Môi trường báo chí thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và công chúng độc giả nữ (nghiên cứu trường hợp độc giả nữ tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 (Trang 26 - 28)

Trong những năm qua, báo chí thành phố tiếp tục phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ người làm báo và số lượng người đọc;

- trang 25 -

cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính được tăng cuờng; tác động, ảnh hưởng của báo chí được mở rộng. Phần lớn báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống “diễn biến hòa bình”... góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước nói chung và thành phố nói riêng.

Tính đến tháng 6/2012, thành phố có 17 báo in và 20 tạp chí hoạt động thường xuyên, ngoài ra còn có 132 cơ quan báo chí của các cơ quan trung ương và địa phương khác trú đóng trên địa bàn (trong đó có 5 báo địa phương của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Dương, Cà Mau). Tại thành phố còn có một đài phát thanh cấp thành phố, năm đài truyền thanh cấp huyện, một đài truyền hình với trung tâm truyền hình cáp có hơn 150 kênh, nhiều hệ thống truyền hình của trung ương và các địa phương khác phát sóng trực tiếp... 6 báo và tạp chí điện tử, gần 200 trang thông tin điện tử tổng hợp với nhiều tin, bài phản ánh tình hình đời sống xã hội. Báo chí thành phố Hồ Chí Minh cũng có những phát hiện, phản ánh nhiều đề tài mới lạ, có sức thuyết phục lay động lòng người, đấu tranh với cái xấu, biểu dương xây dựng cái tốt… Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng là những đơn vị mạnh của cả nước với nhiều chương trình phát sóng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí và là diễn đàn của nhân dân thành phố. Nhờ thụ hưởng những đặc điểm kinh tế - xã hội đã nêu cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ được ứng dụng nhanh, có thể nói thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm truyền thông lớn của cả nước, với hoạt động năng động, sáng tạo và có sức lan tỏa lớn [5, tr.2].

Báo chí trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn thành phố góp phần không nhỏ trong việc thu thập xử lý, chuyển tải thông tin từ thành

- trang 26 -

phố đến các nơi trong cả nước, giúp đồng bào cả nước hiểu và chia sẻ các mặt của đời sống xã hội của người dân thành phố. Những năm qua đội ngũ nhà báo thành phố Hồ Chí Minh đã có bước phát triển tích cực về số lượng và cả chất lượng, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và năng lực nghề nghiệp, nhiều phóng viên được cơ quan báo chí chú trọng đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước. Thành phố cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và ngắn hạn, góp phần nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Bên cạnh lực lượng phóng viên lâu năm, có tay nghề là đội ngũ phóng viên trẻ, năng động, sẵn sàng tác chiến bất kể thời gian; được đào tạo cơ bản trong các trường đại học chuyên ngành.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin với công nghệ tiên tiến, các cơ quan báo chí tại TP.HCM đã tăng cường trang bị, đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của tòa soạn và tác nghiệp của phóng viên. Cùng với các loại hình báo chí truyền thống, hệ thống báo điện tử và trang tin điện tử cũng đang phát triển mạnh phục vụ nhu cầu thông tin ngày càng cao của đông đảo các tầng lớp bạn đọc. Các tờ báo lớn của thành phố đều có trang thông tin điện tử. Ngoài tiếng Việt là chủ yếu, các cơ quan báo chí thành phố còn có chương trình phát thanh, truyền hình, bản tin bằng các thứ tiếng khác như tiếng Anh, Pháp, Hoa, Khmer… [5, tr 4].

Những phác thảo này cho thấy TP.HCM là một trung tâm báo chí lớn của cả nước và có nhiều điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai với bối cảnh toàn cầu hóa thông tin.

Một phần của tài liệu Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và công chúng độc giả nữ (nghiên cứu trường hợp độc giả nữ tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 (Trang 26 - 28)