Đối tượng độc giả nữ bàn bạc, trao đổi thông tin

Một phần của tài liệu Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và công chúng độc giả nữ (nghiên cứu trường hợp độc giả nữ tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 (Trang 83 - 85)

Trong quá trình truyền thông, công chúng thường chia sẻ, trao đổi thông tin với những người có đồng quan điểm, những người gần gũi, thân mật hoặc có quan hệ như hàng xóm, họ hàng, đồng nghiệp… Việc trao đổi, bàn luận này phản ánh cơ chế lây lan thông tin qua giao tiếp liên cá nhân. Những

- trang 82 -

nhóm công chúng nhỏ này ảnh hưởng tới cách thức tiếp nhận và lý giải thông tin của cá nhân và ảnh hưởng tới thái độ, các ứng xử của họ đối với thông tin.

Với câu hỏi: “Các dì/các chị chia sẻ thông tin từ Báo Phụ Nữ với ai?”. Đây là câu hỏi có nhiều lựa chọn trả lời, chúng tôi nhận được kết quả: (Hình 7)

Hình 7: Đối tượng bàn luận, trao đổi thông tin

Kết quả, việc trao đổi, bàn bạc thông tin của Báo Phụ Nữ với những người trong gia đình có vai trò quan trọng nhất và chiếm tỉ lệ cao nhất là 74,4%. Nghiên cứu của Nguyễn Thu Giang cho thấy nam giới chọn bạn bè để bàn luận tin tức trong khi nữ giới tìm đến người thân trong gia đình để bàn luận. Việc trao đổi thông tin với đồng nghiệp vì có quan điểm gần tương đồng, không gian gần gũi và thuận tiện trong giao tiếp liên cá nhân. Tỉ lệ trao đổi, bàn bạc thông tin với đồng nghiệp của công chúng độc giả nữ xếp vị trí thứ hai với tỉ lệ 42,4%. Trao đổi hàng xóm (37,4%) và với những người có cùng mối quan tâm (36,7%) có tỉ lệ tương đối gần nhau. Báo Phụ Nữ là tờ báo của Hội Phụ Nữ nên nhóm công chúng làm công tác Hội, có cùng mối quan tâm cũng dễ dàng tìm gặp nhau ở nhiều vấn đề để bàn bạc, trao đổi, chiếm tỉ lệ 31%. Kết quả cũng cho thấy tỉ lệ chọn lãnh đạo để bàn bạc, trao đổi thông tin là rất thấp, tỉ lệ 4,9% và chỉ có 3,9% không chia sẻ. Kết quả này một lần

- trang 83 -

nữa cho thấy đặc điểm giới có tương tác với hoạt động theo dõi và phát tán thông tin. Việc trao đổi, bàn bạc này cũng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của nữ giới với những đặc điểm như thích trò chuyện, bàn bạc, rỉ tai về những mối quan tâm chung.

Về tuổi tác, độc giả nữ nhóm tuổi trên 65 tuổi có mức độ chia sẻ, bàn bạc thông tin cao nhất, mức độ này tỉ lệ thuận khi phân nhóm theo nghề nghiệp, có 75,9% cán bộ hưu trí chia sẻ thông tin trên Báo phụ Nữ. Nhóm tuổi 16 - 25 có tỉ lệ chia sẻ thông tin ít nhất, tỉ lệ 56,8% . Phân nhóm theo trình độ học vấn, tỉ lệ chia sẻ thông tin cao dần theo trình độ học vấn. Cụ thể: Nhóm trình độ tiểu học có tỉ lệ chia sẻ thông tin: 10,5%; trung học cơ sở: 14,5%; trung học phổ thông: 33,3%; đại học: 38,2%, sau đại học: 50%. Điều này cho thấy mức độ thẩm định thông tin để chia sẻ phù thuộc vào trình độ học vấn, học vấn càng cao mức độ chia sẻ thông tin càng nhiều.

Như vậy, giao tiếp trong gia đình của công chúng độc giả nữ của Báo Phụ Nữ có vai trò quan trọng nhất, chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số mẫu điều tra (74,4%), chia sẻ thông tin trong quan hệ đồng nghiệp chiếm vị trí thứ hai với 42,4% và giao tiếp với hàng xóm chiếm tỉ lệ khá cao là 37,4%. Việc lựa chọn đối tượng để chia sẻ thông tin phản ánh khá rõ nét đặc điểm giới tính của phụ nữ. Gia đình - đồng nghiệp - xóm làng vẫn là trục chính trong mối quan hệ của nữ giới và vai trò của người phụ nữ Việt Nam dù thời đại nào cũng có những ảnh hưởng nhất định trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Một phần của tài liệu Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và công chúng độc giả nữ (nghiên cứu trường hợp độc giả nữ tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)