Lên phương án dự phòng và khả năng ứng biến

Một phần của tài liệu Tính sáng tạo trong kịch bản truyền hình trực tiếp và cầu truyền hình ở Đài truyền hình Việt Nam (Trang 101 - 103)

Người làm kịch bản tốt phải là người tính toán được các phương án dự phòng khi sản xuất các chương trình trực tiếp hoặc cầu truyền hình trực tiếp.

Trong quá trình tường thuật trực tiếp có rất nhiều sự việc diễn ra ngoài kịch bản như thời tiết hoặc khách mời không đến, ca sĩ bận đột xuất ... người làm kịch bản phải tính phương án và ghi rõ trong kịch bản.

Ví dụ trong chương trình "Trí tuệ Việt Nam 2006", theo dự kiến ban đầu trong kịch bản có bài hát "Tôi thích" và mời ca sĩ Phương Uyên tham gia biểu diễn trước phần trao giải ba giành cho sinh viên yêu công nghệ. Tuy nhiên khi thực tế tổng duyệt, ca sĩ Phương Uyên không tham gia và báo lại với chương trình sát ngày tường thuật trực tiếp. Người là kịch bản đã phải ngồi lại tính toán và quyết định mời nhóm sinh viên ở trường Đại học Ngoại ngữ lên để thay thế. Điều này đồng nghĩa với việc lời dẫn cho MC phải thay đổi để phù hợp với phần trình bày của các bạn sinh viên. Người làm kịch bản đã xây dựng lại lời dẫn MC như sau:

- Lời dẫn cũ: Phương Uyên sẽ là người trình bày tiết mục "Tôi thích" bởi vì đây là người sáng tác ra khúc. Vừa là tác giả vừa là người trình diễn - đây chính là một điển hình cho sự năng động của giới trẻ.

- Lời dẫn mới: Tiết mục "Tôi thích" sẽ được trình bày bởi ba bạn sinh viên đến từ trường ĐH Ngoại ngữ, họ là những người năng động và dám thể hiện cá tính của mình.

Hay khi trong kịch bản chương trình truyền hình trực tiếp ban đầu dự định mời khách mời là ông Nguyễn Văn A, nhưng sau đó ông Nguyễn Văn A bận không tham gia được thì người làm kịch bản tính phương án thay thế ông Nguyễn Văn A để đường dây kịch bản vẫn đảm bảo, việc thay thế nhân vật khác cũng phải tương đồng để tránh làm sai lệch nội dung kịch bản.

Trong khi sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp hoặc cầu truyền hình trực tiếp có nhiều vấn đề xảy ra đặc biệt là vấn đề về điện. Nếu không tính được phương án ngay từ đầu, kịch bản hoàn toàn bị sụp đổ hoặc thậm chí chương trình có thể không diễn ra. Ví dụ trong chương trình "Hành trình theo chân Bác" được tổ chức tại 3 điểm cầu: Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội, nhà tưởng niệm Bác ở Nghệ An, bến Nhà Rồng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay trước

khi sản xuất chương trình tại điểm cầu Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội bỗng dưng bị mất điện khi thời gian lên sóng chỉ còn 10 phút. Toàn bộ ekip rất lo lắng bởi vì nếu không có điện thì chương trình không thể diễn ra được. Ngay lập tức hệ thống điện được chuyển sang hệ thống máy nổ dự phòng và chỉ mất hai phút để toàn bộ hệ thống ánh sáng và hệ thống âm thanh sẵn sàng hoạt động. Thậm chí trong khi tường thuật trực tiếp người làm kịch bản phải chú ý đến những điều nhỏ nhất. Cũng trong chương trình "Hành trình theo chân Bác", kịch bản có phần ghi rõ nội dung: ở phần kết khi nhắc đến Bác toàn bộ khán giả ở ba điểm cầu : Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội, nhà tưởng niệm Bác ở Nghệ An, bến Nhà Rồng ở Thành phố Hồ Chí Minh thì khán giả tại ba điểm cầu sẽ giơ cao hình ảnh những ngọn nến được đốt lên. Người làm kịch bản muốn thực hiện ý tưởng là toàn bộ khán giả ba miền Bắc, Trung, Nam nhớ đến Người và hình ảnh những ngọn nến giơ cao đó là những hình ảnh đẹp nhất, xúc động nhất. Để thực hiện được ý tưởng kịch bản này là điều rất khó bởi vì chương trình cầu truyền hình trực tiếp được diễn ra không gian ngoài trời, việc đốt nến để cháy được là rất khó cùng với việc đốt nến ra sao, cầm nến như thế nào để không bị bỏng ra tay khán giả, nến chạy được trong thời gian bao lâu... Nếu không giải quyết được những câu hỏi này thì phần ý tưởng này sẽ bị bỏ. Và để bảo vệ được ý tưởng của mình, người làm kịch bản đã đưa ra phương án sẽ mua nến và thay vì cầm trực tiếp khán giả sẽ cầm một cái lọ nhỏ và để nến trong đó. Kịch bản truyền hình cũng được ghi rõ: đạo diễn hình sẽ phải lấy được hình ảnh các khuôn mặt đang xúc động khi giơ nến, hình ảnh các ngọn nến và phải trộn hình ảnh khán giả ở ba điểm cầu: Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội, nhà tưởng niệm Bác ở Nghệ An, bến Nhà Rồng ở Thành phố Hồ Chí Minh để thấy được rằng khán giả cả nước thương nhớ và kính trọng Bác đến dường nào.

Một phần của tài liệu Tính sáng tạo trong kịch bản truyền hình trực tiếp và cầu truyền hình ở Đài truyền hình Việt Nam (Trang 101 - 103)