác dụng giáo dục của phiên tòa nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của công dân trong đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, không tiếp tay cho các hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành những bản án, quyết định của Tòa án.
Thứ hai, Tòa án nhân dân các địa phương cần phối hợp với cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân rà soát lại toàn bộ các vụ án về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, thuộc thẩm quyền xét xử của cấp mình. Tập trung nghiên cứu, đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, công bố kết quả xét xử trên các phương tiện truyền thông đại chúng để có tác động giáo dục, phòng ngừa, răn đe, cũng như động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Đối với các trường hợp người phạm tội có thái độ khai báo ngoan cố, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, Tòa án nhân dân các cấp cần áp dụng mức án cao trong khung hình phạt. Đối với các trường hợp bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, bị mắc bệnh hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn…, thì các Tòa án cũng không thể coi đây là các lý do để cho hưởng án treo, mà phải thấy đây là căn cứ để xem xét trong giai đoạn thi hành án hình sự.
Thứ ba, cùng với việc áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự đúng trong giai đoạn xét xử, Tòa án các cấp cần chú ý phát hiện thiếu sót và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước về kinh doanh, các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trên cơ sở đó, Tòa án cần yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có biện pháp cần thiết để khắc phục nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm theo đúng quy định tại Điều 225
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là "Kiến nghị sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý" [6], mà đây là vấn đề ít được các Tòa án chú ý hiện nay.