Cách thức đọc báo

Một phần của tài liệu Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và công chúng độc giả nữ (nghiên cứu trường hợp độc giả nữ tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 (Trang 56 - 61)

Cách thức đọc báo là một trong những chỉ báo quan trọng để tìm hiểu hành vi đọc báo của công chúng. Cách thức đọc báo của độc giả phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trình độ học vấn, nhu cầu, thị hiếu, kể cả đặc điểm tâm lý về giới tính, nghề nghiệp. Sự thay đổi trong cách thức đọc phản ánh sự thay đổi

- trang 55 -

về cách tiếp nhận thông điệp. Do đó, khi đã nắm được cách thức đọc báo sẽ giúp tòa soạn định hướng nội dung thông điệp cho công chúng, kể cả lựa chọn phương thức truyền thông điệp cho phù hợp với công chúng của mình. Ví dụ, xu hướng hiện nay là công chúng hiện đại đọc lướt nhanh các nội dung trên tờ báo và chỉ đọc những tin bài gây ấn tượng. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến cách thức truyền thông điệp của các nhà truyền thông. Vì vậy, các tờ báo hiện nay đều giật tít các bài quan trọng ra trang bìa để giới thiệu cho công chúng cùng với hình thức trình bày bắt mắt và ấn tượng để thu hút công chúng. Hoặc đối với công chúng bận rộn, ít thời gian nên chỉ đọc các loại thông tin ngắn nên các tòa soạn cũng rút ngắn thông tin bằng các hình thức: tin vắn, tin ngắn, đọc nhanh… nhằm giúp bạn đọc nắm bắt thông tin chủ yếu chứ không cần đi sâu vào phân tích, diễn giải.

Loic Hervouet mô tả ứng xử của những người đọc báo: “Khi đọc để lấy thông tin, độc giả cốt tìm những chi tiết mà họ cần. Do vậy, hiếm khi người ta đọc một bài báo từ đầu đến cuối, mà vẫn có ấn tượng là đã xem hết cả tờ báo. Độc giả chỉ đọc những gì họ quan tâm trong một bài báo, và khi đã đọc xong những gì đáng quan tâm, họ cho là đọc trọn vẹn bài báo. Trên thực tế, khi cầm tờ báo lần đầu tiên, độc giả giở tờ báo xem từng trang một. Họ xem lướt, chỉ dừng lại lâu hơn ở một vài bài, thường là đọc đầu đề bài báo và lời mào đầu (chapeau), xem ảnh và chú thích ảnh” [49, tr.13]

Để đo lường cách thức đọc Báo Phụ Nữ của độc giả nữ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đưa ra câu hỏi: “Mỗi khi đọc Báo Phụ Nữ, các dì/các chị thường đọc như thế nào?”. Kết quả khảo sát cho thấy: Có 114 người chọn “đọc hết tờ báo”, chiếm tỉ lệ 38%; “Chỉ đọc những mục yêu thích” có 85 người chọn, chiếm tỉ lệ 28,3%; “Đọc lướt, bài nào hay thì đọc kỹ” có 82 người chọn, tỉ lệ 27,3%. (Bảng 10)

- trang 56 -

Bảng 10: Cách thức đọc báo

Cách thức đọc báo Tỉ lệ (%)

Đọc hết tờ báo 38.0

Đọc mục yêu thích 28.3

Đọc lƣớt, bài nào hay thì đọc kỹ

27.3

Tổng cộng 93.6

Không trả lời 6.4

Tổng cộng 100.0

Loic Hervouet cũng cho biết: “Các nghiên cứu về quỹ thời gian cho thấy rằng trong tổng số 6 giờ mỗi ngày dành cho việc tiếp nhận thông tin, trung bình người Pháp chỉ có 36 phút để đọc báo”; “Độc giả của tờ bình dân Bild ở Đức chỉ đọc 1/8 nội dung tờ báo; độc giả tờ Le Monde ở Pháp chỉ đọc 20% nội dung”. “Một cuộc thăm dò thực hiện theo yêu cầu của tờ Ouest France (miền Tây nước Pháp) cho thấy, trong số 410 chi tiết thông tin có trên mặt báo, độc giả chỉ để mắt đến 39 chi tiết, gồm 23 đầu đề và 16 bài báo, họ chỉ đọc 13 bài báo từ đầu đến cuối, thông thường là các bài báo ngắn” [49].

Tỉ lệ về cách thức đọc Báo Phụ Nữ cho thấy sự đa dạng và cần thiết trong từng chuyên trang cũng như sự ổn định về nội dung trong các chuyên trang này. Tỉ lệ trên cũng cho thấy độc giả nữ của Báo Phụ Nữ có thói quen đọc Báo Phụ Nữ khá kỹ và chậm. Việc đọc kỹ và đọc chậm còn có ý nghĩa độc giả muốn thẩm thấu thông tin. Trong xã hội hiện đại và bùng nổ thông tin nhưng việc độc giả nữ đọc hết tờ báo và đọc những mục yêu thích có tỉ lệ cao hơn chỉ số “Đọc luớt, bài nào hay thì đọc kỹ” cho thấy những chuyên trang, chuyên mục trên báo có số lượng độc giả cố định, riêng biệt. Đây cũng là nét

- trang 57 -

khác biệt trong việc thiết kế nội dung thông tin trên Báo Phụ Nữ so với các báo khác cũng như sự khác biệt về đối tượng công chúng của tờ báo thể hiện sự đòi hỏi, mong muốn, sở thích của từng nhóm công chúng độc giả nữ là khác nhau. Như vậy, cách thức đọc Báo Phụ Nữ của công chúng độc giả nữ có sự khác biệt so với cách thức đọc báo trong xã hội hiện đại.

Phân nhóm thống kê theo tuổi cho thấy việc đọc hết tờ báo tăng dần theo độ tuổi. Nhóm tuổi từ 16 - 25 chiếm tỉ lệ 30,3%, nhóm tuổi 26 - 35 có tỉ lệ 34,6%; nhóm tuổi 36 - 45: 44,7%; nhóm tuổi 46 - 55 chiếm 39,7%; nhóm tuổi 56 - 65 tỉ lệ 44,7% và trên 65 tuổi chiếm 48,7%. Trong đó, nhóm tuổi 46 - 55 có tỉ lệ thấp hơn không đáng kể nhưng đánh giá tổng thể, công chúng độc giả nữ càng lớn tuổi mức độ đọc tờ báo càng chậm, kỹ chứ không đọc lướt.

Kết quả cũng cho thấy, độc giả nữ có trình độ càng cao thì việc đọc Báo Phụ Nữ cũng lâu hơn và tăng dần với độ tuổi. Cụ thể, “đọc hết tờ báo” nhóm trình độ tiểu học chiếm 25,8%; nhóm trình độ trung học cơ sở chiếm 29,4%; nhóm trung học phổ thông chiếm 49,2%; nhóm đại học chiếm 39,7% và sau đại học là 66,7%. Tuy nhiên, việc “đọc lướt, bài nào hay thì đọc kỹ” có tỉ lệ nghịch với độ tuổi và trình độ học vấn. Kết quả cho thấy, tuổi càng trẻ thì tỉ lệ đọc lướt càng cao, học vấn càng thấp thì đọc lướt càng nhiều. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của nữ giới và độ tuổi: càng trẻ càng nhanh, vội, độ thấm của thông tin ít hơn. Cụ thể, tỉ lệ “Đọc lượt, bài nào hay thì đọc kỹ” của nhóm tuổi 16 - 25 chiếm 36,4%; nhóm 25 - 35: 36,5%; nhóm 36 - 45 tỉ lệ 25,5%; nhóm 46 - 55 tỉ lệ 28,6%; nhóm tuổi 56 - 65 tỉ lệ 29,8% và trên 65 tuổi chỉ còn 29,2% số người đọc lướt tờ báo. Tương tự, nhóm trình độ tiểu học và trung học cơ sở có tỉ lệ “Đọc lướt, bài nào hay thì đọc kỹ” có tỉ lệ gần ngang nhau là 32,3% và 33,3%; nhóm trung học phổ thông chiếm 23,7%, nhóm đại học là 34,2% và sau đại học có tỉ lệ 16,7%.

- trang 58 -

Trường hợp 3: “Đọc Báo Phụ Nữ tôi không sợ thông tin bị nguội, nhất là các bài viết tư vấn tình yêu, sự đổ vỡ trong hôn nhân. Tôi thường đọc đi đọc lại, có khi vài ngày, vài tuần sau lấy ra đọc tiếp để nghiên cứu cách đặt vấn đề và giải quyết các mâu thuẫn mà không sợ thông tin bị lạc hậu”. (Nữ, 59 tuổi, giảng viên tâm lý, ngụ quận Bình Thạnh)

Trường hợp 4: “Tôi buôn bán bận bịu cả ngày nên lúc nào rảnh là đọc. Những bài viết sâu sắc, gần gũi với đời sống phụ nữ nên tôi có sự đồng cảm, như được “nhỏ to tâm sự”, chia sẻ buồn vui như đang nói chuyện với người bạn vậy”. (Nữ, 31 tuổi, buôn bán nhỏ).

Để tìm hiểu thêm nội dung thông tin trên Báo Phụ Nữ liên quan thế nào đến cách thức đọc báo, chung tôi hỏi bà Lê Huyền Ái Mỹ, phó tổng biên tập phụ trách nội dung Báo Phụ Nữ: “Báo Phụ Nữ đang phải đối mặt với những vấn đề gì trước cuộc cạnh tranh gây gắt với các tờ báo lớn nói chung và báo dành cho nữ giới nói riêng?”. Bà Ái Mỹ trả lời: Chúng tôi xác định tính cạnh tranh không nằm ở việc đưa tin nhanh, thời sự mà có thông tin phải có độ sâu, lắng và thấm. Điều đó đòi hỏi kỹ năng của đội ngũ làm báo trong việc lựa chọn, đưa tin phù hợp với tôn chỉ mục đích và phù hợp với đặc điểm của nữ giới nói chung. Đó là cái khó của sự thách thức nhưng cũng là lợi thế của chúng tôi khi đi sâu phân tích, tìm hiểu và lý giải thông tin ở góc độ tâm sinh lý của nữ giới. Ngày nay, tờ báo nào cũng có trang thông tin về mua sắm, thời trang, làm đẹp, tình yêu, hôn nhân, Báo Phụ Nữ cũng không đứng ngoài mà chủ động đẩy mạnh những thông tin đó nhưng phải có độ lắng, có cái để đọc và đọng lại. Mảng tình yêu, hôn nhân, gia đình luôn là xương sống của Báo Phụ Nữ nhưng chúng tôi chủ trương nội dung quay về những giá trị truyền thống, có những khoảng nghĩ để mức độ thông tin lắng lại với người đọc. Nói cách khác, Báo Phụ Nữ cạnh tranh về chất”. (Xem phụ lục số 2)

- trang 59 -

Một phần của tài liệu Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và công chúng độc giả nữ (nghiên cứu trường hợp độc giả nữ tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)